Thứ hai, 09/09/2019, 07:56 (GMT+7)
".............
Tại sao giới lãnh đạo quân đội Nga không mặn mà với xe tăng T-90?
(QK7 Online) - Là loại xe tăng chiến đấu chủ lực được xuất khẩu sang nhiều quốc gia và đặc biệt có màn thể hiện ấn tượng tại chiến trường Syria, nhưng tại sao xe tăng T-90 lại bị giới lãnh đạo quân đội Nga nghi ngờ về sức mạnh?
Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-90 Vladimir là xe tăng gây tranh cãi khá nhiều tại Nga; nếu đại diện của ngành công nghiệp quốc phòng Nga khăng khăng muốn trang bị số lượng lớn cho quân đội thì các nhà lãnh đạo quân đội Nga lại bày tỏ nghi ngờ về khả năng sử dụng của T-90; vậy đâu là lý do?
Những ưu điểm của T-90
MBT T-90 của Nga là phiên bản hiện đại hóa sâu mẫu xe tăng T-72 có từ Liên Xô, tương tự như việc hiện đại hóa xe tăng T-64 thành mẫu T-80.
Theo tạp chí The National Interest của Mỹ, T-90 là một trong năm mẫu xe tăng tốt nhất thế giới cùng với M1 Abrams của Mỹ, Leopard-2 của Đức, Merkava-4 của Israel và Challenger-2 của Anh.
Trong số các ưu điểm của T-90, các chuyên gia lưu ý đó là khả năng phóng tên lửa có điều khiển Reflex-M qua nòng pháo; Reflex-M có khả năng xuyên giáp 700 mm mà không phụ thuộc vào cự ly bắn; cùng với đó là hệ thống bảo vệ chủ động Shtora được lắp đặt trên xe có khả năng gây nhiễu những tên lửa chống tăng dẫn đường bằng hồng ngoại và laser.
Xe tăng T-90 của Nga
T-90 có chiều cao thấp nhất so với các loại MBT hiện nay trên thế giới; với trọng lượng và kích thước vừa phải, nó có thể cơ động trên tất cả các cầu đường có sẵn cũng như dễ dàng vận chuyển bằng các phương tiện đường biển, đường sắt và cả đường không.
T-90 có lới giáp phức hợp nhiều lớp, độ dày của vỏ giáp chỗ dày nhất tương đương 600 mm thép đồng nhất (RHA), cho xe khả năng bảo vệ tương đối tốt; ngoài ra T-90 còn có khả năng vượt ngầm dưới nước (với ống thở) tốt nhất so với các loại xe tăng khác.
T-90 chỉ là phiên bản cải tiến
Tuy nhiên bên cạnh những điểm mạnh, T-90 bộc lộ nhiều điểm yếu, theo chuyên gia phân tích quân sự Nga Konstantin Sivkov thừa nhận, Leopard-2 của Đức vượt trội T-90 về khả năng trinh sát và điều khiển hỏa lực, đồng thời sử dụng đạn uy lực hơn; mặc dù Leopard chỉ được trang bị nòng pháo 120 mm, trong khi T-90 sử dụng nòng pháo 125 mm.
Trong quá khứ, vào năm 2011, Tư lệnh lục quân Nga, tướng Alexander Postnikov đã đưa ra những ý kiến không thể chối cãi về về mẫu xe tăng T-90, khi Postnikov chỉ ra T-90 thực tế chỉ là phiên bản sửa đổi lần thứ 17 của xe tăng T-72 có từ thời Liên Xô, nghĩa là xe tăng này không tương ứng với các mẫu mới nhất của các nước NATO và thậm chí cả Trung Quốc.
Ngoài ra theo Postnikov, ngành công nghiệp quốc phòng Nga không chỉ sản xuất các sản phẩm không cạnh tranh mà còn đắt đỏ, theo các ước tính khác nhau, T-90 có giá từ 72 đến 118 triệu rúp.
Cũng trong năm 2011, Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố chấm dứt việc mua xe tăng T-90 do Uralvagonzavod sản xuất. Theo Bộ Quốc phòng Nga, họ sẽ tốn ít chi phí hơn nhiều để nâng cấp xe tăng T-72 lên phiên bản tương đương T-90; hiện nay quân đội Nga còn khoảng 10 nghìn chiếc xe tăng loại này đang phục vụ.
Xe tăng T-90 là sản phẩm tiêu biểu của ngành CNQP Nga nhưng lại không được quân đội Nga đón nhận
Tuy bị giới lãnh đạo quân đội Nga "lạnh nhạt", nhưng trên thị trường vũ khí quốc tế, T-90 lại là mặt hàng xuất khẩu ăn khách của Nga; trong số các khách hàng lớn có Ấn Độ, Algeria, Iraq. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng kinh tế, các chuyên gia bày tỏ nghi ngờ về việc thực hiện thêm các hợp đồng mua T-90 của Algeria.
Còn với Ấn Độ, việc dự định thành lập 35 trung đoàn xe tăng trang bị toàn T-90 vào năm 2020 cũng gặp nhiều trục trặc do những lời chỉ trích nhằm vào chương trình này.
Vào năm 2005, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ khi đó là ông Pranab Mukherjee báo cáo trước Quốc hội Ấn Độ rằng, theo kết quả thử nghiệm, xe tăng Arjun do Ấn Độ sản xuất đã vượt qua tính năng kỹ chiến thuật của xe tăng T-90 và đề nghị từ bỏ việc mua T-90. Moscow đã không đồng ý với báo cáo này, lưu ý rằng quân đội Ấn Độ đã tham gia vận động hành lang hoàn toàn vì lợi ích của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa. Cuối cùng, công ty xuất nhập khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport đã thuyết phục được Delhi ký hợp đồng khác về việc cung cấp một lô T-90 lớn.
Những phàn nàn về kỹ thuật của xe tăng Nga tiếp tục được phía Ấn Độ đưa ra, đó chính là các thiết bị của hệ thống điều khiển hỏa lực xe tăng, khi ở nhiệt độ cao thường bị hỏng; hệ thống chỉ có thể sử dụng được trong điều kiện nhiệt độ thấp.
Xe tăng T-90S của Ấn Độ tại cuộc tập trận chung Indra-2018
Đến những nhược điểm không thể che giấu
Những điểm yếu với T-90 là quá lớn, khó có thể bỏ qua khi chắc chắn ảnh hưởng đến hiệu quả chiến đấu của xe; nhiều mẫu T-90 không có hệ thống điều hòa không khí, trong thực tế, nếu ở Nga, điều này không quan trọng lắm; nhưng nếu xe tăng được sử dụng ở chiến trường Syria, khi chiến đấu ở nhiệt độ 50 độ mà không có hệ thống làm mát thì cực kỳ khó khăn.
Nhiều lãnh đạo quân đội Nga phê phán về thiết kế các thùng nhiên liệu cùng đạn dược trong cùng một không gian với kíp xe. Nhà thiết kế chính của Uralvagonzavod V.M. Nevolin thừa nhận rằng, việc bố trí nhiên liệu, đạn dược và kíp xe cùng nhau là rất nguy hiểm, nhất là khi xe bị trúng đạn; vì vậy việc tách người khỏi nhiên liệu và đạn dược là xu thế tất yếu của MBT hiện đại.
Không chỉ giới lãnh đạo quân đội Nga, ngay cả Giám đốc điều hành của Uralvagonzavod Oleg Sienko cũng chỉ trích các sản phẩm của mình, khi ông cho rằng, chiếc T-90 quá chật chội, gây tâm lý không thoải mái cho kíp xe, từ đó dẫn đến các vấn đề phát sinh khi bắn trong khi xe đang di chuyển trên địa hình gồ ghề.
Cùng với không gian chật trội thì hệ thống treo của xe cũng ảnh hưởng đến độ chính xác của hỏa lực trên xe, các giảm xóc thủy lực hoạt động không như mong muốn, do vậy xe chạy không được êm ái, nhất là ở các địa hình gồ ghề.
Về hỏa lực xe, việc nhà sản xuất tuyên bố pháo chính của T-90 có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 5 km là không đúng; theo ý kiến của các chuyên gia, khoảng cách tối ưu để bắn trúng mục tiêu là không quá 1,5 km.
Các chuyên gia lưu ý rằng, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã mất đi công nghệ sản xuất pháo tăng chất lượng cao. Vì lý do này, T-90 không thể tự hào về hiệu suất cũng như độ bền của nòng pháo khi không vượt qua được giới hạn 450 phát bắn; trong khi đó pháo tăng của phương Tây đạt tới 900 phát bắn. Nếu trường hợp sử dụng tên lửa dẫn đường phóng qua nòng pháo, tuổi thọ của pháo T-90 có thể giảm xuống còn 50 lần phóng.
Trong số những thiếu sót khác của T-90, các chuyên gia lưu ý đến tình huống xe trúng đạn có nguy cơ bị phát nổ cao, lúc này lối thoát hiểm duy nhất là chui qua cửa xe trên nóc tháp pháo; nếu không nhanh chóng thoát khỏi xe, khi khối đạn trong xe phát nổ, thì kíp xe chỉ có thể đối mặt với cái chết. Đây là điểm yếu cố hữu của xe tăng Nga, nhất là các mẫu xe T-72, khi bị trúng đạn, đạn trong xe bị kích nổ, thường hất văng tháp pháo.
Xe tăng T-90 bị bắn cháy trên chiến trường Syria
Cấu hình thấp của T-90 bên cạnh ưu điểm, cũng tỏ rõ sự bất lợi; một tháp pháo dẹt không cho phép pháo chính dịch chuyển được quá nhiều; khi bắn ở các mục tiêu có góc tà âm hoặc dương (nhất là khi chiến đấu trong thành phố hoặc địa hình đồi núi) sẽ bộc lộ sự bất lợi; xạ giới tầm pháo T-90 chỉ dịch chuyển chỉ từ −5 đến +15 độ; trong khi ở các loại xe tăng phương Tây, xạ giới tầm pháo từ −10 đến +20 độ.
Lỗ hổng chính của T-90 là động cơ, nếu hoạt động ở nhiệt độ trên +34 độ, nó bắt đầu nhanh chóng mất năng lượng (theo một số ước tính, lên tới 30%), do năng lượng chính được dành cho việc làm mát. Một vấn đề khác nữa là thay thế động cơ T-90, có thể mất tới hai ngày; để so sánh, thay động cơ của Leopard mất không quá 2 giờ.
Theo các chuyên gia, giới lãnh đạo quân đội Nga luôn đổ lỗi cho việc chiếc T-90 không tương đương với cấp độ các MBT của phương Tây. Trong khi đó, đại diện của Uralvagonzavod (công ty sản xuất T-90) tuyên bố rằng, những cải tiến T-90 trên bản vẽ đã xong, đặc biệt là hệ thống truyền động thủy tĩnh, hệ thống điều khiển hỏa lực mới và chế tạo khoang chứa đạn riêng biệt như các mẫu xe tăng của phương Tây. Tất cả những cải tiến này sẽ được hiện thực hóa ngay khi công ty nhận được tiền từ việc bán một lô T-90 mới.
Hiện nay, Nga đã đưa vào sử dụng mẫu MBT kiểu mới là T-14 Amatar, cùng với đó là họ tiếp tục nâng cấp số xe tăng T-72 và T-80, đủ đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại; do vậy xe tăng T-90 tiếp tục không có chỗ đứng trong quân đội Nga................."
( Tạp chí quốc phòng )