[Funland] Mẹ tôi là một cô dâu Việt Nam được mua với giá 2800 tệ

LiangPing

Xe đạp
Biển số
OF-702792
Ngày cấp bằng
4/10/19
Số km
17
Động cơ
95,914 Mã lực
Tuổi
31
Mẹ tôi là một cô dâu Việt Nam được mua với giá 2800 tệ
Tác giả: Trương Thang Viên
Nguồn : http://renjian.163.com/18/1123/14/E1A9H6RF000187OQ.html?fbclid=IwAR1Zf2gAE3cffZzsvxxmavb1T9gkrL_T-5wCL9yOEDL0zPbiNUopKGoR2p4
_______________
26 năm trước, nếu như mẹ tôi không bị người ta lừa bán đi, nếu mẹ chạy thoát khỏi nông trại ấy, nếu mẹ được gả cho một người đàn ông có gia cảnh khấm khá hơn một chút, nếu như mẹ ngốc nghếch hơn một chút, yếu đuối hơn một chút... Phải chăng cuộc sống của mẹ đã có thể tốt đẹp hơn bây giờ?

1.
Mẹ tôi là người Việt Nam.
Năm 1992, lúc 19 tuổi mẹ bị bọn buôn người ở biên giới Trung Việt lừa bán sang đây, làm vợ cho bố tôi - người đàn ông hơn mẹ 12 tuổi. Mọi người trong nhà thường hay gọi mẹ là "A Mai", nhưng thi thoảng họ vẫn lén gọi sau lưng bà rằng, “con Mai Việt Nam”.

Từ lúc bắt đầu có ý thức hiểu chuyện, tôi hiếm khi hỏi mẹ về những chuyện ở Việt Nam bởi sợ bà dâng lên cảm giác nhớ nhà. Đôi lúc lỡ miệng, tôi cũng chỉ hỏi chung chung về tình hình bên nhà ngoại.

Từ những lời kể rời rạc, tôi chắp vá sơ lược được quãng thời gian thiếu nữ của mẹ.

Ông ngoại tôi là thợ rèn, thu nhập kha khá, nhà cũng dư dả nên có cả một vườn trồng đầy những hoa. Bà ngoại tôi làm nội trợ, sinh cả thảy được 10 đứa con. Mẹ tôi xếp thứ 8 trong nhà, tính vốn cứng rắn. Ở trường ai mà dám ăn hiếp cậu tôi, mẹ sẽ chạy tới đá cho người ta một cái, nhỡ mà đánh không lại thì cứ cầm gạch mà phang qua.

Lên cấp 2, mẹ tôi sẵn đang lười học lại bị chị dâu dùng 1kg nhãn dụ dỗ, thế là quyết định ở nhà chăm cháu cho anh chị. Nhà đông anh chị em, mẹ luôn có cảm giác bản thân bị “ra rìa” thế nên lòng cứ khăng khăng nghĩ đến chuyện sớm được tự lập. Vừa hay tin bà chị họ bảo rằng sẽ giúp mình sang Trung Quốc làm thuê làm mướn, mẹ dỗi hờn nên chẳng thèm báo ông bà ngoại đã vượt biên đi mất. Mãi sau này mới hay, bà chị đấy ban đầu định đưa mẹ tôi đến biên giới rồi lừa giao cho lũ buôn người. Chẳng ngờ ngay cả chị ta cũng mắc bẫy, cả hai người ngồi xe rất lâu, cùng bị bán đến một nông trại ở biên giới. Nông trại này vốn là nơi nương nhờ khi về nước của các kiều bào Việt Nam gặp nạn, sau lại trở thành nơi tập kết của các “cô dâu Việt Nam”.

Tương tự như những “đồng hương” bị chuyển từ biên giới đến nông trại này, vật dụng tùy thân của mẹ bị người ta lấy đi tất. Trên người chẳng có lấy một xu, chữ nghĩa lại không biết, họa may có cánh bay thì mới thoát được.

Có khoảng 7-8 người phụ nữ bị lừa bán đến đây. Cứ cách một thời gian, có người bị bán đi thì sẽ có người mới được mua về bổ sung lại. Bọn họ có người chỉ mới 18-19 tuổi như mẹ, cũng có mấy cô dì đã hơn 40 tuổi và cả mấy cô bé chỉ mới 13-14 tuổi. Đối với những kẻ đến "mua vợ", họ đều là "cô dâu Việt Nam" bất kể tuổi tác có lớn nhỏ ra sao.

Nếu "cô dâu Việt Nam" nào ngang bướng không chịu gả đi, chủ nông trại sẽ lôi họ ra một góc, đánh cho tới nào khi ngoan ngoãn thì thôi. Lắm khi cảnh sát đến kiểm tra, những lần như thế chủ trang trại sẽ giấu mẹ và mấy người bọn họ vào một cái tủ treo quần áo cỡ lớn, hùng hổ dọa, "Nhỡ mà bị phát hiện thì bọn mày cũng phải ngồi tù đấy!" khiến họ sợ đến nỗi ngồi im thin thít.

Lúc mới đầu bị giam lỏng ở nông trường, mẹ cũng từng nghĩ "Thôi thế này là xong đời rồi". Nhưng ở lâu dần, cuộc sống chẳng ra người ra dáng này lại khiến ham muốn tự do trong bà trỗi dậy. Mẹ bắt đầu tìm kiếm cơ hội để trốn thoát, "Dù có thế nào thì cũng phải trốn khỏi đây trước rồi mới tính tiếp".

2.
Lần đầu tiên gặp mặt bố, mẹ đã ở nông trại đợi tròn 3 tháng trời.

"Bác họ của con ban đầu định chọn cho bố cô nào trông đẫy đà một tí, nhưng ông ấy không ưng mà chọn ngay mẹ", lúc thốt ra câu này, tôi cũng chẳng rõ mẹ đang thật sự tự hào hay bấm bụng nhìn nhận như thế nữa. Khi ấy, bà quyết định sẽ rời khỏi nông trại cùng bố. "Mẹ vốn định trở về cùng ông ấy, sau đó trộm tí tiền rồi trốn luôn".

Trong xóm cũng có nhiều cô dì đều là người Việt Nam như mẹ. Có người phải gả cho ông cụ râu ria bạc trắng, người lại phải lấy một gã khuyết tật không đi lại được. So tới so lui, tính ra bố tôi lớn hơn mẹ một con giáp, lại khỏe mạnh lành lặn cũng coi như là sự lựa chọn tương đối rồi, chỉ trừ mỗi một việc - nghèo.

"Nghèo đến một cái ghế đẩu cũng chẳng có con ạ, so với nhà ông bà ngoại thì thua xa. Về đấy được hai hôm, bà nội con gửi 50 tệ cho bác gái, dẫn mẹ đi hết hai tiếng đồng hồ đường núi để lên thị trấn mua một cái quần tây và bộ đồ lót, gọi là quần áo mới dùng khi kết hôn", mẹ miêu tả tình cảnh khi trở về xóm cùng bố năm ấy. "Cũng chẳng có nghi thức hôn lễ gì, cứ thế mà ăn một bữa cơm thôi".

Người mà mẹ quen biết đầu tiên trong xóm là dì Nguyễn, cũng đến từ Việt Nam như mẹ. Dì Nguyễn tuổi xêm xêm mẹ nhưng đã đến đây trước bà cả một năm. Bố mẹ dì Nguyễn ở Việt Nam, người thì dạy học người lại là công chức. Nhắc đến chuyện cũ, dì luôn bảo, "Ở đây thua xa nhà em nhưng còn cách nào khác đâu chị ơi! Mấy gã buôn người cầm dao đe dọa, bắt em phải đồng ý gả đi. Ở ngay ruộng bắp phía dưới kia kìa, làm em sợ khóc um cả lên".

Có lẽ do hoàn cảnh gia đình giống nhau nên mẹ rất dễ đồng cảm với dì Nguyễn. Nhà ông ngoại vốn ở gần biển, cá tôm là món quen thuộc ngày xưa mẹ hay ăn. Vậy mà từ khi đến đây, một ngày hai bữa, nếu không sắn khoai thì lại phải húp cháo. Ăn uống đạm bạc khiến mẹ không chịu nổi, lại thêm ở nơi lạ nước lạ cái, nửa đêm bà lên cơn sốt dồn dập nhưng không cách nào đến viện được. Bà nội dựa theo bài thuốc dân gian, đi qua phòng bếp bắt một lúc 7-8 con gián rồi nghiền nhuyễn, hòa với nước nóng cho mẹ uống. Sau đó mẹ còn bảo, lúc bé khi tôi lên cơn sốt, bà cũng học theo bài thuốc này chữa cho tôi.

Thuở ban đầu bố mẹ ở chung, hoàn toàn là kiểu mạnh ai người nấy sống. "Bố con ngày nào cũng chạy xe máy cày lên thị trấn chơi đến tối mờ tối mịt mới mò về. Về thì mẹ đi xách nước cho ông ấy tắm, rồi mới ăn cơm. Bà nội con ấy, sai 3 đứa nhóc nhà bác cả canh chừng mẹ, đi vệ sinh cũng phải nhìn không rời mắt."

Tuy nhiên mẹ cũng chẳng buồn bận tâm những điều ấy. Mẹ đồng ý làm vợ của bố, trước là để thoát khỏi nông trại, sau là chờ thời cơ trốn về Việt Nam. Bởi thế nên dù chỉ mới tới xóm 3 tháng, mẹ đã học được kha khá tiếng phổ thông. "Mẹ nghe người ta nói chuyện rồi học từng tí một. Không biết tiếng thì làm sao trốn hả con?"

Sau đó, mẹ định thực hiện kế hoạch "ôm tiền bỏ trốn". Ai ngờ lật hết mấy góc giường của bố chỉ thấy vài tờ giấy trắng cùng mấy gói thuốc lá. Mẹ hỏi xin tiền bà nội, bảo là cần lên thị trấn mua ít đồ. Bà nội bảo: "Mua gì mà mua? Chẳng còn xu nào hết! Có bao nhiêu tiền thì đã dùng để mua cô về mất rồi!"

Mẹ nói, bà nội bảo vậy cũng nửa thật nửa giả mà thôi. Ông nội mất sớm, một tay bà nội nuôi ba cậu con trai và hai đứa con gái khôn lớn trong những năm đó quả thật không dễ dàng gì. Sau khi các con trưởng thành, bà nội đem tất thảy của cải tích góp trong nhà giúp bác trai cưới bác gái ở xóm bên cạnh. Còn 2800 tệ mà bố dùng để mua mẹ là tiền ông ấy đi vay mượn, khoản nợ này sau đó mẹ đã tự mình trả hết bằng cách trồng lạc (đậu phộng) đem bán.
Thế nên sau này mẹ vẫn thường hay bảo chúng tôi rằng, "Mẹ tự mua chính bản thân mình về làm vợ cho bố các con".

Kế hoạch trộm tiền thất bại, mẹ cũng chẳng biết phải làm sao.

Mẹ bảo, xóm bên cạnh có dì Lan cũng đến từ Việt Nam, lúc mới về đây cứ khóc lóc đòi đi nên bị giam lỏng trên gác. Dì Lan tháo màn, một đầu cột trên cửa số, đầu còn lại vứt ra bên ngoài rồi đu theo dây mà trèo xuống. Nhưng khốn nỗi chạy đến trạm trung chuyển, dì Lan không biết nói tiếng phổ thông nên bị tài xế bản địa đoán được lai lịch, từ chối cho dì lên xe. Thế là dì Lan lại bị bắt về, tiếp tục giam lỏng trên gác.

Người trong xóm khi ấy quan niệm rằng, chỉ khi sinh con và trở thành mẹ, mấy "con nhỏ Việt Nam" mới được đối xử như một con người thật sự chứ chẳng còn bị xem như là một món hàng được mua đứt về bằng tiền. Dì Lan sau này cũng bởi vì không sinh được em bé nên lại bị bán đi mất. Trước khi mẹ mang bầu anh tôi, bố và họ hàng cũng từng có ý định bán bà đi chỗ khác. "Lâu vậy mà vẫn chưa có thai, mẹ còn tưởng là tịt luôn rồi chứ".

Sau khi chứng kiến chuyện của dì Lan, điều duy nhất mà mẹ năm 19 tuổi có thể làm chính là - đợi thêm chút nữa. Lần đợi này, chính là đợi anh trai và tôi ra đời.

3.
Tháng 5 năm 1994, anh trai tôi ra đời. Bên cạnh không có bác sĩ cũng chẳng có hộ lý, chỉ có một bà đỡ và một cây kéo dưới bóng đèn vàng lập lờ. Ba ngày sau khi sinh, mẹ đã ra giếng múc nước giặt quần áo. Bởi vì bà nội bảo, không thể đụng vào đồ của đàn bà sau sinh.

Hai năm sau, vẫn là cây kéo ấy cắt đứt cuống rốn của tôi. Trước khi tôi ra đời vốn dĩ còn có thêm một người anh nữa, nhưng vì lúc mang thai mẹ còn đi cuốc đất nên sinh non rồi mất.
Mẹ bảo, lúc tôi ra đời nhà bị cúp điện, bố lại chẳng có ở nhà. Đến khi về, nghe người ta báo là con gái, ông lại càng không vui. Bà nội không cho bố vào phòng có trẻ mới sinh nên lúc mẹ nhờ bố đốt thêm đèn, ông chỉ đứng ở ngoài cửa giơ tay ra rồi bảo, "Ra mà lấy đi".

Sinh chúng tôi xong cũng chẳng đồng nghĩa với việc mẹ sẽ được đối xử bình đẳng hơn xưa.
Có lần, bác gái nhà hàng xóm rảnh rỗi sang nhà tôi chơi, đương lúc nói chuyện bỗng dưng quay sang hỏi tôi rằng, "Mẹ cháu là người Việt Nam đấy. Cháu có cảm thấy xấu hổ không?".

Tôi sững người kinh ngạc, mẹ tôi đang đứng một góc cũng bất giác thẳng lưng lên nhìn sang. Tôi quên mất lúc ấy mình đã trả lời bác gái thế nào. Chỉ biết sau này, mẹ vẫn hay hỏi tôi câu đấy. Tôi biết, những lời ấy tựa như tảng đá đặt nặng trong lòng bà.

Với tôi mà nói, mẹ cũng giống như bao bà mẹ khác trên đời. Mỗi sáng mẹ đều tết bím tóc xinh xinh cho tôi. Không có tiền mua đồ chơi cho chúng tôi, mẹ lại dùng nan tre đan thành hình người nho nhỏ để tôi chơi trò "gia đình". Mùa hè mẹ sẽ mang chiếu cói trải ra sân nằm, nhìn tôi và anh trai đuổi bắt đom đóm cho đến tận khuya. Dĩ nhiên lúc tôi và anh phá phách vẫn sẽ bị mẹ la rầy.

Chỉ những lúc họ hàng gọi mẹ là “con nhỏ Việt Nam” đấy, tôi mới chợt nhớ ra, mẹ mình vốn là một “người Việt Nam được mua về”.

Hồi bé, tôi thường nghe trong xóm đồn rằng có mấy dì người Việt Nam đã "đi" rồi. Các dì ấy lén trốn về Việt Nam và chẳng bao giờ quay lại. Thế nên mỗi lần nghe rằng, có mẹ của đứa bé nhà nào “không quay lại nữa”, phản ứng đầu tiên của tôi chính là "tuyệt đối không được cho mẹ đi".
Năm tôi lên 6, mẹ quyết định trở về thăm ông ngoại. Ngày mẹ đi, tôi vừa khóc vừa đuổi theo chiếc xe gắn máy, đòi đi cùng mẹ cho bằng được. Dĩ nhiên, cuối cùng vẫn chẳng thể đuổi kịp.

Khoảng thời gian vắng mẹ khi ấy, lúc nào cũng có họ hàng trong nhà trêu tôi rằng, "Úi chà, chắc mẹ con đi luôn rồi đúng không?". Mỗi lần nghe thế, tôi sợ đến nỗi ngủ chẳng yên giấc.
Nửa tháng sau, mẹ trở về. Mẹ bảo, ông bà ngoại đều phản đối việc mẹ quay trở lại Trung Quốc nhưng bà không đành lòng bỏ lại tôi và anh trai nên cố thuyết phục họ để về đây. Từ đó về sau, dẫu cho có người vẫn gọi tôi là "con bé Việt Nam của A Mai" nhưng tôi luôn thấy lòng đầy những ấm áp và biết ơn bởi mẹ đã không bỏ rơi tôi.

Điều khiến tôi cảm động hơn nữa là sau lần trở lại ấy, mẹ đã hạ quyết tâm, bảo rằng dù thế nào cũng sẽ cố gắng để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho cả hai anh em tôi.

Tôi và anh trai nghe nửa hiểu nửa không, chỉ biết là một năm sau đó, nhà chúng tôi đã dời lên thị trấn. Mẹ nhận thầu mấy mảnh đất ở xóm, khai hoang trồng mấy cây quýt rừng. Sau khi thu hoạch, bố tôi vốn định đốn phá luôn ngôi nhà gạch trong xóm để xây lại nhưng mẹ tôi nhất định không chịu. Bởi vì tôi và anh trai mỗi ngày phải đi bộ hơn 1 tiếng đồng hồ mới đến trường, mẹ mong rằng cả nhà được dọn lên thị trấn là để hai đứa chúng tôi chỉ mất 5 phút để đi học mỗi ngày.

Bố tôi không chịu, hai bên bất đồng, riêng mẹ tôi vẫn khăng khăng làm theo ý mình. Bà đi lên thị trấn hỏi dò, tìm được một căn nhà ngói cũ, trên người vỏn vẹn có hơn 2 vạn tệ, vay tới vay lui xêm xêm được hơn 3 vạn, ép bố tôi phải ký tên. Đến ông cụ bán nhà còn phải bảo bố tôi: "Vợ cậu cừ phết!"

Sau khi chuyển nhà, mẹ xin được việc tại một xưởng làm pháo gần nhà, dùng giấy đỏ cuộn pháo. Mỗi buổi sáng 6 giờ mẹ đã thức dậy chuẩn bị đồ ăn cho tôi và anh trai, sau đó khuấy keo dán cuộn pháo lại. Mỗi tháng cao lắm thì kiếm được 400 tệ. Đến giờ tôi vẫn không thể tưởng tượng nổi, với 400 tệ mẹ làm thế nào mà có thể nuôi cả một nhà tới 5 miệng ăn.

Tôi vẫn còn nhớ, khi còn bé mỗi lần đôi xăng đan của tôi bị hỏng. Lúc làm cơm tối, mẹ sẽ dùng kìm gắp than nung chảy một góc giày còn lại, để cho nhựa chảy vào nối mấy vết nứt trên giày rồi đem cho tôi xỏ vào tiếp. Mỗi lần như thế, mẹ đều bảo: "Con đi đỡ nhé, chừng nào không đi được nữa thì mẹ mua cho con đôi mới".

Mỗi lần thấy con nhà ai ăn bận chỉn chu đẹp đẽ, mẹ sẽ kéo tôi lại xem cùng rồi thỏ thẻ: "Lúc bé, con mà được ăn mặc như thế thì còn xinh hơn người ta nhiều luôn."

4.
Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, bố mẹ tuy không sâu nặng nghĩa tình, nhưng ít ra cũng xem trọng lẫn nhau. Mẹ không bao giờ cãi nhau với bố trước mặt bọn tôi. Dù giận bố đến mức nào, bà vẫn không quên dặn tôi và anh trai chuẩn bị trà ngon cho ông. Bố tôi thích ăn món gì, mẹ nhớ rõ từng li từng tí. Lúc ăn cơm, mẹ lúc nào cũng đẩy phần đồ ăn ngon đến trước mặt bố. Bố tôi không thích mẹ ăn mặc lòe loẹt, mẹ cũng chẳng bao giờ làm trái ý.

Phận làm dâu, mẹ đối xử với bà nội hết lòng hết dạ. Dù cho năm đó khi ở cữ, bà nội đối xử tệ bạc với mẹ, chỉ nấu canh trứng gà cho mẹ ăn suốt một tuần liền. Nhưng ngay cả khi bác trai bác gái quanh năm vắng nhà, chưa bao giờ làm tròn nghĩa vụ phụng dưỡng bà nội, mẹ cũng chẳng bao giờ tính toán được hơn với họ, vẫn mải miết chăm lo bà nội hàng ngày.

Sau khi quyết định dọn lên thị trấn, bà nội đã từng lo lắng rằng mẹ tôi sẽ để bà ở lại xóm một mình. Mãi cho đến hôm trước khi chuyển nhà, mẹ hỏi bà: "Nhà mình sắp chuyển đi rồi đấy, mẹ sắp xếp đồ xong chưa?", bà nội lập tức vui như được mùa. Loay hoay bận bịu cả buổi, bà nội phát hiện cái thùng gỗ mình nâng như trứng hứng như hoa không chứa nổi đống chăn mền, hỏi mẹ tôi có thể tìm dây thừng gói ghém lại rồi bỏ lên xe được không. Mẹ tôi mới bảo: "Con mua cho mẹ cái mới, mẹ còn luyến tiếc làm gì."
Chuyển sang nhà mới được một năm thì bà nội ra đi. Rất nhẹ nhàng, không đau ốm bệnh tật cũng chẳng có gì báo trước. Đêm trước hôm rời đi, bà còn cùng chúng tôi ăn chè do mẹ nấu. Cây gậy chống mẹ tôi mua cho bà vẫn được đặt ngay ngắn ở đầu giường.

Mọi chuyện trong nhà lúc ấy phần lớn là mẹ quán xuyến, họ hàng bạn bè ai cũng khen mẹ tháo vát. Từ một cô vợ Việt Nam được mua về, nay lại trở thành trụ cột trong nhà chúng tôi.
Khoảng những năm 2000, mẹ vay người ta 4000 tệ giúp chú tôi bấy giờ hẵng còn cô đơn lẻ bóng cưới được thím cũng là một cô gái đến từ Việt Nam.

Thím là nhóm cô dâu Việt Nam đời thứ hai trong xóm. Lúc bố mua mẹ tôi về, phong trào cô dâu Việt Nam trong xóm đang ở thời kì cao điểm. Đến khi các cô dâu này ổn định và có thể về quê hương thăm người thân, mấy gã ế chỏng chơ khôn khéo trong vùng ngay lập tức tìm họ làm “bà mối”, chi tiền để được họ “giới thiệu đối tượng” cho. Và thế là nhóm cô dâu Việt Nam “đời thứ hai” lại bị dẫn dắt đến đây.

Thím vốn không chồng có chửa hồi còn ở Việt Nam, sinh được một đứa con trai. Đúng lúc ấy một cô dâu Việt Nam đời đầu về quê thăm người nhà, thím "len lén trốn đi theo, tiện thể kiếm việc làm". Thím chẳng ngờ mình lại bị bán đi, lúc đầu chống đối không chịu. Đến khi gặp được chú tôi, thấy chú trông cũng gọi là đẹp trai, lại có bà chị dâu “đồng hương” là mẹ tôi nên đồng ý luôn.

Mẹ tôi tốn không biết bao nhiêu công sức vì đám cưới của hai chú thím. Mở tiệc, đãi khách, làm lễ bái lạy, bước qua chậu than, tất cả nghi thức đều đầy đủ không thiếu thứ gì. Sau khi cưới thím về, mẹ lại đi thầu đất trồng trúc rừng, nhờ vào việc bán trúc mà từ từ trả hết số nợ mua thím về khi ấy. Một năm sau, thím sinh em Kiệt, mẹ tôi lo thím buổi tối ngủ không ngon giấc nên bồng em Kiệt qua nhà chăm sóc.

Mẹ có ba cô em họ hàng xa, vì lí do cá nhân nên không thể lấy chồng ở Việt Nam. Thế là mẹ đón các dì ấy sang đây, “tìm đối tượng” cho họ. Cuối cùng ba người em họ đấy người thì được gả lên thành phố, người thì gả qua xóm bên cạnh, người lại gả cho anh họ của bố tôi. Nói đi nói lại thì mẹ cũng chẳng phải kẻ buôn người, nên tuy trở thành bà mối kiếm được chút đỉnh tiền, mẹ vẫn hết lòng hết dạ lo toan đám cưới cho các dì. Sau này họ sinh con, mẹ vẫn thường xuyên ghé thăm.

Năm tôi 9 tuổi, ông ngoại đến chơi. Ông ngoại là một cụ ông đẹp lão với những nếp nhăn nơi khóe mắt, bận sơ mi trắng, đội chiếc mũ nồi. Ở cùng chúng tôi được vài ngày, trước khi chia tay, ông dặn mẹ: "Ráng nuôi bọn trẻ lớn khôn".
Sau này mỗi khi ngồi tán dóc cùng mẹ, tôi vẫn hay đùa, bảo nếu lúc trước mẹ về Việt Nam bắt đầu lại một cuộc sống mới, có lẽ sẽ tốt đẹp hơn bây giờ nhiều. Ấy thế nhưng mẹ tôi lại nghiêm túc đáp lại rằng, "Đi đâu thì đi, mẹ cũng mãi mãi không đành lòng bỏ rơi hai con được".

Trong suốt một khoảng thời gian dài, tôi vẫn tin rằng "không đành lòng bỏ rơi" của mẹ chẳng những chỉ tôi và anh trai, mà còn bao gồm cả bố nữa.

Mãi cho đến 2012, khi tôi học lớp 9. Mẹ dứt khoát bỏ nhà đi, tôi mới biết, mẹ chỉ thật sự không thể bỏ rơi hai đứa tôi mà thôi.
(Còn tiếp)
 
Chỉnh sửa cuối:

Light way

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-467924
Ngày cấp bằng
4/11/16
Số km
876
Động cơ
209,741 Mã lực
Tuổi
33
Ở đây dài thế này đíu ai đọc đâu. Làm gì mà cay thế bạn khựa.
 

LiangPing

Xe đạp
Biển số
OF-702792
Ngày cấp bằng
4/10/19
Số km
17
Động cơ
95,914 Mã lực
Tuổi
31
5.
Mùa hè năm ấy, mẹ làm việc xa nhà, đi cùng với mẹ lúc đó có một chú người Trùng Khánh ở trên thị trấn. Hai bên thường gặp nhau, tôi và anh trai cũng biết người đó.

Có lẽ do chưa từng trải qua cảm giác được người khác theo đuổi, một thời ngắn sau đó, lúc nghe điện thoại mẹ không kiềm chế được kể cho tôi nghe, chú đối xử với mẹ tốt đến thế nào. Tuy mẹ không nói rõ ràng, nhưng tôi đều hiểu. Vì thế mùa đông năm ấy khi thấy hai người họ tay nắm tay xuất hiện trước mặt tôi. Tôi vẫn bình tĩnh không hề tức giận.

Mẹ bảo, bố của chú vừa mất, bà muốn về chịu tang cùng chú, trước khi đi muốn ghé thăm tôi. Bố người chúng tôi ăn vội bữa cơm, suốt buổi lòng tôi luôn nặng nề cảm giác áy náy bởi tôi không biết khi trở về nhà, tôi nên mở lời với bố thế nào.

Mẹ luôn bảo, mẹ rời xa bố là để dành dụm lo học phí cho tôi. Vì tôi từng bảo mẹ rằng, tôi muốn thi đỗ vào trường cấp 3 tốt nhất thành phố, rồi lại đỗ một trường đại học danh tiếng. Lúc ấy, anh trai tôi không đủ vững lòng nên quyết định bỏ học đi làm thuê. Mẹ không muốn tôi lại vì chuyện tiền bạc mà bỏ học. Học phí cấp 3 của tôi mỗi năm là 1960 tệ, phí sinh hoạt mỗi tháng là 500 tệ. Tuy không nhiều, nhưng nhà tôi lúc ấy thật sự kiếm không ra nổi số tiền ấy.
Đương nhiên, nguyên nhân chính là bởi vì bố tôi. Sau khi bỏ nhà đi, mẹ thi thoảng lại kể những chuyện mà trước đây tôi không hề hay biết mà bà đã từng cố gắng để không hoài niệm.

Sau khi sinh tôi ra, bố đưa mẹ đi thắt ống dẫn trứng nhưng chỉ đưa mẹ đến cửa bệnh viện rồi trở về, mặc mẹ một thân một mình tại đó mặc cho bác sĩ chăm lo. Mổ xong, vẫn chẳng thấy bố đâu, mẹ đau đến đi không nổi, chệnh choạng suýt ngã mấy lần, lảo đảo đi một lúc thì thấy bố đang đứng nói chuyện hăng say cùng bạn ngay trên phố.

Mẹ hỏi: "Ông để tôi một mình ở bệnh viện, nhỡ may tôi chết, bị người ta vứt xác vào thùng rác thì sao đây?"
Bố đáp: "Thì cứ thế thôi."
Năm 2011, hàng xóm định xây lại căn nhà ngói cũ, nhưng vì hai nhà liền kề nhau, hàng xóm đập vỡ một bên, đồng nghĩa với việc nhà tôi sẽ mất bức tường bên phải. Thế nên sau khi bàn bạc, hai bên đều quyết định đập vỡ phòng xây lại hết, mất gần 20 vạn tệ.

Nhà nghèo túng, mẹ tự học cách xây nhà làm thợ, tiết kiệm tiền thuê người. Bố cứ đứng một bên nhìn, lúc không hài lòng lại chỉ tay năm ngón.

Mẹ tôi quạu quọ: "Vừa lòng ông chưa? Kiếp sau còn muốn tôi làm nhà cho ông nữa hay gì?"
Bố đáp: "Kiếp này đủ ớn rồi, ai cần kiếp sau."
Cuối cùng thì cả căn nhà hai tầng đều do mẹ tự đắp gạch xây nên.

Mẹ bảo, mẹ vốn hy vọng bố con có thể vì hai đứa mà trở thành trụ cột gia đình. Nhưng ông ấy không chỉ lười nhác kiếm tiền (chi tiêu mọi sự từ lớn đến bé trong nhà hầu như đều do mẹ gánh lấy) mà sâu trong nhận thức lại cắm rễ thêm mớ tư tưởng của chế độ phụ quyền khiến ông chưa bao giờ đặt mẹ ở vị trí ngang hàng mà đối xử bình đẳng.

Dĩ nhiên, họ hàng cũng chẳng mấy ai thật lòng tôn trọng mẹ. Ngoài miệng khen mẹ tôi tháo vát cừ khôi, nhưng vẫn nói xấu sau lưng, bảo mẹ tôi là kiểu phụ nữ lận đận vất vả dễ bị người ta chơi đùa. Dượng từng bảo, nếu mẹ tôi về Việt Nam, bố tôi cũng “chẳng việc gì phải đuổi theo”, “coi như tốn vài ngàn tệ mua hai đứa con về nuôi vậy”.

Nghe mấy lời sỉ nhục mẹ như thế, bố tôi chưa bao giờ mở miệng bênh vực. Cuối cùng, vì câu nói "Việc gì tôi phải nuôi cô? Nuôi heo còn đỡ hơn phải nuôi cô!" mà thành giọt nước tràn li khiến mẹ quyết định ra đi. Đến tận bây giờ, những lời ấy vẫn khiến mẹ tổn thương và để tâm rất nhiều, cũng khiến bà tuyệt vọng biết bao nhiêu. Bởi bỏ công bỏ sức nhiều năm như vậy, cuối cùng bà vấn không có được sự công nhận của bố tôi, cũng không thể đổi lại được cảm giác tôn trọng và yêu thương bình đẳng từ ông.
Trong xóm có nhiều người đàn ông hay đánh vợ, bố tôi lại chưa từng đụng đến một đầu ngón tay của mẹ. Vậy nên khi mẹ ra đi, ai ai cũng thấy ngạc nhiên vô cùng.

Nhưng tôi biết, các dì Việt Nam ở trong xóm vốn đã muốn "bỏ" chồng từ lâu. Mẹ và các dì ấy lúc nói chuyện đều dùng tiếng Việt Nam, từ nhỏ đến lớn tôi tiếp xúc với tiếng Việt khá nhiều nên dĩ nhiên có thể nghe hiểu.Trong những cuộc đối thoại khe khẽ của họ, ai ai cũng có một "người đó" cho riêng mình.
Ví dụ như thím tôi, chú tôi năm nào cũng làm việc xa nhà, thím bình thường cô đơn quạnh quẽ, rồi có quan hệ nhập nhằng với "người đó", bị chú tôi phát hiện ra đánh cho một trận vô cùng tàn nhẫn. Sau đợt đó, thím yên lặng được một thời gian rồi lại đổi sang một "người đó" khác. Năm nào thím cũng về Việt Nam mấy lần, nhưng nhiều năm như thế, thím chỉ về cùng chú đúng 1 lần. Còn lại, hoặc là thím về một mình, hoặc là về cùng "người đó". Trước khi mẹ bỏ đi, so với mấy dì Việt Nam bị bêu rếu là "làm chuyện xằng bậy" không ai chịu thấu đấy, mẹ tôi lại được cả xóm xem là tấm gương kiểu mẫu về việc làm vợ, chăm sóc gia đình. Nhưng mẹ rồi cũng tiếp bước theo các dì ấy, người ta đồn đoán sau lưng mẹ thế nào, tôi cũng không muốn biết nữa.
Sau khi mẹ ra đi, tôi suy nghĩ rất nhiều, phải chăng việc rời đi này là một kiểu bồi thường về mặt tâm lí. Quyền được lựa chọn bạn đời và nhận được sự trân trọng từ đối phương, họ đã tìm được điều ấy từ "người đó" chăng?

6.
Sau khi ra đi, mẹ chỉ duy trì liên lạc với mỗi mình tôi. Thế nên tôi là người duy nhất trong nhà biết việc mẹ đã có gia đình mới. Thực ra bố tôi đã đoán được chuyện này, nhưng ông vẫn nhất quyết đợi chờ một đáp án thật rõ ràng.

Mùng 3 tết năm đầu tiên mẹ vắng nhà, ầm ĩ với bố tôi một trận qua điện thoại. Chuyện là do họ hàng nhà tôi cứ tạo áp lực, liên tục trách mắng mẹ sao lại không về nhà đón năm mới, không đếm xỉa gì đến gia đình, con cái. Mẹ cho rằng, bố đi đồn bậy bạ với họ hàng. Hai người cãi càng lúc càng hăng, cuối cùng bố tôi không kiềm chế nổi, úp mặt vào gối khóc rấm rức như con nít. Tôi nhìn ông ấy, tay cứ thế mà run lẩy bẩy.

Từ dạo đó, cứ hai bố con ở gần nhau là ông lại túm lấy tôi hỏi han, mẹ ở đâu, với ai, đã cùng người ta nên đôi rồi phải không, người đó giàu lắm đúng không?

Mỗi lần hỏi mấy chuyện này xong, ông lại bảo: "Giờ biết bao nhiêu người cười nhạo bố, bố không ngóc đầu lên nổi mất."

Hồi trước, quần áo, đồ lót, khăn mặt, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, chuyện ăn mặc ngủ nghỉ của bố đều một tay mẹ tôi đảm đương. Sau khi mẹ đi, đã 2 năm rồi ông không mua quần áo mới. Tôi đau lòng khôn nguôi, cũng chẳng nỡ đả kích bố thêm, mỗi lần ông hỏi về mẹ, tôi lại kiếm cớ chuồn đi chỗ khác.

Sau khi chia tay bố tôi, mẹ và chú đi đến Trùng Khánh.

Vợ đầu của chú vì khó sanh mà chết năm 2000. Sau đợt ấy, lòng chú nguội lạnh, chả thiết tha gì chuyện gia đình. Cả xóm đều nghĩ rằng, chú ấy cứ thế mà sống đến hết đời.

Mẹ tôi đến, cả xóm vốn yên lặng đã lâu chợt trở nên xốn xang tràn đầy sức sống. Mẹ gặp ai cũng chào hỏi nhiệt tình, cáng đáng việc của mấy cụ ông cụ bà trong xóm. Các cụ thương mẹ, biếu các loại nông sản mới gặt cho mẹ; mấy đứa nhóc cũng thích mẹ, hay giúp mẹ lau dọn nhà cửa. Người nhà của chú cũng tôn trọng mẹ, luôn bảo vệ thương yêu mẹ. Thi thoảng mẹ sẽ cãi nhau với chú, rồi ấm ức gọi điện thoại than thở với tôi. Lúc nào cũng bảo chú hay ghen quá, chả tin mẹ gì hết, không cho mẹ tiếp xúc với người đàn ông khác.

Lần đầu tiên tôi đến Trùng Khánh tìm mẹ, mẹ lái xe máy chở tôi vào trong xóm, hỏi tôi chỗ này có giống như nhà mình trước khi dọn lên thị trấn không, "đều ở trên núi".

Tôi nhìn bốn bề hoang vu, gật gật đầu.

Bà đi một quãng đường hơn 1600km, tựa như quay trở lại điểm xuất phát, nhưng người bắt đầu cuộc sống mới với mẹ lần này, là người mà mẹ chọn lựa.

Sau khi ở với chú, điều khiến mẹ lo lắng nhất là không biết ăn nói thế nào với họ hàng bè bạn nhà tôi. Trước giờ vì e ngại lời đàm tiếu, mẹ vẫn bảo người ta là "đi làm xa, việc nhiều, không có thời gian về". Tôi cũng chẳng rõ vì sao mẹ lại không dũng cảm thừa nhận việc mình rời xa bố tôi, tìm đến người khác. Có lẽ là vì, bà muốn bảo vệ một chút danh dự cuối cùng?

Mẹ và dì nhỏ (một trong những cô em họ mà mẹ dạo trước mẹ đón sang đây) vẫn giữ liên lạc với nhau. Mỗi khi dì nhỏ kể lại những lời bàn tán xôn xao của người khác, mẹ đều ấm ức kể lại cho tôi nghe rồi bảo: "Rốt cục mẹ sai chỗ nào chứ?". Còn người thím cũng đến từ Việt Nam như mẹ, ấy thế mà lại đi đồn đãi với họ hàng rằng mẹ theo trai, còn bảo mẹ chết rồi. Lâu dần, mẹ và thím đoạn tuyệt quan hệ.

Điều khiến mẹ tôi băn khoăn nhất là anh trai.
Từ khi còn bé, anh tôi đã sao nhãng chuyện học, lên cấp 1 thường xuyên đánh nhau với bạn cùng lớp, cô giáo phải dặn mẹ mỗi ngày nên đưa đón anh đi học. Sau anh tôi quyết định nghỉ học, đi làm bữa đực bữa cái. Đến giờ 24 tuổi cũng chẳng tích cóp được đồng bạc nào, mỗi lần gặp mẹ là lại hỏi: "Mẹ, có tiền không?". Có năm nọ, anh bảo sinh nhật muốn đãi bạn bè nhưng hết tiền rồi, thế là chú lập tức cho anh 1000 tệ.
Hồi ấy nhờ sinh anh trai tôi, hoàn thành được nhiệm vụ nối dõi tông đường nên mẹ mới không bị bán đi. Thế nên anh trai như một niềm hy vọng mới với mẹ, bởi thế bà luôn yêu thương anh vô điều kiện. Lại thêm truyền thống trọng nam khinh nữ ở trong xóm, ngay từ nhỏ bố mẹ đã cưng chiều anh tôi hết mực.

Mẹ vẫn luôn cho rằng, việc bà rời đi đã khiến anh tôi sa sút tinh thần. Anh tôi lại lợi dụng tâm lí áy náy này của mẹ, khiến mẹ luôn mềm lòng, bấm bụng để anh vòi vĩnh tiền bạc. Cũng bởi thế nên cả bố lẫn anh tôi đều tưởng rằng, mẹ ở nơi ấy sống rất đầy đủ sung túc.

Nhưng thực ra, mẹ chẳng hề.

Những năm gần đây mẹ luôn theo chú bôn bố từ Quảng Đông qua Phúc Kiến rồi lại đến Chiết Giang, làm đủ thứ việc mà trong mắt tôi, chỉ có hai chữ bán mạng để mà hình dung.

Mẹ và 8 người nữa nhận việc lên một đỉnh núi tại Phúc Kiến chặt trúc. Trên núi không có điện, có mỗi ngọn nến to bằng cánh tay le lói ánh sáng, di động hết pin nên mấy ngày liền không liên lạc được với mẹ. Tôi cứ lo ngay ngáy sợ mẹ gặp nguy hiểm.

Mẹ kể, có lần công nhận trên núi làm vỡ một tảng đá lớn, suýt nữa đã rơi vào đầu mẹ. Lại một lần khác mẹ bị trúc đâm vào cẳng chân, ứ máu đau đến độ không đi được. Tôi hỏi mẹ, vì sao không đến bệnh viện. Mẹ bảo, từ núi xuống thị trấn đi bộ hơn 2 tiếng rưỡi đường đèo. Bình thường đồ ăn thức uống đều do tài xế xe chở trúc tiện thể mang theo cho, chứ bọn họ rất ít khi xuống núi. Lần duy nhất xuống núi là vì mưa to đất sạt lở, tài xế không vào được, gạo đã ăn hết sạch, bọn họ buộc phải xuống núi lên thị trấn mua đồ ăn.

Tôi thương mẹ khổ cực, mẹ lại bảo: "Cuối cùng khi xong việc, ra ngoài chờ kết sổ tính lương, nhìn mấy ngọn đèn đường trên thị trấn mà lòng mẹ cũng sáng rực theo”.

7.
Thực ra việc mẹ tôi ra đi, vốn không được tính là li hôn với bố tôi.

Bởi nhiều năm như thế, mẹ ở Trung Quốc vẫn là một người 3 không - không quốc tịch, không hộ khẩu, không thân phận. Mẹ và bố không có giấy đăng kí kết hôn, hộ khẩu nhà tôi cũng chưa bao giờ có tên mẹ.

Trừ dì Nguyễn ra, các dì Việt Nam trong xóm và mẹ đều là người "ở lậu". Vậy nên lúc các dì quay trở lại Việt Nam thăm gia đình, đều vượt biên trái phép từ Quảng Tây để về. Vượt biên trái phép khá rắc rối, thời gian cũng không linh hoạt như giao thông công cộng, chỉ khi tình hình ổn định mới có thể tập hợp thành nhóm mà đi.
Trước tiên các dì phải liên hệ với tài xế "lậu", trả một khoản tiền to thật to cho họ. Lúc đi trên đường còn phải liên tục xuống xe để tránh bị kiểm tra. Vượt qua được đến biên giới nhưng nếu như xui rủi bị bọn đầu gấu dọa dẫm bắt chẹt, tiền nong mang theo sẽ bị lột sạch sẽ.
Ngược lại nếu mọi sự thuận lợi, các dì lại thu xếp cùng nhau đi trên một con thuyền nhỏ vượt sông Ka Long, đến Móng Cái đổi tiền, mệt bở hơi tai lại phải tiếp tục tìm cách đối phó với nhân viên kiểm tra tại Việt Nam.

Tới giờ, mẹ tôi đã về Việt Nam 5 lần, lần cuối cùng mang theo cả tôi và anh trai nữa.

Đó là lần duy nhất tôi được nhìn thấy bà ngoại.Bà nhai trầu, đứng ở trong sân phơi quần áo. Lúc nhìn thấy tôi và anh trai, bà hơi sững người rồi cười tít mắt hỏi han chúng tôi. Tôi và anh trai cuối cùng cũng gặp được người thân của mẹ. Lần đầu tiên mẹ trở về nhà, anh chị em không ai tin là mẹ còn sống, kéo tay áo đòi kiểm tra vết sẹo trên khuỷu tay mẹ để xác nhận. Cuối cùng cứ thế ôm lấy nhau mà khóc.

Hôm tôi và mẹ về lại Trung Quốc, mấy cậu nhét cho tôi một đống tiền, tôi cũng không biết đổi thành nhân dân tệ là bao nhiêu. Nhưng tôi hiểu rõ, tiền đấy là các cậu đỡ đần phụ giúp cho mẹ, nhưng lại sợ mẹ không chịu nhận nên gửi qua tôi.

Lúc ông ngoại tiễn bọn tôi ra sân đã nghẹn ngào nói không nên lời. Cuối cùng chỉ có bà ngoại đứng trước của nhà nhìn mẹ và chúng tôi rời đi. Năm thứ hai sau khi trở về, bà ngoại qua đời vì tai nạn giao thông, mẹ cũng chẳng kịp nhìn mặt bà lần cuối. Mẹ lúc ấy không gào cũng chẳng khóc, nét mặt bình thản, nhưng lâu thật lâu sau đó mẹ từng nghẹn ngào bảo, bà qua đời mà mẹ không thề về gặp là cảm giác khiến mẹ day dứt cả đời này.

Bà ngoại mất khoảng 10 năm, mẹ cũng chẳng trở về Việt Nam nữa. Lúc này ông ngoại tuổi đã cao, tôi sợ mẹ lại ôm lòng nuối tiếc, vẫn hay nhắc mẹ nên trở về thăm ông. Nhưng mỗi lần như thế mẹ đều từ chối, phần vì bây giờ đi sẽ tốn rất nhiều tiền, chưa kể những năm gần đây bên hải quan làm rất căng, nhỡ mà mẹ bị bắt thì lấy ai chăm sóc cho tôi.

Trở về Việt Nam đã khó, thân phận hiện tại của mẹ cũng khiến cho việc tìm việc trở nên khó hơn. Không có chứng minh, mẹ không thể mua được thẻ sim, cũng không thể mở tài khoản ngân hàng, ra phố cũng không thuận tiện cứ thấp tha thấp thỏm. Mấy năm trước đi làm mẹ còn có thể qua mặt bên kiểm soát nhờ chứng minh của tôi, sau này lại phải nhờ cậy vào chứng minh giả.

Mấy năm trở lại đây, tình trạng mua bán làm giả danh tính phát triển rộng rãi, loại kinh doanh lợi dụng kẽ hở pháp luật này vô cùng nguy hiểm. Bởi thế mỗi lần thuận lợi qua mặt kiểm tra an ninh, mẹ đều gọi điện cho tôi đầu tiên kể xem ban nãy mẹ thoát khỏi bên kiểm tra như thế nào, làm tôi hú hồn hú vía.

Mẹ cũng rất nỗ lực để danh tính được xác minh.
Hộ chiếu của dì Nguyễn được dì làm khi lén nhập cư về Việt Nam. Dì đến chỗ quản lí hộ tịch làm tất tần tật kể cả giấy khai sinh. Cuối cùng sau một năm, vừa tốn công sức móc nối quan hệ lại vừa tốn cả đống tiền, dì mới lấy được hộ chiếu về. Cách này cũng không đảm bảo trăm phần trăm, lỡ như bên trung gian làm sai sót điều gì, lập tức tiền mất tật mang. Mà mẹ tôi thì nào có nhiều tiền đến như vậy.

Cũng có mấy dì Việt Nam mua chứng minh của những người đã mất tích thông qua người quen biết để dùng tạm. Mẹ cũng định thử, nhưng chợt phát hiện ra muốn mua những giấy tờ đó cũng mất cả mấy vạn tệ, lại phải chờ rất lâu mới được nhận. Khả năng xui rủi rất cao, nên mẹ bảo tiền đấy thà để dành đóng học phí cho tôi còn hơn.
Lúc vợ cũ của chú Trùng Khánh qua đời cũng không bị gạch tên khỏi hộ khẩu. Mẹ tôi định ra công an mạo danh thân phận cô ấy để làm chứng minh. Lấy cớ là vợ chồng mâu thuẫn, đi làm xa hơn 10 năm, giờ mới trở về. Công an địa phương đòi giấy chứng nhận, tôi lập tức bỏ 50 tệ lên mạng tìm mua con dấu của trường cấp 1 tôi theo học. Đóng dấu rồi kí tên các loại để làm một tờ giấy xác nhận giả mạo.

Nhưng cuối cùng, bên công an vẫn tìm ra lí do để từ chối thực hiện.

Tôi từng đến lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu để được tư vấn. Họ yêu cầu mẹ phải đến đấy xác nhận thông tin. Tôi đưa mẹ lúc ấy đang hi vọng tràn trề vào bên trong. Đứng trước cửa, mẹ vuốt vuốt phần tóc mai lưa thưa của mình, dáng vẻ như sắp tiến vào một nơi vô cùng trang nghiêm trịnh trọng.

Kết quả, lần ấy bên đại sứ quán lại không chịu gặp mặt 2 mẹ con tôi. Tôi nhìn vẻ mặt ngỡ ngàng của mẹ mà đau lòng khôn nguôi.
Lần thử lại gần đây nhất, mẹ tôi đến đồn công an hỏi han về chuyện hộ khẩu, hỏi rằng nếu bên ủy ban huyện chứng nhận thì bà có thể được nhập hộ khẩu không. Bên công an trả lời chắc nịch là không. Vì cả thị trấn có trên dưới cả trăm người phụ nữ Việt Nam như thế, không thể du di cho mỗi mình mẹ, "Chỉ có thể đợi nhà nước ra chính sách mới thôi."
Mẹ đã sống tại Trung Quốc 26 năm, vậy mà vẫn phải chờ. Nhưng nào ai biết được, ông ngoại có kịp chờ đợi mẹ hay không?

8.
Tôi nghĩ, bố cũng thương mẹ, nhưng chính ông lại không biết điều đó nên hoàn toàn không thể hiện ra được. Ban đầu tôi chỉ đoán lờ mờ, đến khi ông bị tai biến phải nằm viện vào năm nay, liệt nửa bên người. Mẹ sợ tôi lỡ mất kì thi nên quay trở về chăm sóc bố trong khoảng thời gian ấy. Tôi mới tin là mình đoán đúng.

Từ khi mẹ tôi đến chăm, bố luôn tìm cách bắt chuyện với mẹ, lúc nào cũng nhìn mẹ đăm đăm. Mỗi ngày mẹ đẩy xe lăn giúp bố tôi đi làm vật lí trị liệu, bố lại cười ngốc nghếch như một đứa trẻ, còn bảo "Ngồi xe lăn thoải mái quá!". Mỗi lần khi tắm rửa, mẹ bế bố xuống giường kiểu công chúa, bố lại vui vẻ ra mặt.

Họ hàng đến thăm bố, thấy mẹ ai cũng giật cả mình. Hai người cô họ thấy mẹ lập tức khóc ầm cả lên bảo, "A Dũng (tên của thím) bảo là chị hết thương bọn nhỏ rồi."

Ngày bố tôi xuất viện, mẹ nhìn hóa đơn viện phí, xúc động bảo, may mà có bảo hiểm y tế gánh 75% cho mình đỡ cực. Cảm thán một hồi, mẹ lại bỗng dưng im lặng, một lúc sau mẹ quay sang tôi thì thầm mà rằng: "Về sau mẹ lỡ có bệnh nặng, con đừng có phí tiền chữa cho mẹ nhé!"
Không phải mẹ vô duyên vô cớ nói điều này. Mấy năm trở lại đây, sức khỏe mẹ tôi đi xuống nhiều so với ngày xưa. Tháng 11 năm trước còn nhập viện vì xuất huyết tử cung. Trước đó tôi bận chuyện thi cử, mẹ sợ tôi phân tâm nên đợi đến lúc tôi thi xong mới cho hay. Tôi không thể nào tưởng tượng ra nổi, mẹ chán ghét bệnh viện là thế nhưng vẫn phải mượn chứng minh để nhập viện, khổ biết bao nhiêu. Mẹ bảo, lúc nằm viện thấy dì ở cùng phòng có con gái đến thăm nom, mẹ nhớ tới tôi. Nhưng lúc mẹ cần tôi như thế, tôi chẳng thể ở bên bà, mãi sau này mới hiểu vì sao lúc ấy mẹ bỗng dưng lại ít gọi điện liên lạc hay nhắn tin cho tôi.

Tháng 2, Trùng Khánh tuyết rơi nhẹ, tôi và mẹ bước đi trên con đường phủ đầy tuyết lấy hàng chuyển phát nhanh. Đến tối trở về, mẹ cảm cúm lạnh run cả người, ngủ rất sớm. Tôi lo lắng, lấy chiếc túi chườm nóng sạc đầy pin của mình lén nhét vào trong chăn của mẹ. Mẹ ngủ không sâu nên tỉnh giấc ngay, sợ tôi lạnh nên bảo tôi lại giường nằm.

Tôi tựa vào đầu giường, một tay nhét vào túi áo ngủ, tay còn lại cầm máy tính bảng đọc sách. Mẹ biết tay tôi mùa đông dễ bị lạnh nên thò tay vào trong áo ngủ nắm lấy bàn tay tôi, từ từ yên giấc.

Khoảnh khắc ấy, lòng tôi như trào dâng hàng trăm nghìn nỗi niềm: Mấy năm nay bôn bố ngược xuôi, mẹ chắc cũng đã mệt muốn chết đi được.

Tôi từng hỏi mẹ: "Lúc sinh con ra, mẹ cảm thấy thế nào?"

Mẹ bình thản đáp: "Giống như được đầu thai lại lần nữa vậy."

Tôi lại nhớ đến lần nhận được giấy thông báo đỗ đại học vào 2 năm trước, mẹ cùng tôi trở lại chốn quen thuộc - là nhà của bố, bận rộn tới lui mua rượu chúc mừng tôi đỗ Đại học.

Tiễn khách đến chung vui xong, hai mẹ con lúc ấy cũng như bây giờ, cùng nằm trên giường thủ thỉ cho tới khuya.

Cuối cùng, mẹ nửa tỉnh nửa mê thì thầm bảo: "Mẹ cứ thấy như đang nằm mơ con ạ, cảm giác nửa thật nửa không. Mẹ có nhiều bạn đồng hương Việt Nam lắm. Con cái của mấy dì ấy 17-18 tuổi đã kết hôn sinh con rồi. Vậy mà con gái của mẹ lại lên tới đại học rồi. Con biết không? Có được con, là chuyện khiến mẹ tự hào nhất khi ở Trung Quốc đấy".

Lời cuối:

Năm 2017, mượn cơ hội đi thực tế ở trường, tôi đến làm một cuộc khảo sát chi tiết với các cô dì Việt Nam ở trong xóm. Đúc kết từ những chuyện họ trải qua, tôi thấy được khá nhiều điểm chung: các dì ấy đều phải đợi ở nông trại ấy rất lâu, đều từng nảy sinh ý định bỏ trốn; sau khi sinh con mới chính thức chấp nhận đời sống gia đình cùng người chồng; trở về Việt Nam đều phải vượt biên trái phép; con cái của các dì ấy hầu hết đều kết hôn sớm; họ dường như không ý thức được việc mình "3 không" như bây giờ sẽ là mối nguy hại ngầm gây rắc rối về sau này.
Các dì luôn miệng bảo: "Sống được ngày nào hay ngày đó".

Tôi vẫn luôn ngẫm nghĩ: 26 năm trước, nếu mẹ không bị lừa bán đi, nếu mẹ chạy trốn khỏi nông trại ấy, nếu mẹ gả cho một người đàn ông tốt hơn, nếu mẹ khờ khạo một chút, yếu đuối một chút... Phải chẳng cuộc đời mẹ đã tốt hơn bây giờ? Còn tôi,liệu có thể bù đắp lại những năm tháng gian khổ đấy cho mẹ không?
Tôi cũng chẳng rõ.

26 năm qua, mẹ mất đi quyền lựa chọn, chấp nhận việc mình bị bán đi, gồng lưng chống đỡ cả gia đình. Cuối cùng niềm hi vọng cũng chẳng giữ nổi, đành lựa chọn rời đi khỏi căn nhà vốn không thuộc về mình, lại tiếp tục một cuộc sống mới khó khăn chẳng kém.

Mẹ là người phụ nữ dũng cảm, quyết đoán khi quyết định bắt đầu lại mọi thứ; nhưng mẹ cũng là một người phụ nữ yếu mềm, chẳng dám thừa nhận việc mình đã tái hôn. Mẹ là một người vợ trọng tình trọng nghĩa, chồng trước đau ốm bệnh tật, mẹ chăm sóc tận tình cho đến khi ông khỏe mạnh xuất viện. Người mẹ kiên cường ấy, là bến bờ ấm áp cho con cái dựa vào.

Mẹ là chính bản thân mình, là ví dụ điển hình cho "cô dâu Việt Nam".
(Hết)
 

Tueminh2626

Xe điện
Biển số
OF-481687
Ngày cấp bằng
3/1/17
Số km
2,616
Động cơ
231,026 Mã lực
Tuổi
49
Nick cụ là LiangPing chắc cụ là người TQ bên đó.
 

LuckyCar

Xe container
Biển số
OF-48864
Ngày cấp bằng
16/10/09
Số km
8,150
Động cơ
2,951,921 Mã lực
Nơi ở
Internet
Cụ nào tóm cho em cái tắt với, dài quá. Theo quan điểm cá nhân em thì, khốn nạn nhất là bọn lừa buôn chính đồng bào mình, xong rồi mới đến bọn đi mua người.
 

ubisapro

Xe trâu
Biển số
OF-335434
Ngày cấp bằng
19/9/14
Số km
31,179
Động cơ
970,358 Mã lực
Di ruột e cũng từng bị lừa bán sang Khựa. May mắn kiếm được ông chồng tử tế bên đó nhưng nghèo, cũng kiểu giống như dân tộc bên mình. Vài năm về thăm nhà 1 lần, xác định còn khoẻ thì còn về được, 2 đứa con thì xác định ko về.
 

Kappuccino

[Tịch thu bằng lái]
Biển số
OF-386254
Ngày cấp bằng
9/10/15
Số km
3,500
Động cơ
275,799 Mã lực
Tuổi
48
Thật xót thương...
 

thngaylangthang

Xe ngựa
Biển số
OF-130800
Ngày cấp bằng
14/2/12
Số km
25,192
Động cơ
1,653,488 Mã lực
Nơi ở
Đó đây, langthang
Dù sao thì cậu bé trong chuyện này cũng có 50/50 dỏng máu của hai dân tộc.
 

tdtuan88

Xe tải
Biển số
OF-627171
Ngày cấp bằng
27/3/19
Số km
245
Động cơ
116,087 Mã lực
Nơi ở
Lò Gạch
Chuyến công tác TQ vừa rồi, em có thời gian ngồi cùng anh bạn của cậu phiên dịch, 2 cậu này quen nhau qua 1 diễn đàn tiếng Trung. Ngồi ăn cơm anh ta cũng tâm sự chuyện tương tự, mẹ bị lừa bán sang TQ, cũng may cưới được người tử tế, vài năm sau đón anh ta sang. Anh này là người lao động, chịu khó làm ăn, sau hơn 20 năm sống tại TQ thì vẫn thường xuyên "dạy tiếng Trung" trên các group, diễn đàn, và chia sẻ kinh nghiệm khá nhiều cho 1 bộ phận cộng đồng người Việt.
Cũng không thể "giá như" hay "nếu", thôi thì cứ nghĩ tích cực.
 

Chanhsa

Xe điện
Biển số
OF-597837
Ngày cấp bằng
6/11/18
Số km
2,141
Động cơ
159,359 Mã lực
Một cô bạn của em cũng bị lừa bán khi đang học đại học năm thứ nhất. Bảy năm sau cô ấy trốn về khi đã có một đứa con với người chồng TQ. Về rồi mọi thứ lỡ làng, học hành dang dở, ở nhà với bố mẹ một thời gian rồi đi lấy chồng, sinh 1 bé gái và lúc nó được 3 tuổi thì ly hôn. Năm ngoái cô ấy lại đi bước nữa và có thêm 1 bé trai. Cuộc đời thấy trôi nổi, bồng bềnh và vất vả. Nếu cô ấy không bị lừa bán đi thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác.
 

blackhole1

Xe tăng
Biển số
OF-702152
Ngày cấp bằng
29/9/19
Số km
1,943
Động cơ
139,850 Mã lực
Tuổi
37
Bọn buôn người đúng là táng tận lương tâm nhà em cũng có dì ruột như vậy bên đó cuộc sống khó khăn hơn mình nhiều giờ vướng bận con cái nên cũng không thể về VN hẳn ,thương nhưng cũng chẳng biết sao .
 

MATIZCar

Xe máy
Biển số
OF-596798
Ngày cấp bằng
30/10/18
Số km
65
Động cơ
128,950 Mã lực
Tuổi
47
Dài quá e không đọc, đánh dấu tí đọc sau,e không bài xích & rất ghét ai bài xích khi chưa đọc hết hoặc hiểu rõ vấn đề. Còn con người ai cũng có số phận,vận vào ai người ấy phải chịu thôi.
 

LiangPing

Xe đạp
Biển số
OF-702792
Ngày cấp bằng
4/10/19
Số km
17
Động cơ
95,914 Mã lực
Tuổi
31
Bọn buôn người đúng là táng tận lương tâm nhà em cũng có dì ruột như vậy bên đó cuộc sống khó khăn hơn mình nhiều giờ vướng bận con cái nên cũng không thể về VN hẳn ,thương nhưng cũng chẳng biết sao .
Em khuyên thật lòng cụ khuyên dì ruột về VN làm lại giấy tờ sao đó làm kết hôn lại với người chồng bên TQ

Cuộc sống 3 KHÔNG ở TQ vất vả lắm. K mua đc bảo hiểm lở có bệnh tật nào thì.... Chết
 

Thắng_Sơn Tây

Xe cút kít
Biển số
OF-455694
Ngày cấp bằng
24/9/16
Số km
17,189
Động cơ
1,134,782 Mã lực
Nơi ở
Cấm chỉ
Cậu em ở bên Quanzhou kể chuyện ở đó có mấy chị bị bán sang làm vợ. Có người đến lúc con lớn chồng không kiểm soát chặt nữa liền trốn về Việt Nam, có người chồng cho về Việt Nam thăm gia đình rồi cũng không quay sang. Cư xử như người phụ nữ trong truyện quá tốt, đến người Việt Nam ở Việt Nam không phải ai cũng làm được.
 
Chỉnh sửa cuối:

blackhole1

Xe tăng
Biển số
OF-702152
Ngày cấp bằng
29/9/19
Số km
1,943
Động cơ
139,850 Mã lực
Tuổi
37
Em khuyên thật lòng cụ khuyên dì ruột về VN làm lại giấy tờ sao đó làm kết hôn lại với người chồng bên TQ

Cuộc sống 3 KHÔNG ở TQ vất vả lắm. K mua đc bảo hiểm lở có bệnh tật nào thì.... Chết
Dì em mới làm lại hộ chiếu và cmt VN còn giấy tờ bên ấy thì cũng không rõ các em rất thương mẹ nên cuộc sống cũng không đến nổi quá sức nhưng a chị em vẫn đợi khi có chuyện là đón về VN ngay .
 

mohinhtrung

Xe buýt
Biển số
OF-446839
Ngày cấp bằng
20/8/16
Số km
731
Động cơ
215,853 Mã lực
Tuổi
36
Trong ngõ em có cô giáo ko bị lừa nhưng cũng tan vỡ với chồng làm xxx giao thông. Con bé 94 xinh, trắng và chịu khó học Anh, Trung. Em hay gặp cả con lai với Đài nữa.
 

Thắng_Sơn Tây

Xe cút kít
Biển số
OF-455694
Ngày cấp bằng
24/9/16
Số km
17,189
Động cơ
1,134,782 Mã lực
Nơi ở
Cấm chỉ
Dì em mới làm lại hộ chiếu và cmt VN còn giấy tờ bên ấy thì cũng không rõ các em rất thương mẹ nên cuộc sống cũng không đến nổi quá sức nhưng a chị em vẫn đợi khi có chuyện là đón về VN ngay .
Bên TQ không cho định cư chỉ có giấy phép cư trú ngắn hạn thì phải. Nhưng lên cơ quan công quyền làm việc cũng không khó khăn lắm. Em hóng từ cậu em được như vậy.
 

mohinhtrung

Xe buýt
Biển số
OF-446839
Ngày cấp bằng
20/8/16
Số km
731
Động cơ
215,853 Mã lực
Tuổi
36
Em khuyên thật lòng cụ khuyên dì ruột về VN làm lại giấy tờ sao đó làm kết hôn lại với người chồng bên TQ

Cuộc sống 3 KHÔNG ở TQ vất vả lắm. K mua đc bảo hiểm lở có bệnh tật nào thì.... Chết
Cụ sưu tầm hay tự viết vậy?
 
Thông tin thớt
Đang tải

Bài viết mới

Top