Đây là một chủ đề rộng và sâu sắc mà thú thực là em rất ngại bàn đến, Tuy nhiên cụ đã khiến em cảm kích rất nhiều nên em xin trò chuyện với cụ (một cách khái quát) thế này:
- Việc chế tạo công cụ có thể xem là bản năng của con người, nhằm hai mục đích và chỉ hai mục đích mà thôi: (1) tác động vào thiên nhiên (2) tự vệ trước các mối đe dọa tới từ bên ngoài. Trong khi đó con người mưu cầu thứ lớn hơn rất nhiều - đó là hạnh phúc
Chế tác công cụ rất quan trọng nhưng nó có thể bị thủ tiêu khi con người không duy trì được niềm vui, không thấu triệt được ý nghĩa của cuộc sống, và chế tác công cụ cũng không phát triển trong một môi trường sống ổn định và các mối đe dọa không thực sự hiện hữu.
- Xã hội loài người luôn là một tập hợp hỗn tạp, không đồng nhất và luôn có xu hướng biến đổi. Vậy nên, trong tiến trình mưu cầu hạnh phúc, việc đầu tiên con người làm là 'tổ chức xã hội' nhằm phân công lao động sao cho phù hợp nhất với điều kiện sinh tồn cụ thể. Nhằm duy trì một xã hội có tổ chức, tất yếu sẽ xuất hiện việc đi tìm 'ý nghĩa cuộc sống' và nhu cầu cải tiến tổ chức xã hội (bao gồm cả việc phân công lao động) sao cho ngày một tốt đẹp hơn, thích ứng tốt hơn với môi trường đang biến đổi, đáp ứng được nhu cầu vô bờ bến của mỗi cá thể ở trong nó. Đây là khởi nguồn của tôn giáo, triết học, khoa học và nghệ thuật. Khi những cái này xuất hiện, thì tất yếu hệ tư tưởng xuất hiện. Giá trị căn bản nhất của hệ tư tưởng là xác định và phân định các giá trị, lấy đó làm nền tảng cho sự phát triển công cụ/ công nghệ nói riêng và xã hội nói chung. Việc chế tác công cụ sẽ đi vào ngõ cụt khi con người xác định không chính xác, hoặc có sự nhầm lẫn về giá trị.
Việc chế tác công cụ rất quan trọng trong việc xác định trình độ phát triển của một xã hội, tuy nhiên nếu xem nó là 'nét chủ đạo nhất' mà xem nhẹ các khía cạnh khác của xã hội, thì em e rằng đó là nhận định không thấu đáo.
Trong post trên của cụ có một vài ý ẩn tàng khá thú vị, để em trả lời sau nhé!