Giới thiệu chung về Oman
* Địa lý & kinh tế
Oman là 1 trong 6 nước thuộc GCC (Gulf Cooperation Council) ở vùng trung đông, 5 đất nước còn lại là: Saudi Arabia, Kuwait, the United Arab Emirates, Qatar, Bahrain, từ Muscat lái xe hết 4 tiếng là tới xứ sở xa xỉ Dubai.
Diện tích đất nước 309. 501km2, dân số tính đến đầu năm 2016 là 4.4 triệu người, bằng có 1 nửa dân Sài Gòn.
Mấy nước Trung Đông này nói về kinh tế thì chắc chắn phải kể đến dầu mỏ. Oman có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 25 trên thế giới. Ở nhà mình, các mỏ dầu đều nằm ngoài khơi thì bên đây chúng nó tập trung hết ở sa mạc. Ngoài ra ngành du lịch mấy năm nay cũng phát triển rất mạnh, chủ yếu khách da trắng, dân Châu Á chỉ thấy người Nhật là chính.
* Ngôn ngữ:
Tiếng Ả Rập là ngôn ngữ chính thức. Do số lượng người nước ngoài làm việc khá lớn tại đây, từ những lao động phổ thông cấp thấp như Bangladesh, Pakistan đến tầng lớp lao động trung bình như Philippines, Ấn Độ hay tầng lớp có học thức như dân da trắng, malaysia, singapore, Trung quốc, Nhật Bản... đều đủ cả nên tiếng anh rất phổ biến tại Oman
* Văn hoá:
Người đứng đầu Oman là vua Sultan Qaboos (77 tuổi) - được xem là người có cống hiến nhiều nhất cho đất nước, biến Oman từ 1 nước rất nghèo đến khá giàu có như bây giờ nên được người dân rất tôn thờ . Ông không lấy vợ cũng như không có con.
Do vị trí địa lý và lịch sử nên 1 đất nước hồi giáo như Oman tuy thuộc khu vực Ả Rập nhưng lại mang 1 nét văn hoá rất riêng, rất đặc trưng, không bị lẫn so với những nước khác.
Nam giới Oman trong trang phục thường ngày lúc nào cũng mặc Dishdasha với màu phổ biến là trắng, điểm nổi bật chính của áo là furakha (kết tua) được đính lên cổ áo, có thể được ngâm dầu thơm. Bên trong Dishdasha, họ hay mặc quần hoặc mảnh vải to quấn lại thành quần rộng. Đầu đội nón kuma, kể cả con nít cũng mặc vậy, trông rất ngộ nghĩnh dễ thương.
Đám cưới của người Oman. Chú rể đứng giữa cầm gậy
Còn những người làm việc cho chính phủ lúc nào cũng phải đội khăn Ghutra lên đầu chứ không dùng kuma đi làm được. Trong những ngày lễ trọng đại như tiệc tùng, đám ma, đám cưới... ngoài đội khăn họ còn dắt theo con dao găm Khanjar bên hông và chống thêm cây gậy Assa. Trang phục này bắt nguồn từ xa xưa, khi người Oman phải đi trong sa mạc, quần áo dài và khăn đội đầu dùng để che nắng, che bụi; gậy để chống đi trong sa mạc, xua đuổi rắn rết, bò cạp, dao phục vụ cho việc phòng vệ và ăn uống. Đây là trang phục đầy đủ nhất và được xem là truyền thống dân tộc.
Phụ nữ hay mặc Abaya màu đen, trùm cả khăn Lihaf hết đầu nhưng để hở mặt
Trong hình phía trên, thằng lớn 29 tuổi là bạn của vợ chồng em, còn thằng nhỏ 3 tuổi là em trai nhỏ nhất của nó.
Dao găm Khanjar có nguồn gốc khoảng năm 1924, tượng trưng cho địa vị và quyền lực của nam giới, được làm bằng bạc hoặc vàng
* Con người
Người dân Oman tính tình rất ôn hoà, cởi mở, dễ chịu. Dù không quen không biết, đi ngoài đường họ vẫn vẫy tay chào và hỏi thăm nhau.
Thậm chí, nhìn thấy mình trong quán trà địa phương, họ sẵn sàng mua trà cho mình uống và nói câu: ly này tao mời mày. Chính vì điều đó mà em tự dưng kết được rất nhiều bạn ở đây.
Hay có 1 câu chuyện em vô tình đọc được từ 1 bạn nữ Việt Nam nào đó du lịch qua Oman, khi đi chợ quên mang theo tiền. Lúc ra tính tiền tìm ví mãi không thấy, người bán hàng báo lên cho sếp. Bạn nữ đó tưởng sẽ gặp rắc rối to, ai dè đâu khi người sếp đến, anh ta chỉ móc bóp ra trả hết số tiền đó và nói 1 câu: Have a nice trip! Bạn nữ này hết sức sốc và chỉ muốn vỡ oà vì lòng tốt của người dân Oman.
Có 1 điểm văn hoá mà lúc mới sang em bỡ ngỡ, không quen, đó là văn hoá Chào hỏi. Khi 2 người gặp nhau họ sẽ đối đáp những câu như là: mày có khoẻ không? Tình hình mày dạo này thế nào, gia đình mày tốt cả chứ.... vân vân và vân vân..., những câu này thường tốn hết 2 phút trước khi nói vào nội dung chính. Hỏi thế này cũng không có vấn đề gì nếu lâu lâu mới gặp nhau 1 lần, nhưng họ vẫn sẽ hỏi như thế mặc dù ngày nào cũng gặp. Điều này nói lên được rằng họ sống rất chậm, mọi người đều ôn hoà, không ai ganh ghét đua chen với ai. Xét về 1 khía cạnh nào đó thì vấn đề này rất tốt
* Tiền tệ
Đồng tiền Oman được gọi là Omani Rial với các mệnh giá 50; 20; 10; 5; 1. Hình vua Sultan Qaboos được in trên tiền giấy
1rial tương đương với 59k vnd. Mệnh giá tờ tiền lớn nhất là 50rials (trên cùng bên trái), tầm 2 triệu 700k vnd. Nên ra đường chỉ cần cầm 1 tờ thôi là đủ đi chợ, mua xe oto cũng chỉ cần cầm vài trăm tờ là xong, chứ không cần cầm cả bao tải như ở nhà mình, dẫn đến tiêu gì đỡ cảm giác xót hơn
. Nhưng tiền mệnh giá to quá nhiều lúc cũng phiền lắm mọi người ạ. Trong túi không còn đồng tiền lẻ nào mà muốn mua chai nước hay cái bánh 10-20k thôi là khóc ra tiếng mán luôn
. Nên mỗi lần có đồng 50rials nào em đều tranh thủ đi siêu thị đưa ra để được lấy tiền thối.
Vì đồng tiền to quá nên người ta có 1 đơn vị tiền tệ nhỏ hơn gọi là Baisa với 2 loại tiền giấy là 500; 100 baisa (tờ cuối cùng bên phải) và 1 số tiền xu. 10 tờ 100 baisa bằng 1 rial.
* Phụ nữ Oman nói riêng và phụ nữ Ả Rập nói chung
Tại sao lại tách phần này ra riêng mà không để chung với mục "Con Người" ở trên, vì em thấy quá nhiều sự bất công trong cái thế giới Ả Rập này với người phụ nữ. Nhìn thấy họ mới thấy mình may mắn biết bao
- 1 người phụ nữ khi đến tuổi sẽ phải đi lấy chồng, sẽ trở thành công cụ sinh sản. Nghĩa là họ sẽ đẻ từ lúc mới lấy về đến lúc họ không thể nào đẻ được nữa thì thôi. Trung bình 1 người phụ nữ có từ 8-15 người con nên giữa người con đầu và con út hay có sự chênh lệch tuổi rất lớn. Họ không có quyền hành gì trong gia đình cả, mọi thứ đều do người chồng quyết định.
- Như mọi người đã biết, đàn ông hồi giáo được luật pháp cho phép lấy tối đa 4 người vợ, người vợ đầu bắt buộc phải là người Oman, các người sau lấy người nước ngoài cũng được. Theo luật, phải có sự đồng ý của người vợ đầu thì người chồng mới được phép lấy thêm vợ nữa, nhưng nếu họ không đồng ý thì người chồng đòi ly dị cũng như không. Nên cuối cùng họ đành ngậm ngùi chia sẻ người đàn ông của mình với người phụ nữ khác.
- Trong đám cưới hay bất kì 1 cái tiệc tùng nào, nam nữ luôn tách riêng ra 2 nơi. Nghĩa là nếu có con gái thì bố và các anh em trai cô dâu sẽ không được dự đám cưới của con em mình, mà phải đợi đến ngày chú rể đãi tiệc, bố cô dâu sẽ dự đám đó. Và ngược lại nếu có con trai thì mẹ và các chị em gái của chú rể cũng không được dự đám cưới của con em mình mà phải đợi đến đám cưới của cô dâu
- Người chồng Oman rất ích kỉ, đi đâu cũng chỉ muốn đi 1 mình, ngay cả có đi du lịch nước ngoài đi chăng nữa, họ cũng hiếm khi dắt vợ con theo. Ngay cả khi giao tiếp với bạn bè, họ cũng không bao giờ đề cập về vợ con, cứ như sợ bị người khác cướp mất
Để em kể cụ thể 1 câu chuyện cho mọi người có cái nhìn rõ ràng hơn: 1 hôm thằng bạn order hàng từ Amazon ship về Oman. Em thấy nó toàn ship về địa chỉ công ty nó mới hỏi: sao mày không ship về nhà cho mọi người ở nhà nhận cho dễ (vì công ty rất to, từ khu văn phòng này đi ra cổng chính phải đi oto, chứ không đi bộ nổi). Nó mới bảo: vì nhà tao toàn phụ nữ không có đàn ông nên nhận không được ??!! Em nghe thấy mới suy nghĩ trong đầu: ủa vợ mày không phải là người hả. Miễn là người ai nhận chả được, không lẽ kí tên không biết kí, trong khi đó vợ mày tốt nghiệp đại học công nghệ thông tin ra trường . Tao là phụ nữ đây, sao tao vẫn mua đồ online nhận hàng phà phà. Nhưng tất nhiên Thuý nghĩ vậy thôi chứ đâu dám nói nó
Ý em muốn nói ở đây là phụ nữ hồi giáo họ bị cấm đoán rất nhiều thứ, câu chuyện em kể chỉ là 1 trong những rất rất nhiều câu chuyện hằng ngày ở huyện. Nếu có kiếp sau, thì điều em mong muốn nhất là đừng bị đầu thai làm phụ nữ hồi giáo nha. Nói không quá chứ em thấy ở xã hội Ả Rập con vật còn được tự do và hạnh phúc hơn họ nhiều
*Ẩm thực
Dân Ả Rập ăn uống rất đơn giản, thường chỉ 1 bữa chính là cơm cho buổi trưa và cũng chỉ nấu 1-2 món, bữa tối hay ăn bánh mì hay cái gì đó nhẹ nhàng. Thức ăn chủ yếu là cừu, dê, cá, gà, bò ăn với cơm hạt dài khô để dễ bốc.
Họ thường ngồi dưới đất, trải 1 miếng nilong bên dưới, đặt 1 khay vừa cơm vừa thịt bên trên, 4-5 người cùng ngồi quây lại ăn. Rau chủ yếu là hành tây, bắp cải, rau cải sống. Trong hình là nguyên cái đầu dê
Sau khi ăn cơm xong, ngoài trái cây họ còn tráng miệng với các loại bánh ngọt, chà là và cafe. Dân Ả Rập cực kì chuộng đồ ngọt, cafe pha rất loãng với các loại gia vị spices.
Hôm nay tạm thời nói đến đây thôi, nói nhiều sợ mọi người đọc nhiều chữ quá, hoa mắt chóng mặt rồi chán