7/Hissène Habré và cuộc chiến chống Libya từ 1983-1986.
Như đã nói ở trên, thủ tướng Hissène Habré sau khi phải sang Sudan tị nạn, đã quay trở lại và đạt đỉnh cao quyền lực ở Chad. Tổng thống tay sai của Libya, Goukouni Oueddei chạy trốn đến Libya, nhưng năm 1983 nhờ quân đội Libya đang chiếm đóng miền Bắc Chad, Goukouni Oueddei được đưa trở lại đây sẵn sàng chống lại chính phủ của Hissène Habré.
Tổng thống Hissène Habré, vào lúc đó được coi là hình tượng của một anh hùng dân tộc Chad, cho thấy dù là người Hồi giáo, ông cũng sẽ không chịu làm tay sai cho Gaddafi như những kẻ khác. Sau khi giành lại quyền lực, Hissène Habré đã nhanh chóng tổ chức lại quân đội chính quy Chad, gọi là ”Lực lượng vũ trang Quốc gia” – FANT. Năm 1983, với sự hỗ trợ của lính dù từ Zaire (nay là CHDC Congo – đồng minh của Pháp), lần đầu tiên quân đội chính phủ Chad chủ động tấn công lên miền Bắc. Quân chính phủ Chad dù yếu về trang bị nhưng có tinh thần chiến đấu quả cảm, đã đẩy quân nổi dậy thân Libya sâu về phía Bắc. Đến tháng 7 năm 1983, quân nổi dậy thân Libya ở Chad cơ bản đã bị đè bẹp. Cuộc chiến giờ đây sẵn sàng cho màn đối đầu trực tiếp giữa Chad và Libya, giữa Hissène Habré và Muammar Gaddafi.
Tuy nhiên, mở đầu cuộc đụng độ này là một sai lầm chết người của Hissène Habré. Do quá coi thường người Libya sau những chiến thắng ban đầu, Hissène Habré thân chinh dẫn quân đội của mình tiến đến thành phố chiến lược Faya-Largeau, vốn rất gần với quân đội Libya. Tại đây, ngày 10/8/1983, quân Libya đã dội vào Faya-Largeau một trận mưa bom và tên lửa từ những vũ khí tối tân của Liên Xô, gồm cả máy bay ném bom Tu-22. Hơn 700 lính FANT của Hissène Habré chết trong 1 ngày. Sau đó, 11.000 quân Libya, một lực lượng khổng lồ mà Hissène Habré không ngờ tới, đã bao vây ông. Hissène Habré vội vã rút về thủ đô N’Djamena và nhanh chóng nhận ra rằng, so với quân đội Libya, đội quân của ông chỉ là một ”đội quân ăn mày” (lúc này đang là nghĩa bóng).
Biết rằng đối đầu trực tiếp với quân Libya sẽ là tự sát, Hissène Habré nhờ đến người Pháp. Lời cầu cứu của Hissène Habré đặt Pháp vào tình thế khó xử. Họ phải chọn giữa việc bảo vệ chính quyền Chad và không làm mất lòng Libya, vốn đang là đối tác làm ăn lớn. Vậy nên, Pháp đã chọn giải pháp: triển khai quân vừa đủ. Chiến dịch Manta được quân đội Pháp tiến hành, không vận 3.500 lính Pháp và một phi đội không quân đến bảo vệ. Người Pháp đã đạt được cả 2 mục đích. Với số quân triển khai, họ đảm bảo rằng chính quyền Chad sẽ không sụp đổ trước quân nổi dậy. Nhưng cũng với 3.500 quân đó, người Pháp cho Libya biết rằng họ sẽ không tấn công quân Libya. Bởi so sánh vũ khí lúc đó, quân đội Pháp chưa chắc đã hơn quân đội Libya.
Với sự hiện diện của cả quân đội Pháp và Libya trên lãnh thổ Chad, năm 1984 cục diện trên chiến trường Chad cơ bản đã được phân cực rõ ràng. Từ vĩ tuyến 15 trở lên phía Bắc, là vùng của quân đội Libya. Từ vĩ tuyến 16 trở vào phía Nam, là vùng của quân đội Chad-Pháp. Giữa 2 vĩ tuyến này là vùng phi quân sự. Kể từ năm 1984 đến 1986, không có cuộc đụng độ nào lớn giữa 2 bên.
Như vậy, đến năm 1986, chiến sự ở Chad đã định hình với các lực lượng và lãnh thổ kiểm soát rõ ràng. Tất cả những yếu tố này, chưa phải là dấu chấm hết cho cuộc chiến, mà là sự chuẩn bị cho cuộc quyết đấu cuối cùng mang tên: Chiến tranh Toyota 1987!