Bài của cụ có một số chi tiết không chính xác.
Thời Trung cổ châu Âu và một thời gian sau đó, người Do Thái không được phép sở hữu đất đai, không được phép làm một số công việc nhất định, và do đó họ không còn lựa chọn nào ngoài phải làm những công việc khác không bị cấm. Một nhóm nhỏ dân Do Thái chọn làm nghề cho vay lấy lãi và trở nên giàu có, nhưng không phải người Do Thái nào cũng giàu có. Thời xưa nhu cầu tín dụng không rộng khắp như bây giờ, các con nợ chủ yếu là người giàu có, tầng lớp trên của xã hội. Nhóm này đã ít thì mấy ông cho vay lấy lãi lại càng ít. Một số người Do Thái giàu có là đúng, nhưng đa số họ chỉ có cuộc sống bình thường như những người khác, thậm chí vất vả hơn.
Thời Trung cổ, vấn đề tôn giáo mới là vấn đề nhạy cảm nhất, chứ không phải là tiền nong. Từ khoảng thế kỷ IX-X, đạo Thiên chúa dần trở nên thống trị ở châu Âu. Người Thiên chúa vốn đã không ưa người Do Thái vì họ cho rằng người Do Thái có góp phần gây ra cái chết của chúa Jesu. Nhưng điều làm người Thiên chúa thời đó khó chịu nhất là đạo Do Thái phủ nhận vai trò của Jesu. Tuy thờ chung 1 Chúa (God), người Do Thái không cho rằng Jesu là hiện thân của Chúa. Điều này khiến người Do Thái trở thành ngoại đạo, bị xua đuổi hoặc cưỡng ép phải cải đạo. Rất nhiều người Do Thái đã phải di cư khắp nơi, hành đạo bí mật hoặc chấp nhận cải đạo. Người Do Thái trở thành dê tế thần, bị đổ lên đầu rất nhiều tội lỗi, ví dụ như là nguồn cơn của đợt dịch khủng khiếp Cái chết đen.
Cùng đạo Thiên chúa với nhau mà ở châu Âu người ta còn tàn sát lẫn nhau không thương tiếc vì lý do tôn giáo (ví dụ như cuộc thảm sát ngày lễ thánh Bartholomew năm 1572 mà đã được nhà văn Alexandre Dumas mô tả rất sống động trong cuốn tiểu thuyết Hoàng hậu Margot), nói gì đến dân ngoại đạo.
Vụ dân Do Thái làm giàu ở Đức sau Thế chiến 1 cũng không có căn cứ nào cả. Không có bằng chứng nào cho thấy người Do Thái nói chung trở nên giàu có vượt trội nhờ đầu cơ vơ vét tài sản trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế Đức sau Thế chiến 1. Đó là sản phẩm của các chiến dịch tuyên truyền của Quốc xã mà đến tận bây giờ vẫn còn nhiều người tin. Sự "giàu có" của người Do Thái được mang ra làm cớ cho các chiến dịch bài Do Thái của Hitler. Thực tế tại thời điểm những năm khủng hoảng, ngoại trừ một số ít người Do Thái đã sinh sống lâu dài và thành công tại Đức, phần lớn người Do Thái ở Đức rất bình thường và chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng như những người Đức khác. Đặc biệt nhóm người Do Thái mới di cư từ các nước Đông Âu đến thì sống rất khổ cực.
Người đầu cơ vơ vét tài sản xuất sắc nhất trong thời kỳ khủng hoảng tại Đức sau thế chiến 1 là 1 người Đức tên là Hugo Stinnes, được mệnh danh Vua lạm phát. Vốn đã là một nhà công nghiệp giỏi từ trước thế chiến, ông này đã tận dụng cuộc chiến cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế sau đó để làm giàu. Khi ông ta chết năm 1924, đế chế kinh doanh của ông ta có khoảng 4500 công ty, hơn 3000 nhà máy. Ông này khi còn sống là người bảo trợ hào phóng cho nhiều tổ chức bài Do Thái ở Đức.