Có nhiều lí do khiến những người dù đã lái xe lâu năm vẫn ngại ngần khi nghĩ tới những cung đường có nhiều đèo dốc; và điều này đã khiến họ bỏ qua những chuyến du lịch đầy thú vị lên các vùng cao như Hà Giang, Lào Cai… Vậy làm thế nào để giúp họ tự tin hơn?
Bạn Phúc Thanh (Hà Nội) một lái xe lâu năm rất quen thuộc với những con đèo phía Bắc Việt Nam đã chia sẻ một số kinh nghiệm để giúp các bạn có thêm kinh nghiệm và sự tự tin đối với mỗi chặng đường đèo dốc:
Có quá nhiều những nguyên tắc, những quy định để đảm bảo an toàn trước mỗi chuyến đi; và với tôi, có ba điểm cần lưu ý và luôn thuộc nằm lòng để có những chuyến đi an toàn. Sẽ có nhiều người thắc mắc tại sao là 3? Đơn giản là như vậy sẽ dễ nhớ và áp dụng.
Hệ thống phanh an toàn và cảm giác tự tin
Trước mỗi chuyến đi, đưa xe đến kiểm tra tại các garage là việc đầu tiên tôi thực hiện, để có cảm giác tự tin hơn với tay lái cũng như với chiếc xe của mình. Xe cần được kiểm tra hệ thống phanh, áp suất và tình trạng lốp, các loại dầu trợ lực lái, dầu phanh… Và với hành trình đã định có những con đèo/dốc dài hàng chục km, việc bố trí dừng chân trước khi lên đèo sẽ giúp bạn kiểm tra lại những vấn đề liên quan đến chiếc xe cũng như có thời gian nghỉ ngơi trước khi leo đèo.
Cẩn trọng khi xuống dốc
Luôn nhớ duy trì tốc độ hợp lí, đặc biệt khi xuống dốc. Lựa chọn một cấp số phù hợp, một tốc độ vừa đủ để bạn kiểm tra được chiếc xe - thường là số 3 với tốc độ khoảng 30-40km/h (cấp số thấp hơn khi gặp đèo có độ dốc cao và dài) và chỉ dùng phanh để duy trì tốc độ này. Tuyệt đối tránh việc rà phanh hay mớm phanh liên tục. Điều này có thể khiến tiếng động cơ tăng lớn do vòng tua máy lên cao. Để tránh tình trạng này, hãy duy trì tốc độ phù hợp.
Tránh xuống dốc với cấp số cao nhất, lợi dụng lực “ghì” của động cơ. Ngoài ra, cũng cần lưu ý khi nhiều người nói: “Lên dốc số nào thì xuống dốc số đó”, đây là các nói tắt khi phải hiểu đúng là bạn lên dốc ở một đoạn xác định thì khi xuống dốc đúng đoạn đó thì (nên) dùng đúng cấp số đó. Tuy nhiên, kinh nghiệm của tôi cho thấy với một đoạn đường dài thì cách nhớ này không có tác dụng. Điều quan trọng là bạn “hiểu” được chiếc xe đang phải cố sức hay nhàn nhã để lựa chọn cấp số cho đúng.
Lái xe có văn hóa
Đã gọi là Luật thì không có lí do gì chúng ta không chấp hành vì sự an toàn của mình cũng như của người thân, đặc biệt là những cung đường đèo núi luôn tiềm ẩn nhiều bất trắc. Hãy tuân thủ đúng tốc độ, dừng/đỗ đúng nơi quy định, vượt xe ở nơi cho phép…
Vấn đề thuộc về văn hóa lái xe ở đây là việc giữ an toàn cho tất cả khi đi xe trên đèo. Hãy giữ bình tình khi lái xe: Nếu bạn là “tài già”, đừng sốt ruột bấm còi inh ỏi khi phải đi sau một chiếc xe khác trên cả đoạn đường dài nếu như xe phía trước không thể nhường bạn vì đoạn đường hẹp, không có không gian cho xe bạn vượt… Khi vượt, nên chắc chắn có sự quan sát phía trước để đảm bảo xử lí tình huống khẩn cấp, và nên dùng đèn hiệu báo cho xe phía trước rằng mình đang Xin vượt.
Khi lái xe đường đèo dốc, hãy báo hiệu cho xe đi ngược bằng còi mỗi khi vào một góc cua khuất tầm nhìn. Khi vào cua, không bám vạch tâm đường mà nên chú ý đến làn vạch đường bên phải của mình. Khi trời tối, bạn nên cân nhắc sử dụng đèn pha: hãy hạ đèn chiếu gần khi có xe đi ngược chiều đến gần để không làm chói mắt lái xe đối diện, hãy nháy đèn khi họ không chịu hạ đèn pha. Nếu gặp phải những lái xe thiếu văn hóa, cứ để đèn pha chiếu mặt vào mặt lái xe đối diện, không còn cách nào khác bạn cố gắng giữ đúng hướng đi, bám vào vạch chia lề đường bên phải, trường hợp cảm giác không an toàn, hãy giảm tốc độ và dừng hẳn bên phần đường của mình để tránh bất trắc.
Khi xuống dốc, bạn nên cố gắng nhường đường cho xe đang lên dốc, vì xe lên dốc cần nhiều lực kéo hơn, xe phải hoạt động vất vả hơn so với xe xuống dốc.