Giờ em phang tiếp mảng phúc lợi xã hội.
Nước Đức không để cho bất cứ ai sống ( tất nhiên là có đăng ký thường trú ) trên nước Đức mà không có ăn và nhà ở cả . Không phân biệt người mang quốc tịch nước ngoài hay công dân Đức . Tất cả đều được hưởng phúc lợi ngang bằng nhau . Kể cả người nhập cư nước ngoài ( được cấp phép định cư ) chưa đóng bất cứ một đồng thuế nào cho Đức , nhưng vẫn được quyền hưởng ngay và luôn như mọi công dân Đức khác .
Tất nhiên muốn có ăn, có ở thì phải đặt đơn xin theo đúng trình tự ( và cũng không có ngoại lệ ). Ở xứ sở tự do , nhiều khi được chiều quá lại sinh ra những thằng khùng . Nên nhiều khi các cụ vẫn thấy ở các thành phố lớn có những thằng ngửa bát xin tiền. Đơn giản là nó không thích đơn từ gì hết , vì đơn từ cũng có những ràng buộc . Nên nó nguyện đứng vào tầng lớp vô gia cư . Gọi là vô gia cư , nhưng nhà nước vẫn xây dựng những khu nhà với đầy đủ tiện nghi tối thiệu như giường nằm và lò sưởi . Ngày phát ăn ba bữa . Đứa nào thích đi lang thang, vạ vật ngoài đường thì cũng là do ý thích của nó , chứ không phải là nó không có nhà để ở.
Người tàn tật được nhà nước nuôi suốt đời . Nếu gia đình không muốn nuôi thì gửi trung tâm . Còn muốn nuôi ở gia đình thì nhà nước trả cho người giám hộ tiền chăm sóc . Người tàn tật còn được hưởng một đặc quyền nữa là sử dụng các phương tiện giao thông công cộng không phải trả tiền . Đậu xe trong bãi đỗ của thành phố hay siêu thị có chỗ riêng , rộng rãi hơn và tất nhiên là cũng miễn phí .
Cá nhân người đứng đơn xin trợ cấp xã hội , sẽ được nhà nước trả cho tiền nhà , tiền ăn, tiền bảo hiểm y tế ....Những thành viên khác cùng đứng tên trong đơn sẽ được cộng thêm tiền ăn vào. Và lần đặt đơn đầu tiên nó sẽ cho thêm một khoản đủ để mua sắm vật dụng cơ bản trong nhà như giường , bếp, máy giặt , đèn đóm....ngoài ra còn đóng tiền nhà trẻ hàng tháng cho gia đình nào có trẻ con đi nhà trẻ .
Tất nhiên nó chu cấp cho ăn, ở... thì nó cũng có những ràng buộc sau :
Thỉnh thoảng gọi ra trình diện ( báo trước vài ngày và không theo chu kỳ ) , hỏi han xem tại sao mày không đi kiếm việc làm . Tất nhiên là đối tượng trình diện sẽ trình bày cả tỉ lý do vì sao vẫn chưa kiếm việc làm . Vài lần như thế sở lao động nó sẽ tính đến biện pháp gửi tới một lớp học dạy các kỹ năng xin việc . Học xong rồi mà vẫn chảy dài ở nhà thì nó sẽ gọi đi làm ( gọi là công ích hay xã hội cũng được ) . Đại khái là đi dọn dẹp nơi công cộng , nhà thờ, nghĩa trang.... . Nó trả cho mỗi giờ khoảng 1-2 € ( trong khi tiền công tối thiểu theo luật định là 8,5 €/h ) . Nó cứ hành như vậy thì cũng có nhiều vị nản quá phải đi kiếm việc làm đầy đủ để hết hành.
Luật nào thì cũng có kẽ hở . Nếu đi làm ở mức thu nhập dưới 800 ( khoảng ) , thì nó cũng bớt hành hơn, tiền nhà nó vẫn trả cho . Tiền ăn và sinh hoạt thì thiếu đâu bù đấy . Tất nhiên là tiền bảo hiểm y tế thì nó vẫn đóng đều hàng tháng cho. Phần đông người Việt mình và các sắc dân ngoại quốc khác trên thế giới bắt đầu lạm dụng. Bảo chủ khai làm sao dưới mức 800 để vẫn nhận được tiền nhà , tiền bảo hiểm y tế . Nhưng vẫn nhận đủ tiền công theo giá thị trường ( cái này gọi là làm chui ) . Tất nhiên là nhiều thằng chủ máu liều nó cũng sẽ gật , vì nó cũng được lợi là không phải đóng bảo hiểm cho người lao động.
Trẻ con đẻ ra , không phân biệt bố, mẹ thuộc thành phần nào , cũng không phân biệt là công dân Đức hay nước ngoài ( miễn có giấy phép định cư ) , được nhận ngay lập tức 188 €/ tháng đến tận năm 25 tuổi ( kể cả sinh viên ) , nó chỉ ngừng cấp khi đứa trẻ đó có việc làm bất cứ lúc nào từ 18-25 tuổi. Đứa trẻ thứ 3 trong gia đình còn được nhận tới hơn 200 €/ tháng.
Những đứa trẻ có bố , mẹ ăn trợ cấp xã hội sẽ được miễn vé đi bơi , vé xem phim hay vé tham quan sở thú....thành phố . Chúng cũng được miễn hay giảm học phí ở những trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng cho trẻ .
Người mới nhập cư vào Đức sẽ được hưởng một khóa học tiếng miễn phí ( gồm cả tiền đi lại ) dài tới 6 tháng ( gọi là khóa học hội nhập ) . Thi đỗ được cấp chứng chỉ B1 ( đủ để giao tiếp bình thường trong xã hội ) . Được phép học lại miễn phí một lần nếu thi trượt.