LỜI MỞ ĐẦU
Tôi luôn ấp ủ viết về cuộc đời mình, nhưng dân kỹ thuật mà, đam mê không tỷ lệ thuận với năng khiếu. Bao nhiêu lần đặt bút lên để viết, được vài dòng không đầu không đuôi, lại thôi!
Năm 2010, tôi phát hiện bị K hỗng tràng. Trong vòng 3 tháng phát bệnh, có lúc tôi chỉ còn 40kg. Tôi và vợ con đều đã chuẩn bị cho cái chết của tôi. Nhưng may thay, ông trời vẫn còn cho tôi sống thêm một chút. Khi đứng giữa sự sống và cái chết, tôi mới chợt nhận ra mọi thứ đều quá mong manh.
Tôi sắp xếp lại tất cả những ký ức, lục lọi mọi ngõ ngách trong tôi. Bỗng tất cả ùa về, dù lộn xộn nhưng vô cùng rõ nét. Quá khứ cứ chen chúc, xô lấn, đua nhau hiện lên, rối bời, vội vã. Trong miền ký ức ấy, tôi bỗng tìm thấy bản thân tôi!
Ảnh chụp anh Hùng, chị gái và tôi.
View attachment 6061493
TUỔI THƠ DỮ DỘI
Phúc Yên, 5/5/1949 là ngày tôi chào đời. Mẹ tôi bị sinh non vì vào thời điểm đó, bà được báo tin chồng mình bị bắn chết. Đau buồn hơn là ông chết mất xác, không biết là do bên địch hay bên ta bắn, cũng không biết chết ở đâu, chết khi nào, chết như thế nào. Tôi sinh ra đã mồ côi bố!
Mẹ tôi kể khi sinh tôi ra nhà tôi vẫn còn tiền của. Tôi và anh trai, chị gái đều có vú em chăm bẵm, chẳng thiếu thốn gì. Nhưng ba năm sau, mẹ tôi đi bước nữa... Có lẽ quyết định của bà đã thay đổi cuộc đời của tất cả chúng tôi.
Ảnh chụp 2 vú em, có anh cả, anh Hùng, anh Bình, chị gái, tôi và cô em gái , con đầu tiên của mẹ tôi và dượng.
View attachment 6061510
Bố tôi trước khi lấy mẹ tôi đã có một đời vợ. Nhưng bà mất đi để lại một người con trai (anh hơn tôi đúng 1 giáp, và là người được ở với bố nhiều nhất, sau này tôi được anh kể cho nghe nhiều chuyện về bố). Sau đó bố tôi lấy mẹ tôi, sinh ra 3 người con, anh Hùng, tới chị gái, còn tôi là em út. Mẹ tôi còn nhận nuôi thêm 1 người con trai, anh tên Bình ( anh mồ côi bố mẹ, được nhận nuôi lúc 5 tuổi). Sau khi bố tôi mất, mẹ tôi lấy dượng và sinh thêm 5 đứa nữa.
Khi mẹ tôi lấy dượng (dượng tôi trước là kế toán cho bố tôi), người lớn trong nhà ai cũng phản đối. Đặc biệt là ông nội và bà ngoại tôi. Mẹ tôi không phải phụ nữ nhu mì, bà rất mạnh mẽ và giỏi "chửi nhau". Mẹ tôi lấy dượng với vị thế bà là chủ, giỏi giang giàu có. Sau này, bà càng ngày càng yếu thế và bị lấn át. Một phần do xã hội, một phần nhịn vì con, cứ thế mắt nhắm mắt mở, lựa lựa mà sống với nhau.
Bố tôi và mẹ tôi khi lâý nhau có cơ ngơi ở cả Phúc Yên và Hà nội. Ở Phúc Yên bố tôi có xưởng kem pháp. Nghe Mẹ kể lại, khi đó có cả nhà trên phố hàng Khoai. Ở Hà Nội, Bố tôi có xưởng nhuộm, nên mẹ tôi bán vải ở chợ Đồng Xuân. Sau khi lấy dượng tôi, không giữ được gì nữa. Làm ăn sa sút dần.
Cuối cùng thì gia đình tôi ở cố định tại căn nhà trên gác, số 3 phố Trương Hán Siêu, quận Hoàn Kiếm.
Thời thế khó khăn chung, đất đai bán dần hết hoặc bị tịch thu, hay tự nguyện hiến tặng nhà nước. Mẹ cứ sinh thêm em, thì nhà tôi lại thêm nghèo. Nhà có đồ đạc giá trị, vàng bạc mẹ tôi bán dần hết. tiền để dành ăn tiêu rồi cũng hết, con cái đẻ dày, lít nhít.
Dượng tôi gia trưởng lắm! Mẹ tôi luôn phải xin hoặc làm dịu dượng mỗi khi anh em chúng tôi bị đánh. Dượng tôi sống quý tộc bất kể nhà có giàu hay nghèo. Ăn phải ngon, ông ăn chỗ thịt phải ngon nhất. Mặc phải đẹp, mà chỉ mặc đồ tây thôi. Dượng tôi có cái vẻ bề ngoài cao to, đẹp trai với mác sỹ quan của chế độ cũ (dượng kể học trường sỹ quan quân đội trên Đà Lạt cùng Thiệu). Mọi việc nặng nhọc không bao giờ ông làm. Ông có cái nết xấu là bắt phải làm theo ý ông. Ví dụ khi đun nước thì dượng hỏi: "Nước sôi chưa?", ai đun thì phải trả lời là: "nước sôi rồi, nước sôi sóng sánh ạ!". Cứ thế lặp lại 3 lần cả người hỏi lẫn người trả lời.
Nhà tôi trên gác 2, rộng khoảng 40m2, có gia cố thêm gác xép để riêng cho dượng tôi ngủ. Căn nhà càng cũ kỹ, chật chội hơn khi chúng tôi lớn lên. Anh em chúng tôi cứ sàn mà ngủ. Sàn nhà bằng gỗ ghép, nên cũng không bị lạnh như sàn đất, hè nằm không cần chiếu. Theo thời gian, nó cứ nứt nẻ ra hết. Thỉnh thoảng nằm bị mấy khe gỗ kẹp vào mông vừa đau vừa rách quần. Mỗi lần bước lên cầu thang gỗ để vào nhà, dù cố gắng nhẹ nhàng nhất thì nó vẫn kêu kọt kẹt.
Mẹ tôi phải dậy từ 3h sáng đi lên chợ Bắc Qua mua lạc hoặc ngô, lúc thì khoai hay sắn về luộc để kịp bán chợ sớm. Cũng vì nghèo nên mấy anh em chúng tôi phải đi kiếm tiền từ khi còn nhỏ. Chủ yếu là anh Hùng, anh Bình, chị gái và tôi (anh cả vào Nam với các bác bên nội từ nhỏ, anh chỉ ở với chúng tôi 1 vài năm).
Mười tuổi tôi và anh chị đã đi bán lạc rang, bán kem, thuốc lá..v..v.. Mùa nào thức nấy. Nhớ đến những hôm mưa phùn gió bấc, không bán được hàng. Càng cố đi thêm càng ế. Đi bán tới tận 2h sáng mới về. Mở cửa vào nhà là lần nào tôi hoặc anh Hùng, anh Bình cũng bị dượng cho ăn đòn. Lý do là bán ế, là về muộn, là đưa ít tiền. Nhưng tôi là người hay về muộn nhất. Mặc dù vậy, ăn đòn đau đến đâu tôi cũng không bao giờ khóc trước mặt dượng. Chỉ đến khi chùm kín chăn ngủ, tôi mới khóc!
Cùng
một sự việc, người trong cuộc cảm nhận khác nhau. Cuộc đời mỗi người là một cuốn sách, dài ngắn khác nhau, chất liệu khác nhau. Tôi viết với tâm tư là tôi, suy nghĩ là tôi, không oán hận, không trách móc. Mảnh ghép dù không đẹp, nhưng thiếu đi 1 mảnh thì bức tranh chẳng được hoàn chỉnh.
Ảnh nhà số 3 Trương Hán Siêu - năm 2021
View attachment 6061629
Cứ mỗi lần đi học về là tôi vội vàng ăn bát cơm, rồi hai vai hai phích kem, tôi lại chạy lên nhà máy nước đá lấy kem đi bán. Những khi trời nắng hay dịp lễ hội là chúng tôi khoái nhất. Bán kem hết veo, còn chạy lên nhà máy lấy thêm kem bán tiếp. Hôm nào gặp trời mưa thì ôi thôi... Kem chảy hết, mấy anh em lại tìm chỗ khuất khuất ngồi ăn cho đỡ phí. Cũng động viên nhau, ăn kem ra vị "mát rượi". "Rượi" trong chữ buồn!
Bán lạc rang là đỡ nhất vì nếu không hết có thể ủ lại hôm sau bán. Khi bán thuốc lá, lúc mua phải ngửi từng bao để tránh lấy bao ẩm mốc. Thời đó tôi chỉ nhớ có loại Bông lúa, Trường sơn, Hoàn kiếm, Thủ đô, Sông cầu, Tam đảo, Thăng long bao bạc.... Bán quen đến độ dù trời tối mịt, chỉ cần ngửi điếu thuốc cũng rút ra đúng loại cho khách.
Tuy mươi tuổi nhưng mà thú thật, những hôm mưa lạnh thi thoảng tôi cũng hút 1 điếu thuốc thơm. Có 1 lần, tình cờ nghe được cô giáo dạy trong trường tôi nói với các bạn học sinh khi thấy tôi bán thuốc ngoài đường ( cô không biết tôi là học sinh của trường cô dạy, trường Alber Sarraut ) : " còn bé thế mà đi bán thuốc lá kiểu gì sau cũng nghiện, khéo đâm ra hư hỏng". Từ đó cho đến tận bây giờ tôi không đụng đến 1 điếu thuốc nào nữa, và tôi cũng không "hư hỏng ".
Bất giác hình ảnh thằng bé đen nhẻm, còi cọc, tóc bò liếm, mặt lúc nào cũng già đanh già chát hiện lên trong tâm trí tôi. Cứ muốn vội vã gom hết hồi ức lại để cho nổ tung ra, nên đôi lúc viết tôi lại lặp lại, lại ngẫu nhiên nhớ ra đôi câu chuyện.
Tôi cứ lan man, cứ lang thang như thế!
Dù bao đắng cay, vất vả không kể thể kể hết trong vài dòng lưu bút vụng về, tôi vẫn thầm cám ơn cuộc sống đã cho tôi "một tuổi thơ dữ dội".
P/s: có đôi chỗ em phải sửa hoặc update lại vì thời gian địa điểm bố em có nhầm lẫn. Lúc khoẻ bà nội em còn nhớ, chứ bây giờ bà 99 tuổi rồi. Không hỏi đc nữa. Có check chéo đc nhờ các bác trong nhà.