Cách rửa xe chuyên nghiệp
Ôtô mới có thể giữ được 90% nước sơn sau 2 năm nếu người sử dụng lưu ý vài chi tiết nhỏ như không nên rửa xe bằng khăn nylon, không rửa dưới trời nắng và đặc biệt đừng bao giờ dùng nước rửa chén hay xà phòng.
Rửa xe là một trong những quá trình bảo dưỡng quan trọng bởi nó ảnh hưởng lớn tới độ mới và sạch sẽ của một chiếc xe. Có nhiều người rất thích chăm sóc xe bằng cách tự mình "tắm rửa" cho nó. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm tốt điều này.
Bắt đầu một cách đúng đắn
Trước tiên bạn cần chuẩn bị những thứ như nguồn nước, vải cotton mềm không rụng lông và tránh dùng vải nylon. Tốt nhất bạn nên chọn loại thiết bị rửa chuyên dụng. Một sai lầm mà những người ít kinh nghiệm thường mắc phải là dùng xà phòng giặt hay những chất tẩy rửa có sẵn trong nhà để rửa xe. Thậm chí có người còn dùng nước rửa chén bởi sau mỗi lần rửa, nước sơn bóng hơn. Tuy nhiên, lợi bất cập hại, xe bóng là do mất lớp bảo vệ phía ngoài và chỉ cần sau vài lần như thế, bề mặt xe sẽ xỉn đi và bắt đầu mất màu nhanh chóng.
Dùng chất rửa chuyên dùng cho ôtô là cách bảo hữu hiệu.
Ảnh:
Hoàng Hà.
Nguyên nhân của hiện tượng trên là do xà phòng hay và chất tẩy chén chứa những thành phần gây hại cho lớp sơn trên bề mặt. Chẳng hạn như nồng độ axít của nước rửa chén cao hơn nhiều so với chất tẩy rửa ôtô chuyên dùng. Trong khi đó, theo các chuyên gia, chất tẩy dành riêng cho ôtô gồm những thành phần làm sạch chất bẩn bám và có cấu tạo khác xa so với những chất dành cho quần áo hay kính.
Vì vậy, các chuyên gia có một lời khuyên rất dễ nhớ là "Đừng bao giờ lẫn lộn nhà bếp với garage".
Ngoài những lưu ý trên, bạn cần phải kiểm tra xem sơn xe của mình có thuộc loại quá đặc biệt hay không. Nếu có, hãy xem hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để chọn được loại chất rửa phù hợp.
Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại nước rửa xe của các hãng như Sonax, Sumo, Trinity, 3M với nhiều mức giá khác nhau và được bày bán phổ biến trong các siêu thị. Sonax có giá khoảng 115.000 đồng cho chai 1 lít. Những loại rẻ tiền hơn thì khoảng 10.000 đồng chai 200 ml.
Các thao tác cần chú ý
Theo những người có kinh nghiệm, bạn nên rửa xe mỗi tuần một lần bởi nó thường xuyên phải hứng bụi, nhựa cây, phân chim và hàng trăm thứ khác. Với phân chim và nhựa cây, bạn nên rửa ngay bởi nếu để lâu, các chất ăn mòn mạnh sẽ phá hủy bề mặt lớp sơn. Ngoài ra, nếu sau mỗi chuyến đi xa hay qua một ngày mưa, rửa ngay sau đó sẽ đảm bảo các hạt bụi không làm xước sơn.
Một lưu ý nhỏ là bạn nên rửa dưới bóng râm bởi nếu tiến hành khi có nắng, bề mặt xe có thể khô trước cả khi các chất bẩn được loại hết. Trong trường hợp bụi bám nhiều, nên dùng vòi phun và không được dùng khăn lau chà lên bởi sẽ gây xước. Tuy nhiên, áp lực nước phun không được quá mạnh vì như vậy sẽ chẳng khác dùng tay cọ là bao. Một sai sót khá phổ biến ở các trạm rửa xe hiện nay là dùng vòi phun áp suất lực cao do thợ rửa xe muốn xong nhanh.
Bạn nên rửa từ trên xuống dưới và rửa từng phần. Tuy nhiên, một vài tay thợ chuyên nghiệp lại hay rửa từ dưới lên trên. Theo các chuyên gia, rửa từ trên xuống dưới sẽ giảm nguy cơ làm xước sơn bởi các chất bẩn không bám vào khăn lau. Phần dưới xe thường có nhiều chất bẩn và hạt bụi to, nếu lau ở đây trước, bụi có thể bám vào dụng cụ và gây xước sơn. Còn nếu rửa từ trên, nước và chất tẩy chảy xuống và làm bong phần nào chất bẩn trước khi chúng ta lau tới đó.
Các bước rửa xe bao gồm:
- Lau nhẹ toàn bộ xe bằng nước để loại bụi.
- Lau và rửa từng phần, từ trên xuống dưới nhằm tránh hiện tượng một số chỗ khô nhanh quá, làm két chất bẩn trên đó.
- Chà nhẹ tay.
- Bạn phải đảm bảo rằng luôn luôn chà nhẹ, không nên dừng lại một chỗ quá lâu nhằm ngăn không có chất bẩn két lại một chỗ.
- Dùng nước tráng toàn bộ xe để cuốn hết chẩn bẩn đi.
- Cuối cùng là lau khô những vệt nước đọng.
Đặc biệt, đường phố Việt Nam có nhiều cát, bụi nên bạn phải rửa thật kỹ bánh, chú ý tới các thiết bị gần mặt đường, nơi mà cát hay tích tụ lại. Để làm được điều này tốt nhất, bạn có thể sử dụng vòi bơm áp suất cao.
Trong quá trình rửa, bạn nên để ý tới chất bẩn tích tụ ở hốc vành. Một hiện tượng khá thú vị là vành bánh trước thường bẩn hơn vành bánh sau bởi bánh trước thường tích tụ một lượng lớn bụi phanh sinh ra từ phanh đĩa. Hiện tại, trên thị trường có khá nhiều sản phẩm chăm sóc giúp loại bỏ hoàn toàn bụi phanh