Hồi nãy mới thấy 1 chiếc cứu thương chạy ngang ngang qua lúc tao đang chạy xe trên đường, ĐM kỉ niệm về những chuyến xe lại ùa về, tưởng chừng như chỉ mới là ngày hôm qua đây thôi. Bữa nay tao cũng không có tâm trạng viết chuyện, vậy thôi chia sẻ với anh em bà con thêm về những kinh nghiệm, những hiểu biết của tao về nghề này trong khoảng thời gian còn chạy xe cứu thương he, đây chỉ là những kinh nghiệm, hiểu biết góp nhặt rồi tích lũy lại của tao nếu có gì sai sót mong anh em bỏ qua và có thể góp thêm chút ý kiến của mọi người thêm vào đây để tất cả có cái nhìn rõ hơn về nghề lái xe cứu thương.
1• Tài xế xe cứu thương thường sẽ có 2 loại: thứ 1 là tài xế xe cứu thương trực thuộc biên chế của các bệnh viện tỉnh, thành phố, được cầm lái những chiếc xe cấp cứu có gắn biển số xanh. Thứ 2 là tài xế xe cứu thương của các phòng khám tư nhân, các công ty vận chuyển cấp cứu vẫn cầm lái những chiếc xe cấp cứu chuyên dụng nhưng là xe gắn biển số trắng, đây cũng chính là loại xe mà tao từng gắn bó. Quyền ưu tiên cũng như nhau với cả biển số xanh và trắng
Ngoài ra còn 1 loại xe cũng trang bị gần giống như xe cứu thương nhưng sẽ không có bình oxy hay các thiết bị cấp cứu vì hầu hết 100% nạn nhân nằm trên chiếc xe này đều đã tử vong. Nếu có dịp nào đó, anh em đang chạy xe trên đường mà gặp 1 chiếc Toyota cá mập đời cũ, nhìn giống như xe cứu thương và bên hông xe có dán dòng chữ "xe phục vụ hiện trường" thì chính là nó đó, hình như Sài Gòn chỉ có 1 hay 2 chiếc mà thôi.
Sẽ thiếu sót nếu như không nói về chiếc xe vận chuyển thi thể của Trung tâm lưu trữ tử thi Bình Hưng Hòa, nó là 1 chiếc xe tải nhỏ có gắn biển số xanh và có 1 thùng chuyên dụng phía sau để chở xác, thường thì chiếc xe này sẽ xuất hiện ở những vụ phát hiện xác chết trôi sông ở giai đoạn phân hủy mạnh kèm theo là ê kíp mấy khứa nhân viên của Bình Hưng Hòa, nói về độ cứng của thần kinh thì tao phải gọi những khứa này là sư phụ.
2• Thường những người được tao vận chuyển:
_ Thứ 1 là những ca nặng do bệnh tật, tai nạn...mà bác sĩ đã trả về. Những y tá, điều dưỡng sẽ được bồi dưỡng theo hoa hồng thỏa thuận với thằng chủ xe trước đó trên từng ca bệnh được chuyển.
_ Thứ 2 là người mới chết ở các bệnh viện do những lý do nào đó, thường thì là bệnh tật. Những trường hợp này sẽ được đem xuống nhà xác bệnh viện, lúc này tụi cò xác sẽ vào gặp thân nhân người xấu số để làm kèo bán hòm, tất nhiên là anh em đều biết thông tin của những cái xác này từ đâu mà tụi nó được. Hầu hết giá của những cái hòm kèm theo dịch vụ vận chuyển về tới nhà đều là giá trên trời, bởi vậy không thằng chủ trại hòm nào ở Sài Gòn là nghèo hết. Sẽ có những trường hợp không chịu sử dụng dịch vụ của tụi nó thì xin thưa, cái xác đó muốn lấy ra cũng hơi bị khó trừ khi người nhà có thế lực rất mạnh mới có thể dễ dàng đem xác về.
_ Thứ 3 là những người chết đường chết chợ, chết vì TNGT, chết vì đột tử, chết vì bị giết... Tao sẽ là người ra hiện trường để lấy những cái xác đó về, à sẽ có người đặt câu hỏi tại sao có thông tin để biết mà ra hiện trường, tất cả thông tin là do bên trại hòm liên kết với công an. Còn về phần sau khi đem về Bình Hưng Hòa thì chắc là anh em đã biết được cũng nhiều qua câu chuyện của tao nên tao sẽ không nói thêm về khúc này nữa.
3• Khi chạy vận chuyển bệnh hay xác về các tỉnh hay lúc chạy ra hiện trường lấy xác thì tao đều mở đèn còi ưu tiên, như xe của tao chạy lúc trước có gắn thêm loa nữa, kiểu như trong xe tao có thể cầm cái radio giống như bộ đàm để nói và tiếng nói được phát ra ngoài thông qua cái loa đó, mai mốt đi ngoài đường nếu như có nghe "các phương tiện phía trước đi sang phần đường bên phải nhường đường cho xe cứu thương làm nhiệm vụ" thì né né ra cho nó qua nhe anh em.
4• Khi chạy ngoài Quốc lộ nếu có bệnh hay xác trên xe thì tao bơm thoải mái, thường lúc nào cũng đạp đều đều trên 100 km/h, hiếm khi nào có CSGT ra chặn xe của tụi tao. Nhưng đó là chuyến đi còn chuyến quay đầu về thì lại khác à nha, nếu từ Bắc, miền Trung về hay Tây Nguyên về thì chạy phải đúng tốc độ, đèn còi ưu tiên phải tắt hết nếu không muốn rớt lúa hoặc ăn biên bản tốc độ.
Kể tới đây lại nhớ 1 ca chở xác về Hòa Phú ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, ca đó là cái xác bị đột tử, người nhà cũng quen biết hay sao với tụi trại hòm nên chỉ bỏ vào bao nylon, đổ 2 chai phormon vào để giữ xác cho tươi rồi buộc chặt 2 đầu. Vì không bỏ vô hòm, mà tác dụng của thuốc cũng khoảng hơn 10 tiếng nên tao phải đạp nhanh cho về tới nhà, ĐM đạp chậm là ăn nguyên măm. Nhịn đói không ăn luôn, chỉ hớp bò cụng trong khi lái, mệt thì lấy khăn lạnh lau mặt, lúc nào cũng trên 100 km/h, móa vậy mà lúc tới Gia Nghĩa để ghé đi tiểu bên đường thì khứa già ngồi bên ghế phụ chê tao chạy chậm, chạy như cc. ĐM tao nghĩ chết rồi thì người nhà cũng nôn nóng đem xác về lo hậu sự nhưng cũng phải an toàn trên đường đi, lúc này máu chó điên của tao cũng đã sôi tới não, lúc mọi người lên xe để tiếp tục cuộc hành trình, tao bắt đầu nhóng ga, chiếc xe cứu thương cứ vậy mà lao thật nhanh, mấy khúc đèo mà tao vẫn đạp 120 km/h có khi lên gần 140 km/h. Lúc này mới thấy khứa già bắt đầu quíu giò, kệ mẹ tao cho hưởng cảm giác mạnh để khỏi còn sạo lol. Nghĩ lúc đó đúng là điên thiệt, chắc do áp lực rồi thiếu ngủ thường xuyên nữa, giờ nghĩ lại còn giật mình.
5• Trong khi chuyển bệnh hoặc xác thì tuyệt đối không mở máy lạnh trên xe, xác thì khỏi nói rồi, cái mùi tử khí nó mà quyện trong xe không thoát ra ngoài được thì xác định tắm hết 1 chai sữa tắm vẫn còn mùi thơm của thần Chết. Còn bệnh thì chắc cũng nguy hiểm không kém, vi khuẩn trên người của bệnh nhân sắp chết nó cũng không hiền lành gì đâu.
Nắng quá thì ráng mà chịu, còn mưa quá thì quay kiếng cửa sổ lên cho bớt tạt chứ không đóng kín được, đóng 1 hồi hơi nước nó ố kiếng phía trước thì khỏi thấy đường chạy, và điều quan trọng là lúc nào cũng phải mang khẩu trang y tế.
6• Điều luôn nhớ khi vào rước lấy bệnh ở các bệnh viện hay lúc đưa bệnh hoặc xác về tới nhà là điện thoại phải bỏ trong túi, không phải là tâm linh gì mà hở ra là bị bọn ác nó đua liền, tao hay có thói quen để điện thoại trên táp lô trong xe và đã ra đi hết 1 cái lúc đưa xác về tới quê, lui cui lo kéo băng ca vô nhà, quay trở ra thì mất mẹ cái điện thoại.
7• Khi tao hiện trường lấy xác thì việc trước tiên khi đụng vào cái xác đó là phải chấp tay xá 3 xá, xin người ta cho mình đụng vô và đem đi, coi như đó là 1 sự tôn trọng với người đã khuất.
Trước 1 chuyến vận chuyển xác về quê, tao đều đốt nhang xin họ phù hộ vạn dặm bình an, đi tới nơi về tới chốn. Về tới nơi thì lúc đem xác vô nhà cũng phải nói thầm trong bụng là đã đưa về tới nhà rồi, ông/bà/anh/chị sống khôn thác thiêng phù hộ cho chuyến về được an toàn, bình an.
8• Trên đường về thường tài xế sẽ đem theo trong người rất nhiều tiền, xa thì có khi cả trăm chai, gần thì vài chục, đó là tiền thu phí vận chuyển, thu hộ tiền quan tài, dịch vụ cho bên trại hòm... Mà lúc này sẽ rất mệt mỏi sau 1 khoảng thời gian dài phải căng mắt ra lái xe vì vậy lúc dừng xe ngủ dọc đường rất dễ bị bọn ác canh me cạy cửa lấy tiền hoặc dính mấy ống thuốc mê là coi như xong, đã có nhiều vụ bị như vậy rồi. Chuyến về chưa chắc là hết nguy hiểm, kinh nghiệm của tao là ghé cây xăng tắm rửa, nhét cho khứa đổ xăng vài chục ngàn để đậu xe sát vào phía trong cho an toàn trước khi ngã lưng chợp mắt, tiền thì không để hết trong người mà phải chia nhỏ ra nhét những chỗ trên xe mà tụi nó không ngờ tới.
9• Vào chạy lâu rồi thì cũng sẽ biết những thao tác y tế cơ bản, có khi làm còn ngon hơn tụi điều dưỡng, rút ống thở sao cho máu ít bị trào trong miệng ra, căn chỉnh oxy cho người bệnh lúc mới lên xe, đo mạch... Nói chung đâu phải chuyến nào cũng có điều dưỡng theo nên phải cố gắng tự xoay xở mặc dù đó không phải là trách nhiệm của mình.
10• Những vật dụng quan trọng và cần thiết cho những chuyến đi của tao đó là cái ba lô với 1-2 bộ quần áo, cái áo khoác, khăn tắm, bàn chải và kem đánh răng. Thêm 1 thùng nhựa vừa vừa để ướp đá lạnh, trong đó phải có vài lon bò cụng, cà phê lon, nước suối, khăn lạnh. Phải có cái kiếng mát để đeo không thì dễ tổn mắt lắm, sắm thêm đôi dép tổ ong là cứ vi vu trên mọi cung đường, à quên phải có mấy gói Marlboro dằn túi nữa mới đầy đủ combo.
11• Bước vào cái nghề này trước tiên tao thấy là phải có sức khỏe mà sức khỏe phải thiệt tốt nữa kìa, đạp 1 phát từ Sài Gòn lên Gia Lai - Kon Tum không nghỉ ngơi gì hết là chuyện bình thường, chạy 1 tài ra mấy tỉnh phía Bắc trong 24-26 tiếng là việc quá quen thuộc với tao hay chạy xuyên suốt 2-3 ngày chỉ với những giấc ngủ chập chờn khoảng 1 tiếng đồng hồ, nhiều lúc ghé uống cà phê, chủ quán đem ra thì đã ngủ mẹ nó rồi.
Có lẽ vì vậy mà nguy cơ tai nạn của nghề này rất cao, chạy tốc độ, áp lực, chạy đường dài, thiếu ngủ... Chắc là anh em cũng đã từng đọc hay xem qua tin tức về những vụ TNGT từ xe cứu thương, chính tao cũng nhiều lần thoát nạn nhưng cuối cùng vẫn không tránh khỏi 1 vụ đấu đầu trực tiếp, cũng may mắn là còn giữ được cái mạng.
11• Đừng nghĩ tiền kiếm được từ cái nghề tài xế cứu thương nó sẽ cao, không biết các bác tài lái xe biển số xanh thì sao chứ còn lái dịch vụ biển trắng như tao thì chỉ gọi là thôi. Nếu 1 ca ra lượm xác ở hiện trường thì được trả 100k, tiền tài đi các tỉnh nếu gần là 15%, đi Bắc là 20%, có sức chạy thì 1 tháng cũng kiếm được từ 13-15 chai, ăn uống tự lo ( thời điểm 2015-2017 nha mọi người )
Cũng vì vậy mà có 1 số thằng sẽ chơi chiêu trong lúc chuyển bệnh hoặc xác, chạy rề rề để người nhà sốt ruột mà ói tiền, cái bóng để bóp duy trì nhịp thở cho những ca bệnh nặng sắp đứt mua ngoài nhà thuốc tây có 1 trăm mấy nhưng được tụi nó bán lại tiền triệu...nói chung cũng nhiều chiêu trò mà tao được nghe kể lại nhưng lấy thêm được người ta vài xị hay vài chai thì cũng có giàu được thêm đâu huống hồ là ăn tiền trên những người bệnh, trên những cái xác...
Kể tới đây chắc cũng gọi là tạm đủ cho anh em đọc và hiểu thêm về cái nghề này và nếu như có gì thiếu sót thì mong mọi người hãy bỏ qua, hy vọng sẽ có những người bổ sung thêm vào hay có thắc mắc cứ mạnh dạn hỏi, nếu như trong phạm vi hiểu biết tao sẽ trả lời tất cả.