Để khắc phục những nhược điểm của vật liệu bê tông thông thường, nhóm các nhà khoa học thuộc Khoa Vật liệu xây dựng – Đại học Xây dựng đã sử dụng nguồn nguyên vật liệu dạng phế thải sẵn có ở nước ta (tro bay nhiệt điện, tro trấu, chất thải của nhà máy giấy…) thay thế cho xi măng và phụ gia để chế tạo bê tông chất lượng cao. Loại bê tông này có độ chảy và cường độ nén cao (thường lớn hơn 150 MPa), cường độ uốn lớn (khi sử dụng cốt sợi), độ bền cao, ổn định về thể tích, độ thấm thấp.
Các chuyên gia đã tính toán cốt liệu thô của tấm bê tông cường độ cao theo TCVN 10306-2014, tỷ lệ nước và lượng chất kết dính (tro bay, tro trấu, cát, đá… và một số phụ gia). Sau đó trộn đều hỗn hợp trên với khoảng 70 – 80% lượng nước, đổ bê tông vào ván khuôn đúng tiêu chuẩn thi công các công trình và tính toán độ chịu tải trọng yêu cầu. Mỗi tấm bê tông đúc sẵn cường độ cao được sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định liên quan đến việc kiểm soát môi trường, tránh được nguy cơ gây ô nhiễm tiềm tàng. Đồng thời, nguồn nguyên liệu thô đầu vào cũng như các phụ gia được giám sát chặt chẽ để giảm lượng nước cần thiết, không gây phát thải vào môi trường; Nâng cao độ bền, độ xốp của bê tông.
Từ những lợi ích trên, các nhà quy hoạch đô thị Hà Nội cần thay thế tấm bê tông, gạch lát thông thường bằng bê tông đúc sẵn cường độ cao để lát vỉa hè, bó vỉa nắp cống, rãnh thoát nước trên các tuyến đường đô thị hiện nay.