Tiếng chuông thanh bình
Đang mơ màng với giấc chiêm bao kinh hoàng, bỗng tiếng chuông ngân vang giục giã, bừng tỉnh dậy, tôi hỏi: “
Tiếng chuông gì đó?”. Cha tôi bảo: “
hôm nay là Chủ Nhật, tiếng chuông nhà thờ báo cho bà con công giáo đi lễ buổi sáng”. Bây giờ tôi mới nghe nói tới ngày tháng, đã hơn một năm chạy quanh trong rừng nào có nhớ ngày tháng làm gì đâu! Cả nhà vừa vặn thức dậy, cha tôi kịp cảm ơn ông Bộ Vịt, căn dặn bọn tôi mọi việc và ông lại lên đường.
Nhà mà chúng tôi ở nhờ cũng theo đạo Thiên chúa và cả làng này là làng đạo. Làng Hung Bai trải dài trong thung lũng khá bằng phẳng của dãy Trường Sơn, vừa có ruộng lúa nước vừa có những quả đồi chen giữa những dải ruộng, phía tây là dãy núi đá dựng thành, phía đông là dãy núi đất với cây rừng cao ngút ngàn, phía bắc sau quả đồi cao nơi có nhà thờ với tháp chuông cao vút, núi đá độc lập, lởm chởm như những ngọn tháp khổng lồ. Đã hơn một năm nay tôi mới lại thấy đồng lúa chín vàng, thấy đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ. Tiếng chuông nhà thờ mỗi sáng, mỗi chiều, làm cho tôi nao nao nhớ thị xã Đồng Hới với nhà thờ Tam Tòa thân yêu của mình. Tôi được ông bà Bộ Vịt nhận làm con nuôi, gia đình tôi mua lại một vườn cây rộng gồm mít, dứa, chanh, cam, chè…Tôi vừa giúp ông bà chủ nhà chăn đàn bò vừa giúp gia đình mình chăm sóc mảnh vườn. Tôi đi lễ nhà thờ cùng bố mẹ nuôi nên cũng học được nhiều bài hát nhà thờ. Những bài hát đã thức dậy trong tôi một tình cảm thật thanh cao lãng mạn và vị tha.
Công việc hàng ngày của tôi không có gì phức tạp, sau buổi cầu kinh sáng tôi lùa đàn bò vào thả trong phía núi cùng bọn trẻ trong làng, chiều giúp chăm sóc vườn rồi đi lùa đàn bỏ về chuồng xong là tôi tự học. Vâng nếu bình thường có vậy, tôi chẳng kể lại làm gì, làng quê trông có vẻ thanh bình, nhưng luôn nơm nớp lo sợ, không biết hôm nay ai sẽ nộp mạng cho lũ hổ luôn đói mồi. Người ta bảo rằng trước đây Nhật Pháp đánh nhau đã để lại tử thi trên bãi chiến trường, các chú hổ đã dọn dẹp và nhận ra thị người ngon hơn thịt súc vật, từ đó chúng luôn rình rập bắt người, những người giao liên thường bị chúng tấn công. Có lần trên đường đến nhà thờ dự lễ cầu kinh buổi sáng, chính mắt tôi chứng kiến cảnh người đàn bà đi trước tôi chừng mươi mét vừa rẽ cây rau rang định hái về cho lợn ăn, khi bà vừa vươn tay vít cành cây, bất chú hổ đã nhẩy phóc lên cắn vào cổ của bà và tha đi trước mắt bao người. Một phút kinh hoàng đã qua, mọi người la hét, kêu cứu, dân quân, du kích đánh trống, gõ mõ, la het inh ỏi đuổi theo, nhưng phần lớn lần nào cũng chỉ thu về những phần thân thể đã không còn nguyen vẹn. Thường khi hổ đã no nó không quay lại để bới tử thi lên ăn tiếp, còn nếu nó bị người ta cướp lại thi thể bao giờ nó cũng lảng vảng quanh đấy tìm cách bới xác lên ăn tiếp.
Tôi thường phải cùng lũ trẻ con đi chăn bò, nhưng có lẽ tôi tuổi hổ nên chúng tha cho chăng?. Để đánh đổi những cái mõ đeo cổ bò mà tôi không tự làm được, mỗi lần bò đi xa trong rừng đồi rậm rạp, tôi phải chạy vào lùa chúng ra bãi cỏ. Thế mà nhờ ơn Chúa, tôi đều gặp may, khối đứa trẻ chăn bò đã biến thành vật tế thần hổ. Mỗi lần nghe trẻ chăn bò la hét hổ bắt người là dì của tôi vừa chạy tìm tôi vừa khóc, nhưng may thay hổ chê tôi gầy quá nên không thèm…
Ở đây có trường học, nhưng cha xứ vẫn dạy các con chiên nhỏ bé của mình học trong nhà thờ. Cũng chẳng có một chương trình nào cả, ông dạy văn, dạy toán, dạy tiếng Latinh và tiếng Pháp. Việc đi học là tự nguyện, không phải đóng học phí. Tôi là người đi học đều đặn nhất, đặc biệt sức học gần tốt nghiệp lớp nhất của tôi đã làm cha xứ chú ý hơn, và thực tế, tôi đã trở thành người kèm cặp giúp đỡ cho nhiều học sinh khác. Sau này được xem phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyen”, tôi bồi hồi xúc động, vì nó giống hệt cách học trong nhà thờ của chúng tôi trước đây. Làng ở vùng núi, nhưng khá trù phú, trong làng có khá nhiều ông tổng, ông bộ gia đình khá giả. Phần lớn học sinh trong nhà thờ đều là con nhà có ăn, có mặc. Tôi đặc biệt chú ý tới cô học sinh có khuôn mặt như đức Mẹ đồng trinh, tuyệt xinh và dịu dàng như thoảng mùi hương đồng nội, trong bộ đồng phục quần áo dài trắng, nàng đi học, cũng như đi lễ ở nhà thờ trông đẹp như bông hoa hiếm hoi giữa rừng. Sắc đẹp thánh thiện của nàng là một tặng phẩm quý giá mà Chúa ban cho để rồi ai cũng nghĩ rằng chỉ dành cho riêng mình. Tôi may mắn làm sao, luôn được nàng nhờ giảng bài tập. Mỗi lần tiếng chuông nhà thờ vang lên là mỗi lần tôi thấy tâm hồn thật thanh thản, êm đềm như bầu trời xanh, bởi tôi sắp được ngồi bên nàng để cùng hòa nhưng âm hưởng ngợi ca đức Chúa lòng lành, được thả hồn phiêu lãng mà quên hết những nhọc nhằn của chiến tranh, nỗi lo âu thường trực với nạn hổ rừng. Tôi ngày càng hoàn thiện mình hơn, tôi coi những trò nghịch ngợm và cãi lộn với bọn trẻ là không xứng với nàng. Dì tôi thường cười thông cảm với tôi, vì dì kịp nhận ra rằng tôi có những thay đổi tính nết khá nhiều khi qua tuổi lên mười là do nguyen nhân gì!. Và cứ như vậy thì bầu trời thật là xanh và thanh bình đối với tôi biết nhường nào!
Đã qua hai mùa quả cứ tưởng ngọn lửa chiến tranh chắc sẽ không lan tới đây được, thế mà vào một ngày cuối thu năm 1948 tiếng súng lại vang lên ở phía nam làng, bà con nháo nhác chạy loạn. Những người đi chợ Tróoc thất thểu chạy về báo tin giặc Pháp đã chiếm làng Tróoc và đóng đồn tại khu chợ.
Dân lại chạy vào rừng. Thóc gạo, lương thực lại ùn ùn đưa vào cất giấu trong các hang núi, lán trại được dựng trong các thung lũng nhỏ năm sâu trong các dãy núi đá vôi hiểm trở. Trâu bò thả hẳn vào trong rừng. Lúc này người ta sợ giặc Pháp hơn sợ hổ ăn thịt người. Lũ hổ này quen ăn tử thi ở các bãi chiến trường nên chỗ nào có tiếng súng là chúng lần tới, chúng không thèm trâu bò nữa. Tróoc là khu cửa ngõ để tiến vào làng Hung Bai, nơi có khá nhiều thóc gạo, chắc chắn Pháp sẽ tổ chức càn quét cướp lương thực và trâu bò. Gia đình tôi cùng ông bà Bộ Vịt sơ tán vào thung lũng cách xa nhà chừng hai giờ đi bộ và trèo núi. Những ngày đầu còn ngủ lại trong lán, về sau mọi người kéo về làm ruộng, chăm vườn, tối ngủ lại, khi có báo động mới chạy vào nơi sơ tán. Việc học trong nhà thờ cũng bỏ dở. Tôi ít có cơ hôi gặp lại người bạn gái rất đỗi thân thương ấy. Dì tôi lo thu xếp mọi thứ, thóc gạo. Vườn cây để lại cho bà con. Tư trang của mọi người đều đã sẵn sàng, gọn gẽ, khi cần là lên đường đi xa. Hàng ngày cả nhà cứ trông ngóng cha tôi bởi biết chắc thế nào ông cũng ghé về đưa gia đình đi nơi khác.
Rồi một buổi chiều trời giá lạnh ông đột ngột ghé vào, vẫn như mọi khi, có một chú du kích xã đi theo, chúng tôi lại bám chặt lấy ông với biết bao câu hỏi. Ông biết là chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng không hề nói bao giờ ra đi, và có đi hay không. Ông chỉ nói giết hết gà, nấu cháo và kho khô. Sáng hôm sau ông đi một vòng trong làng thăm các gia đình công giáo. Tôi đoán chắc thế nào gia đình tôi cũng phải rời đi xa nên chiều hôm đó tôi chạy tới nhà bạn gái để chia tay. Mới vào tới sân tôi đã gặp cha nàng. Ông bảo cha tôi vừa tới thăm và ông nói cho cha tôi biết rằng bà con công giáo ai cũng sẵn sàng đùm bọc che giấu gia đình tôi khi cần thiết. Nhưng gia đình tôi ai cũng biết quá rõ, đặc biệt là cha tôi, vì thế nên tránh đi nơi khác là tốt nhất! Hai đứa chúng tôi không có lời nào cho nhau cả, chỉ nhìn nhau một lúc, rơm rớm nước mắt, nàng giục tôi về kẻo trời tối nguy hiểm. Tôi về tới nhà đã thấy cơm canh bày sẵn, cả nhà tôi lẫn nhà ông tổng Huấn, ông Bộ Vịt đang quây quần trò chuyện. Con lợn cũng đã được hóa kiếp để tổ chức buổi chia tay mà chắc không bao giờ gặp lại. Thực ra gia đình tôi đâu có thể mang lợn sống đi theo được nên buộc phải dùng nó vào việc này là lý do duy nhất đúng, nhưng không hợp với hoàn cảnh lúc đó cho lắm. Tính đến lúc này là vừa đúng mười một tháng kể từ khi chúng tôi đặt chân tới đây. Sáng sớm hôm sau chúng tôi cứ nghĩ là lên đường ngay, nên ai cũng dậy sớm, nhưng mãi đến trưa cha tôi mới phát lệnh lên đường. Đi được một đoạn đường khá xa ông mới giải thích là đi sớm sợ rơi vào lúc giặc Pháp đi càn mình khó tránh, đi vào buổi trưa thì mình biết chắc là chúng có đi càn hay không, và hướng càn ở đâu. Đi thế này chỉ có nguy hiểm là hổ hay rình mồi vào lúc chiều tà, thôi đành phải nhờ số trời. Ông bảo với chúng tôi là giá nào cũng phải đi tới làng Cây Lim tối nay. Ông và chú du kích chặt thêm một cơ số gậy đủ để cho mỗi người hai chiếc. Ông dặn một chiếc chống, một chiếc vác lên vai, việc này thì chúng tôi hiểu rồi. Vừa đi vừa chuyện trò, ông còn chỉ cho chúng tôi những ruộng đất thuộc quyền sở hữu của các cụ kị của chúng tôi nay đã bỏ hoang. Mải nghe chuyện trời tối lúc nào không hay, tối nhanh tới mức chỉ dăm mười phút sau khi nhận biết màu tím của rừng ập tới chúng tôi chỉ còn nhìn thấy nhau lờ mờ. Cha tôi bảo mọi người cố đi sát nhau. Đi được một lúc, mò mẫm trong bóng tối chúng tôi nghe tiếng suối chảy ào ào, cha tôi cho biết vượt qua suối đi hết cánh đồng là đến xóm nhà. Hôm qua có trận mưa lớn mà quê tôi hay gọi là mưa nguồn nên nước suối dâng cao, trời tối tôi không biết nông sâu ra sao. Cha tôi sợ hổ có thể tấn công những người dừng lại ở bờ nước nên ông vừa đi vừa phân công người lớn hỗ trợ trẻ nhỏ để cùng lội qua suối một lúc. Tôi thấy mình phải tự lội, thành ra anh cả tôi và tôi nắm tay nhau dò dẫm bám theo người lớn băng qua dòng nước đang chảy xiết. May thay, nước chảy nhanh nhưng không sâu, chỉ ngập đến thắt lưng, nên chúng tôi đã sang được bên kia một cách an toàn. Trời cuối thu ở Trường Sơn đã khá lạnh lại còn ướt sũng quần áo, bọ trẻ chúng tôi rét run lên, hai hàm rang đập vào nhau như là máy khâu. Ra giữa cánh đồng mọi người ngửi thấy mùi khói khét lẹt. Cha tôi bảo giặc Pháp mới càn qua làng này, chắc vừa rút quân về đồn Tróoc. Mò mẫm vượt hết cánh đồng, chúng tôi không đủ sức để bước nữa. Ông động viên mọi người cố đi vài tram mét nữa sẽ gặp nhà dân là ta vào xin nghỉ. Xóm nhà gặp đầu tiên bị đốt trụi, chỉ còn sót lại một ngôi nhà, chúng tôi rẽ vào, thấy nhà còn nguyen vẹn với bếp lửa còn âm ỉ dưới đống trấu. Ông nói với chú du kích đi theo rằng nhà này có thể thoát bị đốt khi càn tới đây trời sắp tối nên bọn Pháp chỉ giết lợn lấy thịt rồi rút ngay, hoặc họ theo Pháp.
Chúng tôi nhóm bếp lên, cha tôi lại lấy những cái giò lợn mang theo ra nấu cháo. Mọi người mệt lả, chả ai muốn nói gì cả, tựa lưng vào các bao trấu và ngồi sưởi lửa, chỉ cha tôi là người duy nhất lo nấu ăn bồi dưỡng lấy sức mai đi tiếp. Tôi cũng còn chút tỉnh táo nên giúp đun củi, bếp lửa bốc sáng soi rõ vài cái thủ lợn treo lủng lẳng trong nhà bếp, vậy là nhà này khá giầu có. Trong khi loay hoay ông dẫm phải cành củi to, nồi cháo đang sôi sùng sục lật nghiêng ra phía tôi dội bỏng từ hai đầu gối trở xuống, tôi thét lên đau đớn. Ông bỏ ặc nồi cháo chạy đi tìm muối giã nhỏ rồi bóp lên các chỗ bỏng, tôi nghiến rang chịu đựng, ông động viên: “
cố lên, chịu đựng đau rát bây giờ may ra mai con đi mới được, nếu không thì còn ai cõng con đâu”. Tôi đau quá và thiếp đi lúc nào không rõ, gần sáng cha tôi đánh thức mọi người dậy ăn nốt phần cháo còn lại, tôi gắng gượng húp được vài chén, rồi thử đứng dậy đi lại, cha tôi kiểm tra vết bỏng, may thay không có chỗ nào bị mọng nước. Vậy là lại lên đường, bỏ lại xóm làng còn nghi ngút khỏi bốc lên từ những vật còn đang cháy dở. Xuyên qua một dãy núi và kế tiếp loạt đồi rừng kiểu bát úp chúng tôi thấy những ngôi nhà đầu tiên của dân làm nghề đốn củi đốt than của làng Thọ Hạ. Dừng lại nghỉ, cha tôi đi loanh quanh một lúc, ông đem về một ống nứa đựng mỡ, ông vừa bôi vừa nói cho tôi biết đó là mỡ tran, đến chiều tôi thấy giảm đau, lại đi tiếp đến khoảng bốn giờ chiều thì ra đến bờ sông. Nếu vượt sông là ra đến cánh đồng dẫn về làng quê của tôi, nhưng ác thay giặc Pháp còn đóng đồn ở đó…
Khi bước tới mé nước tôi đã thấy có hai chiêc thuyền chờ sẵn. Họ chèo ngược dòng song, quê tôi gọi nó là nguồn Nan, chừng khoảng năm sáu giờ chiều gì đó gặp một vạn chài chừng một chục chiếc thuyền, hai chiếc của chúng tôi ghé cặp mạn vào đó. Chào hỏi qua quýt, rồi ai về thuyền nấy và tôi lại nghe tiếng đọc kinh vang lên đều đặn, tiếp theo là các bài hát nhà thờ quen thuộc với tôi, chỉ khác là họ hát rất đều, hay mà không cần phải có đàn organ hòa đệm.
Buổi cầu kinh và nhất là những bài thánh ca đã làm tiêu tan nỗi mệt nhọc và bất hạnh mà tôi phải chịu đựng suốt trong hai ngày qua, gợi nhớ tới những kỷ niệm thật êm đềm và ngây thơ như những hài đồng trên nước Chúa. Nỗi luyến tiếc và mộng tưởng cứ đan xen nhau, chiếm chỗ trong đầu óc tôi cho tới khi gà gáy sáng, vạn chài lại bắt đầu buổi kinh thường nhật. Tan buổi cầu kinh chúng tôi được ăn vài củ khoai với ít cá vụn. Hai thuyền chúng tôi tách khỏi vạn chài chèo ngược lên đầu nguồn, chừng giữa trưa thuyền ghé vào một dải đất gọi là “Chay”. Ở đây có rất nhiều rễ cây chay dùng để ăn kèm với trầu cau. Ở đây chỉ có vài ba mái nhà. Đây chính là đường giao liên huyết mạch của kháng chiến.
Bộ đội hành quân, dân công vận tải vũ khí, đạn dược vào Nam ra Bắc đều qua đây. Tôi lại có dịp được tiếp xúc với thế giới văn minh. Tôi đã gặp anh Trần Hoàn, các anh họa sĩ từ Nam bộ ra và nhiều người khác nhau, sau này có chức vị khá cao trong quân đội. Các anh thường ở lại dăm ba bữa để bồi dưỡng sức khỏe và lấy thêm lương thực, đồ dùng. Mỗi lần nghỉ lại như vậy, tôi được các anh dạy cho đủ thứ nhạc, họa, học hát, làm toán, sửa chữa cho các bài tập Pháp văn. Đây là vùng giáp ranh, bà con thường vẫn tải thuốc men, đường, sữa, vải, thuốc lá, gạo từ các chợ Ba Đồn, Minh Lễ lên và lực lượng vận tải không ai khác chính là bà con các vạn chài theo Đạo Thiên Chúa. Có lần tò mò hỏi cha tôi: “
sao lại tin đồng bào công giáo”. Cha tôi cho biết, họ cũng là đồng bào Việt Nam ta cả, phần lớn họ nghèo khổ phải sống trên thuyền, lấy nghề đánh cá làm kế sinh nhai. Nhưng những ngày đầu kháng chiến, lưỡi kiếm trừ gian, diệt tề của những người không hiểu thấu chính sách của chính phủ kháng chiến đã hướng tới họ. Ông đã phải nhọc nhằn giải thích từ trong nội bộ Ủy ban kháng chiến xã, cho tới các lực lượng dân quân, du kích, ngăn chặn được những hành động tàn bạo đó. Vì thế đã giúp bà con giáo dân tin tưởng Việt Minh và theo kháng chiến. Chính nhờ vậy mà ông được bà con giáo dân che giấu thoát khỏi sự lùng sục của giặc Pháp.
Tới đây tôi không thể không nói tới những công việc rất thầm lặng, tự giác, đầy hi sinh với chất anh hùng của cha anh tôi trong những ngày đó. Chính họ là tấm gương cho tôi noi theo để làm việc sau này.
OF-TuTran nhờ cụ duyệt ạ