Hà Tây là đất trăm nghề
Được mệnh danh là “đất trăm nghề”, tỉnh Hà Tây hiện có 1.116 làng có nghề truyền thống, trong đó có 160 làng đạt tiêu chuẩn được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề.
Những năm gần đây, nhiều làng nghề trở thành địa chỉ hấp dẫn khách du lịch bởi ngoài nhu cầu mua sắm các sản phẩm đặc thù, độc đáo, có khi là độc nhất vô nhị, khách du lịch còn được tận mắt ngắm và tìm hiểu việc sản xuất, chế tác ra các sản phẩm thủ công truyền thống.
Sơn Nam thượng cùng xứ Đoài xưa, nay là Hà Tây vẫn luôn cùng Thăng Long song hành trên những bước đường văn hoá. Hà Tây vẫn thường trao và nhận cùng Thăng Long bao hiền tài, nghề khéo, nghệ thuật và thi ca.
Kề bên Thăng Long - Hà Nội, Hà Tây không chỉ là nơi có nhiều phong cảnh đẹp, nhiều lễ hội, nhiều sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc và có nhiều làng vui chơi, làng ca hát nức tiếng cả nước mà còn là đất trăm nghề. Các nghề có nguồn gốc từ quê hương Hà Tây đã thâm nhập đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội - một trung tâm văn hoá lâu đời và tiêu biểu của văn hoá người Việt ở đồng bằng Bắc bộ.
Hà Tây là tỉnh có nhiều làng nghề nổi tiếng cả nước. Sản phẩm của các làng nghề cổ truyền của Hà Tây cũng đã có mặt ở Thăng Long từ rất sớm. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thừa Hỷ thì hai thế kỷ XVII và XVIII, “với cuộc di cư của các thợ thủ công từ các làng chuyên nghiệp thuộc các trấn lân cận về hành nghề tại Kẻ Chợ, số lượng các tiểu chủ - thương nhân ở đây đột ngột tăng lên” (Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX. Hội Sử học Việt Nam, Hà Nội, 1993, tr.140).
Người thợ thủ công Hà Tây nói riêng, thợ tứ trấn nói chung trên hành trình hội nhập với Thăng Long thường là theo các bước sau: Bán hàng - Mở xưởng - Lập làng, lập phố.
Bán hàng là bước mở đầu của mỗi làng nghề thủ công truyền thống. Đưa hàng ra Kinh bán là nhằm hội nhập, thử sức trong một thị trường mới vừa rộng lớn, vừa khó khăn đòi hỏi sự vươn lên rất lớn của mỗi phường buôn, hay mỗi làng nghề. Ngay từ rất sớm ta đã thấy có các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ của Hà Tây được lưu thông trên thị trường Thăng Long - Hà Nội. Chỉ tính riêng mặt hàng dệt được mang tới từ La Cả, La Khê, Đại Mỗ, Vạn Phúc... cũng đã thấy được hàng hóa Hà Tây đã chiếm lĩnh thị trường Hà Nội như thế nào.
Từ việc bán hàng, những người thợ thủ công Hà Tây đã tính không cần đem nguyên vật liệu từ Kinh về quê mình nữa, cũng không phải đem hàng hóa, sản phẩm từ làng quê mình ra Kinh nữa, mà họ làm nghề và bán hàng ngay tại Kinh đô. Nhiều xưởng được mở ra, ngay tại kinh đô, hoặc các vùng ven đô. Việc mở những xưởng ngay tại kinh đô có ảnh hưởng nhất định trong việc thúc đẩy sự phát triển của nghề thủ công cổ truyền ở Thăng Long.
Từ chỗ Thăng Long Hà Nội chỉ là nơi bán hàng, có thể theo các phiên chợ có bán các mặt hàng, thời gian lưu lại kinh không nhiều, quan hệ giữa những người cùng đến đây là phường hội, theo kiểu “buôn có bạn bán có phường”; đến khi đặt xưởng mở lò ngay tại Kinh, quan hệ thêm gắn bó qua các tổ chức phường hiệp, nghề cổ truyền Hà Tây đã thâm nhập vào Thăng Long trong một diện mới.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, những người thợ thủ công Hà Tây đã tính đến chuyện lập làng ở Kinh và cùng định cư sinh sống lâu dài tại Thăng Long. Đến khi ấy, quan hệ giữa những người làm nghề còn sâu sắc hơn nữa, trong mối quan hệ văn hoá. Những người thợ thủ công quần tụ bên nhau, làm thành các làng, các phố nghề. Tại đây họ đã cùng nhau xây dựng những nhà thờ tổ nghề (thường cũng là vị thành hoàng làng họ ở bản quán), rước chân nhang từ nơi quê nhà về Kinh để thờ vọng tổ nghề. Việc thờ cúng tổ nghề cũng gắn liền với việc tổ chức các lễ hội, các sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc. Lại có những phố nghề tổ chức thường xuyên việc rước xách từ làng quê cũ ra Kinh, mà dân phường thêu ở phố Yên Thái (có gốc từ làng Quất Động, Thường Tín) là một ví dụ khá tiêu biểu.
13 nghề thủ công Hà Tây trên đất Thăng Long - Hà Nội
Theo các nhà nghiên cứu thì tại Hà Nội đã có các nghề thủ công sau có nguồn gốc từ Hà Tây. Đó là các nghề sau:
Nghề thêu gốc ở các làng Quất Động, Hướng Dương, Đào Xá, huyện Thường Tín. Nghề thêu do cụ Lê Công Hành sáng lập khoảng năm 1650. Nơi cư trú của các nghệ nhân thêu là các thôn Tự Tháp, Yên Thái. Nay là khu vực phố Yên Thái, và cuối phố Hàng Trống. Tại số 2A Yên Thái còn di tích Tú Đình thị là gian bán hàng của thợ thêu thưở xưa.
Nghề làm lọng gốc ở thôn Đào Xá, huyện Thường Tín cũng do cụ Lê Công Hành sáng lập. Nơi cư trú của người làm lọng là thôn Khánh Thuỵ Hữu, Vĩnh Xương, xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm hiện nay.
Nghề mộc, đồ gỗ: gốc ở làng Liễu Viên (làng này còn nổi tiếng có nhiều con gái đẹp), làng Phượng Dực, huyện Thường Tín. Nghề này bắt đầu có từ cuối thế kỷ XVIII. Dân làng mộc cư trú tại Trang Lâu mà nay là khu vực phố Lò Sũ.
Nghề tiện có nguồn gốc làng Nhị Khê, huyện Thường Tín do cụ Đoàn Tài. sáng lập vào thế kỷ XVIII. Dân nghề tụ họp quanh các khu phố Tả Khánh Thuỵ, Hàng Tiện, Tô Tịch. Nay là các phố Hàng Hành, Hàng Gai, Tô Tịch Giờ đây ở số nhà 11 Hàng Hành còn có Nhị Khê vọng từ thờ tổ nghề.
Nghề sơn có gốc ở các làng Bình Vọng, Hà Vỹ, huyện Thường Tín. Nghề này do cụ Trần Lô lập nên vào thế kỷ XIX. Xưa dân nghề sơn cư trú tại phố Cổ Vũ. Nam Ngư, nay thuộc phố Hàng Hòm. Nay còn miếu thờ Tổ nghề vẽ sơn là Trần Lô.
Nghề chạm khảm có gốc ở làng Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, do Nguyễn Kim sáng lập ra vào khoảng thế kỷ XIX (nhưng theo thần tích ở Chuyên Mỹ thì nghề khảm do cụ Trương Công Thành thời Lý sáng lập). Người làm nghề khảm cư trú tại làng Cựu Lâu (nay là phố Hàng Khay).
Nghề làm bồ có gốc từ các làng Ngọc Trục, Đại Mỗ, huyện Hoài Đức. Người làm nghề tụ họp ở phố Xuân Hoa mà nay là Hàng Bồ.
Nghề làm nón xuất phát từ làng Chuông (Phương Trung), huyện Thanh Oai, Nay khu vực Hàng Nón chính là nơi tụ tập của người làm nón xưa.
Nghề làm quạt chính gốc làng Vác(Canh Hoạch), huyện Thanh Oai. Ngoài nổi tiếng về nghề làm quạt, làng Vác còn nổi tiếng bởi làng sinh ra hai vị Trạng nguyên, cũng là hai cậu cháu với nhau. Nơi cư trú của người làm quạt ở Hàng Quạt, Lương Văn Can. Nay còn di tích Xuân Phiến thị ở số 4 Hàng Quạt.
Nghề rèn có gốc từ làng Đơ, thị xã Hà Đông. Nghề rèn tập trung ở khu Đồng Xuân – Bắc Qua.
Nghề may áo dài có gốc ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện ứng Hòa, được lập ra từ đầu thế kỷ XX. Thợ may áo dài tụ hội quanh khu vực phố Cầu Gỗ, Lương Văn Can. Những người thợ may áo dài có nguồn gốc từ Trạch Xá đều lấy tên cửa hiệu bắt đầu bằng chữ Trạch.
Nghề làm giò chả bắt nguồn từ làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Những người làm nghề giò chả tập trung ở khu phố Lê Văn Hưu, Lý Quốc Sư hiện nay.
Nghề làm ảnh là một nghề mới mẻ ở Việt Nam. Làng nghề nhiếp ảnh duy nhất nước ta là làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức. Nghề do cụ Nguyễn Đình Khánh (Nguyễn Văn Xuân ) sáng lập đầu thế kỷ XX. Các hiệu ảnh gia truyền ở Hà Nội đều tôn vinh tổ nghề và hàng năm lại về Lai Xá để giỗ tổ nghề.
Tìm hiểu nghiên cứu về các làng nghề Hà Tây nói riêng, các làng nghề khắp nơi có mặt tại Thăng Long nói chung, cũng như diễn biến, sự phát triển của nó trong lịch sử không chỉ có ý nghĩa như một nghiên cứu hồi cố, đi sâu vào việc biểu dương ca ngợi cái đẹp, cái dụng công công phu của nghề cổ truyền mà còn làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế xã hội cho thủ đô và các tỉnh xung quanh Hà Nội. Hiểu sâu về nghề truyền thống cũng là tìm hướng giải quyết mối quan hệ hài hòa và tác động qua lại tích cực giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, giữa truyền thống và hiện đại...
Tìm hiểu mọi khía cạnh của làng nghề, phố nghề ở Thăng Long - Hà Nội là đã tìm hiểu về văn hoá, xã hội của một Hà Nội cổ, làm cơ sở cho việc xây dựng và phát triển thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng ta.
(em cóp nhặt)