Người Mỹ và kế hoạch diệt trừ Nguyễn Khánh
Ngày đại tá Thảo ấn định để “rửa tội” cho Nguyễn Khánh là ngày 19-2-1965 và đã thông báo cho Mỹ biết trước, để có sự phối hợp nhịp nhàng.
Nhưng mấy hôm trước đó Nguyễn Khánh lại đi công tác ở miền Trung.
Theo lịch trình, đến ngày 18-2 Nguyễn Khánh tới Quy Nhơn, rồi sau đó còn đi thêm mấy tỉnh khác nữa.
Nhưng chẳng lẽ để con mồi xổng bẫy nữa?
Anh em trong bộ tham mưu đảo chính lo lắng theo dõi hành tung của Nguyễn Khánh từng giờ.
Cuối cùng, gần đến ngày hành sự mà tin tức cho biết tướng Khánh hãy còn lêu bêu ở ngoài Trung, chưa biết hôm nào mới trở lại Sài gòn
Một thành viên trong nhóm đảo chính đề nghị phải vận dụng ngay “bộ phận trợ lực” để lùa “con mồi” vào bẫy sập, kẻo hỏng hết chương trình đã phác hoạ.
Đại tá Thảo lãnh trách nhiệm này và phải thi hành gấp.
Thế là nội trong ngày người Mỹ liền tìm cớ mời Nguyễn Khánh phải lập tức về Sài gòn để họp bàn về chương trình “Ấp tân sinh”.
Để cho chắc ăn, Mỹ còn nhấn mạnh cho tướng Khánh biết rằng lần này, ngoài những nhân vật cao cấp Mỹ ở Việt Nam, còn có thêm thủ tướng Phan Huy Quát sẽ đích thân đến tham dự lần đầu tiên.
Vì thế Nguyễn Khánh đã không thể nào vắng mặt được.
Khánh về Sài gòn, và sáng ngày 19-2-1965, đi dự hội nghị từ 10 giờ đến 12 giờ trưa. Tan họp, Nguyễn Khánh về nhà riêng trong Tổng tham mưu ăn cơm với vợ và con gái.
Nhiệm vụ của Mỹ lùa con mồi Nguyễn Khánh vào bẫy, đến đây kể như đã hoàn tất.
Sau đó là công tác của tay thợ săn Phạm Ngọc Thảo.
Đúng thời điểm chính yếu ấy đại tá Phạm Ngọc Thảo đã ra tay, không chậm một giây phút nào, không để sót một kẽ hở nhỏ bé nào trong kế hoạch, ngoại trừ cái lỗ chó chui của cái hàng rào kẽm gai mỏng manh ngăn chia khu vực giữa bộ tư lệnh Không quân và đường băng!
Có ai bao giờ nghĩ được rằng “cái lỗ chó chui” nhỏ bé tầm thường dưới một chân rào đã có thể cứu nguy sinh mạng cho một ông đại tướng đang cầm quyền nguyên soái thống lãnh hàng triệu quân của một quốc gia không?
Nên nhớ, trong thời gian kháng chiến chống Pháp, đại tá Phạm Ngọc Thảo đã lừng danh là “anh hùng công kiên”, chuyên môn đánh hạ đồn bót của Tây.
Một khi đã nhắm đánh hạ một cái đồn nào, dù cho phòng ngự kiên cố đến đâu, cái đồn ấy cũng không sao thoát khỏi bàn tay của Phạm Ngọc Thảo.
Bởi vì mỗi khi tiến đánh đồn, Thảo đã khổ công đích thân điều nghiên kỹ lưỡng cái đồn ấy từ vị trí, cách bố phòng ngoại vi, cách bố trí nội bộ, nơi nào là kho súng, nơi nào là nơi ăn, ngủ của binh sĩ. Thảo lại còn điều nghiên tỉ mỉ cả thói quen hằng ngày của viên trưởng đồn, các sĩ quan phụ tá, thậm chí Thảo cũng không quên tìm hiểu giờ giấc canh gác của các toán lính ứng trực v.v… Nhiều lần, vì nhu cầu đòi hỏi, đích thân Thảo đã phải cải trang để len lỏi vào tận trong đồn để “chụp hình” bằng mắt và trí nhớ tất cả đường đi, nước bước, các ngõ ngách, các ổ kháng cự có đại liên… trong đồn.