Nga hở sườn nguy hiểm khi di chuyển Iskander
(Bình luận quân sự)- Trước thông tin Nga di chuyển tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander đến phía Tây, giáp biên giới với châu Âu đã khiến nhiều nước bày tỏ quan ngại, song chính người Nga lại lo sợ họ đã “hở sườn” trong trường hợp này.
Người Nga úp mở
Những ngày qua, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin Nga thừa nhận đã triển khai tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander ở tỉnh Kaliningrad. Đây là nơi có ý nghĩa chiến lược khi nằm ngay “trong lòng” các nước EU ở phía Đông, gồm Ba Lan, Latvia, Litva và Estonia.
Một khi được đưa tới đây, Iskander phiên bản cải tiến (Iskander-M) của Nga có khả năng vươn tới Đức và vô hiệu hóa hầu hết các thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ ở châu Âu. Tuy nhiên, thông tin này không hoàn toàn chính xác.
Tên lửa chiến thuật Iskander của Nga
Trên thực tế, ngày 16/12, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận nước này đã triển khai nhiều tổ hợp Iskander ở Quân khu phía Tây nước này. Quân khu này bao gồm cả tỉnh Kaliningrad. Xin nhấn mạnh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov khi trả lời báo giới không chỉ đích danh liệu Iskander có được đưa tới Kaliningrad hay không.
Ông Igor Konashenkov chỉ nói rằng Nga đã điều động tên lửa Iskander tới Quân khu phía Tây nhằm phản ứng lại chương trình NMD ở châu Âu do Mỹ triển khai và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2015.
Người phát ngôn này cũng không cho biết cụ thể bao nhiêu tổ hợp Iskander đã được triển khai dù khẳng định các địa điểm triển khai loại tên lửa này không vi phạm các thỏa thuận và hiệp ước quốc tế. Số tên lửa này được trang bị cho lực lượng bộ đội tên lửa và pháo binh của Quân khu phía Tây.
Iskander ở đâu ra?
Thông báo chính thức của Bộ Quốc phòng Nga được đưa ra sau khi tờ báo Bild của Đức ngày 14/12 đưa tin Nga đã bố trí khoảng 10 tổ hợp tên lửa Iskander tại tỉnh Kaliningrad trong 12 tháng qua.
Theo báo này, tên lửa đạn đạo Iskander phiên bản mới nhất của Nga có thể mang theo cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân với khả năng tiêu diệt nhiều loại mục tiêu từ khoảng cách tối đa 500 km.
Theo các nguồn tin tình báo quân sự phương Tây, hầu hết các tổ hợp Iskander của Nga trước đây đều được bố trí tại khu vực Siberia và Bắc Caucasus, nơi hiện vẫn đang có nhiều bất ổn do phong trào ly khai. Tuy là một trong những loại tên lửa chiến thuật mạnh và có sức răn đe lớn, song Iskander hiện vẫn chưa thể đưa vào trang bị một cách đại trà do hạn chế về tài chính.
Tầm bắn của tên lửa Iskander khi được bố trí tại tỉnh Kaliningrad
Mạng tin tình báo Startfor của Mỹ ước tính phải tới năm 2015, Nga với sản xuất và đưa vào sử dụng được tổng số 60 tổ hợp Iskander. Theo đánh giá, số tên lửa này là không đủ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với phương Tây.
Với số lượng còn hạn chế, Iskander thực chất chỉ gây ra những tác động về mặt tâm lý đối với công chúng, đặc biệt ở những quốc gia như Ba Lan (nước chấp nhận triển khai thành tố NMD của Mỹ).
Chuyên gia quân sự Pavel Felgenhauer có chung nhận định này khi cho rằng những gì Nga đang làm là thực hiện một chiến dịch tuyên truyền nhằm tác động khiến người Ba Lan chống lại việc Mỹ triển khai tên lửa ở đây. Hồi năm 2011, Nga đã làm được điều tương tự đối với CH Czech khi nước này tuyên bố rút khỏi chương trình phòng thủ tên lửa của NATO do lo ngại đòn tấn công từ Nga.
Bỏ trứng vào một giỏ
Thông tin từ báo chí cũng như sự xác nhận từ Nga về Iskander (tuy không rõ ràng) đã ngay lập tức có tác dụng (về tâm lý). Ba lan, Latvia, Litva và Estonia ngay trong ngày 16/12 đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về hành động của Nga, đồng thời tuyên bố sẽ tham vấn các đối tác trong NATO và EU. Estonia, Litva và Latvia (3 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ song đã bị châu Âu và NATO lôi kéo) gọi thông tin này là "đáng báo động", trong khi Bộ Ngoại giao Ba Lan coi việc Nga di chuyển tên lửa là sự “gây rối”.
Bộ trưởng Quốc phòng Latvia được hãng tin Baltic News Service dẫn lời nói: "Rõ ràng đây là một thông tin đáng báo động vì nó là một trong những chủ đề gây tranh cãi đang làm thay đổi sự cân bằng sức mạnh trong khu vực". Ông này nói thêm rằng "một số thành phố thuộc Baltic" bị đe dọa bởi động thái của Nga.
Iskander-M có tầm bắn 500 km
Động thái của Nga cũng lập tức nhận được sự phản hồi từ Mỹ. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marrie Harf nói: "Chúng tôi đã thúc giục Nga không nên tiến hành các hành động gây bất ổn trong khu vực", và cho biết thêm rằng Mỹ cũng đã thông báo cho Moscow về mối quan ngại của các nước láng giềng của Nga.
Tuy nhiên, Nga tiếp tục trò chơi với các đối thủ phương Tây khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Moscow có quyền triển khai các tên lửa ở bất cứ đâu trong lãnh thổ của mình.
Ông Shoigu nói: "Gần đây, dư luận xôn xao rằng chúng tôi đã đặt Iskander ở một nơi mà đáng ra không nên bố trí. Trên lãnh thổ của Nga, nơi nào chúng tôi muốn thì chúng tôi sẽ bố trí ở đó".
Như để thêm phần “uy lực” cho tên lửa và hành động của Nga, hãng thông tấn nhà nước ITAR-TASS của Nga đã đưa ra đánh giá "Iskander là loại vũ khí có thể gây ảnh hưởng tới tình hình quân sự và chính trị ở các khu vực nhất định trên thế giới".
Tuy nhiên, nhà phân tích Alexander Konovalov thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Moscow của Nga lại có quan điểm khác. Ông cho rằng quyết định triển khai tên lửa Iskander tới gần biên giới EU có thể khiến Nga để hở các khu vực nguy hiểm hơn như ở sườn phía Đông và phía Nam nước này.
Ông Konovalov nói: "Nếu họ chuyển toàn bộ tên lửa Iskander tới phía Tây thì sẽ không còn đủ (tên lửa) để bảo vệ biên giới phía Đông và phía Nam, nơi cũng thực sự cần các tên lửa này".
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo ngày 19/12
Rõ ràng, phát biểu của một chuyên gia Nga cho thấy nhận định về việc Nga vẫn còn hạn chế về số lượng Iskander là hoàn toàn có căn cứ.
Tuy nhiên, người Nga cũng thừa hiểu phải làm gì để phân chia số tên lửa ít ỏi, song có khả năng răn đe cực lớn này. Quân đội Nga không thể dồn tất cả “trứng” vào một “giỏ” như nhận định của chuyên gia Konovalov được.
Tiếp tục làm “loãng” thông tin về Iskander, trong cuộc họp báo cuối cùng trong năm 2013 với sự tham dự của khoảng 1.300 nhà báo trong và ngoài nước ngày 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này chưa triển khai tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân Iskander tại Kaliningrad để đáp trả việc Mỹ đang xây dựng lá chắn tên lửa tại châu Âu với sự giúp đỡ các nước NATO.
Tuy nhiên, ông Putin nói rằng Nga từ lâu đã cân nhắc phương án này.