Trích dẫn :
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, có những nước đã buộc phải chọn bên, nhưng Việt Nam không làm như vậy. Chúng ta có quan hệ tốt hay xấu, gần hay xa, ủng hộ hay không ủng hộ nhưng luôn giữ độc lập, tự chủ trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác.
Có người đã hỏi tôi "Các ông có sợ nước lớn buộc các ông phải chọn bên?". Tôi bảo "Chúng tôi chọn chính chúng tôi. Không ai và không nước nào có thể bắt Việt Nam phải chọn bên vì chúng tôi độc lập, tự chủ, giành và giữ độc lập bằng sức của mình".
Có những nước luôn nói, khi họ sinh ra thế giới này đã là của họ, họ sẽ lãnh đạo, chi phối thế giới, nhưng Việt Nam không như thế. Chúng tôi quan niệm, Việt Nam là của thế giới, Việt Nam vì thế giới, nhưng giá trị của Việt Nam là của Việt Nam và Việt Nam tự bảo vệ lấy.
Những người đặt câu hỏi đã bày tỏ đồng tình vì lý lẽ của chúng ta không chối cãi được. Sự áp bức, cường quyền, dùng sức mạnh để giành lợi ích cho mình là đi ngược lại quy luật của tự nhiên. Và khi đi ngược lại chiều tiến hoá của nhân loại thì trước sau sẽ bị thất bại, thậm chí diệt vong.
- Sách trắng Quốc phòng 2019 nêu Việt Nam không tham gia liên minh Quân sự nhưng "tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết...". Phần "tùy" này có thể hiểu như thế nào, thưa ông?
- Sách trắng Quốc phòng Việt Nam nêu rõ chúng ta tuân thủ nguyên tắc "không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế". Điều này nằm trong hiến chương Liên Hợp Quốc, là cách ứng xử của mọi quốc gia. Trên cơ sở đó, Việt Nam quy định "ba không" về mặt quân sự là không đứng bên này chống bên kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không tham gia liên minh quân sự. Ba không này là bất biến.
Còn nội dung "tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết...", được hiểu là quan hệ sẽ thay đổi tuỳ theo diễn biến tình hình. Dĩ bất biến ở chỗ ta bảo vệ lợi ích của ta, lý lẽ đúng trên cơ sở giá trị chung của nhân loại, luật pháp quốc tế. Nhưng nếu đối tác của ta không tôn trọng cái đó thì ta phải thay đổi, không thể giữ quan hệ với họ như trước.
Khi các nước tôn trọng lợi ích, chế độ chính trị, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, ứng xử phù hợp với luật pháp quốc tế thì chúng ta sẽ tôn trọng họ. Như vậy, ta không cứng nhắc coi anh này luôn tốt, anh kia luôn xấu mà tuỳ thái độ, việc làm của họ để xử lý mối quan hệ, đảm bảo lợi ích của đất nước.