Theo dấu đảo thiêng - Kỳ 3:
Bí ẩn sau tờ lệnh Hoàng Sa
TT - Một tờ lệnh đi Hoàng Sa năm Giáp Ngọ (1834) của triều đình nhà Nguyễn đã được phát hiện ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) và thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận cách đây hai năm. Cuối cùng, nó đã được tộc họ Đặng ở Lý Sơn trao tặng Bộ Ngoại giao VN. Nhưng phía sau tờ lệnh này còn rất nhiều chuyện để kể...
Là người không sống ở đảo đầu tiên được cầm tờ lệnh Hoàng Sa này, TS Nguyễn Đăng Vũ xúc động đến mức không kìm được nước mắt. Cùng với các nhà sử học như TS Nguyễn Nhã, Nguyễn Quang Ngọc từng tâm huyết nghiên cứu Lý Sơn, ông hiểu đây là một tài liệu có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng.
“Hôm ấy, tôi đang họp thì nhận được cuộc điện thoại đặc biệt. Đặng Tấn Thành, một hậu duệ tộc họ Đặng trên đảo, báo tôi biết có tài liệu quan trọng đã được dòng họ cẩn thận truyền giữ suốt gần 200 năm. Anh muốn tôi kiểm tra lại nội dung có thể ẩn chứa nhiều vấn đề liên quan tổ tiên từng đi Hoàng Sa”.
TS Vũ kể ông đã xúc động bỏ ngang cuộc họp ra tiếp Đặng Tấn Thành. Trước đó, trong những lần điền dã, nghiên cứu Lý Sơn, ông đã biết phong thanh về tài liệu cổ của họ Đặng, nhưng không thể mở được.
Tộc họ Đặng giữ phép tắc tổ tiên truyền lại đúng 20 năm mới được mở tài liệu “gia bảo” một lần. Lần họ mở gần nhất là năm 1989, và mãi đến năm 2009 mới mở tiếp trong một dịp cúng tế tổ tiên. Cầm bản sao của Thành đưa, TS Vũ vội vã đi gặp ngay các bạn bè biết chữ Nho để cùng chuyển ngữ.
“Ai cũng xúc động khi nội dung được dịch ra chính xác là một tờ lệnh của triều đình vua Minh Mạng năm 1834 cử thủy binh Lý Sơn đi thu lượm sản vật ở Hoàng Sa và đo đạc, vẽ bản đồ. Trong đó ghi rõ tên tuổi những người tham gia chuyến này như Đặng Văn Siểm, Võ Văn Hùng, Võ Văn Công, Dương Văn Định, Ao Văn Trâm...
Tờ lệnh cũng ghi rõ cách tổ chức binh thuyền thành hải đội nhiều chiếc, thời gian đi từ mùa biển êm sau tết và nhiệm vụ quan trọng của một số người như Võ Văn Hùng, Đặng Văn Siểm ở Lý Sơn là làm đà công (cầm lái) và dẫn đường”. TS Vũ bồi hồi kể về tờ lệnh mà mình có duyên may mắn được đọc đầu tiên.
Ông đón tàu ra ngay đảo Lý Sơn. Chính tộc họ Đặng cũng bất ngờ vì không nghĩ ông lại ra nhanh vậy. Việc đầu tiên ông làm là thắp nén hương tạ ơn lên bàn thờ tộc, rồi thuyết phục họ cho công bố rộng rãi tài liệu này.
Cả nước biết tin vui. Bộ Ngoại giao vào. Người của Viện Hán Nôm cũng ra Lý Sơn để cùng các cụ cao niên biết chữ Nho ở đảo tham gia chuyển ngữ đầy đủ nội dung tờ lệnh đi Hoàng Sa cổ. Đến giờ, TS Vũ mới đồng ý tiết lộ ông đã phải lên cả một kế hoạch đặc biệt để đưa tài liệu lịch sử này về đất liền an toàn.
“Đến lúc đó rất nhiều phương tiện truyền thông đã công bố rộng rãi cho cả trong nước lẫn quốc tế biết. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải tính đến mọi tình huống bất ngờ xảy ra, kể cả trường hợp bị kẻ xấu tấn công, cướp đoạt hay tàu chìm...”. TS Vũ kể ông đã phải đề nghị huy động cả lực lượng cảnh sát cơ động tỉnh mặc sắc phục lẫn thường phục để áp tải.
Cảnh sát Lý Sơn cũng bố trí thêm lực lượng tham gia bảo vệ. Tờ lệnh Hoàng Sa được cho vào một chiếc cặp kim loại chuyên dụng chống cháy, chống nước và được niêm phong. Nó khóa dính vào tay một cảnh sát cơ động đi giữa nhóm áp tải.
Ngoài bảo vệ cẩn mật, TS Vũ còn cùng tộc họ Đặng tổ chức một lễ cúng trang nghiêm ở nhà thờ tộc trước khi chuyển đi. Ông xúc động nhớ đó là ngày hội đột xuất ở Lý Sơn. Dân đảo tập trung đến xem và tiễn đưa tờ lệnh. Những hậu duệ họ Đặng đi làm ăn xa tận Tây nguyên cũng vội về để tham gia lễ cúng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã ký một giấy khen đặc biệt để tặng lại cùng các bản sao tờ lệnh lồng khung kính cho tộc họ Đặng. TS Vũ tâm sự ông muốn tổ chức sự kiện này thật thành tâm, trang nghiêm để không chỉ xứng đáng với các bậc anh hùng xưa, mà cả hậu duệ ở Lý Sơn cũng vinh dự thấy mình đã làm việc có ý nghĩa với Tổ quốc!
Theo dấu tiền nhân
Suốt nhiều ngày mất ngủ, chỉ đến khi tài liệu đặc biệt này về đến Bộ Ngoại giao an toàn, TS Vũ mới yên tâm. Tuy nhiên, ngay sau đó ông lặng lẽ đi tìm hiểu các nội dung đã được chuyển ngữ trong tờ lệnh cổ.
Người đà công ra Hoàng Sa mang tên Đặng Văn Siểm được xác định là tổ tiên họ Đặng, hoa tiêu dẫn đường Võ Văn Hùng chính là tiền nhân gia tộc Võ Văn ở Lý Sơn, nhưng còn nhiều tên tuổi khác vẫn bí ẩn...
TS Vũ cứ trăn trở cái tên Ao Văn Trâm, người mang họ hơi lạ trong hải đội Hoàng Sa từng được ghi vào chính sử hay tài liệu cổ của các gia tộc. Ông hi vọng tìm hiểu Ao Văn Trâm sẽ lần ra được bao tên tuổi khác có công với nước vẫn bị chìm lấp theo thời gian.
Từ vài dòng chữ phai màu ghi quê ông ở Lệ Thủy Đông Nhị, TS Vũ lần tìm địa chí cổ và phát hiện nó thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn, nay là xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Suốt nhiều ngày TS Vũ chạy xe máy lang thang nghiên cứu địa danh này. Một hôm đến tối mịt, ông tìm ra được cụ Ao Võ, 75 tuổi, ở một ngôi làng cổ đến nay vẫn có tên Lệ Thủy. Nghe ông trình bày nội dung tìm hiểu, cụ già xúc động nói mình chính là hậu duệ của tộc họ Ao đã nhiều đời sinh sống ở đây. Từ khi còn nhỏ, cụ đã được cha ông truyền kể gia tộc sinh sống chính bằng nghề biển, thông thạo ghe thuyền và có tổ tiên từng ra Hoàng Sa. Cụ vừa kể vừa run run lấy thùng tài liệu cổ của gia tộc đã nhiều đời truyền giữ cho TS Vũ xem.
Ông mừng đến rơi nước mắt khi được tận tay lần giở 513 trang giấy cổ, ghi chép lại rất nhiều bí ẩn của tộc họ Ao. Nhiều ngày sau đó, TS Vũ quay lại phỏng vấn cụ Ao Võ và sao chụp tỉ mỉ từng tài liệu cổ để tìm hiểu dòng họ này cùng manh mối Ao Văn Trâm, thủy binh anh hùng từng giong thuyền đi Hoàng Sa.
Đến nay, TS Vũ vẫn đang tiếp tục lặng lẽ giải mã các tiền nhân bí ẩn trong tờ lệnh cổ của họ Đặng. Mỗi lần thắp hương trước các nấm mộ chiêu hồn không hài cốt của những bậc đã hiến dâng sinh mạng cho quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc, ông xúc động tin rằng máu xương tổ tiên sẽ không bao giờ chìm vào quên lãng!
QUỐC VIỆT
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/431456/Theo-dau-dao-thieng---Ky-3-Bi-an-sau-to-lenh-Hoang-Sa.html