Tranh cãi về luật nhân quả theo em là do ta không:
- Nhìn sự vật sự việc như nó chính là.
Em lấy ví dụ có một nửa cốc nước.
- Người lạc quan sẽ hô lên: ôi, cốc nước đầy một nửa.
- Người bi quan sẽ than phiền: huhu, cốc nước vơi một nửa.
Tuy nhiên, dù người ta lạc quan hay bi quan thì nửa cốc nước nó vẫn cứ là nửa cốc nước. Chẳng khác đi chút gì.
Giờ xét đến việc nhiều khi chúng ta hay than phiền: nhà đó xấu thế sao lại giàu thế?
Đó là một cách nhìn đầy thành kiến. Nghĩa là ta đã lồng cái ý kiến chủ quan vào một sự việc khách quan. Chính vì lý do đó nên chúng ta cho rằng: quả nhất định phải là như vậy, mà không đi sâu vào gốc rễ của vấn đề. Hay như trong kinh Phật nói, đó là: Sự thật. Sự thật nó tồn tại khách quan, chẳng bị phụ thuộc vào bất cứ ai cả.
Việc giàu, nghèo chẳng liên quan gì đến việc tốt, xấu, làm thiện hay làm ác. Chúng ta sống trong cuộc sống này, tạo ra bao nhiêu nhân, và gặt về bao nhiêu quả. Biết quả nào thuộc nhân nào?
Để giúp cho con người thoát ra khỏi cảnh mãi cứ làu bàu, sao tôi tốt thế mà vẫn khổ, trong khi thằng hàng xóm xấu thế mà lại giàu, Đức Phật mới chỉ ra:
Tứ diệu đế là gì?
- Định nghĩa nỗi khổ: ví dụ như ở cạnh người mình không thích, xa cách người mình yêu, nghèo quá, đen đủi quá....
- Nguyên nhân của nỗi khổ đó: chính là tham, sân, si.
- Cách diệt khổ: bỏ tham, sân, si đi là xong.
- Con đường để bỏ tham, sân, si: thực hành theo tám cách: nghĩ chuẩn, nói chuẩn... Nói chung làm cái gì cũng điềm đạm, chuẩn chỉ, càng loại bỏ được định kiến bao nhiêu thì càng gần với sự giải thoát bấy nhiêu. Nhìn sự vật sự việc như nó vốn có...
Như vậy, để giúp mọi người thực hành những điều cơ bản nói trên, Đức Phật mới tùy vào từng đối tượng mà có những bài giảng khác nhau. Tuy nhiên, những lời giảng đó lại không phải là chân lý. Nó chỉ là con đường dẫn đến chân lý. Chúng ta hay soi từng câu chữ để thực hành, mà không hiểu ý nghĩa cốt lõi thành ra nó mới bị biến tướng ra tùm lum.
Ví dụ:
- Phật dạy phải từ bi hỉ xả. Nhưng có lần Phật lại dùng cây đánh một con nai. Tại sao? Bởi vì Phật bảo, đánh con nai cho nó sợ nó chạy vào rừng để người ta đỡ bắt giết thịt.
- Phật dạy không được sát sinh. Thế là bị suy diễn ra là không được ăn thịt. Tu sĩ đi khất thực, dân họ cúng dường thịt chẳng lẽ lại từ chối?
Luật nhân quả nó cũng vậy thôi.
Nó là một qui luật tồn tại khách quan. Tuy nhiên, sau đó nó đã bị chủ quan hóa, định kiến hóa, tham sân si hóa, khiến cho nhiều người than thân trách phận, giận cả ông trời, trách cả ông Phật. Và như vậy thì mãi mãi sẽ rơi vào cái vòng luẩn quẩn do chính mình tạo ra:
- Tự tạo ra khổ, xong rồi than khổ.
- Sống với quá khứ, tương lai mà quên đi hiện tại, nên lúc nào cũng tiếc nuối, khổ đau. Đúng như những câu thành ngữ của nhiều dân tộc trên thế giới: cái gì không có mới là thứ quí nhất (tham).