HOÀI NIỆM VỀ TẾT THỜI BAO CẤP Ở HÀ NỘI
Với những ai đã từng sống ở miền Bắc, đặc biệt là giai đoạn 1976- 1986 (tức là sau khi đất nước thống nhất cho tới trước đổi mới), thì sẽ thấm thía cuộc sống thường nhật cũng như Tết thời bao cấp. Có thể nói đó là những cái Tết nghèo, thiếu thốn, chứa đựng ở đó bao lo toan, vất vả của người lớn và sự mong chờ, háo hức của con trẻ. Quanh năm vất vả, thiếu thốn đến đâu cũng sẽ được giải tỏa trong 3 ngày Tết...
Tết của thời bao cấp, khi cuộc sống vật chất chưa thật đủ đầy mà đầy ắp tình người và mang đúng ý nghĩa ngày đầu năm theo truyền thống dân tộc.
Người Hà Nội, nhất là những người có tuổi, đã sống qua thời bao cấp thì luôn luôn nhớ về những kỷ niệm xưa. Trong khung cảnh Tết mới ngày nay luôn có hình ảnh của Tết xưa thật sự khó quên về một thời kỳ cho dù lúc đó còn khó khăn, thiếu thốn đủ thứ nhưng không kém phần đáng nhớ. Nhất là những cái Tết đi mua hàng hóa theo chế độ phân phối bằng tem phiếu.
Lúc bấy giờ chỉ cần vài chiếc bánh chưng, hộp mứt Tết, dăm ba lạng thịt là cũng có thể thành Tết - những cái Tết đơn sơ nhưng ấm áp, tràn đầy kí ức...
Lũ trẻ con ngày đó chờ đón Tết rất vô tư và háo hức. Chúng được nghỉ học cả tuần lễ trước Tết. Thời bao cấp, chế độ cung cấp theo tem phiếu, ăn uống đạm bạc nhưng ngày Tết sẽ có thêm một vài tiêu chuẩn về hàng hóa mà ngày thường không có. Có nhiều thứ ngày Tết mới được mua như: Túi hàng Tết gồm có ít bóng bì, măng khô, miến, bánh đa nem, mì chính, hạt tiêu, lá dong... rồi hộp mứt Hà Nội, gói chè Ba Đình, chai rượu chanh, rượu mơ hay thanh mai, gói kẹo mềm (mà rất cứng) và có cả một bánh pháo Trúc Bạch. Không phải mua một lúc, một nơi mà có ngay tất cả. Phải xếp hàng để mua từng thứ từ cả chục ngày trước Tết, khi những quầy hàng Tết của mậu dịch được mở ra. Nhà đông con thì mỗi đứa một việc, giúp cha mẹ được nhiều nhất là việc đi xếp hàng. Có khi phải dậy sớm đi xếp hàng từ 5 giờ sáng, chờ tới lúc mở cửa để mẹ ra mua hàng vì trẻ con không được cầm tiền và tem phiếu, nhỡ đánh mất là cả nhà năm đó không có Tết. Xếp hàng là sự bận rộn, nhưng cũng là niềm vui của bọn trẻ. Không chỉ hàng Tết mà còn nhiều thứ khác cần mua như gạo nếp, thịt, rau... Đủ mọi thứ mà thứ nào cũng phải xếp hàng. Tháng giáp Tết, các gia đình thường phải dành phiếu để dồn mua thịt gói bánh chưng hay nấu nồi măng chân giò. Có năm, những người lớn đi làm cơ quan thì được chia thêm ít thịt hay cá do công đoàn cơ quan liên hệ mua thêm được từ ngoại thành...
Ở Hà Nội, hầu như ngõ nào, phố nào cũng có máy nước công cộng. Đây là nơi tụ tập đông vui suốt ngày đêm của các ông bố bà mẹ, các chị hay đám thanh niên để xếp hàng lấy nước về đổ đầy vào xô, chậu dùng cho nấu ăn ngày Tết, hoặc rửa lá dong, đãi đỗ và vo gạo nếp. Thời bao cấp hầu như các nhà phải tự gói bánh chưng dù chỉ chưa tới chục chiếc. Luộc bánh chưng cũng phải mượn nồi của nhau nấu quay vòng, hoặc nhờ Tổ phục vụ luộc hộ vì không phải nhà nào cũng luộc bánh đêm Giao thừa. Nhất là còn vì củi cũng phải mua định lượng theo phiếu, mỗi gia đình cả tháng có vài chục cân và đun thêm than.
Thời bao cấp không phải nhà nào cũng biết đến việc cúng ông Công, ông Táo và đốt vàng mã. Đơn giản vì vật chất nghèo nàn, mọi thứ phải dành cho ngày Tết. Trẻ con đứa nào cũng mong ngày Tết có quần áo mới nhưng vì vải may phải mua theo phiếu nên Tết đến, nhà đông con, mỗi đứa chỉ được may thêm cái áo hoặc cái quần, còn thường thì các ông bố bà mẹ đem nhuộm lại quần áo cũ cho con cái. Riêng người lớn thì chủ yếu là ăn mặc lịch sự. Đàn ông cũng có người có bộ comple dùng đi công tác nước ngoài (trước đó đi công tác nước ngoài thường mượn quần áo của Bộ Tài chính, sau khi quay vòng vài lượt thì bán hoá giá) ngày Tết mới đem ra mặc. Phụ nữ thường cũng chỉ có một bộ áo dài để diện trong dịp này.
Tết xưa đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm cúng vô cùng. Kỉ niệm về Tết thời bao cấp đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai màu trong tâm trí những người Hà Nội đã đi qua thời gian.
Vẫn là hoa đào, quất Nhật Tân, Quảng Bá, vẫn chợ hoa Hàng Lược, vẫn bánh chưng và không khí nhộn nhịp của ngày Tết, nhưng Tết của ngày xưa và ngày nay đã khác nhau rất nhiều. Và chắc hẳn, có những thứ ta chỉ có thể tìm lại trong ký ức, trong hình ảnh còn lưu lại về ngày tháng đã qua.
Hoa ngày Tết cũng thế, mấy chục gia đình trong dãy nhà tập thể thì chỉ có đôi nhà mua được cành đào phai. Ngày ấy rất hiếm đào cây và cũng có rất ít cây quất. Cũng có những gia đình xin được một cành đào cũ từ năm trước, thế là buổi tối, mấy mẹ con làm những bông hoa đào bằng giấy pơ-luya tô màu gắn vào, nhưng trông cành đào giả rất đẹp. Có Tết không làm được cành đào giấy, nhưng dù có làm hay không, ở nhà nào dứt khoát cũng phải có một bó hoa thập cẩm (mua lẻ những bông hoa lay-ơn, thược dược và violet đem cắm lẫn, làm thành một lọ hoa đẹp) để trên bàn trong mấy ngày Tết. Tết sang nhà hàng xóm chúc tết, thì thấy hầu như nhà ai cũng có một lọ hoa như thế. Hình như đấy là kiểu trang trí hoa Tết truyền thống của người Hà Nội, khi hoa tết cũng bán phân phối, nhiều khi xếp hàng đến lượt chỉ còn ít hoa bị dập nát.
Nửa tháng cuối năm, nhà nước thỉnh thoảng cho quét vôi lại một số nhà được cho thuê. Một màu vàng nhạt phủ lên khiến cho tòa nhà hay căn hộ như khoác áo mới. Các cửa sổ xanh cũng được cho sơn lại. Còn nhân dân thì tổ chức tổng vệ sinh toàn khu phố hay khu nhà tập thể. Nhà nào cũng quét mạng nhện, dọn vệ sinh và lau chùi bàn, tủ (ngày ấy rất ít nhà có bàn thờ như ngày nay).
Dù giúp bố mẹ những việc lặt vặt, nhưng lũ trẻ vẫn có nhiều thời gian và thích tụ tập nhau chơi đủ thứ trò trẻ con. Các gia đình trên phố thường dành bánh pháo độc nhất để đốt đêm Giao thừa. Cũng có nhà lại xé lẻ ra chia cho trẻ con đốt chơi từ trước Tết cả tuần. Bánh pháo Trúc Bạch có 180 quả pháo tép và 5 quả pháo đùng chỉ to bằng ngón tay út. Trẻ con đứa nào cũng xin bố mẹ một que hương và đem pháo ra hè phố hay đem xuống sân tập thể đốt. Đứa này đốt thì những đứa khác đứng xem. Mấy anh lớn hơn thì được đốt pháo đùng, có anh tai quái chặn cái ống bơ sữa bò lên quả pháo để khi nổ, cái ống bơ văng cao lên trời. Đám con gái thường được mua pháo dây đốt, hay pháo đập nhỏ như viên bi. Tiếng pháo nổ lẹt đẹt kèm theo những làn khói xám và mùi thuốc pháo lúc nào cũng lan tỏa trong không gian gây niềm phấn khích rất đặc trưng của ngày Tết. Không khí Tết đến sớm là vì thế.
Đêm Ba mươi ít người đi chơi ngoài đường, đường phố hay dưới sân các khu nhà tập thể vắng ngắt. Mọi người thường quây quần trong gia đình, bóc hộp mứt hay mở chai rượu chanh/ rượu mơ/ rượu thanh mai để cả nhà cùng thưởng thức.
Tết là ngày sum họp gia đình trong cả một năm. Ngày Tết, nhà nào cũng đông đủ và quây quần nhất. Các gia đình đều cố gắng có hai bữa cơm chung là chiều Ba mươi và sáng mùng Một Tết. Thời gian còn lại đi chúc Tết họ hàng, bạn bè, và sang chúc Tết nhà hàng xóm xung quanh. Hà Nội thời bao cấp người không thật đông, phương tiện đi lại ít nên trong mấy ngày Tết, đường phố thường vắng vẻ, không khí thoáng đãng. Người lớn nói với nhau rất nhẹ nhàng và trẻ con cũng phải như vậy.
Ngày ấy, người ta chỉ mừng tuổi chủ yếu cho con cháu trong nhà và các cụ già, số tiền chỉ là ước lệ. Nhiều khi là mừng tuổi bằng mấy quả pháo tép cho trẻ.
Ngày mùng Một, cũng hay có lệ đại diện tổ dân phố và các đoàn thể thường tập trung đi chúc Tết các gia đình có các cụ cao tuổi, rồi sau đó mới về nhà lo việc riêng. Tiếp khách ngày xuân cũng chỉ có nước chè, thêm ít hạt dưa, hạt bí, một ít mứt thập cẩm hay bánh kẹo.
Thời bao cấp khi vẫn còn chiến tranh, vật chất ít nhưng mọi người trọng tinh thần và luôn tôn trọng, nhường nhịn nhau, nhất là trong mấy ngày Tết. Vì thế, ai cũng mong Tết và nhớ Tết khi mỗi độ xuân về.
Ngày nay, khi nền kinh tế đã phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên thì việc lo cho cái Tết đủ đầy không còn là gánh nặng của mỗi gia đình. Hàng hóa tràn ngập khắp nơi, đáp ứng đủ mọi nhu cầu của người dân từ thành thị tới nông thôn. Nhiều người nói vui chỉ cần có tiền đi một lúc là sắm đủ Tết, thậm chí chỉ vài cuộc điện thoại là người ta ship đến tận nhà. Niềm vui của con trẻ giờ đây cũng khác, chúng háo hức với điện thoại, Internet hơn là áo mới. Nói như vậy để thấy, mới mấy chục năm mà xã hội đã biến chuyển nhanh thế nào, theo đó nhiều tiêu chí, quan niệm về ăn Tết, chơi Tết cũng có thay đổi. Nhớ về ngày hôm qua cũng để trân quý hơn những gì mình đang có, để có thêm động lực, phấn đấu để ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay.
Xin mời quý vị cùng ngược dòng thời gian ngắm nhìn lại những bức ảnh Tết thời bao cấp để hoài niệm, cảm nhận không khí Tết đơn sơ nhưng tràn đầy yêu thương ở Hà Nội nhé ạ.
(sưu tầm, tổng hợp và biên soạn.
Nguồn: Internet)