Việt - Nga bàn hợp tác ở Cam Ranh
- Các tàu hải quân của LB Nga có thể ra vào khu vực phi quân sự của cảng mà Việt Nam đã quy hoạch chuyên dụng để làm các dịch vụ hậu cần, kỹ thuật. Bên cạnh đó, Nga chủ động đề xuất đầu tư một dự án xây dựng trung tâm nghỉ dưỡng 5 sao ở gần sân bay Cam Ranh, chuyên phục vụ cho các quân nhân, theo diện dự án đầu tư nước ngoài.
Đó là hai trong số những nội dung thảo luận chi tiết tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng LB Nga, Đại tướng Sergei Shoigu sáng nay tại Hà Nội.
Bộ trưởng Quốc phòng LB Nga Sergei Shoigu thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh
Trao đổi với báo giới sau hội đàm, hai bên cùng đề cập đến những trọng tâm hợp tác được đề cập như trao đổi đoàn các cấp nhằm giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý Nhà nước, Nga giúp VN đào tạo cán bộ, sĩ quan về chuyên môn, kỹ thuật, hợp tác kỹ thuật quân sự, triển khai các hợp đồng mua bán vũ khí và đặc biệt đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực hải quân.
"Chúng tôi thống nhất tạo một xung lực mới trong một số lĩnh vực hợp tác... Năm nay, hai bên sẽ nỗ lực để mở ra một chương mới trong hợp tác hải quân" - Đại tướng Sergei Shoigu nói với báo chí.
Hai bên cũng thống nhất sẽ triển khai cơ chế đối thoai chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng thường niên, luân phiên địa điểm giữa hai nước. Dự kiến cơ chế này sẽ được thực hiện ngay trong năm nay
Bộ trưởng Shoigu cũng cho hay LB Nga mong muốn xúc tiến triển khai dự án xây dựng trung tâm nghỉ dưỡng ngay trong năm nay.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho hay, dự án do phía Nga đề xuất, đầu tư 100% vốn theo diện dự án đầu tư nước ngoài. Dự án sẽ được triển khai theo luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Nga dành cho Việt Nam quyền quản lý, điều hành. Phía Nga sẽ gửi một số người tham gia cùng quản lý khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.
Mở cơ sở sửa chữa tàu ở Cam Ranh
Các phóng viên đã trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh về những kế hoạch triển khai cụ thể được đề cập trong hội đàm:
VietNamNet: Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể hơn về kế hoạch triển khai hợp tác hải quân giữa hai nước như thỏa thuận tại hội đàm?
Hiện nay Việt Nam vẫn còn các loại vũ khí, tàu thuyền, trang bị kỹ thuật của Liên Xô cũ viện trợ trước đây để lại. Bên cạnh đó là mua sắm mới. Việt Nam cũng có đóng mới tàu nhưng cũng từ công nghệ của Nga.
Bây giờ để khai thác, sử dụng hiệu quả cần có hợp tác với phía Nga. Nga sẵn sàng đào tạo cho chúng ta về cán bộ chỉ huy, tham mưu, của hải quân, cả chuyên môn, kỹ thuật, thủy thủ, các kíp tàu ngầm, các kỹ thuật khác... Rồi công tác bảo dưỡng kỹ thuật cho tàu của hải quân. Như thế rất quan trọng.
Chúng ta cũng nghiên cứu đơn giản hóa một số thủ tục cho tàu hải quân của LB Nga khi ghé thăm hoặc làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật ở các cảng Việt Nam sẽ được nhanh chóng, thuận tiện, thể hiện đúng tinh thần đối tác chiến lược tin cậy chính trị giữa ta và LB Nga.
VietNamNet: Trong hội đàm, Bộ trưởng và đối tác có đề cập việc hợp tác sửa chữa, đóng tàu ở khu vực phi quân sự của cảng Cam Ranh ra sao?
Tổng công ty Tân Cảng thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam được giao chủ trì, có tham gia liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Công ty Vietsopetro sẽ tham gia góp vốn. Nhưng ta làm chủ, chi phối, ta điều hành, quản lý. Chủ quyền là của Việt Nam.
Cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, các dàn khoan, các dịch vụ của dầu khí này phục vụ dịch vụ cho các tàu của bất kỳ một nước nào, trong đó có LB Nga.
Cơ sở này có thể làm mấy việc: sửa chữa tàu, tiếp dầu, tiếp nước, tiếp lương thực thực phẩm, đón thủy thủ để vào bờ, tham quan nghỉ ngơi sau chuyến đi đường dài trên biển. Cơ sở này chúng ta làm dịch vụ, tại khu vực vịnh Cam Ranh. Nó không ảnh hưởng tới khu vực cảng quân sự, nơi chỉ là căn cứ của hải quân Việt Nam.
Khu vực dân sự cảng Ba Ngòi hiện nay cũng đang có cảng của Vinashin thực hiện sửa chữa đóng mới tàu thuyền. Chúng ta từng đón tàu hậu cần của quân đội Hoa Kỳ ghé vào làm dịch vụ sửa chữa tàu thuyền. Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã từng đến đây thăm.
VnExpress: Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Sergei Shoigu cũng đến thăm cảng Cam Ranh. Bộ trưởng Nga đã đánh giá thế nào về vị trí chiến lược của cảng này?
Từng đóng quân ở đây nên LB Nga hiểu rõ vị trí chiến lược của cảng Cam Ranh. Đây là một vùng nước sâu, kín gió, rộng lớn, rất gần đường hàng hải quốc tế, nên tàu bè ra vào tránh trú báo, nghỉ ngơi, làm dịch vụ hậu cần rất tốt.
Quan điểm của Việt Nam là không liên minh, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự. Song với tiềm năng của Cam Ranh, ngày nay, nếu chỉ dành cho sử dụng mục đích quân sự thì cũng rất lãng phí. Theo đó, Cam Ranh đã được quy hoạch thành 3 khu vực: khu vực quân sự, khu vực để làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tàu bè dân sự, nước ngoài và khu vực hoàn toàn dân sự (Ba Ngòi).
Phía Nga hoan nghênh nếu được phía Việt Nam cho phép các tàu của hải quân Nga được vào làm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật ở vịnh Cam Ranh, rất thuận lơi cho các bạn sau chuyến đi đường dài. Quan điểm của ta là cho phép tất cả tàu các nước, không chỉ riêng Nga ghé cảng làm dịch vụ hậu cần.
Hiện đại hóa hải quân
VietNamNet: Việc triển khai các hợp đồng mua bán vũ khí giữa hai bên sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Việt Nam có hợp tác với phía LB Nga để mua sắm, trang bị, hiện đại hóa Quân chủng Hải quân. Việt Nam có đủ 6 binh chủng: không quân hải quân, tàu ngầm, tàu mặt nước, ra đa hải quân, tên lửa đất đối hải, hải quân đánh bộ... đều xuất phát mua của LB Nga.
LB Nga là bạn bè truyền thống, đối tác chiến lược tin cậy và Việt Nam đã quen sử dụng trang thiết bị của Nga và sử dụng rất hiệu quả trong kháng chiến giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước.
Phải nói rằng tiền của Việt Nam cũng rất hạn hẹp mà giá của các bạn cũng rất phải chăng. Cho nên chúng ta chọn bạn là đối tác để trang bị mua sắm cho hải quân, cho phòng không không quân, cho các binh chủng khác, cho lục quân.
AFP: Trong chuyến thăm lần này, hai bên nói nhiều đến hợp tác hải quân, có phải đó là thông điệp trong bối cảnh có những tranh chấp hiện nay trên Biển Đông không?
Hợp tác này là bình thường. Hiện nay các nước đều mong muốn hợp tác với hải quân Việt Nam. Không chỉ có Nga. Như các bạn biết, hải quân ta và Trung Quốc đã có tuần tra chung trên vịnh Bắc Bộ rất nhiều năm rồi và hợp tác tốt. Hải quân Việt Nam cũng hợp tác với Campuchia, Thái Lan, Malaysia, và đang tiến hành hợp tác với Indonesia.
Chúng ta cũng lần đầu tiên tổ chức hội nghị tư lệnh hải quân của các nước ASEAN tại Hà Nội thành công. Nga là đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống có quan tâm đến khu vực này. Trên tuyến đường hàng hải mà bạn thường đi qua, bạn muốn ghé lại để làm các dịch vụ hậu cần kỹ thuật, rồi nghỉ ngơi đó là hoạt động bình thường.
Xuân Linh - Ảnh: Lê Anh Dũng
Link
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/111440/viet---nga-ban-hop-tac-o-cam-ranh.html