À mà các cụ cứ chém thoải mái đi, em sẽ làm cái mục lục ở trang đầu để các cụ sau tiện theo dõi nhé!
Em tiếp ạ:
Thực ra 1 tiếng đi rừng mà Sinh nói tương đương với hơn 2 tiếng của ba người đi trong đêm. Kể từ lúc rút đèn pin ra khoảng 6h (chiều) kém rồi, bọn em cật lực đi thêm 2h nữa trong ánh đèn. Vừa đi em vừa niệm Nam Mô A Di Đà Phật, mong cả đoàn bình an, vì em biết đây là thời gian đi kiếm mồi của lũ rắn. Đường vẫn lên dốc xuống đèo, mỗi lần lên dốc đứng, các lát cắt đường địa đồ và vị trí GPS không cho thấy bất kỳ một địa điểm cắm trại khả dĩ nào. Mặc dù có tới 4 đèn pin nhưng em quyết định chỉ dùng 2 chiếc để dự phòng cho tình huống xấu và những đêm sau. Chuẩn đưa đèn cho Sinh đi trước mở đường còn em đi đoạn hậu cầm đèn soi cho Chuẩn. Không biết bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu lần hụt bước, bao nhiêu lần trượt chân, cuối cùng cũng tới được một bãi cỏ rộng rãi bằng phẳng. Tán cây che bên trên, bãi cỏ rộng chừng hơn trăm mét vuông, thảm cỏ khá dày, vây quanh là nương thảo quả đảm bảo rằng lũ rắn vốn sợ mùi rễ thảo quả tránh xa. Chỗ này quả là địa điểm cắm trại tuyệt vời nếu như... Oái oăm thay, không có dấu hiệu của nước quanh đây. Đi tiếp hay dừng? Chuẩn hoang mang hỏi, cả hai đều rất mệt rồi. Em tham khảo qua ý kiến Sinh, nhìn vào địa đồ ước lượng khoảng cách tới con suối rồi hai anh em quyết định: Đi tiếp! Không có nước nấu ăn, không thể có sức chiến đấu cho ngày mai.
(Em xin lỗi các cụ là chả có cái ảnh nào vì tối quá không chụp được).
Sau đó cả hội phải rời xa bãi cỏ phẳng xanh rêu trong luyến tiếc để tiếp tục con đường mòn. Bỗng dưng các dấu hiệu của con đường mòn nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất dấu hẳn. Một khe núi sừng sững hiện ra, vách cao chừng hơn trăm mét, một vết nứt sâu hút dẫn thẳng lên đỉnh lộ le lói chút ánh sáng của sương mù phía trên.
Trong ánh đèn, phải để ý kỹ lắm mới thấy những dấu chân trên đá. Một lát cắt địa chất của phiến đá lớn, lát cắt chỉ cỡ chừng nửa bàn chân, tách ra trên một vách đá đổ nghiêng - không nghi ngờ gì nữa, đây chính là con đường phía trước. Tiếc là quá tối nhìn chẳng thấy đừng nói tới chuyện chụp ảnh. Cả bọn thận trọng từng người lần lượt bám vào cây dại mọc trên vách đá làm điểm tựa, áp sát người vào vách núi, balo quay ra vực rồi từng bước lần trên đá vòng qua bên kia vực sâu. Nhìn trên địa hình đồ chi tiết thì có vẻ đây là nơi không thể đi được, nhưng kỳ thực phía sau vách đá này mới là sự sống. Không gian đang im ắng như tờ bỗng đâu nghe như có tiếng suối rì rào văng vẳng. Cả ba bước nhanh trên con đường mòn phẳng, một căn lán hiện ra trên vách núi. Khác với những lán thảo quả thường thấy, nó nằm chình ình án ngữ giữa lối đi. Sàn của lán và lò sấy thảo quả được đào sâu vào trong đất, những thanh tre khô cong kê phía trên mấy thanh gỗ lớn làm giàn sấy, xung quanh đầy đủ củi khô, lá lót sàn. Thậm chí có cả mấy cái chăn vắt trên thành lò sấy, trông có vẻ bẩn thỉu nhưng khá khô ráo. Một chiếc đèn pin cũ hỏng vứt chỏng chơ cạnh lò. Dựa vào mức độ mục nát của lớp lá lót sàn và đống củi cháy dở, em đoán có vẻ như căn lán này bỏ hoang đã lâu.
Cái mặt em đây nhé, em đang nhóm lửa đấy, thích nhất công việc này khi đi rừng!
Tuy nhiên mái lán lợp bằng lá thảo quả phơi khô kết trên thân trúc còn khá tốt. Chẳng cần dựng lều, em phân công Sinh đi lấy nước, tự mình thì nhóm lửa, còn Chuẩn trải chăn lên đống lá khô, vốn là "giường" của người chủ lán vô danh, trải thêm lớp bạt lều rồi đến túi ngủ. Căn lều được che chắn tốt trong đất, nên đống lửa vừa bùng lên lập tức có cảm giác ấm áp, an toàn. Đối với em, có lẽ nó là khách sạn 3 sao rồi, giữa lúc mệt mỏi hoang mang nhất, nơi hoang vu này nó hiện ra như một phép màu. Phép màu do chính người Mông bản xứ tạo ra.