Không có lửa làm sao có khói nhỉ?
Chính trị - Xã hội / Bình luận
Thắng kiện nhà thầu Trung Quốc và những kỳ vọng khác
(Bình luận) - Phán quyết mới đây của TAND TP Hà Nội còn mở ra cơ hội đòi lại công bằng cho những dự án ‘mắc bẫy’ nhà thầu Trung Quốc.
Hành trình 5 năm theo đuổi vụ kiện nhà thầu Trung Quốc của Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Công ty VSH), chủ đầu tư dự án Thuỷ điện Thượng Kon Tum cuối cùng đã chấm dứt. Phán quyết của Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã hủy bỏ toàn bộ phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam buộc công ty phải bồi thường 2.163 tỷ đồng cho tổ hợp nhà thầu gồm Viện Thiết kế Hoa Đông thuộc Tập đoàn Thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt số 18 Trung Quốc. Nhìn một cách rất khách quan, đây là một phán quyết công bằng.
Rắc rối giữa VSH với nhóm nhà thầu Trung Quốc đến từ một chuyện muôn năm cũ. Nhóm các nhà thầu nói trên trúng thầu gói thầu tuyến năng lượng và nhà máy của Thủy điện Thượng Kon Tum. Mức giá trúng thầu thời điểm đó được đánh giá là ‘thấp kỷ lục’.
|
Trong những trái đắng liên quan tới nhà thầu Trung Quốc, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là một ví dụ điển hình |
Mức giá bỏ thầu của đơn vị này với tổng giá trị xây lắp chỉ là 1.137 tỷ đồng và 25 triệu USD, tương đương giá quy đổi là 1.614,7 tỷ đồng, bằng 44,7% so với giá dự thầu của nhà thầu xếp thứ 2. Thế nhưng, vốn đầu tư bị đội lên liên tục, còn tiến độ dự án không được đảm bảo.
Dù chủ đầu tư nhắc nhở nhưng nhà thầu Trung Quốc không tập trung khắc phục, lại đòi thêm khoảng 800 tỷ đồng để bổ sung chi phí do ảnh hưởng cấp điện, chi phí rò rỉ nước ngầm, ảnh hưởng đường vào công trường, tăng phí trượt giá... Khi không được chấp nhận, giữa năm 2014, nhà thầu Trung Quốc đột ngột rút công nhân và máy móc về nước.
Cùng năm, phía nhà thầu Trung Quốc kiện VSH lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và tháng 4/2019 được VIAC tuyên thắng kiện, buộc VSH phải thanh toán và bồi thường 2.163 tỷ đồng.
Quả thật, VSH đã phải gánh một nỗi oan… Thị Kính. Thiện chí của doanh nghiệp Việt đã bị đáp lại bằng hành xử phi lý từ nhóm nhà thầu Trung Quốc. Lựa chọn Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam vẫn được cho là ‘cái bẫy’ của các nhà thầu ngoại, có lẽ vì với các quy định của đơn vị giải quyết tranh chấp này, phía doanh nghiệp Việt Nam dễ yếu thế hơn.
Mặt khác, ưu tiên hòa giải các tranh chấp thương mại của Trung tâm Trọng tài Quốc tế đặt ra khả năng, chính phía nhà thầu Trung Quốc cũng muốn vấn đề được giải quyết theo phương thức hòa giải. Điều này đồng nghĩa VSH sẽ ngồi lại thương lượng, và khi phần mưu toan đang nằm ở phía nhà thầu Trung Quốc, sự thương lượng ở mức độ nào cũng là có lợi.
Tiếc cho họ, VSH đã có lựa chọn chưa có tiền lệ. Doanh nghiệp này cũng đã khởi kiện nhóm nhà thầu Trung Quốc lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và Đơn yêu cầu hủy phán quyết vụ kiện gửi TAND TP Hà Nội. Không những không phải bồi thường hơn 2000 tỷ đồng, vụ kiện của VSH đã mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam khả năng đấu lại bằng pháp lý, đàng hoàng và minh bạch khi phát sinh tranh chấp với nhà thầu nước ngoài, mà thường gặp hơn có thể sẽ là nhà thầu Trung Quốc.
Tất nhiên, cũng có nhiều điểm đáng lưu ý. Trong 5 năm xảy ra tranh chấp hợp đồng giữa VSH và nhóm nhà thầu Trung Quốc, có nhiều lúc, bất lợi nằm ở phía doanh nghiệp Việt Nam. Theo nhận xét của những người theo dõi vụ việc, trong khi nhà thầu Trung Quốc có chiến lược khởi kiện bài bản, thì VSH tỏ ra khá lúng túng. Tại thời điểm này, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang là cổ đông lớn tại Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh.
Bước ngoặt xuất hiện khi SCIC thoái hết vốn tại VSH vào năm 2016 cho một doanh nghiệp tư nhân. Trong các năm tiếp theo, doanh nghiệp tư nhân này tiếp tục mua vào cổ phần của VSH từ tay các cổ đông thoái vốn do ảnh hưởng của vụ kiện với nhà thầu Trung Quốc. Trong ba năm đeo đuổi vụ kiện, doanh nghiệp tư nhân nói trên đã tìm ra được các chứng cứ mới để lập luận nhà thầu này đã có những vi phạm pháp luật khi đầu tư tại Việt Nam.
Cũng rất đáng lưu ý, công ty tư vấn luật đã đồng hành trong vụ thắng kiện này là một doanh nghiệp Việt Nam. Đơn vị này tham gia sau khi nhiều công ty tư vấn luật quốc tế đã không thể hiện được năng lực, lại còn khiến VSH phải chi một khoản thù lao tốn kém. Một lần nữa phải khẳng định, trí tuệ người Việt đã giúp doanh nghiệp nội địa không phải chịu thiệt thòi.
Nhiều người đã nghĩ đến một viễn cảnh sáng sủa hơn. Tiền lệ thắng nhà thầu Trung Quốc trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng có thể mở ra khả năng doanh nghiệp Việt chủ động trong các trường hợp tương tự. Những cái tên được kỳ vọng đầu tiên có lẽ là dự án Cát Linh – Hà Đông và các dự án ngàn tỷ thua lỗ ngành Công thương. Còn nhớ, một vị lãnh đạo cấp cao đã từng đặt ra khả năng, nếu hết năm 2019 mà không đàm phán xong các vướng mắc về hợp đồng EPC thì có thể đồng ý theo đề nghị của từng đơn vị chuyển qua cơ chế tòa hay trọng tài quốc tế phán xử.
Tất nhiên, nếu theo lựa chọn này, bài học của VSH chỉ có thể mang tính chất tham khảo. Trước hết, mỗi đơn vị phải tự rà soát lại các cam kết, các điều khoản giải quyết tranh chấp được thể hiện trong hợp đồng. Khâu hợp đồng bị đánh giá là khâu yếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam khi hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc. Những cái bẫy gài trong hợp đồng, nếu không được nhận diện từ đầu, sẽ là đá tảng cản trở chúng ta giành được ưu thế khi giải quyết tranh chấp bằng pháp luật.
Con đường tắt có thể là việc tìm và chỉ ra được những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của nhà thầu Trung Quốc. Nghĩa là, nếu có những khuất tất trong quá trình lựa chọn nhà thầu, những điều bí ẩn trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là khi ứng xử với tình trạng chây ì, chậm tiến độ, đội vốn… của các dự án do nhà thầu Trung Quốc thi công, đó sẽ là bằng chứng bảo vệ cho phía Việt Nam. Liệu chúng ta có thể truy xét, tìm ra những điều đang bị giấu kín nói trên hay không? Câu trả lời là có, kể cả trong trường hợp nhà thầu có biểu hiện không muốn bàn giao hồ sơ giấy tờ như dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Vậy thì, chúng ta sẽ phải lường trước những hệ lụy nào? Chiếu vào quyết tâm dẹp trừ tham nhũng, sẽ chỉ nhìn thấy toàn… cái được. Sự liên quan, nếu có, của một vài cán bộ biến chất sẽ không thể làm sai lệch bản chất rằng đã có những hành vi trái pháp luật về đầu tư ở Việt Nam. Những hành vi như vậy sẽ bị nghiêm trị, ở bất cứ tòa án nào, tòa trọng tài quốc tế hay tòa truyền thống. Quan trọng hơn cả, nếu sai phạm bị xử nghiêm, sai phạm mới sẽ không có cơ hội manh nha, len lỏi vào các dự án đầu tư trong tương lai.
Khánh Nguyên