Điển Ân, tên thật là Hoàng Đình Ân, sinh năm 1862 tại Ngoại Thôn, xã Ngô Xá, tổng Yên Lễ, huyện Yên Thế (nay là thôn Đức Hiệu, xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) trong một gia đình hiếu học, giàu lòng yêu nước.
Phụ thân của ông là Hoàng Bá San (còn gọi là Vân Sơn) - một yếu nhân đã cùng Tán tương Quân vụ Thân Bá Phức, Đề đốc Tiền quân Hoàng Hoa Thám lập ra Quân thứ Song Yên tại huyện Yên Dũng và Yên Thế, phối hợp với Tam tỉnh Nghĩa đoàn của Nguyễn Thiện Thuật, Nguyên Cao, Ngô Quang Huy hoạt động ở vùng giáp ranh tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Bắc Ninh chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương do vua Hàm Nghi hiệu triệu.
Trong khi phụ thân trở thành phụ tá cho Thân Bá Phức thì Hoàng Điển Ân được giao nhiệm vụ thư ký và điển học của gia đình Hoàng Hoa Thám. Từ những năm 90 của thế kỷ XIX, ông đã được tham gia soạn thảo nhiều thư từ gửi tới nhà đương quyền. Điển hình như Pirates et rebelles au Tonkin (Giặc dã và thổ phỉ ở Bắc Kỳ) của Đại tá Frey in tại Pháp năm 1892; Au Tonkin. La vic aventureuse de Hoang Hoa Tham, chef piate (Ở Bắc Kỳ. Cuộc đời phiêu lưu của Hoàng Hoa Thám, tướng giặc) của Bouchet, in tại Pháp năm 1934.
Theo Hồ sơ số 56292 (RST) của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Hoàng Điển Ân - người theo Hoàng Hoa Thám từ những ngày đầu, sau năm 1897 trở về Ngô Xá một thời gian rồi trở lại với tư cách là Chánh thư ký từ năm 1900, phụ trách giao thiệp với các phần tử bất mãn ở Trung Kỳ, từng đưa Hai Cán - em vợ Ba Đề Thám và Cả Can - vào Thanh Hóa. Trong vai trò như trước đây, Hoàng Điển Ân chính là người viết lời chúc tụng nhân lễ Đại thọ của Hoàng Hoa Thám được tổ chức vào ngày 25 tháng Giêng năm Mậu Thân (26-2-1908). Chính Bouchét trong tác phẩm của mình là người phát hiện ra chủ nhân của áng thi văn nổi tiếng ấy.
Suốt mấy chục năm xông pha chiến trận, Hoàng Điển Ân có nhiều đóng góp to lớn cho cuộc khởi nghĩa Yên Thế nhờ có một tầm nhìn bao quát, biết tiến, biết thoái nhịp nhàng, lý lẽ lúc thâm hậu, khi cao sang. Những con người được ông truyền dạy về chữ nghĩa, trong đó tiêu biểu là Cả Trọng - con trai trưởng của Hoàng Hoa Thám, thông thạo cả Quốc ngữ, chữ Hán và chữ Pháp, ngày đêm nghiền ngẫm tân thư và báo chí đương đại để đem luận bàn về thời thế, phương lược. Dù mới thu thập được một phần những di sản của ông nhưng như thế cũng đủ thấy được tầm vóc của Hoàng Điển Ân với khởi nghĩa Yên Thế.
------------
Nguyễn Đình Cố (Lãnh Nghiêm, 1874-1964), người chịu trách nhiệm xây dựng Trung châu ứng nghĩa đạo trong một hồi ký được lưu tại Bảo tàng lịch sử quốc gia kể lại rằng: "Từ khi thành lập hội và đến khi hội tan vỡ, chúng tôi có khoảng 300 khẩu súng. Số súng này mua ở bên Tàu và qua tay Lương Tam Kỳ. Mỗi khi có súng về đến biên giới, ông Đề Thám báo cho tôi biết, tôi bèn cho người lên biên giới mang về. Ở đây xin nói thêm một chút về sự liên lạc giữa Trung châu ứng nghĩa đạo với Yên Thế do tôi chịu trách nhiệm. Ông Đề Thám có Điển Ân, tức Hoàng Đình Ân, giúp việc. Giấy tờ, sổ sách đều do Điển Ân giữ cả".
Nguyễn Văn Thiệp, tức Cửu Phù Lưu, người chịu mức án 20 năm khổ sai, trong bản cung được lưu cùng hồ sơ số 76414-RST, khai rằng: "Đề Thám cũng liên lạc với những người Việt Nam ở Nhật Bản qua người trung gian là Điển Ân, một người tâm phúc của Đề Thám. Điển Ân rất có ảnh hưởng tới Đề Thám và ông tự nhận là chú của Đề Thám".
Ngay sau khi vụ Hà Thành đầu độc kết thúc, vai trò và sự nghiệp của Hoàng Điển Ân cũng cáo chung. Đề Thám, bà Ba Cẩn và nhiều thủ lĩnh khác cho rằng sự thất bại kể trên là do ông đã làm lộ cơ mưu, tìm cách trì hoãn để kẻ địch dò tìm được manh mối. Lại có người trong Bộ Chỉ huy nghĩa quân cho rằng việc ông thoát khỏi cuộc vây bắt ở Thanh Hóa là do dụng ý của người Pháp sau khi đã khai thác được việc quân cơ. Chính vì những nỗi nghi ngờ ngày càng lớn dần, khiến cho Hoàng Điển Ân đã phải sống những ngày còn lại ở Phồn Xương trong một bi kịch của lòng ghét bỏ và sự gièm pha tàn nhẫn. Ông trở nên đơn độc, cô lập giữa muôn vàn con người xưa vốn là chiến hữu, vào sinh ra tử. Không có một lời an ủi, sẻ chia.
Có một Hoàng Điển Ân đầy tự tin sau bài chúc tụng trong lễ mừng đại thọ của Hoàng Hoa Thám ở căn cứ Phồn Xương đầu năm 1908 nhưng cũng có một Hoàng Điển Ân bơ vơ sau thất bại của vụ Hà Thành đầu độc. Phải chăng vì ông là chủ nhân của những phát kiến vượt ra khỏi tầm thời đại nên việc hứng chịu búa rìu và kết cục cay đắng là chuyện thường tình. Nhưng rõ ràng việc trút bỏ tất cả gánh nặng trách nhiệm lên đôi vai ông là sự bất công vô tận.
Nhưng lịch sử đã từng có những việc như thế. Cuộc đời và kết cục đau đớn của ông chưa đến nỗi như Nguyễn Trãi, sau “Bình Ngô đại cáo” đầy hào sảng là vụ án oan Lệ Chi Viên phải chu di tới ba họ nhưng rõ ràng Hoàng Điển Ân ra đi với hai bàn tay trắng, rốt cuộc không chỉ trắng tay mà còn bị nhúng chàm. Khi quân Pháp mang toàn lực tấn công vào Yên Thế mùa xuân năm 1909, ông bị bỏ lại ở Phồn Xương. Trong cảnh thế cùng lực tận, ông phải ra hàng, ngay lập tức bị đưa về Hỏa Lò (Hà Nội) mang số tù 1762 nhưng điều tiếng vẫn không buông tha. Người ta cho rằng ông là chỉ điểm dù đang bị kìm kẹp trong ngục tối, bị đánh đập và ốm đau đến chết.
http://baobacgiang.com.vn/bg/yen-the/xua-nay/164793/dien-an---kien-truc-su-vu-ha-thanh-dau-doc----ky-2--nha-to-chuc-tai-ba.html