dịch: Thịnh vượng của Đức đến từ đâu
Tác giả: Tử Nhậm, Thạc sĩ khoa kinh tế đại học nhân dân Trung Quốc
Mùa đông 2019 tôi đã có một chuyến đi đến Iceland, sau khi xem cực quang thì quá cảnh ở Munich, Đức, tiện thể đi gặp một người bạn cũ.
Anh ấy đang học ở Đại học Kỹ thuật Munich, đã sống ở đó mấy năm rồi, có thể xem như là một nửa ‘người Đức’. Ban đầu tôi chỉ định nhờ anh ấy mời một bữa cơm, không ngờ sau chuyến đi này, tôi lại có cái nhìn mới về cách vận hành của cả châu Âu.
Vừa chập tối, đường phố đã yên ắng đến lạ, các cửa hàng đóng cửa sớm, nhà hàng cũng đúng giờ là đóng, thậm chí quán cà phê cũng lười hoạt động. Xe điện vẫn chạy đúng giờ, mọi người làm việc theo đúng trình tự, tất cả đều gọn gàng, ngăn nắp, thậm chí có cảm giác hơi buồn tẻ.
Bạn tôi cười hỏi: ‘Cảm giác thế nào?’ Tôi nói: ‘Người Đức sống nhàn thật đấy, chẳng mấy khi tăng ca, cửa hàng đóng còn sớm hơn cả mấy tiệm tiện lợi ở quê mình, hiệu suất làm việc liệu có thấp quá không?’
Bạn tôi nói, hồi mới đến anh ấy cũng không quen. Ở trong nước, môi trường làm việc là ‘làm nhiều được nhiều’, ai cũng cố gắng tăng ca, cạnh tranh nhau. Nhưng ở Đức, không ai muốn làm thêm giờ, đến 5 giờ là tan làm, người ra về còn nhanh hơn cả sếp.
Dù cho đơn hàng của nhà máy có đầy ắp đi nữa, cũng chẳng ai chủ động tăng ca, mà sếp cũng không yêu cầu nhân viên tăng ca, Điều kỳ lạ hơn là, thu nhập của một kỹ sư bình thường cũng không chênh lệch bao nhiêu so với một kỹ thuật viên lành nghề có thâm niên – làm nhiều hay không làm nhiều, chênh lệch thu nhập cũng rất hạn chế.
Nhưng vấn đề là, kinh tế Đức vẫn rất mạnh, ngành sản xuất vẫn đứng hàng đầu thế giới. Người Đức trông có vẻ “Phật hệ” (tức là sống thảnh thơi, không bon chen), vậy tiền của họ rốt cuộc đến từ đâu?
Sau này anh ấy tìm hiểu, mới phát hiện ra sự phồn vinh của châu Âu không phải là do tự họ cố gắng làm ra, mà phần lớn dựa vào sự phân công chuỗi giá trị toàn cầu – hút máu từ các nước khác.
Ngành công nghiệp sản xuất của Đức nhìn thì rất mạnh, nhưng thực chất là dựa vào việc bóc lột các nước Đông Âu. Những quốc gia như Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary... đảm nhận phần lớn các công đoạn sản xuất giá rẻ, lương công nhân chỉ bằng một phần hai hoặc 1 phần 3 ở Đức. Nhưng các linh kiện sản xuất ra lại được gửi về Đức lắp ráp, dán nhãn “Made in Germany”, sau đó bán ra toàn thế giới với giá trị cao.
Còn mô hình của Pháp thì lại khác, nước này dựa vào châu Phi. Rất nhiều quốc gia ở Tây Phi đến nay tiền tệ vẫn bị Ngân hàng Trung ương Pháp kiểm soát. Nguồn tài nguyên năng lượng, khoáng sản, nông sản liên tục được chuyển về Pháp, trong khi doanh nghiệp Pháp lại nắm độc quyền các ngành như ngân hàng, viễn thông, giao thông ở các quốc gia đó. Nhìn bề ngoài, Pháp không có nền công nghiệp mạnh như Đức, nhưng thực chất họ vẫn nuôi dưỡng một loạt “thuộc địa”, nắm giữ toàn bộ huyết mạch kinh tế trong tay.
Còn về Vương quốc Anh, cốt lõi của nền kinh tế nước này là tài chính. London là trung tâm lưu chuyển vốn toàn cầu, chỉ cần dòng vốn từ khắp nơi trên thế giới vận hành theo các quy tắc do Anh đặt ra, thì họ có thể thu lợi nhuận.
Thụy Sĩ thậm chí còn là thiên đường trốn thuế nổi tiếng toàn cầu, với các ngành ngân hàng, dược phẩm và hàng xa xỉ phát triển mạnh mẽ, duy trì sự giàu có dựa vào dòng chảy của vốn toàn cầu.
Toàn bộ châu Âu nhìn qua giống như một xã hội trật tự, nơi ai cũng được hưởng phúc lợi cao, nhưng thực chất, những ngày tháng tốt đẹp ấy được xây dựng dựa trên nền tảng của sự phân công sản xuất toàn cầu.
Họ không cần phải "cày cuốc", bởi vì cả thế giới đang "cày" thay họ.
Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đứng ở vị trí thấp nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp nhận sự chuyển dịch ngành sản xuất từ châu Âu và Mỹ, dựa vào lao động giá rẻ để duy trì ngành công nghiệp sản xuất, còn phần lợi nhuận có giá trị gia tăng cao thì để lại cho các nước phương Tây.
Công nhân Trung Quốc làm việc cật lực, tăng ca không ngừng, lợi nhuận nhà máy lại rất mỏng. Các doanh nghiệp lớn lên trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhà nước thì đầu tư mạnh cho nghiên cứu công nghệ, chấp nhận thua lỗ để nâng cao trình độ sản xuất.
Thế nhưng, sau chặng đường dài đó, hệ thống công nghiệp của Trung Quốc đã được hoàn thiện. Và một khi đã xây dựng được hệ thống công nghiệp toàn diện, nó trở thành một trong những vũ khí mạnh mẽ nhất trên thế giới.
Khi các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu thách thức châu Âu và Mỹ trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, sản xuất công nghệ cao; khi vốn đầu tư Trung Quốc bắt đầu đổ vào Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh để xây dựng chuỗi cung ứng riêng; khi Trung Quốc triển khai hệ thống thanh toán quốc tế của riêng mình để tránh phụ thuộc vào đồng USD; và khi ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu dùng đồng Nhân dân tệ để thanh toán thương mại — thì châu Âu và Mỹ bỗng nhận ra rằng, những quy tắc toàn cầu mà họ dựa vào để tồn tại đang bị tái định hình.
Đây không còn là cạnh tranh thị trường đơn thuần nữa, mà là một cuộc chuyển giao quyền lực cấp thế giới.
Trước kia, các quốc gia phương Tây có thể tùy ý điều phối tài nguyên toàn cầu, đặt ra luật chơi và buộc các nước khác hoạt động theo hệ thống của họ.
Hiện nay, Trung Quốc không chỉ không muốn tiếp tục làm "công nhân toàn cầu", mà còn muốn tự thiết lập luật chơi, tái cấu trúc lại trật tự kinh tế toàn cầu. Chuỗi cung ứng của phương Tây đang dần bị Trung Quốc lấn chiếm, thị phần thị trường cũng đang bị các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm lấy. Những công cụ kiểm soát thế giới trước đây của họ — như tài chính, quân sự, văn hóa — đang từng bước mất hiệu lực.
Dĩ nhiên, phương Tây không thể khoanh tay đứng nhìn.
Những năm gần đây, họ đã áp dụng ngày càng nhiều biện pháp quyết liệt hơn để kiềm chế Trung Quốc: từ phong tỏa công nghệ, cắt đứt chuỗi cung ứng, trừng phạt tài chính, đến bôi nhọ trên truyền thông, thậm chí là tạo ra các căng thẳng địa chính trị. Mục tiêu là buộc Trung Quốc phải quay về làm “công xưởng thế giới” một cách ngoan ngoãn, đừng mơ đến việc “lên bàn ngồi ăn cùng”.
Nhưng họ đã đánh giá thấp ý chí của Trung Quốc.
Ngày xưa, Trung Quốc có thể đứng dậy từ hai bàn tay trắng và hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa chỉ trong vài chục năm. Giờ đây, với hệ thống công nghệ, thị trường, vốn, và chuỗi cung ứng đã hoàn thiện, Trung Quốc sẽ không dễ dàng bị khuất phục trước sự bao vây.
Phương Tây muốn dùng tư duy Chiến tranh Lạnh để phong tỏa Trung Quốc, nhưng thực tế là kinh tế toàn cầu giờ đây không thể tách rời Trung Quốc. Ai rời xa Trung Quốc, kẻ đó sẽ mất đi không gian tăng trưởng trong tương lai.
Cuộc đối đầu này là không thể tránh khỏi.
Phương Tây vẫn mơ rằng họ có thể duy trì thời kỳ hoàng kim bằng cách đè nén Trung Quốc, nhưng thực tế là họ đã rơi vào trì trệ, trong khi Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng tốc. Thế giới tương lai sẽ không còn là một hệ thống đơn cực do phương Tây chi phối, mà là một trật tự mới do Trung Quốc dẫn dắt.
Vì vậy, sự rạn nứt giữa Trung Quốc và phương Tây là điều tất yếu, và cuộc đối đầu này cũng là điều không thể tránh khỏi.
Nó không nhất thiết phải là một cuộc chiến bằng súng đạn, nhưng chắc chắn sẽ là một cuộc cạnh tranh toàn diện trên các mặt trận: kinh tế, công nghệ, văn hóa, tài chính, và chuỗi cung ứng...
Nhưng Trung Quốc đã sẵn sàng.
Cơn bão chắc chắn sẽ ập đến, nhưng lần này, Trung Quốc không còn là kẻ đứng bên lề tìm chỗ trú mưa — mà trực tiếp đương đầu với cơn bão