Đánh chặn được là đương nhiên. Cái hay của nó là giá Himars rẻ hơn tên lửa đích thực, nó giống kiểu bỏ 1 triệu đô để đánh chặn con hàng 100 nghìn đô vậy ý. (tôi ko nói giá chính xác). Tất nhiên là nga đang cố bảo vệ hạ tấng có giá hơn 1tr đô của nga.
=> Nga đang tốn kém để đánh chặn HIMARS.
Thế giớiQuân sựThứ ba, 18/10/2022, 01:00 (GMT+7)
Lý do Nga khó đối phó HIMARS
Năng lực kém của radar phản pháo là lý do chính khiến Nga không thể phát hiện kịp thời đạn HIMARS khai hỏa để tung đòn đối phó.
Lực lượng Nga những tháng gần đây hứng chịu nhiều thiệt hại từ các đòn tập kích chính xác của Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) M142 mà Mỹ chuyển cho Ukraine. Quân đội Ukraine sử dụng HIMARS liên tục tấn công các kho đạn, cầu đường, tuyến tiếp tế và sở chỉ huy của Nga.
Trên lý thuyết, với kho lựu pháo và hỏa tiễn phóng loạt hùng hậu của mình, Nga hoàn toàn có thể sử dụng các hệ thống radar phản pháo để theo dõi đường bay của đạn HIMARS, từ đó tung đòn tấn công tiêu diệt. Tuy nhiên, lực lượng Nga những tháng qua không thực hiện được đòn phản pháo nào như vậy.
Trang tin quốc phòng Avia của Nga từng đưa ra nhận định rằng tổ hợp HIMARS có một "tính năng bí mật" khiến pháo binh Nga không thể nhắm mục tiêu để trả đũa mỗi khi chúng khai hỏa.
Theo Avia, Mỹ đã thiết kế hệ thống HIMARS để rocket có thể thay đổi quỹ đạo sau khi rời khỏi bệ phóng và đánh lừa các tổ hợp radar phản pháo. Trang này đăng một video do quân đội Ukraine công bố để chứng minh cho lập luận của mình.
Pháo phản lực HIMARS Ukraine trong một lần khai hỏa. Video: Avia.
"Trong video, rocket đổi đường bay gần như ngay lập tức sau khi phóng", bài viết trên trang Avia có đoạn. "Điều đó khiến tọa độ mà tổ hợp radar phản pháo xác định bị lệch hàng trăm mét, nên không thể thực hiện các đợt tập kích chính xác".
Theo trang này, đây là điểm khác biệt giữa các hệ thống của Mỹ so với các loại pháo phản lực thông thường, vốn có rocket bay theo quỹ đạo cố định.
Nhận định của Avia đã gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia quân sự. Khi được đề nghị bình luận về thông tin này, lục quân Mỹ, lực lượng vận hành pháo HIMARS, bác bỏ, khẳng định "rocket bay theo quỹ đạo thông thường đã vạch sẵn để nhắm vào mục tiêu".
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng nhận định của Avia là một cách nhằm giải thích cho năng lực phản pháo kém của Nga khi đối phó với HIMARS.
Phản pháo là dùng radar để theo dõi đường bay của quả đạn, từ đó xác định vị trí khai hỏa của đối phương để dùng hỏa lực áp đảo tiêu diệt. Đây được đánh giá là hoạt động khó trên chiến trường, ngay cả trong những tình huống thuận lợi nhất.
Samuel Cranny-Evans, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Lực lượng Hợp thành của Anh, cho hay radar phản pháo cần phát hiện quả đạn khi nó vừa được phóng lên để dự đoán quỹ đạo và đường bay, sau đó tính toán điểm xuất phát.
"Do đó, nếu radar không phát hiện được quả đạn được khai hỏa bên ngoài tầm hoạt động của nó, hệ thống không thể cung cấp tọa độ mục tiêu", Cranny-Evans nói.
Nga đang sử dụng radar phản pháo Zoopark-1, có khả năng phát hiện rocket trong bán kính 14-20 km, song tổ hợp HIMARS có thể đánh trúng mục tiêu cách vị trí khai hỏa 80 km. Ngoài ra, radar phản pháo được thiết lập để quét các quả đạn và rocket bay tới một khu vực cụ thể với độ cao cụ thể.
Tính năng pháo HIMARS Mỹ chuyển cho Ukraine. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.
Tính năng pháo HIMARS Mỹ chuyển cho Ukraine. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.
"Radar phản pháo không thể phát hiện được HIMARS phóng rocket trừ khi nó quét đúng nơi và đúng thời điểm", Cranny-Evans nói. "Tôi không cho rằng Nga có đủ radar phản pháo để thiết lập vùng phủ sóng bao trùm, do đó khả năng giám sát liên tục của họ bị hạn chế".
Ngay cả khi phát hiện được quả đạn, radar phản pháo chỉ có thể cung cấp vị trí khai hỏa gần đúng. Pháo binh sau đó sẽ tiến hành một đợt tập kích diện rộng, với hy vọng đánh trúng thứ gì đó, song không phải là một đòn tấn công chính xác.
Với những loại pháo tự hành như HIMARS, kíp vận hành thường sử dụng chiến thuật "bắn và chạy", khai hỏa cả loạt đạn trong vài phút rồi nổ máy, rời khỏi chiến trường với tốc độ tối đa 85 km/h.
Chiến thuật "bắn và chạy" này đòi hỏi đơn vị phản pháo Nga phải sẵn sàng khai hỏa trong vòng vài phút sau khi phát hiện những quả đạn của đối phương đang bay tới. Cranny-Evans cho rằng cơ cấu chỉ huy của lực lượng Nga "quá chậm để thực hiện điều này".
"Quy trình xác định mục tiêu của lực lượng Nga khá chậm, thường không ứng phó kịp với mục tiêu đang di chuyển hoặc tình huống thay đổi nhanh chóng", Cranny-Evans nhận định. "Nếu họ không khai hỏa lập tức vào vị trí nghi ngờ có HIMARS, lực lượng Nga không thể tập kích vị trí triển khai khí tài của Ukraine".
Các xe phóng HIMARS Ukraine triển khai ở miền nam trong ảnh công bố ngày 4/7. Ảnh: Reuters.
Các xe phóng HIMARS Ukraine triển khai ở miền nam trong ảnh công bố ngày 4/7. Ảnh: Reuters.
Nga chưa bình luận về đánh giá của chuyên gia phương Tây.
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270. Hệ thống HIMARS chuyển giao cho Ukraine được biên chế kíp vận hành ba người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 80-90 km. Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine 16 tổ hợp HIMARS và cam kết chuyển thêm 18 tổ hợp nữa, nâng tổng số lên 34.
Mặc dù Nga nhiều lần tuyên bố đã phá hủy một số tổ hợp HIMARS ở Ukraine, giới chức Mỹ cho rằng Nga chưa làm được điều này. Trong khi đó, quân đội Ukraine tiếp tục dùng HIMARS tập kích các mục tiêu quan trọng trong khu vực Nga kiểm soát.