Vài dòng về hệ thống y tế Đức :
Tất cả các bệnh viện trên toàn nước Đức không nhận khám bệnh mà chỉ nhận cấp cứu, phẫu thuật và chữa các bệnh bắt buộc phải nằm viện.
Tất cả cá nhân hay hộ gia đình đều có, hay tự tìm cho mình một bác sỹ ( đa khoa ) và mỗi khi bị ốm sẽ đến phòng mạch của bác sỹ này khám bệnh.
Quanh mỗi gia đình luôn có rất nhiều phòng mạch ( khám bệnh ), cá nhân và gia đình có thể tự chọn bác sỹ cho mình, nếu không thích có thể đổi phòng mạch. Nhưng tốt hơn là chỉ nên đến khám ở một phòng mạch cho bác sỹ tiện theo dõi tiền sử bệnh lý.
Ngoài phòng mạch đa khoa gia đình, còn có các phòng mạch chuyên khoa như răng, mắt, tai-mũi-họng...Muốn đến những phòng mạch này khám bệnh thì chỉ cần đặt một cái hẹn.
Phụ nữ thì có riêng phòng mạch chuyên khám phụ khoa, mỗi phụ nữ có thể chọn cho mình một phòng mạch để khám dịnh kỳ .
Để khám bệnh cho các cháu thì cũng sẽ có riêng các phòng khám nhi. Bố, mẹ các cháu sẽ chọn cho các cháu một bác sỹ nhi và sẽ cho các cháu khám ở đây đến năm 17 tuổi. Vì thế bác sỹ sẽ nắm rất rõ tiền sử bệnh lý của các cháu. Mỗi trẻ em sinh ra sẽ có ngay một y tá hàng tuần đến nhà hướng dẫn mẹ bé cách chăm sóc trẻ sơ sinh trong khoảng 2 tháng đầu. Sau đó mỗi trẻ sẽ được bác sỹ nhi thường xuyên khám định kỳ toàn bộ cơ thể, sau đó sẽ ghi rõ các chỉ số phát triển như chiều cao, cân nặng, thị giác, thính giác, xương, khớp....theo tuổi và tiêm phòng. Việc khám định kỳ tổng thể này sẽ được diễn ra liên tục đến năm 9 tuổi. Trước khi đến kỳ khám, luôn có thư gửi đến nhà để nhắc bố, mẹ không quên.
Sau khi khám bệnh xong, bác sỹ sẽ kê đơn thuốc và bệnh nhân ra ngay hiệu thuốc cạnh đó mua thuốc. Tiền thuốc sẽ không phải trả hết, mà chỉ trả một phần, còn lại bảo hiểm thanh toán.
Tất cả các hiệu thuốc và phòng mạch đều đóng cửa ngày cuối tuần và ngày lễ. Nếu ai bị ốm vào ngày này, thì đến phòng cấp cứu của bệnh viện khám. Tất cả hiệu thuốc đóng cửa, nhưng bắt buộc trong mỗi thành phố phải có một hiệu thuốc mở cửa để phục vụ bệnh nhân. Vì thế các hiệu thuốc sẽ luân phiên mở cửa vào ngày cuối tuần.
Nếu đột ngột có bệnh nặng, thì người nhà sẽ gọi xe cấp cứu. Hệ thống cấp cứu không thuộc bệnh viện mà hoạt động độc lập, nhưng có tương tác với hệ thống cứu hỏa và hai cơ quan này thường nằm cạnh nhau. Khi có biến thì còi sẽ hú và cả hai bên đều nghe thấy. Nếu cần cứu nạn thì xe cứu hoả sẽ chạy theo cùng ngay. Bình thường sau mỗi cú gọi thì xe cứu thương hay cứu hỏa sẽ tới trong khoảng 10 phút. Bác sỹ sẽ sơ cứu tại chỗ rồi chở tới bệnh viện gần nhất.
Bảo hiểm sẽ thanh toán tiền xe cấp cứu.
Tất cả mọi công dân, không phân biệt người Đức hay người nước ngoài định cư ở Đức, đều bắt buộc phải có bảo hiểm y tế. Nếu thu nhập không đủ đóng, thì nhà nước sẽ hỗ trợ. Còn người lao động thì dĩ nhiên phải trích lương cùng đóng với chủ.
Muốn nghỉ ốm thì phải có giấy ốm của bác sỹ nộp cho chủ lao động.
Tất cả các bác sỹ phòng mạch bắt buộc hàng tuần phải có một, hai ngày tới bệnh viện làm việc.
Qui trình khám và chữa Covid-19 như sau : Khi có triệu chứng của bệnh. Người bệnh sẽ gọi cho đường dây nóng của bác sỹ nhà hay Sở y tế . Sau đó Sở y tế sẽ tới tận nhà lấy mẫu bệnh phẩm mang đi xét nghiệm và hướng dẫn tự cách ly với cộng đồng cũng như tự chữa trị tại nhà. Nếu có triệu chứng trở nặng thì gọi xe cấp cứu đưa tới bệnh viện. Đó là cách để giảm tải cho bệnh viện thành phố .
Thực tế đã có rất nhiều ca đã tự khỏi tại nhà, chứ không phải tất cả bệnh nhân đều cần tới bệnh viện.