Tái hiện chiến thắng Chương Thiện
Xuồng thông minh đánh địch
Nhiều cựu tướng lĩnh, Mẹ VN anh hùng, các tướng lĩnh và người dân tham dự như sống lại cảm giác chiến đấu anh dũng, hào hùng thuở xưa khi 5 chiếc tàu chiến PCF, một trong những loại tàu mà Mỹ sử dụng trên chiến trường ĐBSCL xuất hiện.
Với hệ thống kênh, rạch chằng chịt, địch đã sử dùng các loại tàu này với chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” để khống chế các trục sông, kênh lớn, bao vây, phong tỏa hoạt động của ta.
Đây là loại tàu có hỏa lực mạnh, sức cơ động nhanh, từng tham gia trong các cuộc hành quân quy mô như: “Nhổ cỏ U Minh”; “Sóng tình thương”, “Bình định lấn chiếm Chương Thiện”…
Những tàu chiến của Mỹ Ngụy được tái hiện trên kênh Xáng Xà No
Tàu chiến địch hiện đại và to lớn
Cùng lúc đó, cả bầu trời trên dòng kênh Xáng Xà No bỗng ầm ĩ với những chiếc máy bay trực thăng mà Mỹ Ngụy đã sử dụng với sự cơ động, chi viện hỏa lực đánh phá vùng giải phóng, vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Paris.
37 năm trước, những chiếc trực thăng kiểu như thế đã đổ hai tiểu đoàn của Trung đoàn 16, Sư đoàn 9 xuống khu vực Đồng Gò, Xẻo Môn yểm trợ cho bốn tiểu đoàn bảo an hành quân đánh chiếm Cai Cao (Phụng Hiệp).
Sự vượt trội về hỏa lực, sức mạnh của quân địch vẫn không thể làm quân và dân Khu 9 nao núng. Chỉ bằng những vũ khí thô sơ, quân và dân ta đã bắn rơi nhiều máy bay, bẻ gãy các cuộc hành quân, bình định của chúng.
Những chiếc máy bay phục dựng này chính là chiến lợi phẩm mà quân dân ta thu được sau ngày 30.4.1975 để ngày nay trở thành phương tiện cho quân đội VN làm nhiệm vụ huấn luyện.
Máy bay địch xuất hiện...
Máy bay và tàu địch luôn muốn phong tỏa quân ta
Đối đầu với các loại tàu chiến hiện đại hơn, quân ta lợi dụng hệ thống kênh, rạch chằng chịt, bộ đội ta sử dụng những chiếc xuồng nhỏ giúp hành quân nhanh chóng, bất ngờ tiến công địch, làm nên những chiến công vang dội.
Cùng với bộ đội, dân quân du kích, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến cũng đã sử dụng các loại xuồng, luồn lách qua sự kiểm soát gắt gao của địch, vận chuyển lương thực, vũ khí…
Chính xuồng và các phương tiện vận tải thủy đã làm nên huyền thoại “Trận tuyến trên sông, dọc ngang sông nước”đưa hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, vũ khí chi viện đến chiến trường ĐBSCL, kịp thời phục vụ lực lượng vũ trang chiến đấu, đánh bại kế hoạch bình định lấn chiếm của địch.
Dân quân, bộ đội ta với xuồng nhỏ vẫn có thể giành chiến thắng trước sức mạnh vũ lực của kẻ thù
Trong năm 1973, những loại xuồng của bộ đội ta có mặt khắp mọi nơi trên chiến trường ĐBSCL, liên tục phản công, tiến công, bắn cháy và nhấn chìm hàng ngàn tàu chiến địch trên khắp các nẻo đường sông nước. Những trận chiến không thể nào quên như chiến thắng căn cứ Xẻo Rô (sông Cái Lớn) với 18 tàu bị đánh chìm và cháy…
Những chiếc xuồng tuy bé nhỏ, mong manh nhưng đã làm nên những chiến công hiển hách. Đó cũng là phương tiện gắn bó gần gũi, thân quen không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đông đảo người dân Hậu Giang chăm chú theo dõi những "thước phim" lịch sử sống động
Bài học lịch sử sâu sắc
Đánh giá về chiến thắng lịch sử này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là một mốc son chói lọi của quân và dân Quân khu 9.
Chiến thắng ở chiến trường Chương Thiện đã tạo động lực và mở ra bước ngoặt quan trọng cho cuộc tổng tấn công trên tất cả địa bàn để bảo vệ dân, tìm cách tiêu hao nhiều sinh lực địch và tiến lên giải phóng toàn bộ Khu 9. Đồng thời đó cũng là một thực tiễn trên chiến trường rất quý báu.
Việc tổ chức lễ kỷ niệm hôm nay là một việc làm có ý nghĩa và hết sức quan trọng, để mỗi người chúng ta đều hiểu biết sâu sắc thêm, trân trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị lịch sử và truyền thống anh hùng, chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc của quân và dân ta.
Đồng thời đây cũng là dịp để tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân đối với các anh hùng, các đồng chí đồng bào ta đã hy sinh, đóng góp công sức to lớn và cả xương máu, sinh mạng của mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Từ trái sang, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nguyễn Phong Quang và đại tướng Lê Hồng Anh chào đoàn duyệt binh
Trời nóng, nắng gắt nhưng không khí lễ kỷ niệm và buổi diễu binh, diễu hành sau đó vẫn khiến hàng chục ngàn người dân Hậu Giang nán lại. Đã lâu lắm rồi, những "thước phim" lịch sử quý báu về chiến tranh mới có dịp sống lại cùng con người nơi đây.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước - đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng... đã có dịp hội ngộ cùng nhau giữa các thế hệ đã sống và chiến đấu tại đây.
Mặc dù không thể lột tả hết sự khốc liệt của cuộc chiến thật sự nhưng lễ kỷ niệm 37 năm chiến thắng 75 tiểu đoàn địch như một "thước phim" sống động để mọi người dân cùng tự hào về lịch sử vẻ vang của một vùng ĐBSCL và phấn đấu sống rèn luyện mình trong công cuộc dựng xây đất nước thời kỳ mới.
Các lực lượng vũ trang diễu hành qua lễ đài