Một bài viết của giáo sư sử học Dương Trung Quốc về Gạc Ma:
MỘT LẦN NGHĨ VỀ GẠC MA
Cách đây đã 9 năm, thời điểm sắp tròn 25 năm "Sự kiện Gạc Ma" (3-2013), Chủ tịch Trương Tấn Sang mời Gs Phan Huy Lê và tôi lên Phủ làm việc. Ông đang chuẩn bị cho chuyến đi thăm Trung Quốc nên muốn trao đổi với chúng tôi đôi điều về quan hệ Việt Trung trong lịch sử.
Cuối buổi làm việc, trước lúc chia tay, ông thổ lộ rằng một trong những vấn đề trong lòng ông cũng như trong lòng dân bức xúc là việc làm sao quy tập được hài cốt của các chiến sĩ Gạc Ma đã hy sinh trong sự kiện cách đấy đã một phần tư thế kỷ. Điều mà phía Trung Quốc không hề đáp ứng những đề nghị của chúng ta, ngay trên phương diện nhân đạo. Ông nói rằng, Việt Nam đã qua rất nhiều kênh như ngoại giao, tổ chức hữu nghị, Hội Hồng thập tự, Hội Cựu chiến binh để đặt vấn đề phía Trung Quốc cung cấp thông tin và đáp ứng yêu cầu đưa hài cốt các vị ấy về quê theo tập quán của người Việt Nam… Rồi ông cho biết, có thể lần này nhân có cuôc gặp, Ông sẽ nêu vấn đề này trực tiếp với người đồng cấp xem sao …
Tôi lắng nghe, và bày tỏ sự đồng thuận nhưng chỉ lưu ý rằng phải cảnh giác với tuyên truyền rằng ta đưa hài cốt về quê các liệt sĩ như việc ta quy tập từ chiến trường Lào hay Campuchia khi bộ đội ta làm nghĩa vụ quốc tế, còn Gạc Ma là lãnh thổ của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép…
Về nhà suy nghĩ tiếp và vài hôm sau, tôi quyết đinh viết một bức thư gửi Chủ tịch. Hôm nay, kỷ niệm 34 năm "Sự kiện Gạc Ma", tôi lục lại bức thư ấy và chia sẻ cùng các bạn. Bức thư ấy có nhắc đến sự kiện 17-2-2013, kỷ niệm ngày Quân Trung Quốc đưa quân xâm lược biên giới phía Bắc, có một số hoạt động của quần chúng tổ chức tưởng niệm bị ngăn trở…
Dương Trung Quốc
Hà Nội, ngày 7-3-2013
Kính gửi : Chủ tịch Nước
Trương Tấn Sang
Kính thưa Chủ tịch,
Bằng thư này tôi muốn bày tỏ một băn khoăn liên quan đến câu chuyện Chủ tịch trao đổi với Thày Phan Huy Lê và tôi , cùng một bức xúc về ngày 17-2 vừa qua.
Chúng tôi tin tưởng vào ý chí của Chủ tịch và các nhà lãnh đạo đương thời đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và những phương cách ứng phó với người láng giềng Phương Bắc vừa quan trọng vừa nguy hiểm.
Nhưng những gì diễn ra trong ngày 17-2-2013 vừa qua cho thấy thêm sự thâm hiểm của họ. Trong khi chúng ta tự cột mình vào những cam kết (mà dân gọi là đội mũ kim cô) ngăn cản những việc làm của dân muốn thể hiện với những hình thức phải nói rằng rất kiềm chế để biểu tỏ đạo lý truyền thống đối với những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc thì phía TQ họ hành xử khiến người dân Việt Nam vô cùng bức xúc. Điều đáng nói, qua việc này, cách ứng xử của nhà nước ta vừa cho thấy sự thiếu tin tưởng vào nhân dân và đương nhiên hiệu ứng ngược lại là làm dân mất lòng tin vào nhà nước. Hơn bao giờ hết, lúc này phải tạo đựoc điều mà tổ tiên chúng ta rất coi trọng và đã làm là “trên dưới một lòng”. Lịch sử là cái đã qua không thể làm lại được và nó sẽ tồn tại vĩnh viễn dù có ai đó muốn quên đi. Còn tương lai là cái ta tạo dựng được nhưng cái tương lai ấy chỉ bền vững và có sức sống khi nó gắn kết với cái quá khứ không được phép quên.
Vì thế, tôi đề nghị trong dịp tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma trong tháng 3 này, Nhà nước nên chủ động chỉ đạo tạo điều kiện để các tổ chức nhà nước và nhân dân tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh và trách nhiệm đối với sự nghiệp mà chúng ta còn phải tiếp tục lâu dài. Trong hoàn cảnh cụ thể nào đó, sự khôn ngoan, đôi khi nhẫn nhịn là cần nhưng không thể để cho dân hiểu là hèn nhát được. Làm sao để dân hiểu và dân tin là quan trọng hơn hết. Năm 1946, sau khi ký Hiệp định Sơ bộ 6-3, sợ dân hiểu lầm, vị nguyên thủ của chúng ta còn ra trước bàn dân thiên hạ thề rằng “Hồ Chí Minh không bán nước!” đó là cách ứng xử rất Việt Nam. Còn bây giờ một số vị có trách nhiệm dấu mặt cứ chỉ đạo bằng “khẩu dụ” là vô trách nhiệm đối với lịch sử.
Riêng với ý kiến mà Chủ tịch có nói với chúng tôi là khi có dịp sẽ nêu với người lãnh đạo đồng cấp của TQ đòi hỏi được quy tập hài cốt các liệt sĩ của chúng ta đã hy sinh tại nơi hiện Trung Quốc đang chiếm đóng, tôi chia sẻ mối quan tâm của Chủ tịch từ góc độ tập quán và tâm linh của người Việt Nam đối với người đã khuất phải được đưa về quê hương. Nhưng ở một góc độ khác, tôi băn khoăn rằng phải chăng sự hiện diện, dù chỉ là hài cốt hay vong linh của các vị nghĩa-liệt sĩ ấy ngay tại nơi họ đã hy sinh, ngay trên một phần lãnh thổ thiêng liêng của Quốc gia cũng có một giá trị như những chứng tích lịch sử đối với sự nghiệp đấu tranh đòi lại phần lãnh thổ đã bị ngoại bang xâm lược. Đó là chưa nói đến trong tâm thức của dân ta, sự phù hộ của những nghĩa sĩ ấy tựa như thổ thần, thổ địa cũng là sức mạnh tinh thần cho các thế hệ hiện tại và mai sau nối tiếp sự nghiệp của các vị ấy...Tựa như tập quán không cải táng của người Việt Phương Nam (từ thời các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong) phần nào cũng biểu hiện ý chí gắn bó với mảnh đất mà các thế hệ người Việt đã khai phá để mở mang bờ cõi ở những thế kỷ xa xưa....
Do vậy, xin Chủ tịch cân nhắc thêm , tham khảo những người có cao kiến hơn để lựa chọn xem quy tập về hay giữ nguyên vị và có những hình thức tôn vinh xứng đáng trong đất liền, cách nào có lợi về lâu dài hơn. Ý kiến của tôi chỉ là một gợi ý để Chủ tịch có một quyết định chín chắn và đúng đắn hơn mà thôi…
Một vài chia sẻ, mong Chủ tịch quan tâm.
Xin gửi tới Chủ tịch lời chào trân trọng.
Kính thư,
LỜI VIẾT THÊM : Sau khi gửi bức thư này, Chủ tịch Trương Tấn Sang có gặp tôi và trao đổi thêm, ông ghi nhận những ý kiến trong thư nhưng vẫn băn khoăn rằng có nhiều người, nhất là những đồng đội và người thân của liệt sĩ vẫn mong muốn các vị ấy được trở về gần những người thân và quê hương bản thổ của mình. Tôi trả lời rằng, như trong thư đã viết, ở cưong vị của mình, Chủ tịch là người phải cân nhắc nhiều chiều để có quyết định cuối cùng… nhưng điều quan trọng nhất là phải làm tốt công tác hậu phương đối với gia đình thân nhân các liệt sĩ, kể cả với nguyện vọng của toàn dân muôn tôn vinh một cách công khai, đàng hoàng tương xứng với công huân của các liệt sĩ.
Hôm nay, tưởng niệm các liệt sĩ nhân 34 năm "Sự kiện Gạc Ma", chúng ta đón nhận việc Thủ tướng Chính phủ *************** có những việc làm hợp lòng dân khi dâng hương các vị liệt sĩ mà trong lòng tôi tin rằng các Ngài đã hiển linh vẫn phù hộ độ trì cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lâu dài của Tổ quốc. Cũng như việc nguyên Chủ tịch Trương Tấn Sang đã lên viếng các chiến sĩ ngã xuống trên biên giới phía Bắc ở Vị Xuyên, Hà Giang cho thấy với thời gian, lịch sử chứng minh rằng, tôn trọng quá khứ chỉ làm cho hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn, kể cả với lòng mong muốn giữ được hòa hiếu với Trung Quốc mà vẫn không quên những lãnh thổ của ta bị họ chiếm đóng. (Gửi kèm một vài hình ảnh chuyến ra Trường Sa cách nay cũng một con giáp (2010). QXN
Hãy đăng nhập Facebook để bắt đầu chia sẻ và kết nối với bạn bè, gia đình và những người bạn biết.
www.facebook.com