Sân Hàng Đẫy(HN): Tăng giá vé lên 200.000 đồng để ngăn CĐV vào sân... chửi bậy? (04/04/2011)
Giá vé cao nhưng không tỉ lệ thuận với chất lượng trận đấu. Ảnh: Như Ý VH- Trước vòng 9 V.League, sân Hàng Đẫy bỗng gây sốc bằng việc nâng giá vé lên tới 200.000 đồng/chiếc, trận Hòa Phát Hà Nội (HP.HN) – Vicem Hải Phòng (V.HP).
Đây cũng là mức giá kỷ lục của V.League tính đến thời điểm hiện tại. Ở các vòng đấu trước, dù giá vé ở sân này chỉ từ mức 20.000 – 40.000 đồng nhưng khán giả đã chẳng buồn đến sân. Phải chăng khi tăng giá vé lên gấp 5-10 lần như thế, sân Hàng Đẫy đã “nhắm” đến mục tiêu... đuổi khách, nhất là khi chất lượng các trận đấu ở sân này chỉ ở mức trung bình?
GĐĐH CLB HP.HN Vũ Hạng cho biết giá vé một số trận sắp tới trên sân Hàng Đẫy đều có mức 200.000 đồng/chiếc. Đó là sự đồng thuận của 3 đội bóng Hà Nội trong nỗ lực hạn chế những CĐV bỏ ra ít tiền để vào sân rồi nói tục, chửi bậy, thậm chí quậy phá.
Trả lời về lý do đột ngột tăng giá vé, GĐĐH CLB HP.HN Vũ Hạng cho biết giá vé một số trận sắp tới trên sân Hàng Đẫy đều có mức 200.000 đồng/chiếc. Đó là sự đồng thuận của 3 đội bóng Hà Nội trong nỗ lực hạn chế những CĐV bỏ ra ít tiền để vào sân rồi nói tục, chửi bậy, thậm chí quậy phá. Việc tăng giá vé cũng chẳng phải nhằm mục đích tăng nguồn thu của đội mà để đảm bảo an ninh, an toàn cho 2 đội, tổ trọng tài và chính những CĐV đến sân.
Tất nhiên, câu trả lời của ông Vũ Hạng không thuyết phục được ai, bởi nếu chỉ vì ngăn chặn CĐV nói bậy, chửi tục đến sân mà nâng giá vé lên mức cao hơn cả những trận đấu quốc tế của ĐTVN thì đó là giải pháp hết sức tiêu cực. Ai cũng hiểu là quyết định nâng giá vé lên kia chỉ nhằm mục đích là ngăn chặn các CĐV đội khách đến sân. Từ trước đến nay, CĐV Hải Phòng đã gây nên không biết bao nhiêu sự cố trong những lần lên Thủ đô xem bóng đá, thậm chí vài CĐV đất Cảng còn bị khởi tố vì gây rối trật tự công cộng. Phải ngăn chặn bạo lực là nhiệm vụ của BTC sân, nhưng đề ra giải pháp như BTC sân Hàng Đẫy là điều chưa từng xuất hiện ở bất cứ sân bóng nào.
Trong số hàng nghìn CĐV Hải Phòng đến sân, những người muốn gây rối chỉ là số rất ít, quyết định này vô hình trung đã "đánh" vào số đông những CĐV chân chính. Đó là chưa kể số CĐV trung lập, yêu bóng đá và muốn đến sân để thể hiện tình yêu đó.
Cách làm như của BTC sân Hàng Đẫy liệu có phải là cách duy nhất để chống lại hooligan? Chắc chắn là không! Sở dĩ các BTC sân e ngại đón tiếp CĐV đất Cảng là bởi cách xử phạt của BTC giải trước đây có phần chưa hợp lý. Đó là sự kiện xảy ra ở sân nào thì sân đó chịu trách nhiệm nên CĐV đến sân khách cứ thoải mái gây rối mà không lo bị ảnh hưởng đến đội nhà. Tuy nhiên, quy định này không phù hợp với quy định chung của bóng đá thế giới. Hẳn CĐV bóng đá quốc tế đều còn nhớ trận đấu Italia – Serbia ở vòng loại Euro 2012 từng phải hoãn lại vì CĐV đội khách gây rối. Sau đó, UEFA ra phán quyết rất nặng là xử thua 0-3 đối với ĐT Serbia vì hành vi do CĐV đội mình gây ra ở sân đối phương.
Đây chính là cách gợi mở cho BTC V.League trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến đội V.HP. Nếu V.HP bị xử thua, trừ điểm, thậm chí giáng hạng vì những hành vi do CĐV đội mình gây ra thì thử hỏi những hiện tượng CĐV đất Cảng gây rối liên tục có còn tái diễn? Và khi đó, chắc hẳn các BTC sân cũng không phải đề ra những quyết định có phần “phản bóng đá” như tăng giá vé từ 5-10 lần chỉ để ngăn khán giả đến sân.
Nguồn