Khi Nhật vào Đông Dương, tiếng súng khởi nghĩa Bắc Sơn đã nổ ra. Tiếng súng Bắc Sơn đã thúc đẩy Xứ ủy và nhân dân Nam Kỳ chuẩn bị nhanh công cuộc khởi nghĩa vũ trang. Trước tình hình phong trào quần chúng sôi sục và địch đang điên cuồng đánh phá. Qua nhiều cuộc thảo luận, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định sẽ tiến hành khởi nghĩa vào lúc 0 giờ ngày 23/11/1940. Trước hết là ở Sài Gòn và cử ông Phan Đăng Lưu ra Miền Bắc xin chỉ thị của Trung ương.
Đề nghị của Xứ ủy Nam Kỳ được Hội nghị Trung ương VII nghiên cứu, phân tích kỹ và đi đến kết luận: cả điều kiện khách quan và chủ quan chưa chín muồi để khởi nghĩa thắng lợi. Từ đó Trung ương chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa. Thế nhưng mãi đến ngày 22/11/1940 lệnh ngừng khởi nghĩa mới về đến Saì Gòn. Trong khi đó lệnh khởi nghĩa của Xứ uỷ đã truyền đến các Đảng bộ không thu hồi kịp.
23 giờ 15 phút ngày 13/12/1940 cuộc nổi dậy ở Hòn Khoai nổ ra và giành được thắng lợi nhanh chóng trọn vẹn, trong trận chiến đấu đầu tiên này vẫn giữ được bí mật. Lực lượng khởi nghĩa về đến đất liền trong khí thế của đoàn quân chiến thắng, cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu “Mặt trận dân tộc phản đế muôn năm”. Do có lệnh đình khởi nghĩa ở đất liền, lực lượng khởi nghĩa Hòn Khoai đã chờ suốt đêm 14/12 vẫn không thấy hiệu lệnh tấn công và cũng không liên lạc được với chỉ huy khu vực I.
Để phát huy thắng lợi, 9 giờ sáng ngày 15/12, Phan Ngọc Hiển đã hạ lệnh cho các đồng chí của ông tấn công vào nhà Quận Kiểm Lâm, tên Đốc Đông khiếp sợ giao nộp toàn bộ vũ khí cho quân khởi nghĩa. Trưa hôm đó, bọn Thực dân ở Cà Mau đưa hai tàu chở đầy lính tập, mã tà tiến vào Rạch Gốc. Trước lực lương đông đảo của địch, các chiến sĩ khởi nghĩa đã rút vào rừng bảo toàn lực lượng.
Biết lực lượng của ta yếu, địch càng ra sức truy quét quyết liệt. Địch bám theo ráo riết sau 04 ngày đêm, đến ngày 22/12 chúng đã bắt được các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai tại bãi Khai Long.
Ngày 12/07/1941 Pháp xử bắn đồng chí Phan Ngọc Hiển và 10 chiến sĩ cách mạng khác tại bờ sông Gành Hào (chân cầu Cà Mau hiện tại).