5/ Che Guevara ở Congo – những năm tháng bị lãng quên
Che Guevara ở Congo – những năm tháng bị lãng quên
Che Guevara đã viết nhật ký về thời gian mình ở Congo. Nhiều nhà xuất bản sẽ để tên là: Congo Diary: The Story of Che Guevara’s Year in Africa.
Tuy nhiên, nhiều nhà xuất bản khác, cũng như Amazon khi bán quyển sách này, họ cố tình đưa thêm từ ”lost” vào, thành Congo Diary: The Story of Che Guevara’s “Lost” Year in Africa, nghĩa là ”những năm bị mất của Che ở Châu Phi''
Không phải nghiễm nhiên mà Amazon đặt tựa như vậy. Quả nhiên, rất rất nhiều người hiện nay có thể nói về cuộc đời Che, về hành trình xuyên Nam Mỹ, về cách mạng Cuba, về cái chết bi hùng ở Bolivia,… nhưng ít ai kể rõ được những năm tháng ở châu Phi của Che. Nguyên nhân có thể có một cách giải thích: những năm đó, về cơ bản là thất bại với Che. Nói cách khác, người ta không muốn nhắc lại thời gian đó.
Tuy nhiên, những người yêu Che chân chính, cũng nên có ít nhiều thông tin về giai đoạn này, dù nó có không đẹp, nhưng cũng nên là một chương trong cuốn huyền sử về Che.
Vào những năm 60, châu Phi nổi lên mạnh mẽ là lục địa của các cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Hàng loạt các quốc gia giành độc lập, cùng rất nhiều các chính phủ Xã hội chủ nghĩa, cánh tả thân Liên Xô được thành lập, chia đôi châu lục này với phần còn lại là các chính phủ cánh hữu thân phương Tây.
Cùng lúc này, cách mạng Cuba vừa thành công, đã nhanh chóng tạo sợi dây liên kết phong trào đấu tranh giữa Cuba và châu Phi. Từ rất sớm, quân đội Cuba đã có mặt ở Algeria để tấn công Morocco trong cuộc Chiến tranh Cát (Sand War) và ở Congo trong cuộc nổi dậy Simba. Sau này, quân đội Cuba còn xuất hiện trong hàng loạt cuộc chiến ở Guinea, Mozambique, Angola, Ethiopia, Somali, Tây Sahara, Eritrea, Zanzibar,…
Congo, vùng đất rộng lớn ở trung tâm châu Phi, giàu có bậc nhất châu Phi về tài nguyên nhưng trở nên nghèo đói xơ xác do ách cai trị quá cực đoan của thực dân Bỉ.
Nhà nước Congo Tự do (1885-1908) – tiền thân của Congo thuộc Bỉ là lần đầu tiên ở châu Phi, nạn chặt tay trở nên nghiêm trọng. Thực dân Bỉ dùng bàn tay người như một loại tiền tệ thay cho thuế cao su (lần thứ 2 sau này, là nội chiến Liberia với 11% dân số bị chặt tay). Người ta ước tính dưới thời vua Leopold của Bỉ, 10 triệu người Congo đã chết, cùng lượng lớn người mất khả năng lao động do bị chặt tay.
Đến năm 1960, Congo giành được độc lập. Thủ tướng Patrice Lumumba theo đường lối thân Liên Xô, dẫn đến xung đột trong nước, trong đó vùng Katangan giàu Urani làm bom hạt nhân, tuyên bố li khai. Năm 1961, Patrice Lumumba bị ám sát, người ta đổ lỗi cho CIA. Congo lâm vào nội chiến giữa chính phủ và quân nổi dậy cánh tả
Để hỗ trợ cho các lực lượng cánh tả Congo, cũng đồng thời đối phó với sự can thiệp của lính đánh thuê châu Âu từ Bỉ, năm 1961 quân đội Cuba đã vượt Đại Tây Dương đến Tanzania, một nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Phi, rồi vượt rừng đến Congo chiến đấu bên cạnh những người tự gọi là ”Simba”, tiếng Swahili có nghĩa là ”sư tử”.
Đến đầu năm 1965, Che Guevara tuyên bố mình sẽ rời Cuba để đến Châu Phi cho cuộc chiến đấu mới. Che đi qua một loạt nước, đến Algeria gặp Tổng thống Ahmed Ben Bella, đến Ai Cập gặp Gamal Abdel Nasser. Ở Ai Cập, Nasser đã cảnh báo Che rằng nổi dậy ở Congo sẽ ”không khôn ngoan”, nhưng Che vẫn kiên quyết con đường của mình. Sau đó, Che đến Mali, Thượng Volta, Guinea, Senegal, Ghana. Sau đó, Che bí mật sang Trung Quốc, được Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai tiếp đón trọng thị rồi cuối cùng đến Tanzania hội quân cùng tướng Cuba gốc Phi, Víctor Dreke ở căn cứ du kích Kigoma bên hồ Tanganyika thuộc lãnh thổ Tanzania.
Ngày 23/4/1965, Che cùng các đồng chí Cuba của mình vượt sông vào đất Congo, hoạt động tại căn cứ Kibamba, cực đông tỉnh Maniema, Congo. Ở đây, Che định huấn luyện cho du kích của Laurent-Désiré Kabila, tổng thống sau này của Congo. Ở Congo, Che được gọi là ‘’Tatu’’ – số 3 trong tiếng Swahili.
Tuy nhiên, sự kết hợp giữa Che và du kích Congo rất lỏng lẻo và nhanh chóng phá sản.
Che gọi Laurent-Désiré Kabila ‘’không phải là người có giờ giấc’’. Điều này được cho là do Laurent-Désiré Kabila thường cung cấp người và vũ khí cho Che khá chậm, xuất phát từ sự nghi ngờ người da trắng của Laurent-Désiré Kabila. Quân du kích Congo được miêu tả trong hồi ký của Che là những kẻ lười biếng, lãnh đạo tham lam, vô kỉ luật, hay kình địch nhau,…. Trên thực tế, vào ngày 7/6/1965, Leonard Mitoudidi, một chỉ huy cao cấp của quân Simba và là người rất thân thiết với Che, đã bị binh lính của mình đẩy xuống hồ Tanganyika giết chết. Quan hệ giữa Che và Kabila cũng xấu đi nhiều
Ngược lại, Laurent-Désiré Kabila thừa nhận, binh lính của ông coi Che là ‘’tên da trắng kiêu ngạo chỉ biết ra lệnh’’. Thực ra, ngay chính Laurent-Désiré Kabila cũng luôn tồn tại sự nghi ngờ với người da trắng. Đặc biệt, binh lính da đen rất mê tín, họ tin vào một loại thảo dược tên là Dawa, do các thầy lang nói là có khả năng tránh được đạn. Che phản đối và cấm binh sĩ dùng thuốc này. Khi có người chết, binh sĩ da đen coi Che là người gây nên cái chết cho họ. Từ khi Che đến, quân của Laurent-Désiré Kabila bắt đầu xuất hiện tình trạng đào ngũ, cướp bóc, vô kỷ luật và xung đột giữa binh lính da trắng với da đen. Bệnh tật, sốt rét lan tràn trong căn cứ du kích. Quân du kích mở một số đợt tấn công nhỏ nhưng đều thất bại.
Họ cũng nói rằng, dù đã ở Congo nhiều năm nhưng binh lính Cuba không bao giờ chịu học tiếng Swahili. Binh lính Congo luôn phải cố gắng nói tiếng Tây Ban Nha, điều này làm họ không thích người Cuba. Lính Congo dường như chỉ tin vào duy nhất tướng Cuba da đen Víctor Dreke
Bên cạnh đó, dù Che tìm mọi cách che dấu tung tích của mình ở Congo, nhưng CIA và quân đội Congo vẫn biết được vị trí của Che. CIA nghe lén được mọi cuộc điện thoại của Che, nhờ một nhiệm vụ bí mật do tàu USNS Private Jose F. Valdez của quân đội Mỹ neo ngoài khơi Tanzania thực hiện. Nhờ điều này mà quân đội Congo liên tục càn quét vào căn cứ của Che, khiến cho quân du kích liên tục chịu tổn thất.
Từ tháng 8/1964, quân đội Congo cùng lính đánh thuê từ Bỉ (lính lê dương Bỉ) và Nam Phi mở cuộc tấn công lớn vào căn cứ du kích Simba. Đến tháng 11/1965, quân Simba thảm bại tại căn cứ chủ chốt ở vùng Nam Kivu, cuộc nổi dậy coi như thất bại. Sau khi dập tắt cuộc nổi dậy, quân đội Congo còn tấn công sang Uganda, lúc này cũng là một nước Xã hội chủ nghĩa, do nhiều tàn quân Congo đã chạy sang nước này
Ngày 21/11, sau khi 6 trong số 12 chỉ huy người Cuba thiệt mạng, Che đã quyết định cùng các chiến hữu Cuba của mình rút lui. Trong đêm, họ đốt cháy các lều, ném hết giấy tờ xuống hồ Tanganyika rồi đi thuyền qua đất Tanzania. Cuộc nổi dậy ở Congo coi như thất bại. Sau này, trong nhật ký, Che đổ lỗi cho các lãnh đạo du kích Congo về thất bại này.
Về phần Che, sau khi trở về Tanzania ông ở 6 tháng trong sứ quán Cuba ở Dar es Salaam và sau đó chuyển đến châu Âu trong một căn nhà an toàn ở Prague, Tiệp Khắc. Tại đây, Che lên kế hoạch mới ở Bolivia. Khi còn ở Châu Âu, Guevara đã có chuyến thăm bí mật tới cựu tổng thống Argentina Juan Perón , người sống lưu vong ở Pháp. Juan Perón khuyên Che kế hoạch ở Bolivia là tự sát nhưng Che không nghe.
Những chuyện sau đó như đã biết, Che đến Bolivia lập căn cứ trong rừng định làm một cuộc cách mạng giải phóng toàn Mỹ Latinh. Cuộc nổi dậy ở Bolivia tiếp tục thất bại, và Che bị sát hại bởi CIA.
Riêng tướng da đen Víctor Dreke, ông không trở về Tanzania cùng Che mà đi đến Guinea-Bissau, tiếp tục công cuộc chiến đấu chống thực dân Bồ Đào Nha ở đây. Victor đã thành công, giải phóng cả Guinea-Bissau và Cộng hòa Guinea. Trên thực tế, Victor Dreke hiện nay cũng được coi là một biểu tượng ở châu Phi, đôi khi gọi là ”Che Guevara da đen”
.
Về phần lãnh đạo du kích Congo, Laurent-Dé dé Kabila không từ bỏ cuộc đấu tranh. Sau khi nhà độc tài Mobutu Sese Seko đảo chính lên nắm quyền, Kabila lùi sang đất Tanzania tiến hành chiến tranh du kích. Ở Tanzania, Kabila cùng các đồng chí của mình sống vất vả, vừa buôn lậu gỗ, vàng, vừa làm phục vụ cho quán ăn ở Tanzania gần 30 năm trời để duy trì cuộc chiến đấu.
Congo dưới thời Mobutu Sese Seko đổi tên thành Zaire, tương đối ổn định và có nền kinh tế khá. Tuy nhiên từ năm 1994, giá kim loại sụt giảm mạnh, khủng hoảng ở Rwanda bùng phát, khiến Zaire trở nên vô cùng bất ổn. Kabila tận dụng cơ hội này, nhờ sự giúp đỡ của Uganda, Rwanda, Angola, đã trở lại Zaire chiến đấu lật đổ Mobutu, gọi là cuộc chiến tranh Congo lần thứ 1
Đến năm 1997, sau 30 năm kiên cường chiến đấu, Laurent-Désiré Kabila đã giành được chiến thắng cuối cùng, lật đổ nhà độc tài Mobutu Sese Seko.
Laurent-Désiré Kabila lên làm tổng thống, sửa đổi hiến pháp, đổi tên nước thành Cộng hòa dân chủ Congo như ngày nay. Kaliba tuyên bố vẫn trung thành với chủ nghĩa Marx, thắt chặt quan hệ với các đồng minh cánh tả khác ở châu Phi như Angola, Namibia, Zimbabwe,…
Tuy nhiên, các đồng minh cũ của Kabila là Uganda và Rwanda do muốn chiếm đoạt các lãnh thổ và tài nguyên ở Đông Congo, đã phản bội và gây ra chiến tranh Congo lần 2. Chiến tranh Congo lần 2, đôi khi được gọi là ”Thế chiến châu Phi”, là cuộc chiến tranh lớn nhất trong lịch sử châu Phi hiện đại. Cuộc chiến giữa một bên là CHDC Congo và các đồng minh mới Angola, Chad, Namibia, Zimbabwe, Sudan với một bên là các đồng minh cũ Uganda, Rwanda, Burundi và các nhóm phiến quân do họ ủng hộ. Tổng cộng có 9 nước và hơn 20 nhóm vũ tranh tham chiến. Chiến tranh kéo dài 4 năm từ 1998 đến 2003 nhưng khiến 5,4 triệu người chiến, trở thành cuộc xung đột đẫm máu nhất thế giới sau thế chiến 2
Năm 2001, Laurent-Désiré Kabila bị ám sát, con trai Joseph Kabila lên nắm quyền, Congo tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực vẫn âm ỉ đến tận ngày nay.
Tham khảo
-Nhật ký Congo: Câu chuyện về những năm của Che ở Congo (Ernesto Che Guevara)
-Từ Escambray đến Congo: trong cơn lốc cách mạng – Phỏng vấn Victor Dreke (Víctor Dreke, Mary-Alice Waters)
-CONGO – NHỮNG TRANG LỊCH SỬ (PGS.TS Cao Văn Liên)
-Những Kẻ Lãng Quên (Bởi Dag Heward-Mills)
-Nyerere và châu Phi: Kết thúc của một triều đại (Godfrey Mwakikagile) [Nyerere là tổng thống XHCN của Tanzania]
-The African Dream: The Diaries of the Revolutionary War in the Congo (Ernesto “Che” Guevara, Patrick Camiller, Richard Gott)
-Cold War in the Congo: The Confrontation of Cuban Military Forces, 1960-1967 (Frank Villafana)
-Africa’s World War: Congo, the Rwandan Genocide, and the Making of a Continental Catastrophe Reprint Edition (Gerard Prunier)
– From Zaire to the Democratic Republic of the Congo (Georges Nzongola-Ntalaja)
Đăng Phạm/ ncls group Che Guevara đã viết nhật ký về thời gian mình ở Congo. Nhiều nhà xuất bản sẽ để tên là: Congo Diary: The Story of Che Guevara’s Year in Africa. Tuy nhiên, nhiều n…
nghiencuulichsu.com