Stryker - Quái vật biến hình của quân đội Mỹ
Autovip. Một mẫu xe đa dụng có thể thay đổi thiết kế một cách nhanh chóng để sử dụng cho các nhiệm vụ khác nhau.
Một khẩu pháo 120mm trên xe tăng M1 luôn là vũ khí đáng sợ đối với mọi kẻ thù, tuy nhiên một chiếc xe tăng M1 có trọng lượng tới 60 tấn và không phải dễ dàng để di chuyển đến mọi mặt trận, nó cũng quá lớn để có thể chở bằng máy bay vận tải C-130. Do đó nhiều khi những vũ khí uy lực nhất chưa hẳn đã tốt nhất, điều quan trọng là kết hợp được sức mạnh và các yếu tố linh hoạt, có thể sử dụng ở mọi nơi mọi lúc.
Do đó mà quân đội Mỹ đã phát triển dự án Stryker, một mẫu xe đa dụng có thể thay đổi thiết kế để sử dụng cho các nhiệm vụ khác nhau. Nó có thể là một xe trinh sát với tốc độ nhanh và linh hoạt với hệ thống radar thông tin liên lạc, hoặc nó có thể trở thành cỗ máy hủy diệt với nòng pháo 120mm, đôi khi nó có thể trở thành xe dã chiến cho bộ binh đổ bộ, thậm trí nó có thể trang bị tên lửa đất đối không để tiêu diệt máy bay địch. Điều quan trọng là nó nhỏ gọn, linh hoạt và có thể triển khai ở bất cứ nơi nào trên thế giới chỉ trong vòng 96 giờ.
Lịch sử và phát triển
Sau chiến tranh lạnh, các lực lượng nổi dậy và khủng bố trở thành mối đe dọa mới đối với nước Mỹ. Chiến tranh bắt đầu thay đổi, những trận chiến quy mô lớn giờ đây được thay thế bởi những chiến trường nhỏ, những trận giao tranh chớp nhoáng. Do đó cũng yêu cầu quân đội phải thay đổi trong tác chiến, từ đó nhu cầu khí tài với những cỗ xe có khả năng tham chiến nhanh chóng, linh hoạt với hỏa lực mạnh bắt đầu được quân đội Mỹ quan tâm.
Tham mưu trưởng của quân đội Mỹ, ông Eric Shinseki đã thành lập dự án “Objective Force”. Trong đó, đề cập đến chiến lược triển khai quân đội linh hoạt, kết thúc trận chiến một cách nhanh chóng. Giai đoạn đầu của dự án chính là nghiên cứu và sản xuất một mẫu xe bọc thép được gọi là Stryker, linh hoạt và dễ dàng triển khai như M2 Bradley, trong khi có thể trang bị vũ trang hạng nặng để đàn áp kẻ địch. Lúc đó, nhà thầu Canada General Dynamics-General Motors đã nhận hợp đồng sản xuất hơn 2000 chiếc Stryker phục vụ cho quân đội Mỹ.
Sau khi 2000 chiếc Stryker được sản xuất, quân đội Mỹ tiếp tục đổ tiền vào nghiên cứu và nâng cấp mẫu xe thiết giáp này. Thay đổi cấu trúc thân hình chữ V nhằm giảm sức mạnh của các loại bom đạn, lớp vỏ cũng được gia cố chắc chắn hơn, lốp xe đặc biệt, hệ thống vũ khí điều khiển tự động. Sau này, với sự linh hoạt và hiệu quả, chiếc Stryker được thay đổi với nhiều biến thể khác nhau sử dụng trong các mục đích khác nhau.
Thiết kế và cấu tạo
Stryker được chế tạo dựa trên mẫu xe thiết giáp LAV III. Stryker có nhiều biến thể với cấu tạo khác nhau, tuy nhiên chúng đều có điểm chung là phần thân với động cơ, hệ thổng truyền động, 8 bánh xe.
Chiếc xe thiết giáp sử dụng động cơ Caterpillar, loại động cơ diesel được sử dụng phổ biến trong các loại xe tải của quân đội. Các hệ thống cơ khí và truyền động cũng giống với một chiếc xe tải hạng trung. Tuy nhiên chúng được thiết kế để có thể sửa chữa và bảo dưỡng một cách nhanh chóng, bằng cách chế tạo các bộ phận có thể dễ tháo lắp.
Nó được trang bị tới 8 bánh xe, do đó nó vừa có thể di chuyển với tốc độ nhanh, vừa có thể vượt qua nhiều dạng địa hình giống như dạng bánh xe xích của xe tăng. Hệ thống dẫn động 8 bánh riêng biệt cũng góp phần giúp chiếc xe dễ dàng kiểm soát trên những địa hình hiểm trở hay bùn lầy. Hệ thống điều chỉnh áp lực lốp xe CTIS có thể thay đổi độ căng của lốp xe ngay từ bên trong, giúp nó linh hoạt hơn rất nhiều, khi cần tăng tốc sẽ tăng áp lực làm lốp căng và khi vượt địa hình sẽ làm lốp xẹp để bám đường tốt hơn. Các lốp xe có các ống cao su cứng bên trong, cho phép chiếc xe tiếp tục chạy mặc dù lốp bị nổ.
Stryker có thể đạt tốc độ tối đa 105 km/h, bình chứa nhiên liệu dung tích 200L giúp chiếc xe có thể đi một quãng đường dài 530 km. Động cơ với mô men xoắn cực đại 780 Nm, nó có thể mang theo 2,9 tấn hàng hóa và kéo một chiếc xe 5 tấn phía sau.
Lớp áo giáp của Stryker được gia cố bởi nhiều lớp, lớp trong cùng dày 2cm bằng thép Kevlar, tiếp theo là một lớp sứ cách nhiệt, ngoài cùng được gia cố thêm bởi lớp vỏ dày 3mm. Lớp áo giáp này của Stryker có thể bảo vệ chiếc xe khỏi hỏa lực từ những khẩu súng máy 14 li và những vụ nổ nhỏ. Điểm yếu nhất của chiếc xe chính là sàn xe, nơi không được gia cố và bảo vệ.
Tuy nhiên lớp áo giáp này cũng không thể chống lại sức mạnh của những khẩu RPG. Vì thế mà nhiều chiếc Stryker được gia cố thêm một khung sắt bên ngoài. Nó giống một cái lồng thép sẽ ngăn chặn đầu đạn RPG hoặc khiến nó nổ trước khi chạm vào lớp vỏ, giúp giảm thiệt hại gây ra.
Các mẫu xe Stryker và nhiệm vụ
Stryker có nhiều biến thể khác nhau, tuy nhiên chúng đều dựa trên bộ khung chính. Các mẫu xe biến thể cũng có nhiệm vụ riêng biệt. Trong một vài trường hợp các binh lính có thể nhanh chóng lắp ráp để thay đổi kết cấu của chiếc Stryker và sử dụng trong mục đích khác.
Xe bộ binh – M1126 ICV
ICV là mẫu Stryker cơ bản nhất, được sử dụng để chở bộ binh. Mỗi chiếc ICV có thể chở 9 lính bộ binh và 2 người điều khiển xe. ICV được trang bị một tháp súng, có thể lắp các loại súng máy hạng nặng hoặc một bệ phóng tên lửa 40mm Javelin.
Xe hỏa lực với vũ khí hạng nặng – M1128 MGS
Đây là mẫu Stryker được trang bị hỏa lực mạnh nhất, với một khẩu pháo 105 mm (loại được sử dụng trên xe tăng M1), súng máy tự động 7,62mm và 0,5-caliber, 2 súng phóng lựu M6. Nhiệm vụ chính của M1128 không phải là chống thiết giáp mà là chi viện hoả lực trực tiếp cho bộ binh chống lại công sự, các toà nhà … trong những trận chiến quy mô nhỏ. Khẩu pháo 105mm sử dụng máy để nạp đạn nên tổ lái của M1128 chỉ có 3 người. Đạn pháo trên xe được để ngăn cách với khoang chiến đấu để tăng sự an toàn. Trên xe chứa 18 viên đạn 105mm bao gồm HE, HEAT, APFSDS(để chống tăng trong trường hợp nguy cấp). M1128 có thể bắn thủng giáp các loại thiết giáp từ cỡ T-62 trở xuống.
Xe trinh sát – M1127 RV
Được trang bị hệ thống FS3 (cảm biến trinh sát), bên cạnh là khẩu M2 hoặc Mk 19 không có điều khiển. FS3 bao gồm thiết bị quan sát hồng ngoại FLIR thế hệ 2 của xe tăng M1A2 Abram. Cùng với đó là thiết bị chỉ dẫn laser, thiết bị xác định khoảng cách bằng laser cùng với 1 phần mềm đặc biệt tự động xác định chủng loại của đối tượng đang bị quan sát. RV thường được dùng để hướng dẫn cho pháo binh hoặc không quân tấn công các mục tiêu trên bộ. Khoang hành khách của M1127 chỉ chứa được 5 người.
Xe chở cối - M1129 MC
Vũ khí chính của xe M1129 MC là 1 cối 120mm và 1 cối 81mm(cấp tiểu đoàn) hoặc 1 cối 60mm(cấp đại đội). Khẩu cối 120mm có thể bắn từ trong xe nhưng khẩu còn lại phải được bố trí bên ngoài xe để bắn. Tổ lái của xe gồm 5 người nên không thể sử dụng 2 khẩu cối cùng 1 lúc. Đạn của khẩu cối 120mm bao gồm HE, pháo sáng, pháo sáng hồng ngoại, đạn khói, đạn dẫn đường và đạn hai công dụng.
Xe chỉ huy - M1130 CV
Là loại xe chỉ huy được tăng cường thêm các thiết bị C4ISR(chỉ huy, điều khiển, liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát). Trong xe được lắp 1 màn hình lớn thể hiện bản đồ chiến trường. Tổ lái của xe và hành khách bao gồm 7 người. Vũ khí của xe là 1 khẩu M2 hoặc Mk 19 không điều khiển.
Xe trinh sát pháo binh - M1131 FSV
M1132 cũng được trang bị FS3 nhưng được trang bị thêm một số thiết bị giúp cho chỉ huy có thể nói trực tiếp hoặc liên lạc bằng điện tử với IFSAS(initial fire support automation system/ hệ thống hỗ trợ hoả lực(pháo binh) tự động đời đầu) hoặc AFATDS(hệ thống dữ liệu chiến thuật tiên tiến cho pháo binh trên chiến trường). Trên xe chứa 4 mạng lưới liên lạc bằng radio cho 4 người khác nhau sử dụng độc lập. Kết hợp với loại đạn M712 155mm Copperhead bắn từ pháo M777 hoặc M109 Paladin, M1131 có thể chỉ dẫn bắn chính xác vào vị trí mục tiêu ngay từ viên đạn đầu tiên.
Xe công binh - M1132 ESV
Có thể nói đây là một chiếc Stryker tương tự như M1126 vì nó có cùng khả năng chuyên chở 9 lính cũng như RWS. Tuy nhiên, ESV đặc biệt vì trước mũi xe có 2 lưỡi cày giúp xe dọn đường qua khu vực địa hình phức tạp hay bãi mìn.
Xe cứu thương - M1133 MEV
Được nới rộng ra từ thân xe ICV, M1133 có thể chở 4 thương binh nằm cáng cứu thương hoặc 6 thương binh ngồi cùng với tổ quân y 3 người. M1133 có thể mang được nhiều thiết bị y tế cần thiết hơn so với M113 phiên bản cứu thương. Ở sau xe cũng có 1 máng để đưa bệnh nhân trên cáng cứu thương vào xe nhanh và dễ hơn. M1133 ESV không có vũ khí nhưng các thiết bị liên lạc trên xe vẫn tương tự với các loại khác.
Xe mang tên lửa chống tăng - M1134 ATGM
Nhiệm vụ của M1134 là chống thiết giáp. Được trang bị 2 ống phóng tên lửa TOW có thể điều khiển từ xa có thể xoay 360 độ. Vũ khí phụ là 1 khẩu súng máy M240 7,62mm. Thiết bị xác định mục tiêu của M1134 cho phép xe bắn được mọi loại tên lửa TOW vào ban ngày hoặc ban đêm. Xạ thủ có thể bắn tên lửa từ trong xe tuy nhiên 1 thành viên tổ lái vẫn phải lộ diện ra bên ngoài để nạp tên lửa qua 1 nắp ở phía trên, phần sau xe, sau cơ cấu phóng. Tổ lái của M1134 gồm 4 người, xe có thể mang 10 tên lửa TOW. 4 bộ phóng lựu M6 được lắp bên phải bệ phóng.
Xe trinh sát phóng xạ, sinh học, hoá học - M1135 NBCRV
Được trang bị các cảm biến NBC và khí tượng. Hệ thống bảo vệ chống NBC của xe thuộc loại tăng áp suất trong xe để không khí thoát ra ngoài chứ không đi ngược vào trong xe. Những thông tin về môi trường sẽ được truyền vào hệ thống liên lạc 1 cách tự động để cảnh báo các xe theo sau.