Binh nhì Giêm, hãy cho tôi biết anh nghĩ gì khi nhìn đống gạch nài?
- Thưa trung úy, tôi nghĩ đến một công trường với những bức tường vững chắc.
- Tốt, binh nhì Sì Mít, anh nghĩ gì khi nhìn đống gạch nài?
- Thưa trung úy, tôi nghĩ đến một ngôi nhà ríu rít tiếng trẻ thơ!
- Tốt, rất lãng mạn. Thế còn binh nhì Dôn, anh nghĩ sao?
- Thưa, tôi nghĩ đến liền bà.
- Hả? Sao nhìn đống gạch anh lại nghĩ đến liền bà?
- Vì lúc nào tôi cũng nghĩ đến liền bà!
Đoóng gạch cụ nhỉ
Đam mê không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác…
Tôi nhớ không lầm, thì đó là vào những năm 1990, cả làng tôi chỉ có đúng hai cái tivi: một của nhà chú Uy làm bí thư xóm, một của lão Trọng bán thịt chó ngoài chợ. Những đợt có bóng đá, chúng tôi hay xem ở nhà chú Uy, vì chú thường bê tivi để ra ngoài hiên, ngay trước cái sân rộng mênh mông, chúng tôi tha hồ ngồi, khỏi lo tranh giành, giữ chỗ. Phía góc sân nhà chú còn có cái bể nước mưa to như cái bể phốt, đang xem mà khát nước cứ tự nhiên ra đó vục gáo dừa múc lên mà tu ừng ực.
Nhưng có một điều hơi bực là chú Uy lại cứ kê một hàng gạch ở ngay chỗ đầu sân, đoạn gần cái tivi. Đứa nào đến sớm sẽ ngồi hàng đầu, và ngồi lên mấy viên gạch đó, thành ra những người đến sau và ngồi sau rất khó xem – do cái bọn đằng trước ngồi cao quá. Vậy là ai đến sau, muốn xem ngon lành, thì phải đi kiếm gạch. Kiếm cũng dễ thôi, chỉ cần ra cái sân kho ở ngay đó, có đống gạch tập kết của xã dùng để xây nhà tình thương cho mấy cụ già neo đơn, rồi cứ việc khuân về. Tất nhiên, lúc xem xong, đứa nào cũng nhấc mông chuồn thẳng, chả đứa nào thèm ở lại dọn dẹp cái đống gạch vứt ngổn ngang, bừa bãi trên sân.
Ấy thế mà chú Uy rất hiền, không hề mắng mỏ than phiền. Hôm nào cũng vậy, đợi mọi người đứng dậy bỏ về hết, chú lại một mình cặm cụi dọn dẹp, xếp những viên gạch gọn gàng thành một đống phía sau hồi…
Cứ vậy cho đến khi chú Uy đủ gạch để xây nhà là thôi: chú bê con mẹ nó tivi cất luôn vào trong buồng, đóng chặt cửa, khóa kín cổng, buộc thêm con chó to bằng nửa con lợn sề ngồi chễm trệ ngay đầu ngõ há mồm lưỡi thè lè.
Thế là chúng tôi đành chuyển qua xem nhờ ở quán thịt chó của lão Trọng ngoài chợ. Lão Trọng này thì rất thoải mái, vô tư, không hề lợi dụng chúng tôi để kiếm gạch xây nhà, mọi người đến xem cứ việc ngồi bệt xuống nền, tivi lão để trên cái nóc tủ cao, ai cũng xem được cả. Nhưng vẫn có cái bực: ấy là lão cứ nhè lúc anh em đang xem là lão hấp thịt chó rồi nấu rựa mận thơm lừng, xong lão múc một bát, bê ra bàn, một mình ngồi, vừa ăn nhóp nhép, vừa uống rượu khà khà…
Nhìn cảnh đó, anh em ai cũng thèm ứa nước miếng cả. Bởi hồi ấy, làng tôi hầu như nhà nào cũng đói, bữa cơm vẫn còn độn sắn, độn khoai, cũng chả lấy đâu ra giò chả thịt thà, hôm nào sang lắm thì có vài con tôm con cá bắt ngoài ruộng ngoài sông, còn không chỉ ăn với nước mắm suông, chấm cùng mớ rau muống rau lang mọc tràn lan ngoài bụi ngoài đồng.
Lão Trọng hẳn là biết điều đó, nên lão nhiệt tình mời các anh em lần lượt đứng dậy, lại chỗ lão, mỗi người cắn một miếng rựa mận, nhấp một hớp rượu quê nồng, gọi là cho có tí không khí, của ít lòng nhiều. Cái thứ rựa mận và rượu quê này, với chúng tôi khi ấy, chả khác gì một ả đàn bà đẹp: thà ả cứ kiêu căng, cứ xa tầm với đi, thì có khi chúng tôi cũng chả dám mong gì, đằng này, ả lại gọi chúng tôi tới, lả lơi cho chúng tôi xoa mông, vuốt đùi một cái, xong rồi thôi, đâm ra chúng tôi lại càng thấy thòm thèm, rạo rực trong người…
Và lão Trọng hẳn là lại biết điều đó, nên lão ngửa cổ, quẳng miếng rựa mận vào mồm, vừa nhai nhồm nhồm, vừa bảo: “Anh em thích thì góp tiền, năm bảy người ăn chung một bát, uống cùng một chai, có đáng bao nhiêu đâu! Tiền bạc không cần phải nghĩ! Cứ ăn đi! Không trả hôm nay thì hôm mai trả, không trả bằng tiền thì trả bằng thóc lúa ngô khoai, đều được cả!”.
Anh em nghe vậy thì kẻ dứt khoát, người tư lự, nhưng rồi cuối cùng, gần như tất cả đều đã đứng dậy, ngồi vào bàn. Thế là lão Trọng mang rượu, bưng đồ nhắm ra cho từng đám, và cả lũ cắm đầu ăn nhoàm nhoàm. Nhưng riêng tôi vẫn ngồi dưới đất, bởi tôi lúc đó chửa làm ra tiền, cũng chả biết kiếm đâu ra thóc lúa ngô khoai mà trả cho lão Trọng, nên tôi không dám. Thấy thế, anh Tính – còn gọi là anh Tính “phong” – mới kêu tôi lên ngồi ăn cùng anh. Tôi còn đang băn khoăn thì anh đã phẩy tay: “Không lo! Cứ ăn đi! Tiền anh trả!”.
Anh Tính “phong” là hàng xóm nhà tôi. Gọi là hàng xóm thôi, chứ vẫn cách nhau cái vườn chuối rộng phải ngang cái sân vận động Hàng Đẫy. Cái vườn chuối ấy ngoài chức năng lấy quả để bán, lấy thân để nấu cám, thì còn là chỗ trú râm của mấy bà mấy cô làm đồng gặp hôm nắng nóng, và nó đồng thời cũng là cái nhà vệ sinh công cộng lớn nhất làng tôi: ai đang đi cấy đi cày, hoặc có việc tình cờ qua đây mà chẳng may mót quá thì cứ việc chui vào vườn tụt quần tự nhiên ngồi ỉa. Nếu may mắn ngồi gần chỗ nào có cái buồng chuối rủ xuống ngang thân, và đang có quả chín cây thì có thể với tay vặt ngay, vừa ỉa vừa ăn, rất hay!
Sáng hôm ấy, như thường lệ, tôi dậy chạy thể dục vòng quanh thôn. Lúc qua vườn chuối, nghe có tiếng động lạ, tôi rón rén ngó vào, thì thấy anh Tính “phong” đang lúi húi chặt chuối. Tôi hỏi sao chặt sớm thế, thì anh bảo: “Tranh thủ vợ anh còn đang ngủ! Thôi, khiêng cùng anh ra quán lão Trọng cho nhanh! Kẻo vợ anh biết, nó giết!”. À, hóa ra buồng chuối này là để trả cho bữa rựa mận anh mời tôi đêm hôm trước.
Đến trưa, tôi thấy vợ anh Tính “phong” đứng ở chỗ đầu vườn chuối mặt hầm hầm, hai tay chống hông, mồm chửi ông ổng thằng nào mất dạy, cái buồng chuối chị để thắp hương cụ ngoại mà nó cũng nỡ lòng cắt trộm. Anh Tính đứng ngay cạnh vợ, nghe vợ chửi thì chỉ cúi mặt lầm lì, chả nói gì. Thấy chị chửi một mình cũng tội, nên tôi cũng miễn cưỡng góp lời gọi là an ủi chị một câu cho có lệ: “Chuối để thắp hương giỗ cụ mà nó cũng chặt trộm được thì đúng là quân súc vật! Cầu trời cho nó ăn cái quả chuối trộm cắp ấy vào, nó tắc cổ chết bà nó đi chị nhỉ!”.
Đêm đó, lúc hai anh em đi bộ ra quán lão Trọng xem bóng đá, tôi quay sang anh hỏi nhỏ: “Em chửi anh là súc vật, với cả rủa anh chết tắc cổ, anh có giận em không?”. Anh Tính “phong” cười, xua tay: “Giận gì! Mày chửi anh thì anh chỉ nhục tí là xong thôi, còn hơn để vợ anh nó nghi ngờ, rồi biết chuyện, thì nó đánh cho anh nhập viện! Với cả cái vụ ăn chuối tắc cổ chết thì anh có ăn đâu mà sợ!”.
Rồi anh Tính chỉ tay vào chỗ túi quần anh đang phùng lên, u thành một cục to bự, dài dài, hỏi: “Đố mày biết cái gì đây?”. Tôi đáp: “Chim”. Anh bảo: “Chuẩn”, rồi anh móc chim ra cho tôi xem: một con chim bồ câu mới ra ràng, lông còn lún phún, anh vừa ăn cắp được của vợ. Vậy là tôi yên tâm đêm đó chúng tôi sẽ lại được ăn thịt chó…
Đến khoảng những năm 2000 thì làng tôi nhà nào cũng có tivi – dù chỉ là ti vi màu màn hình lồi. Rồi lại lên đời sang màn hình phẳng, full HD, rồi là màn hình cong, UHD… Cho đến bây giờ, thì tivi có vẻ như đã bão hòa, và khi Internet lên ngôi, thì người ta đã không còn mặn mà với tivi nữa, cũng là quy luật dễ hiểu và tất yếu trong cuộc, bởi chỉ với chiếc điện thoại được kết nối 3G, là người ta đã có thể xem tivi mọi lúc mọi nơi với rất nhiều kênh và chương trình hấp dẫn…
Đam mê xem tivi không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác… giống như câu chuyện tôi vừa kể ở trên !
Tác giả : Võ Tòng Đánh Mèo