Bối cảnh và quyết định
Một vài ngày sau khi chiếm được thành phố sau trận Kiev 1941, đã xảy ra tại trung tâm thành phố Kiev các vụ nổ và cháy, trong đó vài trăm binh sĩ Đức và người dân bị tử thương. Sau đó, vào ngày 27 tháng 9 năm 1941, các sĩ quan của quân đội và SS họp lại tại văn phòng của tướng Kurt Eberhard, trong số Chỉ huy trưởng Cảnh sát của Cụm tập đoàn quân Nam, Thượng tướng SS Friedrich Jeckeln, người chịu trách nhiệm cho vụ thảm sát Kamenetz-Podolsk cuối tháng 8 năm 1941, chỉ huy trưởng của đội Đặc nhiệm C, Thiếu tướng SS Otto Rasch, và chỉ huy của nhóm hành động đặc biệt 4a (nhóm SD và cảnh sát an ninh), Đại tá SS Paul Blobel.
Họ quyết định giết chết một phần lớn người Do Thái ở Kiev, và che giấu ý định này bằng một cuộc "sơ tán của người Do Thái". Về việc phân chia công việc giữa quân đội và SS, Trung tá SS August Häfner, người đã tham gia cuộc họp này và các cuộc họp sau đó, tường thuật: "Chúng tôi đã phải làm việc dơ bẩn này. Tôi nghĩ mãi đến việc tướng Kurt Eberhard tại Kiev nói, các anh phải giết!". Đối với các thành viên của SS và quân đội, vụ giết người này cần phải được hợp pháp hóa là "sự trừng phạt đối với các cuộc tấn công". Chính bản thân Thống chế Reichenau hỗ trợ vụ này, theo như một bản báo cáo của SS về Berlin: "Quân đội hoan nghênh các biện pháp và yêu cầu hành động cực đoan".