Đọc câu của cụ chủ thớt, em lại nhớ đến mẩu truyện này.
Còn bà nội, còn Tết
Trích từ tập truyện ngắn "Có một ngày, bố mẹ sẽ già đi"
Trước nay luôn nghe người ta nói nhà có người già như có bảo bối, bây giờ tôi mới hiểu. Người già là hạt nhân của gia đình, người già còn, trong lòng mọi người đều nhung nhớ.
Sinh nhật bà nội vào đúng mùng một Tết, cùng ngày sinh nhật với Nguyên Xuân trong Hồng lâu mộng, tôi không biết tên thật của bà nội là gì, trong lòng thầm đùa gọi bà là Nguyên Xuân.
Bà nội cả đời sống một mình trong núi, không chịu xuống núi. Thế là hàng năm Tết đến, mười mấy gia đình lớn nhỏ đều về sơn thôn chúc thọ và chúc Tết bà.
Đường núi vốn khó đi, nếu có tuyết lái xe lại càng nơm nớp lo sợ. Để giúp chúng tôi đi lại dễ dàng hơn, bà nội dặn dò người trong thôn quét đường từ sớm, ra đến tận bên ngoài núi. Mười mấy chiếc xe con nối đuôi nhau chạy trên con đường núi quanh co, cảnh tượng khá hoành tráng.
Nhà bà nội ở nơi cao nhất, là ngôi nhà hàng ngày được Mặt Trời chiếu tới đầu tiên trong thôn. Chúng tôi đón Mặt Trời mọc, lái xe càng lúc càng lên cao, giống như đang tiến về phía mặt trời.
Bà nội quét dọn nhà cửa sạch sẽ, trước cửa nhà dán đôi câu đối đỏ mới tinh, trên cửa sổ gắn từng cặp hoa giấy đỏ, đi vào trong nhà, tranh Tết sặc sỡ dán khắp tường, chăn đệm đã giặt sạch sẽ, gấp gọn đặt ngay ngắn sát tường.
Trong ấn tượng của tôi, hàng năm, Tết đến bà nội đều đội chiếc mũ len màu cà phê, mặc áo bông cân vạt truyền thống, ngồi xếp bằng trên giường lớn, vui mừng nhìn chúng tôi, cười không khép được miệng.
Con trai, con dâu, con gái, con rể, cháu trai, cháu gái, cháu dâu, cháu rể, chắt trai, chắt gái đều tụ họp đông đủ, cả nhà chật chội không xoay được người, tiếng cười nói hò hét ầm ĩ. Nhiều con cháu như vậy, tôi luôn nghi ngờ bà nội chẳng nhận ra được hết, nhưng thực tế đến đứa bé còn quấn tã bà cũng biết là con nhà ai.
Bốn, năm mươi người ùn ùn về thăm, cơm nước là một vấn đề lớn. Cho nên hàng năm, việc cơm nước của đại gia đình sẽ giao cho một bác gái hoặc một thím lo liệu, từ cuối tháng chạp đã có mấy người về sớm, quét dọn nhà cửa, cần giặt thì giặt, cần phơi thì phơi, mượn bàn ghế hàng xóm láng giềng, hấp mười mấy lồng bánh mật, rán mấy rổ bánh gạo, gà vịt cá thịt nấu nướng xong xuôi, nghĩ đã thấy vất vả, nhưng trong vất vả lại có không khí vui vẻ.
Mùng một Tết nếu thời tiết đẹp, chúng tôi sẽ ngồi ngoài sân ăn cơm. Bàn lớn bàn nhỏ xếp thành dãy, ăn kiểu cuốn chiếu, không có chỗ ngồi thì đứng, rất đơn giản, chó mèo luồn lách dưới chân kiếm ăn, trông mong chúng tôi cho mấy miếng. Ăn uống linh đình, nâng ly chạm cốc, bàn này ăn xong lại đến bàn khác vào.
Thật ra ăn gì không quan trọng, quan trọng là mọi người bận rộn một năm cuối cùng cũng có cơ hội đoàn tụ dưới một mái nhà, cùng ôn chuyện, tán gẫu.
Trời xanh ngắt, mây thưa thớt, ánh Mặt Trời ấm áp, chiếu rọi khắp thế gian, ai nấy đều thoải mái vui vẻ. Đây chính là niềm vui đoàn tụ, là năm tháng yên bình, là cuộc sống an yên.
Ăn uống xong xuôi, cười đùa tán gẫu, đến khi ráng chiều dần hiện, mọi người chào tạm biệt bà nội, hẹn sang năm lại tụ tập không ai được vắng mặt, sau đó từng nhà lên xe men theo con đường núi quanh co khúc khuỷu.
Về đến nơi, thành phố thường đã sáng đèn, trong lòng vẫn lưu lại dư âm như sau một chương trình nhạc giao hưởng quy mô lớn.
Tôi luôn cho rằng ăn Tết như vậy mới là ăn Tết, so với Tết của đại gia đình tôi, Tết nhà người ta quá mức hời hợt, chẳng mấy đặc sắc.
Những cái Tết như vậy bây giờ đã trở thành ký ức. Bởi vì năm kia bà nội tôi đã qua đời. Bà thọ khoảng chín mươi tuổi, tuổi chính xác tôi cũng không rõ lắm, bởi từ tám mươi tuổi bà đã không chịu tính thêm, nhắc đến tuổi tác bà chỉ ậm ờ, chúng tôi biết bà kiêng kị nên cũng không hỏi.
Bà đi rất thanh thản, biết đại nạn sắp đến nên không cố giày vò mà bình thản sắp xếp hậu sự, ngay đến khăn tang cho chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn. Một cậu em họ của tôi còn ít tuổi, bà đưa trước tiền mừng đám cưới cho nó.
Bà nhắc nhở các cô: “Lúc đưa tang nên khóc thì khóc, lúc không cần khóc thì nghỉ ngơi, đừng có khóc từ đầu đến cuối làm gì".
Nửa đêm bà khát nước, không muốn làm phiền người khác, tự dậy rót nước, vô tình trượt ngã.
[...]
Tôi nhìn cái tên trên bài vị, nghĩ bà nội là người cuối cùng trong thế hệ đồng lứa, bây giờ bà cũng đã đi, phải chăng một thời đại của gia tộc cũng kết thúc.
Tết đầu tiên sau khi bà nội mất, chúng tôi về quê làm sinh nhật âm cho bà theo tập tục xưa, đó là lần cuối cùng cả đại gia đình đoàn tụ. Tôi luôn cảm thấy bà chưa đi xa, vẫn còn đang ngồi trên giường trong buồng, cười tít mắt nhìn chúng tôi chơi đùa, nên ánh mắt cứ vô thức liếc về phía chiếc giường đó. Sau đó, chúng tôi giải tán, ai cũng hiểu nhưng chẳng nói lời nào.
Trước khi lên xe, anh họ tôi cảm khái: “Bà nội còn, chúng ta là người nhà, bà nội mất, chúng ta sẽ dần dần thành họ hàng". Khi đó tôi còn không tin, nhưng sự thật chứng minh anh họ tôi nói đúng. Dù là người thân thiết nhất, không thường xuyên qua lại cũng dần dần xa cách.
Một mùa Tết lại sắp tới, em trai tôi nói: “Năm nay ăn Tết không cần lái xe lên núi nữa". Trong lời thốt ra như có ý trút được gánh nặng.
Tôi hiểu nó, đi đường núi nguy hiểm, lái xe quá căng thẳng, lần nào tôi cũng toát mồ hôi hột. Nhưng không biết năm nay thiếu vắng bà nội, làm thế nào không khí Tết mới về? Vẫn đi chúc Tết họ hàng, nhưng quang cảnh trước kia dường như rất khó tìm lại.
Trước nay luôn nghe người ta nói nhà có người già như có bảo bối, bây giờ tôi mới hiểu. Người già là hạt nhân của gia đình, người già còn, trong lòng mọi người đều nhung nhớ, vì thế sẽ không đi quá xa. Người già không còn, ai lo việc nấy, tình cảm cũng dần phai nhạt.
Năm nay ăn Tết mọi người không cần vội vã về quê mà sẽ ở lại ngôi nhà nhỏ của mình, ai cũng nhàn nhã.
Những cái Tết trước kia vĩnh viễn sẽ chẳng còn, trở thành ký ức không thể phai mờ nhưng khó lòng phục chế.