Khủng hoảng Iran 1946
Ở đây đề cập đến lịch sử (hy vọng năm 1946 đủ xa để các bạn coi là lịch sử) đã diễn ra vào năm 1946, ở Iran. Sự kiện được coi là một trong những sự kiện đối đầu đầu tiên ngoài châu Âu trong Chiến tranh Lạnh, mở đầu cho chiến tranh Lạnh trên lục địa châu Á.
1/ Iran trong Thế chiến 2.
Năm 1939 chiến tranh Thế giới bùng nổ. Lúc này Liên Xô và phe Anh-Mỹ vẫn chưa coi nhau là đồng minh. Nhưng đến khi Đức tấn công Liên Xô năm 1941, thì câu chuyện đã khác.
Anh và Mỹ rõ ràng nhận ra phải viện trợ cho Liên Xô bằng mọi giá, bằng mọi con đường có thể. Nhưng tất nhiên không thể băng thẳng qua lục địa châu Âu hay Địa Trung Hải đã nằm hẳn trong tay phát xít. Vòng qua Bắc Cực, chỉ được 6 tháng mùa hè. Khi mùa Đông đóng băng Bắc Băng Dương, con đường coi như bỏ không. Con đường từ Mỹ đến Viễn Đông qua Siberia, không sớm hơn nửa năm để đến mặt trận phía Tây.
Vậy nên tình thế buộc người Anh phải tính đến con đường viện trợ cho Liên Xô từ phía Nam, từ Trung Quốc hoặc Trung Đông. Trong số này Trung Đông dĩ nhiên được ưu tiên hơn là Trung Quốc cũng đang oằn mình chống chịu người Nhật. Nhưng khổ nỗi, quốc gia giáp trực diện với các nước Cộng hòa Trung Á của Liên Xô là Iran (lúc đó vẫn gọi là Ba Tư), lại thân Đức.
Không còn cách nào khác, họ phải cùng nhau phá bỏ vật cản này. Nên tháng 8 năm 1941, quân Liên Xô từ phía Bắc và quân Anh từ phía Tây ồ ạt tiến vào xâm chiếm Ba Tư. Quân đội Ba Tư không có cơ hội chống lại một trong 2 đế quốc chứ chưa nói đến cả hai. Ba Tư hoàn toàn chịu trận, buông vũ khí sau 1 tháng. Quân Đồng Minh đặt Iran dưới quy chế nước Trung lập, đưa một vị vua thân Đồng Minh lên thay vua thân Đức. Quân đội Liên Xô vẫn chiếm đóng miền Bắc, quân Anh chiếm miền Nam.
Lãnh thổ Iran được dùng để vận chuyển hàng hóa vũ khí cho Liên Xô đến hết chiến tranh Thế giới. Trong thời gian đó, dầu được khai thác trực tiếp từ các giếng dầu Ba Tư chở đến Liên Xô.
2/ Sau chiến tranh và khủng hoảng
Thế chiến kết thúc, không có lý do gì để cho quân đội các nước ở lại Iran. Quốc tế thỏa thuận quân nước ngoài phải rút khỏi Iran sau 6 tháng sau khi Chiến tranh kết thúc.
Quân đội Anh nhanh chóng rút về Iraq và Ấn Độ thậm trước thời hạn rất sớm. Họ rút về xong xuôi ngay khi Nhật Bản đầu hàng, vào tháng 9 năm 1945. Tuy nhiên ở phía Bắc, việc rút quân của Liên Xô rất chậm chạp. Điều này gây ra một số nghi ngờ.
Sau đó, nghi ngờ đã biến thành sự hoảng sợ. Tháng 12 năm 1945, thế giới tá hỏa khi hai nước Cộng hòa bất ngờ xuất hiện ở miền Bắc Iran, với cha đỡ đầu không ai khác ngoài Liên Bang Xô Viết. Hai nước đó là Cộng hòa Nhân dân Azerbaijan và Cộng hòa Mahabad của người Kurd.
*Cộng hòa Nhân dân Azerbaijan
Cộng hòa nhân dân Azerbaijan được manh nha hình thành từ tháng 9 năm 1945. Đứng đầu bởi Jafar Pishevari, một người Cộng sản Ba Tư đã lưu vong vài năm ở Liên Xô. Đảng Dân chủ Azerbaijan của ông có nhiều người Azerbaijan, chủ trương thiết lập quyền tự trị ở phía Bắc giáp với Cộng hòa XHCN Xô Viết Azerbaijan trong lãnh thổ Liên Xô.
Từ đó cho đến khi bị giải tán, nước Cộng hòa không có chiến tranh với quân đội Iran, nhưng các cuộc bạo loạn giữa chính quyền với người dân sắc tộc Ba Tư diễn ra thường xuyên. Với sự giúp đỡ của cảnh sát mật và quân đội Liên Xô, họ đã đàn áp người Ba Tư khiến hàng trăm người thiệt mạng.
*Cộng hòa Mahabad của người Kurd
So với CHND Azerbaijan, con đường của Cộng hòa Mahabad gập ghềnh và đẫm máu hơn nhiều.
Liên Xô hỗ trợ cho Qazi Muhammad, một người Kurd thành lập nên Cộng hòa Mahabad, một quốc gia của người Kurd ở miền Bắc Iran. Nó được thành lập sau CHND Azerbaijan 3 tháng, vào tháng 12 năm 1945.
Quân đội Kurd của CH Mahabad được nhanh chóng xây dựng hùng hậu, với từ 1.200-2000 quân trong tháng đầu tiên, do đích thân tướng Salahuddin Kazimov của Liên Xô huấn luyện.
Vào tháng 4 năm 1946, quân đội này đã đụng độ với quân đội Iran. Quân Iran chỉ có 600 lính nhưng có xe tăng, pháo binh yểm trợ. Nhưng quân Kurd được Liên Xô hỗ trợ, đã đánh bại quân Iran. Thất bại này khiến Iran phải ký hòa ước tạm thời vào tháng 5/1946, tạm thời công nhận Cộng hòa Mahabad của người Kurd.
Nhưng vào tháng 6 năm 1946, khi ngừng bắn tạm thời kết thúc, 2 tiều đoàn quân Iran đã tấn công trở lại. Lần này họ đánh bại người Kurd, khiến quân đội CH Mahabad bị tổn thất nặng nề.
Nước Cộng hòa đứng trước nguy cơ bị giải thể. Nhưng nhiều chiến binh người Kurd vẫn bí mật chiến đấu chống nhà nước Iran trong không phải một vài, mà là hàng chục năm sau.
3/ Hoạt động ngoại giao và kết thúc khủng hoảng
Trên bình diện quốc tế, khủng hoảng Iran năm 1946 là một trong những sự kiện được chú ý đặc biệt lúc đó.
Sự hình thành 2 nước Cộng hòa ở miền Bắc Iran rõ ràng có sự tác động rất lớn từ bàn tay Stalin của Liên Xô. Thậm chí có người còn cho rằng, Stalin có ý định sẽ sáp nhập những vùng lãnh thổ này vào đất Liên Xô.
Iran tất nhiên không muốn để mất các vùng lãnh thổ phía Bắc. Nhưng khi bị quân đội Liên Xô ngăn chặn tới các khu vực này, và bị quân Kurd đánh bại tháng 4/1946, Tehran quyết định theo đuổi các kênh ngoại giao. Cụ thể ở đây là nhà vua Iran đã đưa vấn đề lên LHQ, với sự ủng hộ của Anh, Mỹ.
HĐBA LHQ ra nghị quyết vào tháng 1/1946 buộc Liên Xô rút quân ngay lập tức. Dù đồng ý nhưng cuộc rút quân của Liên Xô chậm chạp và không hoàn tất. Sau đó 2 nghị quyết khác được đưa ra, thúc giục Liên Xô rút nhanh chóng.
Đến cuối năm 1946, Stalin đã biết không còn níu kéo Iran được thêm nữa. Quân đội Liên Xô hoàn tất việc rút quân vào tháng 12/1946.
Hai nước Cộng hòa do Liên Xô thành lập bị bỏ rơi. Các lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Azerbaijan bỏ chạy sang Liên Xô. Sayyed Ja’far Pishevari, bị coi là thiệt mạng trong tai nạn ô tô do đặc vụ Liên Xô dàn xếp ở Baku, thủ đô Cộng hòa XHCN Xô Viết Azerbaijan.
Ngược lại các lãnh đạo người Kurd của CH Mahabad đã ở lại chiến đấu với quân đội Iran. Cuối cùng họ bị quân đội Iran đánh bại và bị bắt. Phần lớn lãnh đạo người Kurd bị kết án tử hình và treo cổ. Điều này dẫn đến sự chống đối của người Kurd với chính quyền Iran trong nhiều thập kỷ sau này.
Cuộc khủng hoảng ở miền Bắc Iran coi như kết thúc!
Nhưng có phải Stalin dễ dàng bỏ rơi 2 nước Cộng hòa do mình đỡ đầu cho Iran như vậy?
Không có chuyện cho không như vậy. Cái giá của việc đòi lại các lãnh thổ phía Bắc của mình với Iran là các nguồn tài nguyên. Để đổi lấy việc Liên Xô nhượng bộ, Iran phải ký kết Thỏa thuận với Liên Xô, chấp nhận cho Liên Xô quyền kiểm soát 51% quyền sở hữu các mỏ dầu ở miền Bắc Iran. Tất nhiên việc này không do Iran trực tiếp đàm phán với Liên Xô; nó do Các nước HĐBA LHQ sắp đặt rồi buộc Iran thực hiện.
Tuy nhiên thỏa thuận bất bình đẳng này không kéo dài quá lâu. Vào cuối năm 1947, khi quan hệ giữa Mỹ với Liên Xô xấu đi, học thuyết cứng rắn của Tổng thống Mỹ Truman đã khuyên Iran xé bỏ các hiệp ước bất bình đẳng với Xô Viết. Vậy nên đến tháng 12 năm 1947, các hiệp ước dầu mỏ đã bị hủy bỏ. Iran lấy lại toàn bộ các mỏ dầu của mình.
Sau cuộc khủng hoảng này, quan hệ Iran với Liên Xô xấu đi, và cố nhiên trong chiến tranh Lạnh, nước này dễ dàng trở nên gần gũi và sau này trở thành Đồng Minh của Mỹ. Tất nhiên là chỉ đến năm 1979 thôi.
Ảnh: phân vùng chiếm đóng lãnh thổ và các mỏ dầu của Iran cho Anh và Liên Xô trong Thế chiến 2.