Con em chắc nhỏ hơn con các cụ. Nhưng quan điểm của em là ngay từ bé, em đã ném nó ra ngoài xã hội, cho nó học va chạm.
Đơn giản là bố, mẹ không được sinh ra ở bản xứ, rõ ràng là bị thiệt thòi và bất lợi về ngôn ngữ. Nếu con mình không được mở rộng giao tiếp ngoài xã hội thì sẽ kém như mình. Ỏ đâu thì cũng phải thông thạo ngôn ngữ và văn hóa ở đó. Thời gian ở với bố, mẹ tỉ lệ nghịch với va chạm xã hội của đứa trẻ. Càng va chạm nhiều, ngôn ngữ của tụi trẻ (có bố, mẹ là ngoại quốc) càng giỏi, mối quan hệ sẽ tăng nên. Cái hay, cái dở của dân bản địa và quốc tế bọn trẻ cũng biết nhiều hơn. Cái đó tốt cho hành trang vào đời của tụi nhóc sau này. Bắt đầu từ khi xin đi làm thêm kiếm tiền trang trải từ năm 16-17 tuổi cho đến trưởng thành. Tới đâu tụi nó cũng vui vẻ, hòa đồng, không rụt dè khi tiếp xúc. Cái đó luôn là lợi thế và ấn tượng ban đầu.
Học giao tiếp, học ngôn ngữ ở ngoài xã hội. Nhưng về nhà, cả nhà chỉ nói tiếng Việt , tiếng của em cũng như quạ nhà em không dày lắm nhưng đủ để giao tiếp xã hội, vì cả hai đều làm cho chủ Đức. Quan điểm của em, tiếng Việt là gốc, ít nhất là tới thế hệ F1. Nên thằng ku nhà em nó chơi tiếng việt vẫn lưu loát, kể cả tiếng lóng.
Ngoài giờ học, em bỏ tiền ra cho nó đi tiếp bán trú. Ở đó nó va chạm với tụi trẻ các nước và các lứa tuổi khác nhau, nên nó rất dễ gần. Em bảo với nó, con thích gì bố cho học cái đó. Nhạc, họa, cờ quạt, võ vẽ....bố sẽ chấp nhận bỏ tiền cho con học. Nhưng với điều kiện con phải thích. Vì những môn năng khiếu này phải thích thì mới theo và phát triển được. Nếu không thích phải ngừng ngay. Bên này nhà thi đấu, câu lạc bộ, trường đào tạo nghệ thuật, thể thao...còn nhiều hơn cả trường học chính khóa. Học phí thì quá rẻ, do nhà nước hỗ trợ. Tại sao mình không tạo điều kiện cho tụi nhóc theo học, nếu chúng đam mê. Chỉ cần bố trí thời gian sắp xếp đưa chúng đi học được là OK, đấy là khi chúng còn non, sau vài năm, cứng cáp hơn rồi thì chúng cũng tự đi được, nếu chúng còn đam mê.
Đi học các môn sở thích này, ngoài việc tụi nhỏ tự rèn tính kỉ luật trong các môi trường, thì chúng nó còn học thêm được cách làm việc theo nhóm (Team) . Ít nhất là thời gian học, sẽ choán hết thời gian nhàn rỗi chơi Game vô bổ khi ở trường về nhà hay thời gian lêu lổng ngoài đường.
Bình thường hầu hết người Việt mình đều muốn cho con đi học ngay từ 6 tuổi. Em thì cho ku nhóc ở lại nhà trẻ thêm 1 năm. 7 tuổi mới đến trường, nó cứng cáp, học chắc hơn bọn đi học đúng tuổi. Muộn một năm chẳng có sao cả, đổi lại nó đỡ vất vả hơn đứa đi học sớm.
Quăng nó ra ngoài xã hội, nhưng em vẫn phải giám sát nó bằng cách nghe từ hai tai. Nghe từ chính mồm nó nói ra chuyện giáo viên, trường lớp...khi hai bố, con tâm sự với nhau. Và nghe từ các giáo viên dạy nó cả trong trường học văn hóa và các trường ngoại khóa, để biết được cách nó sống ngoài xã hội, để kịp thời uốn nắn.
Trường lớp là khó chọn. Với cả trường nào cũng dạy học sinh văn hóa, đạo đức cơ bản hết.Nếu trường rất tốt , thì con mình dễ đi được đúng hướng hơn. Nhưng nếu con mình rơi vào trường không xuất sắc thì mình lại phải để tâm uốn nắn nó nhiều hơn chút xíu thôi. Cũng không có gì là quá sức lắm.
Còn bạn bè. Không chơi với những đứa hay lợi dụng mình hoặc coi thường mình. Con mình không nhận ra, thì mình giúp chúng nó nhận ra chân tướng bạn nó qua hành vi ứng xử của bạn. Bạn bè là phải tôn trọng nhau và giúp đỡ lẫn nhau trong thời gian chơi với nhau. Ngưu tầm ngưu, mã sẽ tầm mã để chơi với nhau.
Việc nuôi dạy con cái không thể nói tài được. Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi đứa trẻ mỗi tính cách. Nhưng gieo thói quen sẽ gặt tính cách. Đó chỉ là kinh nghiệm của em chia sẻ với các cụ. Ngựa hay mới biết đường dài, nhưng ngựa nhà em chạy chưa được dài, nên cũng chưa vỗ ngực được nó có hay, hay không.
Giờ em nhường các cụ có kinh nghiệm hơn và có con cái đã trưởng thành vào chia sẻ.