6h sáng, đường phố vắng lặng yên tĩnh, hơi ngạc nhiên cho một thành phố sôi động như HK. Thây kệ, em đảo một vòng quanh khu Tsim Tsa Tsui.
Ở đây mới và cũ đan xen với nhau. Những cao ốc bọc kính của thế kỷ 21 đang dần thay thế cho những cao ốc gắn đầy điều hòa nhiệt độ của những năm 90.
Mặt phố là ma trận các hộp đèn quảng cáo đủ màu sắc.
Từ tầng 1 trở lên là lãnh địa của dàn nóng điều hòa nhiệt độ.
Đi một đoạn thì gặp biển phố Hà nội. Em giở Google map ra xem thì lại thấy có cả Hai Phong Road, Sai Gon St từ những năm 60. Không biết lịch sử thế nào? Nhân nói đến Google map. Tới sân bay, các cụ có thể thuê một cục phát Wifi cho hoặc như em thì download Google Map của HK và dùng offline. Ở đây wifi free phủ sóng gần như khắp thành phố.
Buổi sáng yên tĩnh vắng vẻ trên phố bao nhiêu thi dưới lòng đất lại nhộn nhịp bấy nhiêu. Hóa ra, phố xá chỉ dành cho dân du lịch, người HK đi lại dưới lòng đất. Ngoài hệ thống metro tốt nhất thế giới với tỉ lệ đúng giờ 99.9%, dưới lòng đất là một ma trận các đường đi bộ nối các tòa nhà với nhau. Các cụ có thể đi hết khu Tsim Tsa Tsui này mà “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”. Các đường đi bộ đều có travelator.
Các đường xuống được đánh ký hiệu A, B, C, D v.v… Ví dụ em xuống cửa N5 ở đường Moody. Lúc lên chỉ cần đi theo chỉ dẫn hướng N tới khi nào thấy N5 thì chui lên. Các biển chỉ dẫn đều có tiếng Anh di kèm, làm cho dân du lịch dễ thở hẳn.
Mặc dù hệ thống giao thông dưới đất rất rộng nhưng hệ thống biển chỉ dẫn rất chi tiết và make sense. Ngoài ra có rất nhiều nhân viên metro (đồng phục vàng đen) được tran bị bộ đàm nên không thể lạc đường. Các đường hầm này rất sạch sẽ, an toàn và mát mẻ. Tới sân bay, các cụ mua một thẻ Octopus (vé điện tử dùng cho giao thông công cộng ở đây), giá thành mỗi chuyến đi khoảng vài đô la HK, rẻ bất ngờ. Và điều tuyệt vời là 2 phút một chuyến với tỉ lệ đúng giờ là 99.9% trên toàn hệ thống. Với kinh nghiệm 10 năm cắp cặp chờ tàu ngày 2 chuyến của em thì đây đúng là thiên đường. 2 phút một chuyến thì có đúng giờ hay không em cũng chả thèm quan tâm. Cái bọn Úc, 10 phút 1 chuyến mà hết trễ lại hủy, năm nào cũng đòi tăng giá, phát ngấy. Thế mà vẫn phải bù lỗ 30%. Đợt nào công đoàn lái tàu biểu tình một cái là cả thành phố náo loạn, quốc dân đồng bào như bị bắt làm con tin. Nhìn qua thì thấy ngay là hệ thống này được đầu tư với chất lượng cao, không hề rẻ tiền và đương nhiên kinh phí duy trì cũng không ít. Nhưng bất ngờ là hệ thống MTR của HK lại dẫn đầu thế giới vế sinh lời, kế đến mới là hệ thống của Nhật. Giao thông công cộng mà không phải xin trợ giá của Nhà nước đã là hiếm có.
Mỗi line tàu có màu riêng. Trên tàu có hệ thống đèn báo đang đến ga nào, theo hướng nào. Muốn đổi tàu có thể tin tưởng tuyệt đối vào hệ thống chỉ dẫn.
Hầu hết các ga chỉ có 2 line tàu dừng lại nên không thể lạc đi đâu được.