Em, 1 thằng loser chính hiệu cho đến thời điểm hiện tại. Một vợ 2 con, xuất thân trong 1 gia đình bình thường, bố mẹ làm công nhân viên chức, lớn lên cũng theo rãnh như vậy, em cũng là thằng nhân viên quèn, cũng lấy vợ, sinh con. 10 năm kể từ ngày ra trường, em sống đúng kiểu chuẩn mực của 1 người 40 năm về trước, đi làm, về nhà chăm vợ con, lương bình bình, cuộc sống cứ thế trôi qua. Vài năm trở lại đây, em thật sự trăn trở về cuộc sống, liệu cứ thế này đến hết đời hay sao?
Em tâm sự với 2 cụ thân sinh, các cụ bảo bố mẹ thấy cuộc sống ổn định như con là được rồi, bao người còn vất vả ngoài kia. Mẹ em thì không nói nhưng bố em là người rất ưa danh, ưa con cái có chỗ làm nhà nước ổn định, ông rất hãnh diện về điều đó, em thì ngược lại với ông. Em biết ông xuất thân cũng là lao động bình thường nên cách nhìn cuộc sống của ông cũng không thể rộng rãi, với ông như vậy là quá ổn nhưng với em thật sự là không ổn 1 chút nào. Em muốn làm 1 cuộc thay đổi lớn.
A. Em mong muốn như sau:
1. Tài chính gia đình em lên 1 tầm khác, không phải đủ ăn đủ mặc và duy trì như vậy đến hết đời mà phải ở mức dư dả, cân được hết tất cả các trường hợp khủng hoảng trên tất cả phương diện từ giáo dục, y tế, du lịch...
2. 2 đứa nhà em có điều kiện được tiếp cận kiến thức dự bị khoảng 5 năm trước khi đi du học và có khả năng lo cho 2 đứa du học mà không phải giật gấu vá vai.
3. Chủ trương chính là cho 2 đứa di dân, không cần chúng nó quay về, vợ chồng em xác định sống 1 mình, để chúng nó tung bay đời chúng nó. Nếu không thực hiện được chủ trương chính, phải sống trên đất này thì cũng phải sống 1 cuộc đời khác, ở 1 tầm khác.
4. Cuối đời 2 vợ chồng sống bình bình, có đủ tài chính để thi thoảng du lịch, bệnh tật ốm đau. Cả 2 trước khi đi thì hiến được gì cho đời cứ hiến, sau đốt hết, tro rải biển, con cái không cần thờ.
B. Giá phải trả:
Với 1 đống mong muốn như vậy, em biết cái giá phải trả cũng không hề nhỏ, và em xác định chấp nhận như sau:
1. Em chấp nhận làm việc 25 năm nữa full công suất, không nghỉ giữa hiệp.
2. Thời gian dành cho gia đình ít lại, tình cảm gia đình còn lại 60% so với bây giờ.
3. Sức khoẻ còn lại 70% so với bây giờ.
4. Cuối đời sống 1 mình 2 vợ chồng, không con cái.
Chốt hạ: Với mong muốn và giá phải trả như vậy, em muốn xin lời khuyên của các cụ trên cõi OF:
1. Quan điểm của em như vậy có dị hợm không?
2. Phải làm như thế nào để đạt được mục tiêu đó?
3. Các cụ còn phương án nào các cụ đang hoạch định hoặc đã thực hiện rồi mà các cụ thấy mãn nguyện thì cho em xin em làm đường lối.
Chân thành cảm ơn các cụ đã quan tâm!
Phương án cụ nghĩ ra em cho là phương án của loser, như cụ nói ạ, vì sao thì em xin phân tích cho cụ rõ:
Phần A của cụ:
A1. mức tài chính mà cụ mong mỏi rất khó xác định, với sự cố cỡ khủng hoảng thì nhiều khi có cực kỳ nhiều tiền vẫn tạch.
A2. mức tài chính bố mẹ lo cho con đi du học cũng khó xác định, nếu chúng không thích hoặc rong chơi lêu lổng, em chưa rõ là bỏ bao nhiêu tiền cho vừa, bỏ ra rồi có kết quả không nữa.
A3. mức tài chính để di dân cho con trẻ, nói nhiều cũng không nhiều mà nói ít cũng không ít, chúng nó di dân sang nước ngoài sống bằng cái gì, cụ trang bị cho chúng nó cái gì, cụ chuẩn bị cho chúng nó cái gì, nếu phá không xây thì không có con số nào là đủ, vợ chồng cụ không yên thân ở lại được đâu.
A4. cụ nói cuối đời sống bình bình, thi thoảng du lịch, sau này hiến được gì thì hiến, tro đốt rải biển, cái kết này em nghĩ phải xem phần B của cụ được đến đâu.
Tổng kết phần A: mục tiêu của cụ cao quá, cụ liệt kê nhiều mục tiêu có mức dự trù không tính được, mơ hồ quá cụ ạ, cần có cái nhìn cụ thể hơn, thực tế hơn.
Phần B của cụ:
B1. chấp nhận làm việc 25 năm nữa, giờ cụ 35 tuổi, 60 tuổi cụ áng chừng cụ tạo ra bao nhiêu của cải không bị lao lý hỏi thăm, cụ cho con số để em giúp cụ tính tiếp.
B2. thời gian cho gia đình ít lại, tình cảm ít dễ dẫn tới xa cách, xa cách rồi thì có đáng hy sinh nữa không? tình cảm gia đình còn lại 60% so với bây giờ: 60% cụ tính từ đâu ra, tại sao lại là 60%, nếu là con số khác thấp hơn thì sao ?
B3. sức khoẻ còn lại 70% so với bây giờ: sao cụ dám chắc còn lại 70% so với bây giờ ?
B4. cuộc sống cuối đời 2 vợ chồng không con cái, vợ cụ có nguyện lòng như vậy không, sau khi hy sinh bao nhiêu, cụ có chấp nhận chúng nó ôm tiền bỏ cụ cuối đời một mình ?
Tổng kết phần B: cụ khôn lỏi quá, ai mà chả làm tới 60 tuổi thì nghỉ, nếu kém có khi nghỉ rồi vẫn phải lăn lộn, kém hơn có khi chả được tới 60 để mà nghỉ, trong những 25 năm đó biết bao thăng trầm biến động không lường được, 1917 đến 1941 cũng là khoảng 25 năm, 1945 đến 1954 chưa đủ 25 năm, 1954 đến 1979 cũng là khoảng 25 năm, những đại khủng hoảng như vậy cụ đã dự tính hết chưa ? Không thực tế cụ ạ.
Chốt hạ em tư vấn tới cụ:
1. Quan điểm của cụ không dị hợm, mong muốn cuộc sống tốt hơn là mưu cầu chính đáng của mỗi người, nhưng dự định của cụ không khả thi.
2. Vì dự định của cụ không khả thi nên e là khó có thể đạt được.
3. Người ta cảm thấy mãn nguyện khi người ta cảm thấy đủ, cụ chưa cảm thấy đủ và cụ phấn đấu, sau một thời gian, cuộc đời sẽ cho cụ nhiều bài học quý giá, cụ sẽ biết thế nào là đủ, thế nào là mãn nguyện, vấn đề là thời gian.
Em góp ý trên cơ sở thông tin cụ đưa, trường hợp 4C thì không áp dụng cụ nhé.