Tới bản Chu Va cách thị trấn Bình Lư vài km, nơi bọn em dự tính là điểm khởi hành từ quốc lộ 4D. Bản này nằm ở chân một ngọn núi nhìn cực phê, đỉnh trông như everest luôn, em tạm gọi nó là đỉnh Chu Va. Đỉnh Chu Va đối diện với Ngũ Chỉ Sơn, cao 2200m, suối dưới chân là 1400m, chính là khởi nguồn của dãy Fan. Phía sau nó là đỉnh cao 2500m. Nhưng núi này trọc rồi, em không khoái leo cho lắm.
Các cụ biêt đấy, đèo Ô Quy Hồ là một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc, nhưng vượt qua nó bằng xe ô tô chả để lại em dấu ấn nào, nên em không chụp ảnh. Mọi tâm trí của em đều dành hết cho Ngũ Chỉ Sơn rồi.
Theo kinh nghiệm em dừng lại ở quán nước lớn nhất ven đường, kêu chai nước rồi bắt đầu dò hỏi thông tin. Chủ hàng là người Kinh, và bản này người Kinh với Mông sống lẫn lộn với nhau trong một cộng đồng. Không ai biết về con đường vượt núi mà em mô tả, họ đều trả lời như nhau: không, đi đường Ô Quy Hồ thôi, trên đó làm gì có đường!
Em và Chuẩn vẫn ngồi lỳ ra ở quán nước và kiên nhẫn chờ những thanh niên trong bản đi ra, gặp ai cũng túm lại hỏi thăm và đề nghị đi cùng, nhưng họ đều lắc đầu từ chối. Ngay cả khi vào nhà bác A Chu trưởng bản tìm người, mọi người cũng quan tâm câu chuyện của hai gã thanh niên mảnh khảnh, quần áo rằn ri hoặc màu sắc kỳ lạ với cái kế hoạch vượt núi điên rồ nhưng không ai nhận lời. Hai gã này điên thật rồi, có lẽ họ nghĩ thế. Sao không đi đường Ô Quý Hồ mà cứ dứt khoát phải chui vào rừng sang bên kia? Thậm chí A Trải người cùng bản còn đồ rằng chắc bọn em đi tìm vàng hay kho báu nào đó trên núi.
Ngồi tới hơn 12h, em bắt đầu nản chí với những thanh niên bản "lười nhác" ở đây thì ngoài sân, một thanh niên nhỏ con cưỡi chiếc xe win đi vào. Khác với mấy người anh em, A Sinh, cháu rể ông Chu trông có vẻ thuần chất H'Mông hơn cả, dáng người nhỏ bé nhưng rắn rỏi, bước đi thì đủng đỉnh chả có vẻ gì là bận rộn. Hỏi qua chuyện, được biết Sinh cũng đang chuẩn bị đi tìm đào nhưng chưa đi vì còn bận. Em lại lóe lên hy vọng và một lần nữa trình bày kế hoạch của mình - không biết lần thứ bao nhiêu.
A Sinh vốn là người Tả Giàng Phình, lấy vợ bên này rồi chuyển luôn nhà sang đây ở mới được hơn năm - vì bên đó cái rẫy thảo quả không còn, rừng bị chặt hết rồi, chỉ còn bên này thôi- A Sinh giải thích. Sinh nói cậu thông thuộc các ngọn núi Ngũ Chỉ Sơn từ phía Tả Giàng Phình, nhưng cũng chưa bao giờ vượt qua ngọn núi để sang bên kia. Em mới mạnh mồm nói rằng, chỉ cần A Sinh đi theo mang đỡ đồ ăn, đường xá đã có máy móc lo, rồi giơ cái iPad lên giải thích một hồi, rằng cái này nó hiện đại lắm, anh chưa tới đây bao giờ nhưng địa hình chỗ nào anh cũng biết rõ. Để chứng minh cho lời nói của mình, em bảo Sinh: Mình sẽ đi từ đầu con suối này, tới ngã ba rồi rẽ phải, qua một ngã ba suối nữa rồi đi lên tiếp. A Sinh ngạc nhiên vì sự mô tả chính xác của em và từ đó có vẻ tin tưởng hơn.
Tuy nhiên để A Sinh cuối cùng cũng nhận lời đi, bọn em đã phải mất gần 1h đồng hồ kiên trì thuyết phục, trình bày kế hoạch các kiểu. Với cái giá 200,000đ/ngày, Bọn em ăn gì A Sinh ăn nấy, đi bao nhiêu ngày không quan trọng, miễn là tới được đỉnh. Em vỗ vỗ vào balo khoe rằng, với gần chục kg đồ ăn, bếp núc này, ba anh em có thể ở trong rừng ăn uống đàng hoàng 4-5 ngày. Còn nhớ em đã mừng như mở cờ trong bụng khi Sinh nhận lời, chạy về lấy dao rừng, áo khoác, còn hai anh em lấy kẹo bánh làm quà cho gia đình bác Chu rồi gửi xe ô tô lại, nhờ một cuốc xe ôm đưa đến đầu con suối trên quốc lộ 4D, nơi được chọn làm điểm xuất phát của chuyến phiêu lưu.
Đây là nơi khởi đầu chuyến trek của em:
Từ phía quốc lộ 4D, em không biết hình dáng Ngũ Chỉ Sơn như thế nào, hôm đó mây mù dày đặc mà. Em mượn tạm cái ảnh của ông nhà báo nổi tiếng thế giới, nhiếp ảnh gia người Hà Lan Mick Palarczyl, người đã dựng lều ở đây suốt 2 ngày để rình chụp Ngũ Chỉ Sơn
Mick Palarczyl at front of Five fingers Mt, Tam Duong, Lai Chau