Võ Việt mình khác võ Tàu là có bài thiệu nhé cụ. Đặc trưng nhất là võ Bình Định:
Cho đến nay, ngay trong giới hoạt động võ thuật, vẫn có không ít người cho rằng võ Việt Nam chỉ là một phiên bản của võ thuật Trung Quốc. Những người này còn đưa ra một số bằng chứng, như tên gọi đòn thế, tên bài quyền của võ Việt Nam và võ Trung Quốc đều có những nét giống nhau. Sự thật ra sao?
Từng gắn bó với hoạt động võ thuật cổ truyền Việt Nam hơn 40 năm qua, được dịp tiếp xúc nhiều bậc võ sư của cả hai nền võ thuật Việt Nam và Trung Quốc hoạt động khắp ba miền Nam – Trung – Bắc, chúng tôi chưa hề nghe các bậc tiền bối nói rằng võ Việt Nam là một phiên bản hoặc chi phái của võ Trung Quốc! Các cụ bao giờ cũng xác định khá rạch ròi “võ Ta và võ Tàu là hai nền võ thuật khác nhau”.
Khác về lời thiệu
Trước hết là sự khác nhau về ngữ nghĩa. Võ Ta là loại võ thuật của chúng ta – những người Việt có nguồn gốc con Hồng cháu Lạc. Còn võ Tàu là loại võ thuật của những người Hán của đất nước Trung Hoa, trong quá khứ vẫn thường sử dụng để tấn công nước Việt. Từ “Ta” và “Tàu” đã cho thấy một bên là yếu tố nội sinh của chúng ta, còn một bên là yếu tố ngoại nhập, của những người không cùng nòi giống.
Sự khác nhau về võ Ta và võ Tàu còn có thể nhận thấy trong tên gọi những đòn thế trong một bài quyền (còn gọi là bài thảo). Tất cả những bài võ Ta hiện đang lưu truyền khắp ba miền đều có một bài thơ kèm theo, gọi là thiệu. Các bài thiệu này được làm theo các thể thơ quen thuộc của người Việt thời xưa như: thất ngôn (mỗi câu thơ có 7 từ), tứ tự (mỗi câu thơ có 4 từ), ngũ ngôn (mỗi câu thơ có 5 từ), lục bát (câu 6 từ liền với câu 8 từ), song thất lục bát (hai câu 7 từ liền với hai câu lục bát)… Những từ sử dụng trong các bài thiệu này cũng khá đa dạng: chữ Nho, chữ Nôm, hay xen kẽ chữ Nho với chữ Nôm. Chẳng hạn như: “Chống roi đứng thủ Thần Đồng, Bắt qua bên trái, đánh càn lưỡng biên” (bài roi Thần Đồng), “Lão mai độc thọ nhứt chi vinh, Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành” (bài quyền Lão Mai). Trong khi võ Tàu cũng có thiệu, nhưng rời rạc từng câu, không kết hợp thành một bài thơ. Ví dụ mấy câu thiệu trong bài Mai Hoa Quyền của võ Tàu: “Tướng quân bái tổ, Song cung bảo nguyệt. Lưỡng thủ tảng quyền, Nhị long nhập động. Song chỉ cầm long…” hay mấy câu thiệu trong bài Thái Cực Quyền của võ Tàu: “Khởi thế, Dã mã phân tung. Bạch hạc lượng xí, Tả hữu lâu tất ảo bộ. Tả huy tì bà…”.
Khác phương pháp huấn luyện
Cũng trong quá trình thể hiện, những bài quyền, thảo, binh khí, võ Ta hầu như chỉ triển khai theo hai hướng chính là hướng trước mặt và hướng sau lưng, còn các hướng trái phải tuy cũng có thể có triển khai nhưng rất ít, nghĩa là những bài quyền, bài binh khí võ Việt triển khai theo đồ hình nét sổ trong chữ Hán (l). Trong khi đó, các bài võ Tàu, cả quyền thảo lẫn binh khí, được triển khai rất nhiều hướng với các đồ hình khá đa dạng: 4 hướng, 8 hướng… thậm chí mang tính ngẫu hứng, như trong Tuý quyền, Thái cực quyền…
Trong phương pháp giảng dạy truyền thống của võ Ta và võ Tàu cũng khác nhau. Các bậc thầy võ Ta ngày xưa thường dạy theo phương pháp từ tổng hợp đến phân tích. Cụ thể là dạy bài quyền trước rồi phân tích thành đòn thế sử dụng sau. Còn võ Tàu thì dạy theo phương pháp từ phân tích đến tổng hợp: võ sinh bước đầu tập từng đòn căn bản, sau mới tập đến các bài quyền vốn là tổng hợp của những đòn căn bản.
Tóm lại, võ Ta khác hẳn võ Tàu, nghĩa là võ Việt Nam chắc chắn không phải là phiên bản của võ Trung Quốc. Dĩ nhiên quá trình giao lưu văn hoá Việt Hoa trong lịch sử hai dân tộc đã dẫn tới sự ảnh hưởng của võ Tàu trên võ Việt là điều không tránh khỏi. Nhưng cũng như trên các lãnh vực văn hoá khác, các bậc tiền bối võ Việt Nam đã tiếp thu những cái hay của võ Trung Quốc, nhưng đã biến đổi cho phù hợp với con người Việt Nam, cho nền võ học Việt Nam ngày thêm phong phú, góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ và mở mang đất nước Việt Nam trường tồn.
Cho đến nay, ngay trong giới hoạt động võ thuật, vẫn có không ít người cho rằng võ Việt Nam chỉ là một phiên bản của võ thuật Trung Quốc. Những người này còn đưa ra một số bằng chứng, như tên gọi đòn thế, tên bài quyền của võ Việt Nam và võ Trung …
vietmartialarts.com
HỒ TƯỜNG