Tặng mấy bác thêm 1 bài viết "xưa như trái đất"
Sắp xuất hiện sát thủ thật sự của iPhone?
Ai cũng biết từ thủa sơ khai, điện thoại dùng để nghe, gọi, nhắn tin. Sau đó tích hợp thêm các chức năng như chụp hình, quay phim, duyệt web và chơi game (nhưng các chức năng này đã không được đầu tư đúng mức). Có lẽ trước khi iPhone ra đời, các ông lớn Nokia, Sony Ericsson, Samsung, LG, Motorola, HTC... đã ngủ quên trong chiến thắng. Khi xuất hiện, với kiểu dáng thời trang, thiết kế đơn giản và đầu tư tập trung vào giải trí, màn hình cảm ứng điện dung, đa điểm mượt mà, khả năng duyệt web và chơi game ấn tượng, iPhone đã thực sự tạo ra một cơn sốt, một cuộc cách mạng và khi đó các đối thủ mới "bừng tỉnh" và chạy theo để tạo ra cái gọi là "sát thủ của iPhone".
Tuy nhiên, phân tích tâm lý đối tượng khách hàng và fan của iPhone ta mới thấy được, quả thật iPhone là "vô đối" và "sát thủ của iPhone chỉ có thể là chính nó".
Khách hàng của iPhone là ai?
Chức năng chính của điện thoại là nghe, gọi, nhắn tin. iPhone đáp ứng được điều này! Nhưng rất bình thường thậm chí là tầm thường. Ngoài ra, khi sử dụng iPhone, bạn sẽ được khám phá và cảm nhận sự mượt mà của màn hình cảm ứng điện dung, đa điểm (thật sự đây là sự vượt trội và cho đến nay nó vẫn là vô đối). Chính từ ưu điểm vượt trội này mà khả năng duyệt web, chơi game của iPhone cũng rất ấn tượng.
Mục tiêu của iPhone là đánh vào khách hàng sử dụng điện thoại kèm theo mục đích giải trí (đối tượng này nhiều hơn hẳn khách hàng dùng điện thoại kèm theo mục đích công việc). Với định hướng trên, iPhone được thiết kế để đơn giản, dễ sử dụng nhất, giúp cho mọi người có thể làm quen nhanh chóng, dễ dàng và thoải mái.
Ngoài cái mới, lạ của màn hình cảm ứng điện dung, đa điểm thì sự đơn giản chính là nguyên nhân giúp iPhone thành công như hôm nay. Giả sử iPhone cũng với các chức năng như trên nhưng lại khó sử dụng, đòi hỏi sự hiểu biết về công nghệ của người dùng (sử dụng hệ điều hành Windows Mobile chẳng hạn) thì có lẽ vẫn thành công nhưng không được như thế và sẽ kén chọn khách hàng hơn.
Không vơ đũa cả nắm nhưng phải công nhận một điều, những người có nhu cầu cao về các chức năng tiện ích và có xu hướng "làm việc thật sự" trên các thiết bị di động (smartphone, PDA, laptop...) có hiểu biết về công nghệ ít hơn hẳn số đông còn lại. Do đó, dễ hiểu tại sao iPhone từ khi ra đời đã bị chỉ trích là có quá nhiều nhược điểm, thiếu sót nhưng vẫn thành công rực rỡ vì nó đã làm tốt những gì số đông cần: nghe - gọi - nhắn tin - duyệt web - chơi game. Và những người cần tính năng này lại là khách hàng chủ yếu của nó.
Dù đã rất cố gắng, nhưng các thiết bị sinh sau vẫn không thể qua mặt được iPhone về mặt cảm ứng (cho dù các cái khác đều hơn hẳn). Như phân tích ở trên, khách hàng của iPhone cần gì? Cảm ứng tốt, duyệt web, chơi game tốt - iPhone, do đó, đã đạt yêu cầu. Vì thế, đến thời điểm này, iPhone vẫn là "vô đối".
Fan của iPhone là ai?
Theo tôi, thông thường một người dùng tỉnh táo sẽ không là fan của bất cứ thiết bị nào bởi vì thiết bị chỉ là vật vô tri, vô giác và khoa học thì luôn phát triển do đó không lý gì mình lại giậm chân tại chỗ.
Với những người đã sở hữu iPhone, số người dùng "khó tính" sau một thời gian đã rời xa (số này là ít), số còn lại "thỏa mãn" với những gì iPhone có và ở lại (số này là đông). Trong số đông còn lại sẽ chia ra thành 2 nhóm, người sử dụng bình thường và fan của iPhone. Theo chủ quan của tôi thì lượng fan chiếm đa số.
Tuy nhiên, không phải ai là fan của iPhone cũng là người dùng không tỉnh táo, nhưng những người dùng không tỉnh táo sử dụng iPhone chính là các fan cuồng và đây là đầu mối để nổ ra các cuộc tranh luận vô tiền khoáng hậu.
Quả thật iPhone đã quá thành công. Ngoài thành công về công nghệ thì hiện tượng "fan quá trung thành" là một thành công mà trong lịch sử chưa từng có.
Như các phân tích ở trên thì muốn là "sát thủ thật sự của iPhone" thì cảm ứng phải mượt mà hơn hẳn iPhone (vì khách hàng của iPhone chỉ cần có thế). Nhưng thật đau lòng cho đến tận bây giờ thì về mặt cảm ứng iPhone vẫn là "vô đối".
Giả sử đến ngày x tháng y năm z có một sản phẩm mang tên STIP ra đời có cảm ứng hơn hẳn iPhone và tự tin "giết chết" iPhone. Quá lầm. STIP sử dụng hệ điều hành gì? Symbian, Windows Mobile, Android...? Không! Fan iPhone phát biểu. Các hệ điều hành đó không thích hợp với người đam mê công nghệ vì nhiều khái niệm quá. Nào là đa nhiệm, nào là hỗ trợ flash... lại có nhiều nút bấm... nên rất phức tạp. Tôi chỉ mua STIP nếu nó sử dụng hệ điều hành như iPhone và phải có cải tiến vượt trội mang tính "cách mạng". Ví dụ màn hình lớn hơn. Vì vậy, kết luận cuối cùng, "sát thủ của iPhone chỉ có thể là chính nó".
Quả thật mới vài năm thôi mà các fan cuồng của iPhone cũng đã khá mệt mỏi vì lúc nào cũng phải đấu đá với những người "ghen ăn, tức ở", "với những con cáo thèm chùm nho" và đôi lúc "đuối lý" các fan cuồng đành phải kết luận xanh rờn: "yêu em! Yêu em vì đó chính là em". Tuy nói cứng nhưng các fan cuồng của iPhone cũng rất mong đợi một sản phẩm "sát thủ" của iPhone ra đời (iPhone 4G chẳng hạn).
iPhone 4G còn xa nhưng iPad đã rất gần. Có thể nói rằng đây chính là "sát thủ thật sự của iPhone".
Tại sao Apple lại rơi vào cảnh "huynh đệ tương tàn"?
Khi iPad ra đời cả thế giới đã thất vọng, các đối thủ đã thở phào nhẹ nhõm, cộng đồng mạng được một phen tếu táo, bôi bác. Các chuyên gia phân tích các nhược điểm của iPad (cũng tương tự như iPhone) và câu hỏi lớn đặt ra: iPad dùng để làm gì? Phải chăng iPad là một cái iPhone, iTouch được phóng lớn?
Các fan cuồng iPhone - Apple (ở Việt Nam) đã chết lịm vì phải chứng kiến sự ra đời của "đứa em" không đủ tay, chân, mắt, mũi... Và rồi điều kỳ diệu đã đến. Một "chiên da" ở diễn đàn công nghệ có tiếng đã dùng những lời lẽ "có cánh" để biến các nhược điểm thành ưu điểm. Đại ý là có rốn làm chi mất công sứt đầu, tay chân một cái là đủ hai cái chiếm chỗ, tốn năng lượng vô ích, lúc nào cần thì gắn thêm... Ngoài ra phải nói là khâm phục vì vị "chiên da" này có thần giao cách cảm biết được ý đồ, chiến lược kinh doanh của Apple chỉ cần xem qua... video clip.
Riêng tôi (xin được làm "chiên da" một chút) cảm thấy thất vọng về iPad. Nhưng nếu nói iPad thất bại là không đúng!
Apple có cái lý để làm cho cả thế giới chờ đợi một sản phẩm iPad vượt trội nhưng cuối cùng nhận được một sản phẩm tương tự iPhone, iTouch được phóng to.
Steve Jobs là một thiên tài. Ông ta không ngu đến mức không hiểu được rằng iPad sẽ nhận được sự thất vọng. Và ông ta đã thành công vì mọi người đã coi iPad là một cái iPhone, iTouch được phóng lớn! Đây là mục đích cuối cùng mà Apple đã đạt được.
Qua báo chí, ai cũng biết iPhone đang trên đà đi xuống, iPhone không còn là lựa chọn số một (trừ các fan của nó) và theo sau iPhone là vô vàn đối thủ. Cái "bất ngờ" và "khoảng cách" về màn hình cảm ứng điện dung, đa điểm đã dần bị rút ngắn. Người dùng bây giờ bắt đầu tính toán hơn thiệt giữa cái lợi rất nhỏ của sự cảm ứng mượt mà (hơn tí chút) và cái hại rất lớn của sự thiếu sót các chức năng, tiện ích, như xử lý đa nhiệm, hỗ trợ flash, thẻ nhớ ngoài, quay phim HD, chụp hình 12 Megapixel...
Biết trước khả năng sẽ thất thế trong thị trường điện thoại (bị quá nhiều đại gia hăm he và tìm cách dẫm nát). "Mãnh hổ nan địch quần hổ" nên Steve Jobs đã mạnh dạn đi nước cờ hay đưa chính mình vào cảnh "huynh đệ tương tàn" để chứng tỏ không độc quyền, chấp nhận cạnh tranh, nhưng chỉ khác ở chỗ: Cạnh tranh "ta với ta".
Trên thế giới, iPad sẽ thành công và iPhone cũng thành công bởi vì:
- Ai yêu iPhone sẽ mua iPad vì nó có đầy đủ các tính năng vượt trội của iPhone (cảm ứng- duyệt web - chơi game), mặt khác lại được cải tiến "vượt trội" (màn hình to lên gấp nhiều lần). Mua iPhone thì vẫn mua.
- Ai ghét iPhone (vì những tính năng tầm thường và giá đắt của nó) sẽ mua iPad vì những tính năng vượt trội: cảm ứng- duyệt web - chơi game. Rất hợp lý: chỉ cần trả tiền cho các tính năng này còn điện thoại thì dùng cái khác. Không mua iPhone thì vẫn không mua.
iPad chính là "sát thủ của iPhone" nhưng không vì thế mà doanh số của iPhone sẽ giảm (nếu có giảm là do sự cạnh tranh của các đối thủ khác).
Còn ở Việt Nam:
Người ta mua iPhone đa số vì thích cảm ứng- duyệt web - chơi game, mặt khác khi cầm iPhone chọt chọt thấy rất "oai". iPad sẽ không được chào đón như iPhone bởi vì không ai lại cầm cái "tổ bà chảng" để nghe, gọi điện thoại (nếu như có tích hợp). Mà nhu cầu của 9/10 fan cuồng là thích thể hiện. Do đó cách tốt nhất là sử dụng iPhone để đi đến đâu, bất cứ lúc nào (mọi lúc, mọi nơi) cũng có thể "alô" cho mọi người "ngưỡng mộ". Tôi còn nhớ mấy năm trước khi Wi-Fi chưa phổ biến, có mấy anh lắm tiền, thiếu chữ cũng đua đòi mua laptop khủng, vào quán cafe bật lên và không biết làm gì đành... đánh cờ để giải trí. Ban đầu thấy mọi người nhìn cứ tưởng được hâm mộ sau này mới hiểu ra... bán rẻ mình "lượm".
Kết luận cuối cùng
Nếu không quá kỳ vọng vào iPad và đánh giá khách quan thì iPad là sản phẩm tốt về chất lượng và giá cả. iPad hướng vào người dùng đã sùng bái iPhone và cả những người dùng chỉ yêu cái cảm ứng "vô đối" của iPhone nhưng không muốn trả tiền cho các chức năng tầm thường khác.
iPad không phải là một sản phẩm mang tính cách mạng về công nghệ mà là cuộc cách mạng về đường lối kinh doanh. Điều này do tôi nằm mơ thấy Steve Jobs nói vậy! Miễn bàn!
Nguồn : sohoa.net