Không có bữa ăn nào miễn phí - Alan Phan
Người Mỹ có câu, trong một sòng bài phé (poker) bịp bợm luôn có một nạn nhân. Nếu bạn không biết ai là nạn nhân, thì người đó chính là bạn.
Chuyện ngày xưa kể rằng có một vị vua Hi Lạp được tiếng là thông minh đức độ cai quản một xứ sở thanh bình an khang. Ông có một thư viện thu thập cả chục ngàn cuốn sách suốt lịch sử văn minh loài người và có ước muốn là chia sẻ những kiến thức khôn ngoan này cho trăm họ.
Ông triệu 500 nhà thông thái nhất của quốc gia và yêu cầu họ cùng nhau ngồi xuống tóm lược mọi “tinh túy văn hóa” nhất của nhân loại vào một vài lời dễ hiểu (thay vì một thư viện sách) để mọi người dân cùng thấm thía đạo của trời và của người. Sau hơn một tháng, 500 nhà thông thái đưa lên một văn bản 5 trang là công trình tóm lược. Vị vua thấy vẫn còn quá phức tạp, dân thường không ai có thể thấm nhuần được tư tưởng kiểu này. Sau đó là một tóm lược còn 3 trang, rồi 1 trang rồi 1 phân đoạn. Nhưng vị vua vẫn không vừa ý. Cuối cùng ông cười hả hê khi vị đại diện trao cho ông cái túi khôn ngoan của nhân loại trong một câu văn độc nhất, “Không có bữa ăn nào miễn phí cả” (there is no free meal).
Đây là một thực tế hiển nhiên mà con người thời đồ đá cách đây 10 ngàn năm hiểu rất rõ. Ngày nào mà không săn được con mồi nào đem về hang động, là ngày đó gia đình phải đói. Rồi loài người tiến hóa thành cộng đồng văn minh hơn, tổ chức những xã hội có tầng lớp và phân chia công tác theo khả năng của từng người. Xã hội mới đẻ ra một tầng lớp lãnh đạo có đầu óc và tham vọng.
Từ đế chế Trung Quốc đến Ai cập và sau đó La Mã, Anh, Mỹ… giới quý tộc và chính trị gia giàu có luôn luôn bận rộn suy nghĩ tìm những thủ thuật và phù phép để có “những bữa ăn miễn phí” dâng lên từ tầng lớp nghèo hèn. Nếu nhìn vào cốt lõi, đây là một hình thái “ăn cắp”, nhưng được che đậy bằng những mỹ từ cao đẹp và văn hoa, giống như một bộ quần áo thời trang đắt tiền của Louis Vuitton sẽ che đậy những mục nát của thân thể béo phì, làm mờ mắt người qua lại.
Xã hội ngày nay dù có tiến bộ cũng không dễ gạt bỏ nổi lòng tham “ăn free” vốn đã mọc rễ trong lòng người 10 ngàn năm qua. Chuyện kiếm tiền, càng nhanh càng nhiều càng tốt, là một đề tài thời thượng, hấp dẫn và lan tràn khắp mọi mạng truyền thông từ tin thời sự trên báo đến những câu chuyện ở quán cà phê, những bài giảng trong lớp học.
Trong dư luận, không thiếu những chuyện thích bắt chước lẫn nhau không đóng góp một công sức gì cho xã hội nhưng tìm đủ mọi cách để bòn rút ăn cắp. Hiện tượng phổ biến đến nỗi không ai còn cảm giác ngạc nhiên hay phẫn nộ khi bị lộ diện.
Năm 2008, các chính phủ Âu Mỹ (và sau đó toàn thế giới) phát động chương trình kích cầu chống suy thoái, nhưng thực sự đây chỉ là một hình thức ăn cắp tiền của dân để cứu các ngân hàng và các nhà đầu tư lớn, có thế lực chính trị. Khi khó lấy tiền thuế trực tiếp của dân, các chính phủ đã tìm những mánh khóe ly kỳ hơn… như đi vay bừa bãi để thế hệ sau phải gánh nợ chồng chất, hay in thêm tiền để gây lạm phát (anh có 10 đồng, tôi muốn lấy 2, tôi chỉ việc làm cho tiền mất giá 20% là anh đã bị mất tiền mà không hề hay biết).
Chính phủ Trung Quốc còn hay hơn nữa, họ giữ lãi suất ngân hàng dưới 2% trong suốt 30 năm để lấy tiền tiết kiệm của dân cho các tập đoàn nhà nước vay kinh doanh (thực sự các quan làm ăn theo lối OPM (tiền người khác- other peoples money; nên mất rất nhiều trong các lỗ lãi, thất thoát và nợ xấu mà không ai phải chịu trách nhiệm). Trò phù phép khác là giữ tỷ giá Yuan (nhân dân tệ) thật thấp để được xuất khẩu cao (nhằm lấy thuế, ngoại tệ và tài sản nhờ giá lao động rẻ mạt của nhân công và không cho họ hưởng thành quả đáng lẽ phải đến từ giá trị cao của đồng tiền).
Các tầng lớp tư nhân giàu có thì lợi dụng những khe hở của pháp luật (ở Mỹ) hay lạm dụng mối quan hệ với các quan chức (ở Trung Quốc) để tìm những dự án “ăn free” như trưng dụng đất đai của nông dân nghèo, lấy hỗ trợ tài chính của chính phủ (tiền dân), chia chác các hợp đồng béo bở về xây dựng hạ tầng hay quân sự (không bị giám sát nhiều). Những vụ đầu cơ, làm giá hay lướt sóng trên các thị trường tiêu thụ hay tài chính chỉ là các hình thức thác của thủ thuật ăn cắp.
Trong khi đó, nhóm bị lợi dụng (những con kiến làm việc chăm chỉ, âm thầm đóng góp cho kinh tế) thì hoa mắt với những đánh bóng hư ảo của các “nhân vật” xã hội, chỉ ước ao bắt chước mọi hành vi lố lăng của họ. Hình ảnh được truyền bá khắp nơi, như một trò ru ngủ khiến mọi người quên đi cái túi tiền của mình.
Người Mỹ có câu, “trong một sòng bài “phé” (poker) bịp bợm luôn có một nạn nhân. Nếu bạn không biết ai là nạn nhân, thì người đó chính là bạn”. Ngay cả những sinh viên với một đầu óc tương đối trong sạch, tiến bộ, cũng quan tâm đến chuyện “kiếm tiền” hơn là kiếm kiến thức (năm 2008, một thống kê 3.600 sinh viên năm thứ tư cho thấy 71% sinh viên Mỹ và 84% sinh viên Trung Quốc coi chuyện kiếm tiền sau khi tốt nghiệp là mục tiêu quan trọng nhất).
Người bình dân Việt Nam có câu nói “coi dzậy mà không phải dzậy”. Chỉ tiếc là dù nhiều người cũng cảm thấy bị lừa dối, nhưng việc bận rộn mưu sinh và sự đam mê các màn xiếc và trò giác đấu (thời La Mã) hay các giải bóng đá và những cuộc thi hoa hậu, lễ hội (thời nay)… đã làm phần lớn dân chúng quên đi cái giá sẽ phải trả này.
Chuyện ngày xưa kết thúc bằng sự thất bại của vị vua khi truyền bá học thuyết “không có bữa ăn nào miễn phí”. Người vi phạm luật đầu tiên là bà hoàng hậu rồi sau đó là các hoàng tử, công chúa, và quần thần. Ông vua thất vọng, bỏ đi tu trên núi xa. Có lẽ để nghiền ngẫm lời đức Phật về “tham, sân, si”, ba vấn nạn lớn nhất cho sự giải thoát của tâm hồn.
Còn bây giờ, chúng ta đang sống trong một thời đại mà phần lớn các dân tộc của chủ nghĩa toàn cầu đều chia sẽ quan điểm là… cái gì cũng có thể free cả, cứ việc dùng mọi thủ đoạn để gom góp, và việc duy nhất cần để ý là tránh đừng để bị tố giác. Danh từ thời thượng gọi là “hạ cánh an toàn”.
Tôi vừa coi xong cuốn phim mới nhất, Wall Street 2: Money never sleeps. Vai chính Gordon Gekko có một câu nói thú vị, “Ngày xưa, tham lam là một tật xấu cần thiết để tạo động lực cho kinh tế. Bây giờ, tham lam là một hành xử hợp pháp và hợp thời trang”.