Nói về "Hiền tài", em thấy việc dùng người tài mới là vấn đề nhức nhối của mọi xã hội. Em từng đọc Sử ký Tư Mã Thiên có 1 câu chuyện thế này:
Ông của Phùng Đường là người nước Triệu, đến đời cha dời đến đất Đại. Khi nhà Hán nổi lên, dời đến An Lăng. Đường nổi tiếng vì có hiếu, được cử làm người cầm đầu các trung lang thự. Đường thờ Văn Đế, Văn Đế đi xe qua hỏi Đường:
- Tại sao cụ lại làm trung lang ? Nhà ở đâu ?
Đường cứ theo thực mà tâu. Văn Đế nói:
- Khi ở đất Đại, ta thường ăn cơm của người quan coi việc ăn uống là Cao Khư, ông ta mấy lần nói với ta rằng Lý Tề, tướng nước Triệu, là người hiền, đánh ở gần Cự Lộc. Nay mỗi khi ăn cơm ta vẫn thường nhớ đến Cự Lộc. Cụ có biết ông ta không ?
- Cũng không bằng Liêm Pha, Lý Mục làm tướng.
- Tại sao biết ?
- Ông của thần khi ở Triệu coi một đội quân, chơi thân với Lý Mục. Cha của thần vốn làm tướng quốc ở nước Đại chơi thân với tướng nước Triệu là Lý Tề nên biết ông ta là người như thế nào.
Nhà vua nghe nói đến Liêm Pha, Lý Mục lấy làm cao hứng vỗ đùi mà nói:
- Than ôi ? Ta không có Liêm Pha, Lý Mục để dùng làm tướng. Nếu có thì ta lo gì quân Hung Nô ?
Đường nói:
- Thần sợ bệ hạ tuy có Liêm Pha, Lý Mục cũng không dùng được.
Nhà vua nổi giận, đứng dậy đi vào cung cấm.
Một hồi lâu sau, nhà vua cho gọi Đường vào trách:
- Tại sao ông lại làm nhục ta trước mặt mọi người, ông không có dịp nào khác nữa à ?
Đường tâu:
- Kẻ hèn mọn này vốn không biết kiêng dè.
Lúc bấy giờ quân Hung Nô mới đem đại quân xâm nhập huyện Chiêu Na, giết đô úy đất Bắc Địa là Ngang. Nhà vua đang lo lắng về giặc Hồ nên cuối cùng lại hỏi Đường:
- Tại sao ông biết ta không thể dùng Liêm Pha, Lý Mục được ?
Đường tâu:
- Thần nghe nói các vua thời thượng cổ khi nào sai tướng thì quỳ xuống đẩy trục bánh xe nói: Việc trong kinh đô thì quả nhân quyết định; việc ở ngoài kinh đô thì tướng quân quyết định . Việc công quân, khen thưởng ban tước, đều do tướng quân quyết định ở ngoài, khi nào về mới tâu lại. Điều đó không phải lời nói suông. Người ông của thần nói Lý Mục khi làm tướng nước Triệu, ở biên giới, thuế ở chợ đều tự tiện dùng để nuôi quân sĩ; việc khen thưởng đều quyết định ở ngoài, trong triều không cản trở. Nhà vua chỉ giao việc chính cốt sao làm tròn trách nhiệm, cho nên Lý Mục mới có thể trổ hết tài năng, trí tuệ của mình chọn một nghìn ba trăm cỗ xe, một vạn ba nghìn quân kỵ bắn tên, mười vạn dũng sĩ . Vì vậy cho nên phía Bắc đánh đuổi được Thiền Vu, phá được Đông Hồ, diệt được Đan Lãm ; phía Tây chống lại nước Tần mạnh, phía Nam giúp đỡ nước Hàn, nước Ngụy. Trong thời bấy giờ, nước Triệu gần như xưng bá. Sau đó, gặp lúc vua Triệu là Thiên lên ngôi, người mẹ là con hát. Thiên nghe lời Quách Khai gièm pha, cuối cùng giết Lý Mục. Sai Nhạn Tụ thay thế. Vì vậy cho nên binh bị phá tan, quân sĩ bỏ chạy, vua nước Triệu bị nước Tần bắt và nước bị tiêu diệt. Nay thần trộm nghe Ngụy Thượng làm thái thú ở Vân Trung, tất cả thuế chợ đều dùng để đãi tân khách, thuộc hạ và tướng sĩ, cho nên quân Hung Nô tránh xa không đến gần biên giới Vân Trung. Quân địch có một lần vào, Thượng đem xe và quân kỵ đánh, giết rất nhiều địch. Sĩ tốt đều là con em của dân, dời bỏ việc cày cấy ra làm lính, làm sao biết được giấy tờ sổ sách ! Suốt ngày họ ra sức chiến đấu chém đầu hoặc bắt sống quân địch. Nhưng khi báo công lên cho quân doanh hễ nói một lời không hợp thì bọn quan văn lại lấy luật pháp bắt bẻ nên không được thưởng. Còn bọn quan văn dùng phép tắc bắt bẻ người ta thì lại được tin dùng. Thần ngu dốt cho rằng luật pháp của bệ hạ quá sáng suốt, thưởng quá nhẹ, phạt quá nặng. Vả chăng, sở dĩ thái thú Vân Trung Ngụy Thượng phạm tội là vì số thủ cấp báo công lên so với sự thực thiếu sáu cái . Bệ hạ giao ông ta cho quan lại xét, truất quan tước bắt ông ta chịu khổ dịch một năm. Cứ thế mà xét thì bệ hạ tuy có Liêm Pha, Lý Mục cũng không dùng được. Thần quả thật là ngu, xúc phạm đến điều phải kiêng phải tránh, tội đáng chết, tội đáng chết !
Văn Đế vui lòng. Hôm ấy sai Phùng Đường cầm cờ tiết tha Ngụy Thượng, lại cho làm quan thú Vân Trung. Nhà vua lại cho Đường làm xa kỵ đô úy coi các trung úy và quân lính đánh bằng xe ở các nơi.
Đó là thời cổ, còn bản thân em đã có trải nghiệm thực tế. 1 vị chủ tịch muốn cải tổ doanh nghiệp của mình do nhận thấy nó đã quá rệu rạo, lợi ích nhóm rất nhiều và nặng về kéo bè kết cách. Chủ tịch nhận định muốn cải tổ phải có những con người mới, tư duy mới, và chủ tịch bỏ công đi tìm. Sau 1 thời gian, chủ tịch tập hợp được 1 đội hình khá đẹp, gồm 2 vị lãnh đạo ở đơn vị khác và hơn chục nhân viên được các mối quan hệ của chủ tịch đánh giá là năng lực cực tốt. Sau những lời hứa hẹn của chủ tịch, nhóm nhân viên mới ấy hừng hực khí thế bắt tay vào việc, với mong muốn đền đáp niềm tin của chủ tịch và những lời hứa mà chủ tịch đã đưa ra. Nhưng chỉ sau vài tháng, đội hình rất đẹp đó tan rã dần. Người nhiệt tình nhất, khí thế nhất là anh phó tổng mới nhận chức đã ra đi đầu tiên, sau đến các nhân viên trực tiếp. Vấn đề ở đây ko phải là con người, mà là cách dùng. Chỉ 1 thời gian ngắn ở đây, đội hình tưởng là trong mơ ấy đã nhận ra họ ko có đất dụng võ, người mong muốn cải tổ doanh nghiệp nhất là chủ tịch lại ko thể tiếp thu được những ý tưởng đội hình ấy đưa ra. Sau cùng, phần lớn đội hình đó theo chân anh phó tổng sang đơn vị mới, nơi họ thấy được mình có thể phát huy.