Cũng không khám phá được hết nếu đi ngắn ngày đâu cụ ợ. Em cũng định đi Pattaya xem Tiffany’s show, rồi floating market nhưng nghĩ lại thôi vì muốn đi hết Bangkok cái đã.Tuy nhiên, khi em rời Bangkok rồi, em mới biết có một nơi mà mình nên đến thăm. Đó là làng Việt nam tại Bangkok. Làng này có từ thời chúa Nguyễn lưu vong ở Xiêm những năm thế kỷ thứ 18. Làng này cách không xa khách sạn Rambuttri em ở.
Địa chỉ của Làng Việt ở Bangkok là: Samsen 13 Alley Bangkok Thailan.
Có 2 bài viết về làng Việt nam tại Bangkok rất thú vị, em copy để các cụ tham khảo.
Làng Việt ở Bangkok
http://citinews.net/the-gioi/lang-viet-o-bangkok-AIUCCJA/
Trong một "tour" du lịch Thailand, chúng tôi đã có dịp đến thăm khu làng của người Việt đã hàng trăm năm, giữa trung tâm thủ đô Bangkok với khu chợ phiên ẩm thực cùng những ngôi nhà cổ kính và một "nhịp sống Việt" ở xứ người.
Từ bến xe trung tâm thủ đô Bangkok, anh Nguyễn Văn Thông, cán bộ Hội người Việt Bangkok đưa chúng tôi đến khu phố Sam Sen 13, người Thái vẫn gọi là "ban Yuon - Sam Sen" có nghĩa là "khu làng của người Việt ở Sam Sen". Phố Sam Sen 13 nằm ngay đại lộ lớn, cạnh phủ Hoàng tử Thailand, cách Tòa nhà chính phủ và Trụ sở Quốc hội không xa. Theo sử cũ, vào cuối thế kỷ XVIII, sau khi Nguyễn Ánh cầu viện Xiêm đưa quân sang đánh Tây Sơn nhưng thất bại, ông cùng các tùy tùng, binh lính của mình phải trở lại lưu vong ở Xiêm trong một thời gian. Tại đây, ông đã củng cố lại quân đội và giúp đỡ vua Xiêm đánh Myanmar, Malaysia. Năm 1787, Nguyễn Ánh trở về nước nhưng rất nhiều thuộc cấp, binh lính của ông không muốn sống trong cảnh chiến tranh, loạn lạc ở quê nhà nên đã xin ở lại và được vua Xiêm (tức vua Taksin dưới Vương triều Thoburi của Thailand) chấp nhận. Những người Việt này đã chọn vùng đất cạnh sông Chao Phraya làm điểm quần cư của mình. Đây cũng là một trong những thế hệ người Việt đầu tiên sinh sống ở Thailand.
Thế kỷ XIX, khi triều đình nhà Nguyễn ban lệnh cấm đạo, sát đạo, đàn áp Thiên chúa giáo, đã có nhiều người Việt theo đạo công giáo đi sang Thailand. Số người Việt này tiếp tục chọn khu vực sông Chao Phraya để sinh sống, làm ăn. Trước sự phát triển ngày càng nhanh chóng của cộng đồng người Việt ở đây, Vua Rama III đã quyết định cho người Việt sinh sống tập trung ở vùng Sam Sen, gần với khu vực của người gốc Kh.mer từ Campuchia để dễ bề quản lí. Làng người Việt là Sam Sen cũng ra đời từ đó.
Những cán bộ của Hội Việt kiều Thủ đô Bangkok đưa chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Liên, năm nay hơn 80 tuổi, người gốc Hương Khê (Hà Tĩnh), sinh ra ở Thailand. Bà là một trong số ít những người có thể nói rõ tiếng Việt ở khu Sam Sen này. Bà Liên cho biết, bố mẹ mình sang Thailand từ hồi còn nhỏ. Năm 1962, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, gia đình bà hồi hương, trở về quê nhưng vì nhiều lí do khác nhau, bà vẫn ở lại Thailand, hiện nay bà có người chú và người em trai ở Việt Nam. Vào tháng 3 hàng năm bà vẫn trở về thăm quê hương. Cũng như nhiều gia đình khác, các con, cháu của bà Liên hiện nói tiếng Việt rất kém, nhưng trong kí ức của bà vẫn im đậm những câu chuyện về quê Việt, về Bác Hồ. Tháng 7/1928, khi Bác Hồ từ Nga về Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động, để tránh sự truy bắt của quân Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ đã đến Thailand và sống trong cộng đồng người Việt trên dòng sông Chao Phraya trước khi trở về vùng Đông Bắc Thailand để hoạt động cách mạng. Hiện nay, rất nhiều gia đình ở khu làng Việt Sam Sen lập bàn thờ, treo ảnh Bác Hồ trong nhà. Mỗi dịp lễ, Tết, ngày sinh nhật Bác, ngày quốc khánh Việt Nam nhiều gia đình lại cùng nhau tổ chức liên hoan, mang cờ đỏ sao vàng ra treo một cách trang trọng. "Đã nhập quốc tịch Thailand cả rồi nhưng chúng tôi vẫn là con Rồng, cháu Tiên, con cháu Bác Hồ. Dù đi đâu, làm gì thì chúng tôi vẫn dặn con cháu không được quên gốc rễ của mình", cụ Liên vừa nhai trầu móm mém vừa tâm sự.
Hiện nay, làng Việt Sam Sen 13 còn khoảng vài trăm hộ gốc Việt. Họ là thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh sống trên đất Thailand, nhập quốc tịch Thailand và họ gọi mình là "người Thailand gốc Việt Nam". Từ ngôi làng nhỏ này, đã có hàng trăm người Việt thành đạt, đi đến lập nghiệp ở các vùng khác nhau của Thailand, nhưng mỗi dịp cuối tuần, họ lại cùng nhau trở về khu Sam Sen để được đi chợ phiên Việt. Khu chợ nằm ngay trên trục đường chính, chỉ họp vào dịp cuối tuần với những mặt hàng đặc trưng của Việt như: giò chả, bánh cuốn, bánh bèo, bánh tráng, bún Huế, hủ tiếu, phở, lòng lợn, bì lợn, ruốc,… Vào dịp Tết cổ truyền, khu chợ này là điểm cung cấp bánh chưng, bánh tét, trà, cà phê, dưa hành cho những người Việt sinh sống ở Thailand. Những cụ già ở Sam Sen cho biết, khu chợ này đã tồn tại hàng trăm năm, do những người Việt lập nên từ lúc mới sang Thailand và đây cũng là nơi còn lưu giữ được nhiều nét truyền thống Việt nhất trong cộng đồng người Việt ở Thủ đô Bangkok.
Chợ Việt Sam Sen không chỉ là nơi quay về của những Việt kiều dịp cuối tuần, mà là điểm đến của khách du lịch từ Việt Nam sang mỗi khi đặt chân đến đất nước chùa tháp xinh đẹp. Nhiều du khách Thái Lan tìm đến đây để có một trải nghiệm thú vị về ẩm thực Việt, văn hóa Việt.
Xóm Việt ở Bangkok
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20050414/xom-viet-o-bangkok/74412.html
TT - Giữa Bangkok với những xa lộ tầng chồng chất lên nhau, xe hơi nối đuôi nhau chạy suốt ngày đêm... mà vẫn có một phiên chợ theo kiểu chợ vùng cao, vùng nông thôn VN: chợ chỉ họp mỗi tuần một lần vào chủ nhật. Phiên chợ nằm suốt con đường Sam Sen, gần văn phòng của thái tử hoàng gia Thái Lan.
Hàng bánh cuốn nóng ở chợ phiên Sam Sen
TT - Giữa Bangkok với những xa lộ tầng chồng chất lên nhau, xe hơi nối đuôi nhau chạy suốt ngày đêm... mà vẫn có một phiên chợ theo kiểu chợ vùng cao, vùng nông thôn VN: chợ chỉ họp mỗi tuần một lần vào chủ nhật. Phiên chợ nằm suốt con đường Sam Sen, gần văn phòng của thái tử hoàng gia Thái Lan.
Khi chúng tôi đến chỉ mới hơn 7g (giờ hành chính tại Thái Lan bắt đầu từ 8g) mà con đường đã đông ken người, hàng quán bày theo kiểu phố đi bộ với các gánh hàng ăn đã không còn một chỗ ngồi. Người Thái gọi đó là “bang Viet xảm xển” (Sam Sen - NV) - có nghĩa là “con đường nhà Việt”.
Chợ phiên giữa siêu đô thị
Đi suốt chiều dài của chợ phiên, mà tận cùng của nó là xóm nhỏ chừng vài chục nóc nhà của người Việt ven sông Chaopraya, chúng tôi có cảm giác như đang đi trên một con phố ẩm thực nào đó ở Sài Gòn, Hà Nội hay Đà Nẵng...
Nào là phở, hủ tiếu, bánh canh giò heo, cháo lòng... Nào là bánh cuốn, bánh xèo, bánh bột lọc, chạo tôm, bánh bèo... Ghé thăm quán của chị Dỉnh gọi đến mấy món bánh xèo, bánh cuốn, bánh ít trần, gỏi cuốn... thưởng thức, ai cũng phải công nhận mùi vị không khác gì ở quê nhà.
Chị Dỉnh, 38 tuổi, sinh ra ngay tại Bangkok, nhưng chị cho biết quê ở Thái Nguyên, đã có hơn tám năm về Sài Gòn mở quán ăn Thái ở đường Thi Sách. Đó cũng là dịp chị học hỏi làm những món ăn Việt và học tiếng Việt giọng chuẩn Sài Gòn.
Không chỉ người Việt ở thủ đô Bangkok hay các tỉnh miền Trung, miền Nam Thái cứ thành lệ hằng tuần đánh xe về đây ăn uống, mua sắm, mà ngay cả cộng đồng cư dân Việt kiều đông đảo ở vùng đông bắc Thái Lan cũng về họp chợ.Ở gian hàng bán tạp hóa, chúng tôi gặp bác Liên, năm nay đã 73 tuổi, cũng sinh ra trên đất Thái và được xem là người Việt cao niên nhất nơi này.
Bác Liên bảo: “Chợ phiên này có từ lâu đời lắm rồi, chắc cũng phải hơn hàng trăm năm, từ ngày những người Việt đầu tiên tha hương sang đây lập làng và đây là làng người Việt duy nhất còn tồn tại đến bây giờ tại thủ đô nước Thái.
Trước những năm 1960, nơi này có đến hơn 300 gia đình người Việt sinh sống, sau đó do chính sách phân biệt đối xử của chính quyền Thái Lan khi ấy nên có rất đông người Việt bị trục xuất về nước”.Khách vào khá đông để mua hàng tại quầy của chị Bé. Chị là người gốc Lệ Sơn, Quảng Bình, dù sinh ra trên đất Thái nhưng chị vẫn nói giọng xứ cát Quảng Bình. Quầy hàng của chị chuyên bán thực phẩm khô từ chả lụa, chả quế, nem chua cho đến bánh tráng phơi sương, cà pháo, mắm tôm, mắm ruốc...
Chị cho biết: “Một số thực phẩm do ở nhà tự làm lấy, nhưng phần nhiều là do bà con Việt kiều ở vùng đông bắc Thái làm và mang về đây bỏ mối”. “Lạ lắm - chị Bé nói - có người chưa bao giờ về VN, chưa từng ăn món ăn Việt bên nhà, vậy mà khi nếm thử món chả lụa do người Thái làm là họ chê ngay không phải hàng Việt, không mua!”. Con của chị Bé có cái tên khá “tây”: Apple. Ngày chủ nhật Apple ra phụ mẹ bán hàng. Apple chỉ biết tiếng Việt bập bẹ “xin chào... cám ơn”, vậy mà vẫn biết chuẩn xác tên gọi các loại mắm, loại chả.
Em cũng có thể nấu thịt kho hột vịt, canh chua ngon không kém. Chị Bé bảo: “Con này cũng bướng lắm, nó mang quốc tịch Thái nhưng ở trường ai hỏi nó cũng bảo là người Việt”.Càng về trưa, phiên chợ càng sôi động hẳn lên vì không chỉ người Việt, người Thái kéo nhau về dự mà còn có cả những đoàn khách du lịch nước ngoài cũng về đây để thưởng thức các món ăn VN.
Nhiều người cho biết “ăn một lần rồi không thể quên”. Thậm chí các quan chức nhà nước, cảnh sát Thái Lan cũng chọn chợ phiên này làm nơi thưởng thức ẩm thực vào dịp cuối tuần, và họ luôn tự hào vì “tương đối khá giả mới ăn được món ăn VN”.
Cũng phải thôi, vì một gia đình bốn người vào quán ăn Thái chỉ tốn khoảng 200 baht, trong khi muốn ghé quán phở, hủ tiếu, bánh canh giò heo của người Việt phải có ít nhất 400 baht!
Ngôi giáo đường gần 200 năm tuổi của người Việt ở đường Sam Sen
Tiếng chuông nhà thờ đổ ngân nga, các giáo dân người Việt, người Thái ùn ùn đánh xe hơi đến dự lễ ngày chủ nhật... Chị Dỉnh tự hào khoe với chúng tôi: “Nhà thờ ở đây cũng là nhà thờ Việt đấy”.
Trên mái vòm bên ngoài tòa thánh đường có ghi năm khánh thành 1903 và bên trong, trên tường còn nhiều mảng chạm khắc bằng chữ nho.
Nhưng theo quyển kỷ yếu nhà thờ St.Franøois mà chị Dỉnh cất công chạy đi tìm cho chúng tôi thì ghi rõ: ngôi thánh đường này được xây dựng từ năm 1820, thời vua Minh Mạng, và đất để dựng làng, dựng nhà thờ này là do đích thân vua Rama 3 của Thái Lan cấp riêng cho cộng đồng người Việt tại đây.Chúng tôi vào thăm xóm người Việt là những ngôi nhà sàn nằm trên sông Chaopraya. Rất ít người nói được tiếng Việt, nhưng khi biết chúng tôi từ bên nước sang họ rất mừng, và chúng tôi thật sự xúc động khi nhiều người còn mang cả ảnh Bác Hồ ra khoe!
Tháng 7-1928, khi Bác Hồ từ Nga về Quảng Châu, Trung Quốc hoạt động, để tránh sự truy bắt của quân Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ đã tìm đường sang Thái Lan. Bác đã vào sống trong cộng đồng người Việt trên dòng sông Chaopraya này nhiều ngày trước khi về vùng đông bắc Thái chỉ đạo cách mạng VN.
Nhiều người cho biết hồi năm ngoái có một đoàn các nhà làm phim từ Sài Gòn sang đã đến đây quay phim. Hỏi ra mới biết họ đang làm một bộ phim tư liệu về những ngày Bác Hồ hoạt động cách mạng trên đất Thái Lan.
Nhiều người mừng đến rơi nước mắt vì rồi đây bên nước nhà cũng sẽ biết có một cộng đồng người Việt nhỏ bé đang âm thầm sinh sống giữa Bangkok hoa lệ...Chúng tôi thật bất ngờ khi biết những bức ảnh Bác Hồ được treo khá trang trọng trong những ngôi nhà ven sông Chaopraya là do tấm lòng của người bạn đi cùng chúng tôi. Anh tên Sudhep Silpa Ngam, nhưng anh thích mọi người gọi anh bằng cái tên Việt thân mật là Quí.
Anh Quí kể: “Trong dịp về Hà Nội công tác nhiều năm trước, tôi đã tìm đến Bảo tàng Hồ Chí Minh và mua hai tấm chân dung Bác mang về Thái Lan. Tôi đặt thợ làm hàng trăm tấm khảm trên mặt gỗ, hễ có dịp gặp bà con Việt kiều là tôi tặng ngay. Người Việt mà không biết chân dung Bác Hồ thì thật đáng trách!”.
Anh Quí cũng tặng chúng tôi hai tấm chân dung Bác như thế. Nhiều người còn cho biết mỗi khi có đội bóng đá VN sang Thái là gia đình anh Quí với băngrôn, cờ, hoa và cả ảnh Bác Hồ cổ vũ náo động cả một khu khán đài sân vận động...Chúng tôi không thể nào quên câu chuyện cảm động của bác Nam - một Việt kiều ở Bangkok, năm nay đã 67 tuổi. Bác nói tiếng Việt khá khó khăn, bởi quê cha đất tổ ở Hà Tĩnh nhưng bác lại sinh ra và lớn lên ở Bangkok.
Bác Nam kể: “Hồi năm 1997, tôi đã có cơ hội về VN một lần khi một tàu đánh cá Thái Lan thuê tôi đi làm thông dịch. Tàu vào cảng Sông Đốc - Cà Mau độ mười ngày, tôi có xin lên bờ và hỏi đường để đi Hà Tĩnh nhưng ai cũng lắc đầu vì xa quá, thật tiếc quá!”.
Khi biết chúng tôi sắp về VN, bác Nam tìm đến hỏi: “Các anh có sang lại Thái Lan không? Nếu có, làm phiền các anh trước khi sang nhờ ai đó lấy giúp tôi một ít đất ngoài Hà Tĩnh mang sang cho tôi. Mình không về được quê thì có ít đất quê cha đất tổ cũng ấm lòng khi nhắm mắt...”.
BINH NGUYÊN - DUY BÌNH