Gửi các cụ em copy tren mạng! ys kiến của một nhà khoa học ve NNC
TẤT CẢ ĐỀU LÀ NGOẠI CẢM RỞM!
Đây là nội dung bài phỏng vấn tôi của một tờ báo về ngoại cảm cuối năm 2013. Tuy nhiên do “huyền thoại ngoại cảm Việt Nam” là người nhà của vợ một vị Phó Tổng biên tập của báo nên cuối cùng nó không được dùng. Hôm nay tôi đưa bài phỏng vấn lên trang Người bắt ma để bạn đọc hiểu thêm về một khía cạnh của cuộc sống.
Từ khi nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền bị phi tang thi thể xuống sông Hồng, đến nay đã hơn 20 ngày, nhưng tất cả vẫn chỉ dừng lại ở những lời khai của bị can nên chưa thể nhận định được chính xác nguyên nhân cái chết của chị Huyền. Khi sự vụ vẫn chưa sáng tỏ thì xuất hiện nhiều người tự xưng “nhà ngoại cảm” xen vào khiến dư luận xôn xao. Chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn đại tá tiến sĩ Đỗ Kiên Cường về vấn đề đang rất được quan tâm. Xin mời bạn đọc theo dõi.
Xin ông cho biết khái niệm ngoại cảm và tâm linh mà người dân đang hiểu khác với khái niệm gốc như thế nào?
Đây là một câu hỏi căn bản mà nếu được giải đáp thỏa đáng, nó có thể giúp chúng ta trên nhiều mặt như học thuật, dư luận, quản lý nhà nước… Giới “ngoại cảm” hoặc “tâm linh” có thể làm nhiễu loạn xã hội như thời gian qua trước hết là do sự không đồng thuận về nội hàm của hai khái niệm này. Vừa qua tôi đã đưa ra hai quan điểm. Đó là toàn bộ giới “ngoại cảm tìm mộ” đều lừa đảo; và do đó cần cấm giới ngoại cảm hành nghề.
Dễ hiểu khi hai quan điểm đó đều gây tranh cãi. Tuy nhiên không chỉ người phản đối, mà ngay cả người ủng hộ cũng có thể chưa thật hiểu những gì tôi muốn nói.
Theo tiến sĩ Đỗ Kiên Cường, “huyền thoại ngoại cảm VN” hoặc là kẻ lừa đảo hoặc bị tâm thần
Tôi xin khẳng định lại, “ngoại cảm tìm mộ” là cách nói sai, do sự thiếu hiểu biết về khái niệm ngoại cảm. Đồng thời đề nghị cấm hành nghề ngoại cảm hoàn toàn đúng đắn về mặt khoa học và về mặt xã hội. Ngoại cảm là một hiện tượng gây nhiều tranh cãi, chứ không phải là một nghề như các nghề nghiệp khác trong xã hội. Và do gây tranh cãi, nên sự đánh giá về nó chỉ được tiến hành trong nội bộ giới khoa học mà thôi.
Vậy ngoại cảm là gì, thưa ông?
Ngoại cảm ESP (extrasensory perception) là sự cảm nhận không dùng năm giác quan quen thuộc. Đôi khi nó được gọi là giác quan thứ sáu. Ngoại cảm bao gồm thần giao cách cảm (đọc ý nghĩ người khác); thấu thị hoặc thấu thính (nhìn xuyên tường hoặc nghe được âm thanh từ thật xa); tiên tri (biết tương lai) và hậu tri (biết quá khứ).
Vậy giác quan thứ sáu có thật hay không? Câu trả lời của khoa học là sau hơn một thế kỷ nghiên cứu công phu, chưa hề thấy một bằng chứng xác đáng nào cho thấy ngoại cảm có thật. Bách khoa thư mở Wikipedia trên mạng viết: “Cộng đồng khoa học bác bỏ ngoại cảm do thiếu bằng chứng, thiếu lý thuyết giải thích, thiếu kỹ thuật thử nghiệm có thể cung cấp bằng chứng xác đáng và xem ngoại cảm là ngụy khoa học”.
Nếu vậy thì mấy cơ sở nghiên cứu ủng hộ và lăng xê cho ngoại cảm ở Việt Nam cũng là “ngụy khoa học”?
Chúng ta phải lựa chọn thôi. Hoặc cộng đồng khoa học thế giới đúng, đồng nghĩa với việc cần xem các cơ sở nghiên cứu của ta là “ngụy khoa học”; hoặc các cơ sở của ta đúng, và cộng đồng khoa học thế giới là “ngụy khoa học”. Bạn đọc có quyền lựa chọn. Riêng tôi, tôi chọn cộng đồng khoa học thế giới.
Tuy nhiên do Wikipedia là bách khoa thư mở, nên ai cũng có thể tham gia biên tập. Nếu người ủng hộ ngoại cảm tại Việt Nam không đồng ý với quan điểm nói trên, xin hãy mạnh dạn lên mạng biên tập lại nội dung của mục từ, tất nhiên với đầy đủ chứng cứ xác đáng.
Đó là lý do ông nêu quan điểm “ngoại cảm tìm mộ” là cách nói sai?
Bạn nói đúng nhưng chưa đủ. Cho đến nay khoa học hiện đại xem xác suất ngoại cảm bằng không, nên giới “ngoại cảm” như Phan Thị Bích Hằng hoặc Vũ Thị Minh Nghĩa không thể dùng giác quan thứ sáu để tìm mộ. Chính xác hơn, họ gọi hồn hoặc áp vong, tức nói chuyện với người chết.
Theo ông thì người chết có biết nói chuyện hay không?
Chúng ta đã chuyển sang một vấn đề khác rồi, đó là các hiện tượng dị thường (paranormal phenonema hoặc psychical phenonema). Các hiện tượng dị thường, mà ở Việt Nam cũng được gọi là các hiện tượng tâm linh, được chia thành ngoại cảm, viễn di tâm học (tức sức mạnh tâm trí trên vật chất, như nhìn cong thìa chẳng hạn), liên lạc với người chết, thoát xác, kinh nghiệm lúc gần chết, “ma nhập”… Những người có khả năng đó được gọi là nhà tâm linh. Giới đồng cốt thì được cho là có thể nói chuyện với người chết. Do đó nên “trả lại tên cho em”, cần gọi giới “ngoại cảm tìm mộ” là giới đồng cốt thì mới đúng bản chất vấn đề. Tuy nhiên hoạt động đồng cốt không được pháp luật công nhận (bị xem là mê tín dị đoan). Phải chăng vì vậy mà mấy cơ sở nghiên cứu của ta cứ gọi Phan Thị Bích Hằng là “nhà ngoại cảm”?
Xin lưu ý thuật ngữ “nhà tâm linh” (the psychic) cùng gốc với thuật ngữ psychiatry, tức ngành tâm thần học. Có thể vì thế mà giới “ngoại cảm” và “tâm linh” dường như “khùng khùng” chăng?
Vậy theo ông, thuật ngữ tâm linh có được dùng chính xác hay không?
Nói chung chúng ta dùng sai. Năm 2000, trên Phụ san Văn nghệ Quân đội, tôi đã viết bài “Tâm linh là gì?”, giới thuyết rõ ràng nội hàm của thuật ngữ khá đặc biệt này.
Theo Từ điển tiếng Việt, 1994, tâm linh có hai nghĩa: tiên tri; và tinh thần (ít dùng). Còn theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, tâm linh là trí tuệ tự có bên trong lòng người. Có thể do nghĩa đầu tiên trong Từ điển tiếng Việt (tiên tri) mà tâm linh cũng được dùng cho các hiện tượng dị thường?
Thuật ngữ tâm linh còn được dùng theo nghĩa tín ngưỡng, có thể do thuật ngữ spiritualism (duy linh luận), một quan điểm tôn giáo - triết học về sự tồn tại sau cái chết. Về mặt sinh học, đó là một quan niệm sai lầm. Chính vì ngữ nghĩa này nên mới có chuyện chính quyền nhiều nơi nói không thể cấm các trung tâm áp vong, do xem đó là các hoạt động tâm linh (tín ngưỡng). Tôi đề nghị nên gọi đúng tên sự việc: áp vong là hoạt động đồng cốt; còn thờ cúng tổ tiên mới là tín ngưỡng. Và thay cho thuật ngữ “các hoạt động tâm linh”, nên dùng thuật ngữ “các hoạt động tín ngưỡng”. Như thế việc quản lý xã hội sẽ dễ dàng hơn.
Nên ông xem ngoại cảm và tâm linh không có thật?
Đúng vậy. Khi tôi quan niệm ngoại cảm và tâm linh chưa được xem là có thật, nhiều bạn đọc phản đối, vì cho rằng tôi bác bỏ tín ngưỡng và tôn giáo. Đó là hiểu lầm. Tôi xin nhắc lại, các hiện tượng tâm linh theo nghĩa dị thường, như ngoại cảm hoặc áp vong, mới bị khoa học bác bỏ.
Ông đánh giá thế nào về việc có rất nhiều nhà ngoại cảm tìm đến hiện trường nơi bác sỹ Tường vứt xác chị Huyền để “áp vong”? Họ nói rằng thi thể chị Huyền ở dưới cầu Thanh Trì nhưng khi tìm kiếm thì không kết quả.
Đó là những người lừa đảo mê muội, đề nghị chính quyền ngăn không cho họ quấy rầy gia đình nạn nhân và đội tìm kiếm.
Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng UIA cho rằng những người tự đến tìm thi thể chị Huyền là “ngoại cảm rởm”, điều đó ảnh hưởng đến uy tín của những nhà “ngoại cảm thật”. Xin ông cho biết quan điểm về giới “ngoại cảm” Việt Nam.
Theo khoa học hiện đại mà bách khoa thư Wikipedia dẫn ở trên thì tất cả ngoại cảm đều là rởm cả. Họ chỉ trở thành “nhà ngoại cảm chân chính” nhờ các nghiên cứu phi chuẩn mà thôi. Tôi sẽ nói về sự phi chuẩn đó sau.
Theo ông khoa học đã chứng minh linh hồn không có thật? Vậy những trường hợp “áp vong”, “gọi hồn” là lừa đảo nhưng tại sao họ vẫn có đất hành nghề? Phải chăng do người dân còn tin nên họ mới có “đất sống”?
Trong bài viết “Tất cả giới ngoại cảm tìm mộ đều lừa đảo” trên Thể thao & Văn hóa, tôi đã trình bày tại sao khoa học bác bỏ quan niệm linh hồn như một tồn tại sau cái chết. Tôi hy vọng, nếu các cơ sở ủng hộ ngoại cảm Việt Nam không đồng ý, họ có thể đưa ra lập luận của mình trên tinh thần trao đổi dân chủ và công khai. Tôi sẵn sàng trao đổi và tranh luận với họ. Xin lưu ý thêm là không phải tôn giáo nào cũng công nhận linh hồn. Phật giáo là một tôn giáo như vậy.
Còn lý do người dân tin vào áp vong hoặc gọi hồn thì tôi cũng đã nhiều lần trình bày. Đó là do bản năng “chúng ta muốn tin” mang tính sinh học của con người. Nói cách khác, chúng ta là loài động vật mê tín!
Ngày 28/10/2013, GS Ngô Bảo Châu viết trên trang facebook cá nhân rằng “Có cách nào rút Hội toán học Việt nam ra khỏi Liêp hiệp hội khoa học kỹ thuật không nhỉ? Liệu Hội toán học, Hội vật lý, Hội cơ học, Hội hoá học, Hội sinh học ... có thể "liên hiệp" với Viện nghiên cứu tiềm năng con người hay không? Theo tôi hiểu, khoa học phát sinh từ ý chí phủ nhận mê tín, và vì thế không có cách gì "liên hiệp" mà không tự phủ nhận chính mình”. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Tôi đồng cảm với nhà toán học đang là niềm tự hào của chúng ta. Chúng ta cần hiểu rằng, với một nhà khoa học như ông, “áp vong” hoặc “nói chuyện với người chết” chính là sự mê tín.
Ông cũng biết UIA và Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người. Ông đánh giá thế nào về các nghiên cứu của họ?
Tôi xin nhận xét về UIA trước. Tôi chưa được thấy quy trình đánh giá của họ nên cũng khó nói tại sao họ lại công nhận ngoại cảm. Tuy nhiên tôi xin lưu ý một sự thật rất đáng buồn rằng, ông tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc UIA, hoàn toàn không biết ngoại cảm là gì, cho dù ông rất hăng hái nghiên cứu và lăng xê cho giới “ngoại cảm”.
Có chuyện như đùa vậy sao? Ông có nhầm không?
Tôi nhầm sao được. Trên Thể thao & Văn hóa ngày 01/11/2007, ông Vũ Thế Khanh cho rằng “ngoại cảm là một từ Hán Việt, ngoại là bên ngoài, cảm là cảm nhận và cảm ứng với bên ngoài, có thể cảm ứng với ngoài cơ thể mình, ngoài đất nước mình. Từ con người, con vật, cây cối đều có thể ngoại cảm. Nó đối lập với “nội cảm” là cảm nhận về bên trong cơ thể mình”. Rõ ràng ông Tổng Giám đốc UIA có quan niệm về ngoại cảm hoàn toàn khác so với cộng đồng khoa học thế giới. Thảo nào mà giới “ngoại cảm” nước nhà chẳng như nấm sau mưa!
Chính vì vậy trong một bài viết năm 2007, tôi phải khẳng định rằng: “mọi nghiên cứu và kết luận với sự tham gia của ông Vũ Thế Khanh và UIA đều mắc sai lầm nghiêm trọng trong quan niệm và trong phương pháp. Cần bác bỏ chúng”.
Còn Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người thì sao, thưa ông?
Như đã trình bày, đối với cộng đồng khoa học thế giới, đây là tổ chức “ngụy khoa học”; đối với GS Ngô Bảo Châu, đây là tổ chức đi ngược với “ý chí phủ nhận mê tín” của khoa học. Riêng với tôi, đây là tổ chức phản khoa học hơn là khoa học.
Tại sao ông lại đưa ra nhận định nghiệt ngã như vậy?
Có hai lý do cơ bản. Đầu tiên là các nghiên cứu phi chuẩn của ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Phó Viện trưởng, người mắc sai lầm nghiêm trọng trong nghiên cứu “người ba mắt” Hoàng Thị Thiêm, “hấp dẫn sinh học”, em bé gây cháy tại TP Hồ Chí Minh, hoặc trong việc lăng xê ngoại cảm. Quan trọng hơn là nhận định về cơ cấu tổ chức và nội dung nghiên cứu, thể hiện trên website chính thức của Viện.
Theo đó thì Viện có tổ chức và nội dung nghiên cứu hợp lý hay không, thưa ông?
Viện có sáu bộ môn là các bộ môn Cận tâm lý, Khoa học dự báo, Năng lượng sinh học, Nghiên cứu các hiện tượng siêu hình, Phong thủy và Văn hóa phương Đông. Ngoài ra còn có ba trung tâm Dưỡng sinh, Khoa học phân tích vân tay và Trắc nghiệm tư vấn và bồi dưỡng (Liệu có cái gọi là khoa học phân tích vân tay không nhỉ, hay đó chỉ là chuyện lúc trà dư tửu hậu?).
Nếu nói về sự phản khoa học hơn là khoa học, Bộ môn Khoa học dự báo chính là một minh họa điển hình. Trong lúc nguyên lý bất định của vật lý học hoặc tất loạn (chaos) trong toán học nói rằng, không thể tiên lượng tương lai vũ trụ, các nhà nghiên cứu tại đây lại hy vọng phản bác khoa học bằng kinh Dịch, tử vi, nhân tướng, giấc mơ tiên tri hoặc giáng bút! Và Nostradamus được dùng làm tấm gương, chứng tỏ họ không biết Nostradamus chỉ viết khoảng 300 khổ thơ thôi, còn người đời sau viết thêm hơn 600 khổ. Họ cũng không hề biết, Nostradamus tiên tri ngày chết của mình sai gần hai năm!
Điều đó chứng tỏ, khả năng của “nhà tiên tri số một nhân loại” chỉ là sản phẩm của niềm tin mù quáng?
Chính xác. Tuy nhiên bạn chớ ngạc nhiên, định luật Blackmore thứ nhất năm 2004 nói rằng, “niềm tin của con người vào các hiện tượng dị thường lớn hơn mọi chứng cớ phản bác” cơ mà. Đó là lý do khoa học cần sự nghi ngờ và phản nghiệm.
Còn nội dung nghiên cứu của các bộ môn khác có hợp lý hay không?
Tôi nhận xét thêm về Bộ môn Nghiên cứu các hiện tượng siêu hình. Mục đích của bộ môn là “tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu các hiện tượng huyền bí (hay còn được gọi là thần thông, phép lạ) trong dân gian, trong các tôn giáo từ các lãnh vực như chữa bệnh không dùng thuốc, tiên tri, thấu thị, cầu hồn, thần nhãn, cầu cơ, xuất hồn … cũng như những khả năng ngoại cảm của con người (hay còn gọi là thần thông) nhằm rút ra được những đặc điểm cơ bản của các hiện tượng siêu hình cũng như những thông điệp tiềm ẩn đằng sau những hiện tượng siêu hình qua đó giúp cho mọi người hiểu biết về những hiện tượng siêu hình, không còn lệ thuộc vào các hình thái mê tín dị đoan”.
Rõ ràng Viện không hề biết các hiện tượng dị thường (mà họ gọi là siêu hình) chính là đối tượng của Bộ môn Cận tâm lý. Do đó mới có hai bộ môn khác nhau. Họ cũng không biết tiên tri, thấu thị, thần nhãn chính là ngoại cảm. Và cách hành văn mang hơi hướm Tôn Ngộ Không “hay còn gọi là thần thông” sao lại xuất hiện trên website của một tổ chức khoa học?
Vậy ông có lời khuyên gì không?
Lời khuyên thì không dám, nhưng tôi xin dẫn giáo sư Tiền Học Sâm, người cha của ngành tên lửa Trung Quốc. Khi lãnh đạo Hội nhân thể học Trung Quốc, được thành lập để nghiên cứu Trung y, khí công và các đặc dị công năng (chính là đối tượng của Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người), ông nói: “Mọi vấn đề được bàn trong khoa học nhân thể đều liên quan với những nghiên cứu về sự thống nhất biện chứng giữa vật chất và tinh thần, giữa khách quan và chủ quan, giữa đại não và ý thức. Đụng phải vấn đề phức tạp như thế, nếu chúng ta không vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng để chỉ đạo thì khó lòng tránh khỏi sai lầm”. Nếu không đồng ý, bạn đọc có thể phản biện, nhưng cần tránh các lập luận kiểu, Liên Xô tan rồi, tại sao còn dùng triết học duy vật biện chứng? Chúng ta nên nhớ vào năm 1999, chính khán thính giả của đài BBC đã bình chọn Marx là nhà tư tưởng vĩ đại nhất thiên niên kỷ thứ hai.
Cuối cùng ông có đề xuất gì trong việc cấm giới ngoại cảm Việt Nam hành nghề và khuyến cáo người dân không tin vào những trò dị đoan?
Theo tôi cần cấm áp vong, vì đó là mê tín chứ không phải là tín ngưỡng. Ai muốn nghiên cứu ngoại cảm cần khép mình trong các cơ sở học thuật uy tín. Chúng ta cần liên tục khuyến cáo người dân không nên tin ngoại cảm kẻo tiền mất tật mang.
Ngay cả với “huyền thoại ngoại cảm Việt Nam” Phan Thị Bích Hằng?
Đúng vậy. Với tôi, Phan Thị Bích Hằng là kẻ lừa đảo hoặc người tâm thần. Ngoài ra đó còn là kẻ báng bổ giáo lý Phật giáo. Tôi sẽ trình bày điều đó rõ hơn khi có dịp.
Xin cảm ơn ông.