Trần Kim Tuyến - Phạm Xuân Ẩn chiều 29-4-1975
Chiều ngày 29-4-1975, bác sĩ Trần Kim Tuyến, Phạm Xuân Ẩn, Cao Dao, Già Vượng và anh Thái Lăng Nghiêm còn đang ngồi ngất ngưởng trong nhà hàng Continental.
Chính phủ Mỹ đã từng giúp bác sĩ Tuyến thành lập nên cả hệ thống mât vụ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Trong ngày cuối cùng bác sĩ Tuyến vẫn còn ở lại để cố gắng điều đình với các chức sắc cao cấp lãnh đạo Phật giáo để thành lập một chính phủ mới 3 thành phần. Vì thế mà bác sĩ Tuyến đã để lỡ mất hai chuyến bay do CIA thu xếp dành cho ông và gia đình.
Về sau nhờ có bạn bè thân thiết trong sứ quán Anh, nên bà bác sĩ Tuyến và các con đã được toà đại sứ Anh bốc đi trước.
Còn bác sĩ Tuyến vẫn kiên trì ở lại hoạt động, cho đến giây phút cuối cùng, mọi đường bay ra nước ngoài đã chấm dứt.
Trần Kim Tuyến đã kể lại cho nhà báo Đặng Văn Nhâm chuyến ra đi hãn hữu của ông.
“Cậu biết không, chiều hôm đó mình thất vọng vô cùng, thả ra Continental thì tình cờ gặp Cao Dao, Già Vượng, Thái Lăng Nghiêm và Phạm Xuân Ẩn cũng đang ngồi đó. Chợt thấy mình vào, Phạm Xuân Ẩn đã lộ vẻ lo lắng ra mặt, la lên:
- Chết chưa, giờ này mà anh còn ở đây sao? Anh phải tìm mọi cách ra đi ngay mới được. Không thì nguy cho anh lắm đó!
Mình chỉ lắc đầu, tỏ ý bất lực, chẳng biết làm gì hơn. Mọi thu xếp đều đã hỏng cả rồi. Trong khi đó thì Cao Dao và Thái Lăng Nghiêm tỏ vẻ rất bình tĩnh và cũng khuyên mình chẳng cần phải lo ngại gì. Riêng Thái Lăng Nghiêm, như cậu đã biết đó, vốn là một đảng viên hàng đầu của Duy Dân, đồng chí thân cận của Lý Đông A, cũng khuyên mình hãy yên tâm ở lại, bây giờ chẳng có gì phải lo ngại như xưa. Anh Thái Lăng Nghiêm còn cho biết là chính anh cũng sẽ ở lại.
Nhưng Phạm Xuân Ẩn vẫn lo lắng, kêu mình phải tìm mọi cách đi gấp, không thể nào ở lại được. Ẩn cho biết hiện đang ở trong phòng của khách sạn Continental, để tránh tình trạng hỗn loạn và sự bất trắc có thể xảy ra. Ẩn còn giúp mình liên lạc vào toà đại sứ Mỹ yêu cầu giúp đỡ phương tiện cho mình ra đi. Toà đại sứ Mỹ trả lời cho biết rất muốn giúp mình ra đi, nhưng hiện thời chung quanh toà đại sứ đã đông nghẹt người, không có cách nào ra đón được. Chỉ còn một cách duy nhất, tốt hơn hết, là mình tìm cách vào được toà đại sứ thì nơi đó sẽ giúp mình di tản.
Mình thầm nghĩ, mình bé nhỏ người thế này bây giờ làm sao có thể gạt được rừng người chung quanh toà đại sứ Mỹ mà vào? Thôi đành chịu vậy!
Thấy thế Phạm Xuân Ẩn càng lo lắng bối rối hơn. Hắn nói riêng với mình:
- Nếu anh không đi được thì ngay chiều nay anh không nên về nhà nữa. Anh phải ra đây mà ngủ với tôi cho được yên ổn. Rồi tôi sẽ tìm mọi cách đưa anh xuống miền Tây trú ẩn tạm dưới đó. Bằng mọi giá anh không thể nào về nhà được nữa!
Trong khi đang cơn bối rối đó, thình lình Phạm Xuân Ẩn được cú điện thoại từ trong toà đại sứ gọi ra. Đó là cú điện thoại của ký giả Southerland của tờ
Christian Monitor, cho Ẩn biết, hiện còn một chuyến trực thăng chót của toà đại sứ sẽ đến đón người di tản vào khoảng 6 giờ, trên lầu 7 của một cao ốc kế bên trụ sở Văn hoá Pháp (Alliance Française), nằm trên đường Lê Thánh Tôn, sau trường Taberd, Sài Gòn.
(Chú thích của ngao5: đây là Trụ sở CIA , số nhà 22 đường Gia Long, cách Đại sứ quán Mỹ chừng 700 mét)
Nhìn đồng hồ, lúc bấy giờ đã gần 6 giờ rồi, Phạm Xuân Ẩn vội vã lôi mình chạy ra chiếc xe “deux chevaux”, hiệu Citroen cũ xì của hắn. Hắn hấp tấp phóng thẳng vào cổng trụ sở. Lúc ấy, người lính Nùng gác cổng cũng đang kéo tấm cửa sắt xuống đến lưng chừng rồi. Phạm Xuân Ẩn cuống quít la to lên: “Có lệnh ông đại sứ! Có lệnh ông đại sứ!”, đồng thời cứ phóng xe bừa vào, khiến người lính Nùng không khỏi ngạc nhiên, khựng lại, dù chẳng hiểu ất giáp gì cả.
Khi đó Phạm Xuân Ẩn vội mở cửa xe, đẩy mình xuống, xua tay cho mình chạy vào, trong khi miệng hắn vẫn la không ngớt: “Có lệnh ông đại sứ! Có lệnh ông đại sứ!”
Lúc ấy mình biết đã thoát được rồi, vội phóng lên cầu thang, để lên lầu 7. Cậu biết, mình nhỏ con yếu đuối thế này bò lên được lầu 7 cũng là cả một vấn đề, chứ tưởng chơi sao? Lên đến nơi thì thấy trước mặt đã có một số đông người đang chờ đợi. Trong đám đông ấy mình nhận ra có cả gia đình ông tướng Trần Văn Đôn, cũng vừa lên tới tức thì…
Thế mà sau này, nghe đâu ông Đôn đã tuyên bố với báo chí Pháp, rằng chính ông ta đã cứu mình thoát khỏi Sài Gòn, và cho mình cùng đi chung chuyến trực thăng với ổng. Thực là láo toét!
- Anh nghĩ thế nào và tại sao Phạm Xuân Ẩn đã cố gắng giúp anh thoát khỏi Sài Gòn?
- Mình cũng không biết nữa. Nhưng chắc chắn là Ẩn rất có cảm tình với mình. Ngoài ra, có lẽ vì là một điệp viên cao cấp của cộng sản, nên Ẩn đã biết trước được hoàn cảnh vô cùng bất lợi cho mình, nếu mình bị kẹt lại. Bởi vậy, Ẩn đã khuyên mình ngay hôm đó không nên trở về nhà nữa. Hơn thế, Ẩn còn dự tính sẽ đưa mình xuống miền Tây, cải dạng và lẩn trốn dưới đó ít lâu, để tìm đường trốn ra ngoại quốc!
Một trong số những chuyến đón người di tản trên nóc Trụ sở CIA , số nhà 22 đường Gia Long, cách Đại sứ quán Mỹ chừng 700 mét)
Vạch đen thẳng đứng giữa hình là bóng cột ăng-ten từ căn nhà trệt dưới đất vút lên trời