Em vừa nghiên cứu đó là giai đoạn tiếp theo sau hiệp ước Pháp Thanh 1887, giai đoạn 1895 cơ các cụ.
Tính đến 1895 , phần lãnh thổ của 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu thuộc về Việt Nam. Vùng đất mà các chính quyền trước chưa bao giờ quản lý. Việt Nam mất đi Trấn Ninh nhưng lại có thêm vùng đất này. Mọi sự định đoạt đều do người Pháp.
BIÊN GIỚI TÂY BẮC QUA HIỆP ƯỚC PHÁP — THANH P2
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Sau khi cơ bản bình định được vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ, năm 1887 thực dân Pháp hình thành Liên bang Đông dương gồm 3 xứ của Việt Nam và Cao Miên. Để khẳng định phạm vi ảnh hưởng của mình và loại trừ ảnh hưởng của Mãn Triều khỏi vấn đề Việt Nam, năm 1887 thực dân Pháp và triều đình phong kiến Mãn Thanh đã thỏa thuận với nhau và đi đến ký kết Hiệp ước Pháp - Thanh (hay còn có tên là Công ước Constans 1887).
Công ước Pháp-Thanh năm 1887 được thực hiện giữa Pháp và nhà Thanh nhằm thi hành Điều khoản 3 của Hòa ước Thiên Tân mà hai bên đã ký năm 1885. Nội dung của công ước này nhằm phân chia lại đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc.
Trong quá trình hai bên tiến hành phân chia đường biên giới; đại diện nhà Thanh là Lý Hồng Chương đã nói với với Đô đốc Pháp Rieunier: nước Pháp đã đạt được nhiều quyền lợi khi chiếm được Bắc Kỳ, một nước chư hầu của Trung Hoa 600 năm nay; việc này là nhờ trung gian của tôi. Nó đã gây cho tôi nhiều phiền phức; tôi nghĩ rằng một sự đền bồi dưới dạng nhượng vài vùng đất nhỏ trên vùng biên giới là cần thiết.
Thực dân Pháp nghe nói và cũng muốn để cho Trung Hoa công nhận sự chiếm đóng Bắc Kỳ của Pháp và không gây khó khăn trong quá trình xác lập chế độ thuộc địa ở Đông Dương nên đã nhân nhượng và thực hiện như sau:
Biên giới trên đất liền, Pháp đồng ý:
1. Cắt 3/4 đất tổng Tụ Long thuộc tỉnh Hà Giang, có diện tích 750km2 cho tỉnh Vân Nam - Trung Quốc
2. Cắt 9 xã rưỡi thuộc tổng Kiền Duyên và Bát Tràng thuộc tỉnh Quảng Yên cho tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc.
Thực tế chúng ta cũng cần phải thấy được sự nhượng bộ của Pháp không phải chỉ có vậy, mà theo bản đồ địa giới Bắc Kỳ năm 1879 (khi đó lấy sông Dương Hà hay còn gọi là sông An Nam Giang làm biên giới giữa tỉnh Quảng Yên và tỉnh Quảng Đông) toàn bộ vùng đất gồm các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường thuộc tỉnh Lai Châu; các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Tủa Chùa của tỉnh Điện Biên là thuộc Bắc Kỳ.
Thế nhưng, sau khi Hiệp ước Pháp - Thanh được kí kết (1887) thì biên giới nước ta bị chuyển xuống phía nam, lấy cửa sông Bắc Luân ở Hải Ninh (Móng Cái) làm địa giới, cho nên toàn bộ vùng đất gồm các huyện Mường Tè, Phong Thổ,Sìn Hồ, Tam Đường thuộc tỉnh Lai Châu; các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Tủa Chùa của tỉnh Điện Biên lại thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) quản lý.
Sau khi Hiệp ước Pháp - Thanh (1887) được ký kết, vấn đề nhà Thanh với Bắc Kỳ được giải quyết, thực dân Pháp có điều kiện để tập trung bình định nốt phần đất còn lại ở thượng du Bắc Kỳ (Tây Bắc) năm 1888 và hoàn tất vào năm 1896. Năm 1900, thực dân Pháp sát nhập Quảng Châu Loan vào Bắc Kỳ (Quảng Châu Loan là vùng đất phía đông của bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc trở thành tô giới của Pháp từ 1898; sau Hiệp định Hoa - Pháp ngày 28/2/1946, vùng đất này lại được trả lại cho quân Tưởng). Tới năm 1893, thực dân Pháp tiếp tục gây chiến với Xiêm La (Thái Lan) tranh quyền kiểm soát các vùng đất của Lào, kết quả thực dân Pháp thắng và đã hợp nhất các vùng Thượng Lào (Luang Pha-bang), Trung Lào (Viên-chăn) và Hạ Lào (Chăm-pa-xắc) thành một xứ Ai Lao thuộc Liên bang Đông Dương vào năm 1893.
Trong thời kỳ này, thực dân Anh cũng đã đưa toàn bộ Miến Điện vào thuộc địa của mình, thực dân Pháp lúc đó xem Xiêm là một đồng minh của Anh nên lo ngại ảnh hưởng của Anh sẽ lan đến vùng Tây Bắc, Bắc Kỳ. Kết hợp với Trung Hoa trên đà suy yếu sau khi bại trận trước Nhật trong cuộc Chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất (1894 - 1895 hay còn gọi là chiến tranh Giáp Ngọ). Thực dân Pháp tận dụng thời cơ đó ép nhà Thanh phân chia lại đường biên giới ở phía Tây Bắc (Bắc Kỳ) với Vân Nam
Việc đàm phán ngay lập tức được tiến hành và kết quả, vào ngày 20 tháng 06 năm 1895, tại Bắc Kinh đại diện của thực dân Pháp ở Trung Hoa là Đại sứ Gérard và đại diện Trung Hoa là Hoàng Thân Kinh - Chủ tịch Tổng lý Nha môn đã ký kết bản Công ước Pháp - Thanh (hay còn có tên gọi Công ước Gérard 1895) để phân chia lại đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Vân Nam, nhằm bổ túc cho Công ước Pháp - Thanh năm 1887
Theo bản Công ước (1895), Pháp đã đưa ra hai đường biên giới với nhà Thanh, một là đường biên giới Bắc Kỳ - Vân Nam và hai là đường biên giới Ai Lao - Vân Nam:
+ Đường biên giới Bắc Kỳ - Vân Nam gồm phần lớn vùng đất các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường thuộc tỉnh Lai Châu; các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Tủa Chùa thuộc tỉnh Điện Biên bị cắt cho Vân Nam quản lý (1887) lại được chuyển trả về cho Bắc Kỳ như cũ.
+ Đường biên giới Ai Lao - Vân Nam: Toàn bộ tỉnh Phong-sa-lì hiện nay của Lào, lúc đó đang thuộc Vân Nam quản lý chuyển về lãnh thổ của Ai Lao.
Như vậy, đường biên giới tiếp giáp giữa Tây Bắc (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về cơ bản được xác định ổn định, cụ thể bao gồm toàn bộ địa giới của các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường thuộc tỉnh Lai Châu; các huyện Mường Chà, Mường Nhé thuộc tỉnh Điện Biên; còn phần thuộc tỉnh Lào Cai, một phần của Hà Giang không có biến động nhiều. Công ước Pháp - Thanh (1895) cũng chính là văn bản có tính pháp lý quan trọng để phân định lãnh thổ giữa nước ta với Trung Quốc về sau này.
TS. Phạm Văn Lực (Đại học Tây Bắc)
Như vậy, tính đến 1895 , phần lãnh thổ của 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu thuộc về Việt Nam. Vùng đất mà các chính quyền trước chưa bao giờ quản lý. Việt Nam mất đi Trấn Ninh nhưng lại có thêm vùng đất này. Mọi sự định đoạt đều do người Pháp.