Em cóp bết cái này cho các cụ nhắm ziệu Trịnh tiếp nhớ ! @tnxm
----------------------------------------------------------------------------
TCS có những cái hay trong lời nhạc, nhưng đối với tôi lời nhạc cũng cho thấy sự giới hạn của TCS. Những từ ngữ, hình ảnh, ngay cả hình ảnh sáng tạo, đặc trưng của ông đã được sử dụng lập đi lập lại quá nhiều. Đó chính là giới hạn của TCS - sự sáng tạo bị ngừng lại, và ông chỉ loay hoay với những ý tưởng, hình ảnh cũ trong không biết bao nhiêu bài hát của ông. Vì vậy mà bao nhiều bài hát của ông đều có “cái gì đó” hao hao giống nhau. Nếu ý tưởng bị trùng lặp (điều này xảy ra thường xuyên ở những mức độ khác nhau tuỳ nhạc sĩ) mà nhạc hay và phong phú thì nhạc phẩm vẫn có thể hay. Đằng này phần nhạc của TCS không có gì đáng chú ý.
Bây giờ tôi sẽ nói rõ hơn “cái gì đó” là những cái gì và xin được bàn về sự trùng lặp trong nhạc TCS và điều đó làm lời nhạc của ông trở nên nhàm chán. Tôi sẽ phân tích lời trong 130 nhạc phẩm phổ biến của TCS mà thôi. TCS viết nhiều hơn 130 bài nhưng đây là những bài phổ biến nhất. Tôi sẽ không phân tích những bài hát “Da Vàng” vì đề tài và mục đích của chúng khác biệt với những bài khác.
Trước tiên tôi xin nói chung về một số ngôn từ (specific) và hình ảnh (với nghĩa rộng) mà TCS đã sử dụng nhiều lần trong nhiều bài hát. Tìm hiểu lời nhạc TCS tôi đã khám phá ra những từ và hình ảnh này, và mặc dầu đã biết trước, tôi cũng rất ngạc nhiên vì sự lập đi lập lại quá nhiều của chúng. Ví dụ như hình ảnh “ra đi” hoặc “bước đi” có tỷ lệ khoảng 60%, tức là cứ mỗi 1.7 bài thì có 1 bài TCS nói về sự “đi”, “bước đi”. Tức là chưa viết hết 2 bài thì hình ảnh “ra đi” hoặc “bước đi” đã lại được TCS sử dụng để nói tới một sự ra đi, một người đi, hoặc một sự đi về. Đối với tôi đây là tỷ lệ quá lớn. Xin viết một số câu dẫn chứng:
“em đi về nơi ấy”, “người ngỡ đã đi xa”, “người đi phiêu du từ đó”, “em đi bằng bước chân vui”, “em đi bống về em về bống đi”, “ta đi bằng nhịp điệu”, “đi về giáo đường”, “đi nhẹ vào đời”, “buồn đi trong đêm khuya”, “đi loanh quanh cho đời mỏi mệt”, “bước chân nghe quen”, “bước chân về giữa chợ”, “bước chân em xin về mau”, “tôi đưa em về chân em bước nhẹ”, “còn tôi bước hoài”, v.v.
Hoặc ví dụ về “con đường”, “lối đi”, hoặc “đường” tượng trưng cho “đường đời”. Tất cả đều nói lên một ý, một hình ảnh … một cái “path” để đi đến một nơi nào đó, để bắt đầu từ một điểm nào đó, hoặc không đi tới đâu cả, hoặc để đứng lại trong một lúc nào đó, làm gì đó trên nó. Tỷ lệ là 52% hay là cứ mỗi 1.9 bài thì có 1 bài có hình ảnh con đường.
“đường đi suốt muà nắng lên thắp đầy”, “đường chạy vòng quanh”, “những mặt đường nằm câm”, “đường phượng bay mù không lối vào”, “từng con đường nhỏ trả lời cho tôi”, “đường trần rồi khăn gói”, “đường đời xa lắm nhé”, “người tình kia mất con đường về”, “đường trần đâu có gì”, “bên đường xe ngựa ngược xuôi”, “có đường phố nào vui”, “ru trên đường em đến”, v.v.
Một số hình ảnh khác cũng có tỷ lệ lớn đáng … phàn nàn ví dụ như: cứ 2.2 bài thì có một bài có “gió”, cứ 2.4 bài thì ông lại đề cập tới “mưa”, 2.2 bài thì “bàn chân”, hay “lá cây” được nói tới; cứ viết 2.3 bài thì có một bài ông viết về “nắng”; cứ mỗi 3 bài thì trong một bài “môi” hoặc “giòng sông” được nhắc tới, v.v.
Đây là một ví dụ khác về “bàn tay”, “ngón tay”. Tỷ lệ là 1 / 2.6:
“bàn tay chắn gió mưa sang”, “chập chờn lau trắng trong tay”, “chiều qua bao nhiêu lần tay mời”, “tay măng trôi trên tóc vùng dài”, “bàn tay ngắt hoa từ phố nọ”, “dài tay em mấy thưở mắt xanh xao”, “ngủ đi em tay xanh ngà ngọc”, “tay ôm quanh tình người”, “đêm mưa lạnh từng ngón sương mù”, “cho tay em dài gầy thêm nắng mai”, “biển hẹp tay người lạc lối”, “xin năm ngón tay em thiên thần”, v.v.
Một ví dụ nữa ... “mưa” với tỷ lệ 1 / 2.4:
“mưa vẫn mưa bay trên hàng lá đổ”, “trong lòng phố mưa đêm trói chân”, “em đứng lên gọi mưa vào hạ”, “em hai mươi tuổi em là mưa”, “mưa có buồn trong mắt em”, “có khi mưa ngoài trời”, “thôi ngủ đi em mưa ru em ngủ”, “ru khi mùa mưa tới”, “em ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa”, “lời hẹn thề là những cơn mưa”, “trời còn làm mưa rơi mênh mang”, “ngoài hiên mưa rơi”, “tôi xin làm mưa bay”, “bên sông chiều mưa tới”, v.v.
Những người ủng hộ ông sẽ nói rằng tuy những hình ảnh chung chung giống nhau nhưng ý khác nhau tuỳ trường hợp ví dụ như “em hong tóc bên hồ” khác với “lùa nắng cho buồn vào tóc em” mặc dầu đều nói về “tóc”. Đúng là hai câu này khác nhau, và dĩ nhiên TCS có nhiều câu khác nhau khi nói về một đề tài, nhưng tôi sẽ bàn về câu và cụm từ sau. Lúc này, điều tôi muốn nói ở đây là ông đã nói về ... “tóc” quá nhiều trong những nhạc phẩm của ông.
Tôi thấy rằng TCS không kiếm ra được những ý tưởng mới để diễn tả tâm tư, tình cảm trong những bài hát của mình, và ông cứ phải dùng đi dùng lại một số hình ảnh trong nhiều bài hát. Cũng được đi, nhưng điều tôi muốn nói ở đây là những tỷ lệ 2:1 hoặc 3:1, 4:1 là những con số cho thấy chu kỳ lập đi lập lại quá nhanh ... quá nhanh, quá nhiều. Sự sáng tạo của ông bị ngưng lại. Những phân tích sau này về trùng lặp trong ý, câu, hoặc cụm từ, ngay cả những câu, ý đại diện cho sự đặc trưng của TCS sẽ làm rõ hơn nữa điều tôi muốn nói. Hiện tại tôi xin liệt kê một danh sách những ngôn từ, hình ảnh bị lập đi lập lại với chu kỳ nhanh nhất và hầu hết những ca khúc của ông đều chứa đựng những hình ảnh nhất định này:
Đi/Bước đi: 1.7; Đường phố: 1.9; Gió: 2.2; Ngón chân/Bàn chân: 2.2; Lá cây: 2.2; Nắng: 2.3; Ngày tháng: 2.3; Mưa: 2.4; Tay/Ngón Tay: 2.6; Nghe/Lắng nghe: 2.8; Môi: 3; Bầu trời: 3; Sông/Giòng Nước: 3; Phố/Phố xá: 3.2; Chim chóc: 3.6; Hoa/Đoá Hoa: 3.6; Mây: 4; Ngồi: 4; Nụ Cười: 4.5; Mắt/Ánh mắt: 4.5; Mặt Trời: 4.5; Tóc: 4.5; và Đứng: 4.8.
(Còn những từ ngữ, hình ảnh khác như “Cát”, “Đá”, “Bụi”, “Sỏi”; “Áo”, “Lụa”; “Vai”; “Biển”, “Sóng”; “Sương”; “Suối”; “Đồi”; “Núi”; “Trăm năm, ngàn năm”; “Tiếng cười”; “Lửa”; “Nến”; “Tấm lòng”; v.v. cũng có tỷ lệ trùng lặp khá cao.)
Đó là sự trùng lặp đối với một số hình ảnh chung nhất định và cho thấy sự bó hẹp, sự “không thoát ra được” trong ý nhạc TCS. Hầu như bài nào cũng có “đường phố”, cũng có “tay thon”; hầu như bài nào cũng có “tóc”, có “mưa”, bài nào cũng có “bàn chân”, “lá cây”, “em ngồi, tôi ngồi, ta ngồi”, v.v.
Để thấy rõ hơn sự giới hạn, chúng ta hãy nhìn vào sự trùng lặp trong ý và hình ảnh chi tiết của những câu có cùng một ngôn từ. Dĩ nhiên TCS có nhiều câu rất khác nhau khi nói về một hình ảnh, nhưng ông cũng có nhiều câu giống nhau. Hãy xem xét những câu hoặc cụm từ sau đây xem sao (trường hợp những hình ảnh giống nhau được lập lại nhiều lần trong cùng một bài hát thì tôi chỉ đưa ra một ví dụ cho mỗi bài mà thôi):
“nghe trời gió lộng”
“thoáng nghe gió lạnh”
“lặng nghe gió đi về”
“đêm nghe gió tự tình”
“nghe gió than hoài”
“từng đêm nghe gió ru ơ hờ”
“lặng nghe gió đêm nay”
“nghe mưa tủi hờn”
“nghe mưa bão”
“nghe tiếng mưa trên đàn”
“trên tình ta nghe giọt mưa”
“lắng nghe con sông nằm kể”
“nghe sóng âm u dội vào đời”
“tôi nghe sa mạc nối dài”
Những câu trên giống nhau vì chúng đều nói về một chuyện: “nghe mưa” ... gì đó, “nghe gió”... gì đó. Hơn nữa, “nghe gió lộng” và “nghe gió lạnh”; hoặc “nghe gió tự tình”, “nghe gió than”, và “nghe gió ru”; rồi “nghe gió đêm nay”, “từng đêm nghe gió”, và “đêm nghe gió” còn làm chúng giống nhau hơn nữa. Rồi“nghe sông nằm kể” và “nghe gió tự tình” cũng như nhau thôi.
Những câu trên còn tương tự nhau vì chúng dùng chung một công thức: [“nghe” + một từ về thiên nhiên + một số từ liên hệ diễn tả việc nghe tiếng thiên nhiên] (đây là lý do tôi bao gồm câu “tôi nghe sa mạc nối dài” trong nhóm này). Sự khác nhau có được là do những hình ảnh thiên nhiên và những chữ bổ túc. Từng câu thì khác nhau, nhưng tổng quát về ý tưởng thì tương tự nhau. Tôi không nói đó là dở. Tôi muốn nói rằng ông sử dụng chúng nhiều quá nên mất hay và cho thấy sự không sáng tạo trong ý tưởng.
Còn những hình ảnh và ý liên quan tới “đôi môi” thì sao? Tôi thấy những câu sau đây giống nhau khá nhiều:
“môi em cho ta một cánh hồng”
“miệng môi hồng đỏ như đoá hoa vông”
“môi em hồng như lá hư không”
“đoá hoa hồng cài hôn lên môi”
“bên đôi môi hồng đào”
“còn gì đâu môi xưa hồng”
“môi em hồng nhạt”
“làm hồng chút môi cho em nhờ”
“hồng đi nhé môi cười giữa ngọ”
“đời trần gian có môi hồng”
“bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng”
“hồng má môi em hồng sóng sa”
“đường xanh quá môi e ngại hồng”
“đôi môi em là đốm lửa hồng”
“môi em là đốm lửa”
“ngủ đi em đôi môi lửa cháy”
“nhớ mặt trời đầu môi”
“nắng có hờn ghen môi em”
“nắng như môi hoàng hôn trên phố”
Quá nhiều bài hát có những câu như vậy thì tôi thấy kém sáng tạo và nhàm chán. Ngay cả khi nhìn vào những câu nói về “môi” chứa đựng sự so sánh hoặc diễn tả lạ và sáng tạo, chúng ta cũng sẽ thấy một sự trùng hợp ví dụ như:
“nắng có còn hờn ghen môi em”
“nắng như môi hoàng hôn trên phố”
“nhớ mặt trời đầu môi”
“ngủ đi em đôi môi lửa cháy”
“đôi môi em là đốm lửa hồng”
“môi em là đốm lửa cuộc đời đâu biết thế”
Những câu trên cho thấy sự dùng từ hay và đáng được khen. Tuy nhiên sự sáng tạo và mới lạ bị lập đi lập lại nên mất chất đặc biệt. Nghe một câu thì thấy hay và lạ. Nghe hai câu cũng còn thấy hay. Nhưng rồi lại có những câu như vậy trong nhiều bài hát nên tôi thấy hết hay và không khen được nữa. Không những “môi”, mà còn “nắng” và “lửa” cũng bị lặp lại cùng với nhau trong những câu này để nói về một ý. Trong những câu trên ta thấy TCS đã chỉ dùng hai hình ảnh lập đi lập lại “nắng” (và “mặt trời”) và “lửa” ... “nắng ghen môi”, “nắng hôn môi”, “môi là lửa”, “mặt trời đầu môi” ... để nói về một tính chất của “môi”. Hãy tưởng tượng nếu TCS chỉ có 1 hoặc 2 bài có câu như vậy thôi thì câu đó sẽ đặc biệt biết chừng nào. Và với ví dụ này tôi muốn nói là mặc dầu ông có trên 40 bài hát nhắc về “môi”, tôi chỉ đánh giá khả năng sáng tạo về “môi” của ông dựa trên khoảng 5 bài mà thôi. Đọc tới đây chắc quý vị cũng thấy hiện thêm lên trong đầu những hình ảnh khác... “mặt trời”, “đốm lửa”, “ngọn nến” đâu đó trong những nhạc phẩm khác rồi phải không?
Một ví dụ khác nữa:
“nắng vàng lạc trên lối đi”
“đường đi suốt muà nắng lên thắp đầy”
“có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ”
“bao đường phố em qua nắng lên đứng chờ”
“nắng lên phố xưa”
“có nắng vàng nghèo trên lối đi xa”
Không phải chỉ hình ảnh “nắng” một cách chung chung được nói tới trong những bài hát này mà ta thấy tất cả đều chỉ có một ý: nắng trên con đường hoặc một con đường nhiều nắng. Sự khác nhau hiện diện là do những chữ như “lạc”, “lên thắp đầy”, “lên đứng chờ”, v.v. “Nắng vàng nghèo” tôi thấy không hay và nghe rất gượng. Tôi thích ý tưởng của câu“Bao đường phố em qua nắng lên đứng chờ”, nhưng phải chi TCS đừng có nhiều những câu khác về “nắng” và “đường phố” thì tốt biết mấy. Sự lập đi lập lại hình ảnh và ý trong những câu trên được thực hiện bởi sự lập đi lập lại của hai chữ “nắng” và “lối đi” hoặc “đường đi”.
Hoặc:
“đường quạnh hiu tôi đã đi qua”
“còn một mình trên phố”
“đường phố buồn mọi người đi vắng”
“ta như con đường dài vắng người”
“có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ”
Những câu trên đều dùng hình ảnh “đường phố” bên cạnh những chữ khác để nói lên một ý: sự cô đơn, vắng lặng trên con đường và trong lòng người. Dĩ nhiên những chữ khác đó cũng cùng một ý: “quạnh hiu”, “một mình”, “đi vắng”, “vắng người”, và “quạnh quẽ”.
Còn rất nhiều ví dụ khác. Tôi chỉ liệt kê ra đây một số và không phân tích nhiều thêm. Xin nói rõ là những ví dụ này bao gồm những câu cho thấy sự giống nhau từ gần như y hệt cho tới tương tự về ý tưởng. Trước nhất là ví dụ liên quan tới “chân”.
Bước chân nhẹ: “bước chân nhè nhẹ”, “chân người rất nhẹ”, “chân em bước nhẹ”, “đi nhẹ”, “chân ai rất nhẹ”, “đời nhẹ nâng bước”, v.v. cũng đều để diễn tả chân … bước nhẹ. Tôi không thấy chúng khác nhau.
Rồi “bàn chân trong phố”, “bàn chân qua phố”, “phố quen bàn chân”, “phố in dấu chân”, “chân nhuộm phố phường”, “chân qua phố”, “chôn chân nhớ phố”, v.v. Tất cả cũng chỉ cùng một ý.
Hay: “bước chân âm thầm muà hạ”, “em qua công viên bước chân âm thầm”, “bàn chân âm thầm nói”, v.v.
Rộng hơn chút nữa là những câu khá khác nhau nhưng đều có chung mục đích diễn tả một trạng thái nào đó của bước chân ví dụ như vận tốc: “chân người bước chầm chậm”, “không còn bước ngập ngừng”, “đi không nhanh chân không vội vàng”, “chân chim rộn ràng cùng diều tung tăng”, v.v.
Hoặc rộng hơn nữa là những trạng thái khác nhau của chân: “rượu tàn phai dưới chân đi ơ hờ”, “bàn chân xưa qua đây ngại ngần”, “chân chim rộn ràng”, “những bước chân mềm mại”, “lạnh lùng bước chân”, “chân đi nằng nặng hoang mang”, “bước ngập ngừng”, v.v.
Hay ý tưởng bước chân về đâu đó, nhiều khi là một nơi mơ hồ: “bước chân em xin về mau”, “bước chân về gác nhỏ”, “bước chân về giữa chợ”, “chân nhuộm phố phường em về biển xa”, “chân đưa tôi về biên giới mới”, “chân về đâu đó của em”, “khi bước chân ta về”, “hồng đi nhé chân về giữa ngọ”, v.v.
Từng câu này, nhiều ít, có ý nghĩa khác nhau, nhưng đối với tôi, cùng ý tưởng và công thức. Ví dụ như “chân ngập ngừng”, “chân ngại ngần”, “chân ơ hờ”, “chân nằng nặng”, “chân hoang mang”, “chân mềm mại”, “chân lạnh lùng”, “chân rộn ràng”. Hoặc “chân về gác nhỏ”, “chân về giữa chợ”, “chân về biển xa”, “chân về biên giới”; “chân về” ... đâu đó ... để diễn tả một bước chân trở về, một người trở về, hoặc một sự trở về. Và sau khi “trở về” hoặc “bước về” sẽ là một hình ảnh hoặc một cảm giác nào đó được nói tới. Tất cả đều cùng một ý tưởng.
Những câu đó cũng có câu khác nhau và có câu hay, nhưng tại sao lại nhiều ... “chân ... ...” đến như vậy? Đó là một số ví dụ về “chân”, “bước”, “đi”. Tôi chỉ phân tích sơ như vậy. Cũng tương tự, có rất nhiều ví dụ cho những cụm chữ, hình ảnh, và ý tưởng khác. Sau đây là một vài ví dụ khác:
Tóc bay trong gió hoặc gió làm tóc bay: “tóc gió thôi bay”, “gió hôn tóc thề”, “gió mừng vì tóc em bay”, “tóc em bay trong chiều gió lộng”, “tóc em gầy trong gió”.
Hình ảnh tóc liên hệ với thời gian: “tóc uá là nhờ những tháng âu lo”, “chợt một chiều tóc trắng như vôi’, “ru bạc tóc thôi”, “tóc nào còn xanh”, “rừng ơi xanh hoài mái tóc”.
Hình ảnh chim bay xa để nói lên sự chia xa: “bóng chim qua”, “chân chim qua trời”, “trời in dấu chim xa nguồn”, “mặt trời quên dấu chim”, “bóng chim cuối đèo”, “dấu chim bay”, “em như chim bay”.
Hình ảnh “em” và chim: “em cùng lá tung tăng như chim đến”, “ru em cánh nhạn”, “em đến nơi này tựa như cánh én”, “em như chim trắng”, “ngày mai em như chim bay”.
Hình ảnh ngón tay, bàn tay và sự buồn bã: “năm ngón đưa vào cô đơn”, “từng ngón tay buồn”, “tay che lệ nhoà”, “tay buồn không bàn tay”, “trên hai tay cơn đau dài”, “tay xôn xao đón ưu phiền”, “tay trơn buồn ôm nuối tiếc”.
Ngón tay, cánh tay dài, thon, gầy: “tay măng trôi trên vùng tóc dài”, “xin cho tay em còn muốt dài”, “dài tay em mấy”, “sống có đôi tay thật dài”, “cho tay em dài gầy thêm nắng mai”, “ngón tay em gầy”, “em gầy ngón dài”.
Bầu trời và âm thanh, tiếng hát: “giữa trời dòn vang tiếng cười”, “ngồi hát mây bay ngang trời”, “tiếng hát tan trong trời gió lên”, “hát bên trời gian dối”, “lời ru như tiếng hát trên trời”, “lời ru vang vọng một trời”.
Trời với gió: “nghe trời gió lộng”, “trời buông gió”, “hát tan trong trời gió lên”, “trời buồn gió cao”, “đất trời lặng gió”, “gió trời lênh đênh”, “nhặt gió trời mời em giữ lấy”, “sương ở miền xa gió ở đất trời”, “gió cuốn đi tận cuối trời”, “đứng bên trời gió lộng”.
Hình ảnh hoa hồng hoặc sắc hồng của hoa: “môi em cho ta một cánh hồng”, “môi hồng đỏ như đoá hoa vông”, “đoá hoa hồng cài lên tóc mây”, “còn gì đâu những đoá hoa hồng”, “yêu đoá hồng bé dại”, “loài hoa trắng hồng”, “con sông nằm chờ những đoá hồng”, “hoa trên đồng xanh một sớm mai rất hồng”.
Nghe tiếng mưa rơi: “nghe mưa tủi hờn”, “thềm đá nghe mưa”, “nghe mưa bão”, “con đường nằm nghe nắng mưa”, “nghe mưa nơi này”, “nghe tiếng mưa trên đàn”, “mưa nghe từ độ trái tim em buồn”, “nghe quanh đời mưa bão”.
Một ý tương tự khác đã được nói tới ở trên là “nghe gió”. “Nghe mưa” và “nghe gió” cũng đã là hai ý tưởng giống nhau rồi. Những ví dụ khác có thể là hình ảnh mưa rồi nắng, nắng rồi mưa, hoặc mưa trong nắng, nắng trong mưa: “mưa lâu hoặc cơn nắng dài”, “mưa rồi chợt nắng,“nắng mưa em ngày ấy”, “ngày mưa hay nắng”, “cơn mưa là nắng vô thường”, “đêm khua nắng sớm hay cơn mưa”, “mưa nắng ở trong mắt người”, “nắng ngời nhìn mưa bay”, “thành phố vẫn nắng vàng, vẫn mưa”, “từ khi nắng hay mưa vội vàng”, “yêu em bao ngày nắng, bao ngày mưa”, “bướm hoa và chim cùng mưa nắng”.
Mắt buồn: “nắng qua mắt buồn”, “mưa buồn bằng mắt em”, “mưa có buồn trong mắt em”, “buồn trong mắt nai”, “mắt buồn mi thơ ngây”, “mắt ưu phiền”, “nước mắt rơi cho tình nhân”, “đi quanh từng giọt nước mắt”, “mưa ngoài trời là giọt nước mắt em”, “lau khô dòng nước mắt”.
Hoặc ví dụ những đơn từ khá đặc trưng trong nhạc TCS nhưng được áp dụng nhiều lần với những chữ khác để tạo nên cụm từ: “tay gầy”, “vai gầy”, “ngón gầy”, “tóc gầy”, “em gầy”, “cánh gầy”, “thân gầy”, “hoa gầy”, “nắng gầy” (tôi thấy hình ảnh “tóc gầy” và “nắng gầy” gượng quá).
Hoặc những câu sau đây với từ kép “trăm năm”, “ngàn năm” thì quý vị nghĩ thế nào? Tôi thấy chúng giống nhau trong ý tưởng ... một điều vô định, một cuộc đời, một sự tồn tại, v.v.: “trăm năm vào chết một ngày”, “nghe tiếng trăm năm”, “thấy bóng trăm năm”, “cuồng điên mơ trăm năm”, “bù đắp cho trăm năm”, “rọi suốt trăm năm”, “một trăm năm như tiếng thở dài”, “trăm năm về chốn xa xăm”, “còn đứng như trăm năm”, “trăm năm vô biên”, “quanh em trăm năm khép lại”, “trăm năm bỗng quay về”, “một lần là trăm năm”, “từng chiếc bóng trăm năm”, “từng tiếng khóc trăm năm vây người”.
Và: “quê hương nghìn năm vẫn là”, “nghìn năm nhớ ai”, “từ nghìn năm xưa”, “một ngàn năm trước”, “một ngàn năm nữa”, “ru mãi ngàn năm”, “cho thêm ngàn năm”, “nhớ ngàn năm trôi qua”, “ngàn năm ru em”, “miệt mài ngàn năm”.
Và sau đây là hai ví dụ rất thú vị: “bỏ trăm năm sau ngàn năm nữa” và “trăm năm ở đậu ngàn năm”.
Như đã nói ... nhiều câu nghe hay và khác nhau chứ, nhưng tại sao lại nhiều ... “trăm năm”, nhiều “gió trời”, nhiều “tay dài”, nhiều “ngón gầy” như vậy? Còn những ví dụ khác nữa, nhưng tôi không có thì giờ đưa ra. Tôi thấy rằng lời nhạc TCS có những hình ảnh và ý tưởng giống nhau rất nhiều. Tôi xin nhắc lại một lần nữa và nhấn mạnh, “Nếu xét từng câu riêng biệt thì mỗi câu có thể hay và ý tưởng có thể lạ và đẹp; nhưng vì TCS đã lập đi lập lại ý tưởng, hình ảnh tương tự nhau nhiều quá nên tôi thấy chúng bớt hay, trở nên nhàm chán, và cho thấy sự giới hạn trong khả năng sáng tạo.”